Những người trẻ tìm đường về với lịch sử

15/09/2021

Internet đã mở ra một đại dương thông tin, nơi mà niềm đam mê lịch sử của người trẻ dần tích tụ thành những con sóng ngầm, để rồi trỗi dậy và ngày càng mạnh mẽ.

Từ những đam mê giản dị

Còn nhớ khoảng thời gian những năm 2010-2011, các tựa game khai thác chủ đề lịch sử Việt Nam như Thuận Thiên Kiếm hay 7554 bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là 7554, khi nhà sản xuất chi tới 17 tỉ đồng để phát triển và cũng nhận được ít nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà lịch sử đối với nhiều người vẫn chỉ là một bộ môn bắt buộc phải học trên nhà trường, những trò chơi này đã không níu giữ được các game thủ dưới góc nhìn về game nói chung, và đành sớm nói lời chia tay vì doanh thu không được như kỳ vọng.

Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

Cùng xuất phát từ lòng yêu thích lịch sử và khát khao tạo ra thương hiệu thuần Việt, nhưng những tựa game này có lẽ đã không gặp thời. Chúng xuất hiện quá muộn về mặt công nghệ - khi nhiều game quốc tế đã có chỗ đứng mạnh mẽ trong lòng cộng đồng game thủ, nhưng lại quá sớm về mặt nội dung, khi chưa hình thành được một cộng đồng lớn mạnh những người ham thích, quan tâm và trao đổi về lịch sử dân tộc.

Bước qua ba năm nữa, cuối năm 2014, hạt giống cho một cộng đồng những người trẻ yêu thích lịch sử bắt đầu nảy mầm, đó là sự xuất hiện của hội nhóm Đại Việt Cổ Phong trên Facebook. Khởi nguồn từ một nhóm các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hoá cổ Việt Nam và có mong ước tái hiện lại văn vật của nước Việt xưa, đến nay, hội đã có gần 150 nghìn thành viên tham gia.

Theo lời kể của Ngọc Huyền, một trong những thành viên đặt nền móng cho nhóm, ban đầu họ gặp nhau trên một forum của những người yêu văn hóa cổ, thích vẽ trang phục cổ. Từ trang phục, họ bắt đầu muốn tìm hiểu cả những phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của người Việt xưa. Để quảng bá rộng hơn cho dự án đầu tiên của mình, họ quyết định mở một hội nhóm trên Facebook với cái tên vẫn giữ cho đến ngày nay: Đại Việt Cổ Phong.

Logo của Đại Việt Cổ Phong

Logo của Đại Việt Cổ Phong

Cái tên có hai chữ Đại Việt cũng thật nhiều ẩn ý. Bởi “Đại Việt” là tên gọi của nước ta trong phần lớn chiều dài lịch sử từ khi giành độc lập sau nghìn năm Bắc thuộc, cho tới trước khi được thay đổi bởi nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng. Mặc dù đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự hình thành nền văn hóa Việt tiếp nối đến ngày nay, thời kỳ mang tên Đại Việt trong chương trình lịch sử phổ thông chỉ được tái hiện với hàng loạt những trận đánh chống ngoại xâm, những mốc thời gian, những vị anh hùng… nhưng người Việt lúc đó có đời sống tinh thần như thế nào, giao lưu văn hóa bằng cách gì, sự phát triển của xã hội ra sao thì lại rất ít được quan tâm. Khô khan qua những con số và thiếu kết nối với bản thân đã khiến cho môn lịch sử trở thành “ác mộng” với nhiều thế hệ học sinh.

Phát triển nội dung để lan tỏa

Sau nhiều ý tưởng thất bại do thiếu tư liệu, thiếu kinh nghiệm, thiếu người có đủ khả năng để thực hiện, nhóm Đại Việt Cổ Phong cuối cùng cũng mãn nguyện khi trình làng chiếc áo giao lĩnh thời Lê với những đường nét, kỹ thuật may đo gần nhất với những gì vốn có hàng trăm năm trước. Dĩ nhiên, với hình ảnh khác lạ chưa từng xuất hiện trong chương trình lịch sử phổ thông, cộng với tâm thức đã quen thuộc với chiếc áo dài hay áo tứ thân, sản phẩm ngay lập tức đã tạo nên luồng tranh luận. Người khó chịu vì những chi tiết giống với trang phục của người láng giềng phương Bắc, Trung Quốc. Người bất ngờ và cảm thấy thú vị vì trang phục Việt xưa hóa ra phong phú hơn họ tưởng và cũng không thua kém gì những trang phục đẹp mắt mà họ đã nhìn quen trong các bộ phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Áo giao lĩnh của Đại Việt Cổ Phong

Áo giao lĩnh của Đại Việt Cổ Phong

Từ trang phục thời Lê, cộng đồng bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn sang cả trang phục thời Lý, thời Trần, thời Mạc, thời chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Từ kiểu dáng, màu sắc, họ bắt đầu đào sâu hơn tới những hoa văn, họa tiết. Một thành viên nhóm lúc đó là họa sĩ Cù Minh Khôi tham gia một dự án phim cổ trang đã nhận thấy việc tìm kiếm hoa văn cổ cho trang phục Việt rất khó khăn, vì chưa có ai quan tâm nên trên mạng tràn ngập hoa văn Trung Quốc, nếu không thì cũng ảnh hưởng từ những trang phục sân khấu tuồng, chèo. Do đó, năm 2015, nhóm ra mắt dự án Hoa Văn Đại Việt dưới hình thức gây quỹ cộng đồng. Và thật bất ngờ, họ gây quỹ thành công. Gạt qua trắc trở với những chuyến điền dã về nhiều vùng miền, đến những ngôi đền-chùa cổ, đến viện bảo tàng, tham khảo chuyên gia, dự án cuối cùng đã cho ra mắt 250 mẫu vector hoa văn mang đặc trưng văn hóa Việt, mở bung cánh cửa cho những người làm sáng tạo, văn hóa Việt Nam.

Empty
Empty
Empty
Trong sự kiện ra mắt Hoa Văn Đại Việt

Trong sự kiện ra mắt Hoa Văn Đại Việt

Những thắc mắc, những cuộc thảo luận ngày một nhiều, với tính chuyên sâu ngày càng cao đã tạo tiền đề để từ cộng đồng Đại Việt Cổ Phong sinh ra nhiều trang, nhóm khác. Có thể kể đến: Thủ Phất Thanh Đài với những bộ ảnh theo chủ đề tái hiện không khí cổ xưa, Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi chuyên biệt về chủ đề hậu cung của các triều đại Việt Nam, Bắc Hà Thương Quán về lễ nghi, lối sống miền Bắc, Đại Nam Hội Quán về phong tục, bản sắc miền Nam, Tầm Chương Trích Cú trích dẫn những áng văn thơ hay trong lịch sử, v.v.

Một số người yêu sử có thế mạnh về mỹ thuật đã biết kết hợp hai điều này lại và cho ra đời những fanpage với “content” về lịch sử hợp thời, nét vẽ thu hút giới trẻ. Ví dụ như Dainamball, dùng hình ảnh những quả bóng tượng trưng cho mỗi triều đại để kể chuyện lịch sử, hay Anh Hoàng, với nhân vật trung tâm là một vị vua Việt Nam cùng nhiều nhân vật khác trong hoàng tộc được minh họa theo cách đáng yêu, từ đó kể những câu chuyện về lịch sử cũng như lễ nghi trong triều đình, của quốc gia.

Một số nhân vật của fanpage Anh Hoàng

Một số nhân vật của fanpage Anh Hoàng

Một số người khác có thể mạnh về kể chuyện, đã dùng kiến thức và câu từ mang đến những câu chuyện lịch sử ngắn theo cách thức của những cuốn tiểu thuyết hay phim truyền hình. Những cái tên nổi bật có thể điểm tới là Phạm Vĩnh Lộc, Dũng Phan hay fanpage Lạc ngắm nhân gian. Trong câu chuyện của họ, những nhân vật lịch sử có đời sống cá nhân, có suy nghĩ, có quá trình hành động, tất cả được tái hiện trước mắt độc giả dưới lăng kính cá nhân, mang đậm cá tính bản thân người kể. Nói dễ hiểu hơn, họ đã nêm nếm cho lịch sử một chút drama, mà drama thu hút khán giả truyền hình như thế nào, chúng ta đều có thể thấy.

Như vậy, cùng với những trang, nhóm về lịch sử chiến trận truyền thống, những fanpage về văn hóa, lễ nghi nổi lên đã kiến tạo một hệ sinh thái tìm hiểu lịch sử đa dạng từ chủ đề cho tới cách tiếp cận.

Phản biện để hoàn thiện

Phạm Vĩnh Lộc, như liệt kê ở trên, là một cái tên thu hút đông đảo người đọc, dù chỉ qua những bài viết trên trang Facebook cá nhân. Cách kể sử Việt của Lộc khiến người ta nhớ lại cái cách mà họ từng say mê, thích thú với Tam Quốc Diễn Nghĩa, với Thủy Hử, Hỏa Phụng Liêu Nguyên… Nó thú vị nhưng cũng rất dễ khiến người kể mất kiểm soát, “trật bánh” khỏi đường ray sự thật. Sau buổi nồng ấm ban đầu với những comment ồ à thán phục, độ thu hút càng tăng thì càng có thêm những comment phản biện cách nhìn của tác giả. Đó là lúc ta biết, những người được truyền cảm hứng lịch sử kia không còn đơn thuần là kẻ tiếp nhận như thuở ban đầu. Họ đã có tìm hiểu và có góc nhìn của riêng mình.

Những phản biện càng được thổi bùng lên khi cây viết họ Phạm khởi xướng dự án boardgame Sử Hộ Vương và mang nó đến chương trình Shark Tank. Ý tưởng về những nhân vật lịch sử Việt Nam được “trẻ hóa” và “cải tiến” dưới nét vẽ manga Nhật Bản đã không thuyết phục được ban giám khảo và nhận về làn sóng phản đối lớn trên cộng đồng mạng. Những cố gắng của Lộc dù cho kết quả là gì, cũng đã khiến sự quan tâm về lịch sử được nhân rộng thêm một chút, cũng khiến những người trẻ bên cạnh quan tâm lịch sử còn phải đem ra bàn luận xem: lan tỏa lịch sử như thế nào? giới hạn nào trong việc quảng bá lịch sử?

Phạm Vĩnh Lộc và cộng sự gọi vốn trên Shark Tank

Phạm Vĩnh Lộc và cộng sự gọi vốn trên Shark Tank

Dự án boardgame Sử Hộ Vương

Dự án boardgame Sử Hộ Vương

Hơn 10 năm trước, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long được phê duyệt sản xuất và kỳ vọng công chiếu vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi và lo sợ, bộ phim đành chịu xếp kho cho tới ngày nay. Tranh cãi là ở việc bộ phim phụ thuộc quá nhiều vào bối cảnh và ekip của Trung Quốc, lo sợ là khi phim công chiếu sẽ bị phản đối bởi chính những yếu tố ngoại lai này. Những tín hiệu phản đối có thể nhìn thấy manh nha qua báo chí thời điểm đó cho thấy nỗi lo sợ là có cơ sở. Hoàn cảnh lúc đó, khán giả Việt với những hiểu biết gói gọn trong chương trình lịch sử phổ thông và trải nghiệm tiếp xúc với phim cổ trang Trung Quốc trong thời gian dài cũng khó có thể có cái nhìn tích cực về phim. Nhưng vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà sản xuất phim đã hé lộ một số đoạn trích trên các nền tảng mạng xã hội và nhận về những phản hồi vô cùng cởi mở. Đó là kết quả ta có thể nhận thấy khi những người quan tâm sử nhờ môi trường mạng xã hội đã có thời gian tìm hiểu, phản biện lẫn nhau.

Từ chỗ đóng khung mọi hình ảnh minh họa lịch sử Việt Nam trong chiếc áo dài, các tác phẩm vẽ minh họa gần đây đã cho thấy nhiều tìm tòi, đưa hình ảnh về đúng với thời kỳ của nó như ấn bản Lĩnh Nam Chích Quái kỷ niệm 50 năm của NXB Kim Đồng hay series hoạt hình dài kỳ “Khát vọng non sông” trên VTV1. Nhiều nhà đầu tư phim điện ảnh cũng mạnh dạn chi tiền cho những dự án phim sử dụng trang phục thời Lý-Trần-Lê bất chấp e ngại tranh cãi như “Trạng Quỳnh”, “Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp”, “Táo Quậy”… Tà áo Nhật Bình, trang phục của các mệnh phụ triều Nguyễn, xuất hiện ngày càng nhiều trong các bộ ảnh cá nhân, dẫn đầu cho xu hướng may và cho thuê cổ phục với những cái tên như Đông Phong, Ỷ Vân Hiên, V-Style, Great Vietnam… Bản đồ và nền văn minh Việt Nam cũng đã xuất hiện trong nhiều game quốc tế lớn như Civilization 6 hay Age of Empires II. Tất cả những điều này chứng tỏ tập khán giả có quan tâm và có hiểu biết về lịch sử đã đủ lớn.

Trang phục thời Lê và Nguyễn tại một lễ hội trường của Đông Phong - một xưởng may được mở bởi các bạn trẻ

Trang phục thời Lê và Nguyễn tại một lễ hội trường của Đông Phong - một xưởng may được mở bởi các bạn trẻ

Thương hiệu Ỷ Vân Hiên, được nhiều bạn trẻ, người lớn tuổi và các nghệ sĩ nổi tiếng yêu thích

Thương hiệu Ỷ Vân Hiên, được nhiều bạn trẻ, người lớn tuổi và các nghệ sĩ nổi tiếng yêu thích

Một tour tham quan tại Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)

Một tour tham quan tại Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)

Dưới sự quản lý của một nhóm admin trẻ, fanpage của Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò từ khoảng cuối năm 2020 đã trở thành một hiện tượng mạng. Với nội dung đơn giản nhưng bất ngờ, dí dỏm, người đọc được truyền cảm hứng và thay đổi hẳn cách nhìn về một di tích Cách mạng vốn gắn liền với đau thương và những bài giảng bất tận về chiến tranh. Mỗi một bài đăng đều có thể quan sát thấy bình luận của những người rủ nhau tới tham quan. Từ đây lại cho thấy, những người trẻ với tư duy mới, đam mê và khát vọng đã đem tới những thách thức cho cách dạy và học sử truyền thống. Tuy nhiên, với nhiều hạn chế về tài chính và thẩm quyền, sức lan tỏa của làn sóng sử học trẻ liệu sẽ vươn tới được đâu? Hy vọng là đủ để đánh thức những ông lớn truyền thông, những nhà quản lý giáo dục và văn hóa.

QT
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES