Ngày 1/7/2025 đã đi vào lịch sử Việt Nam như một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của một cấu trúc hành chính mới tinh gọn và hiệu quả. Sự kiện này, được ví như một "cuộc cách mạng", đã chính thức khép lại giai đoạn chuẩn bị và triển khai các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về việc sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy, và thực hiện chính quyền địa phương hai cấp.
Đây không chỉ là một sự thay đổi về mặt hành chính mà còn là một bước đi chiến lược, định hình lại không gian phát triển bền vững cho đất nước, hướng tới một nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

1/7/2025: Ngày hội non sông và bước ngoặt lịch sử
Việc sáp nhập, tinh gọn và thực hiện chính quyền địa phương hai cấp là một trong những thành quả nổi bật nhất của công cuộc đổi mới kể từ năm 1986. Trong buổi lễ trang trọng được tổ chức đồng loạt tại 34 tỉnh, thành trên cả nước, các Nghị quyết và Quyết định liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, cũng như thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chính thức được công bố và triển khai.
Những thay đổi này không chỉ dừng lại ở việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị mà còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn: đó là một cuộc "sắp xếp lại giang sơn", nhằm tối ưu hóa không gian phát triển, xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 1/7/2025 sẽ đi vào lịch sử cải cách bộ máy nhà nước Việt Nam như một dấu mốc mang tính đột phá và kiến tạo, cũng như lịch sử xây dựng và phát triển đất nước nói chung.
Theo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, tổng cộng 23 tỉnh, thành mới đã được hình thành sau khi sắp xếp lại 52 đơn vị hành chính cũ. Cùng với 11 tỉnh, thành phố giữ nguyên không thay đổi, kể từ ngày 1/7/2025, cả nước sẽ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh.
Cụ thể, 19 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc Trung ương được hình thành sau quá trình sắp xếp. Các tỉnh, thành phố không nằm trong diện sắp xếp bao gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sơn La, cùng với thành phố Hà Nội và thành phố Huế.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương thực hiện mọi công tác chuẩn bị cần thiết để đảm bảo chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025. Đồng thời, chính quyền địa phương tại các tỉnh, thành phố trước sắp xếp vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi chính quyền địa phương mới được thành lập và đi vào vận hành.

Đây không đơn thuần là một cuộc sắp xếp lại địa giới hành chính hay một bước tinh giản bộ máy theo nghĩa hẹp, đồng thời khẳng định bản lĩnh chính trị, tầm nhìn chiến lược và tư duy cải cách hiện đại của Đảng
Với chính quyền địa phương 2 cấp sau đây, các đơn vị cấp xã sẽ có một trung tâm hành chính công và người dân đến đây để giải quyết tất cả nhu cầu về hành chính. Phần lớn các dịch vụ hành chính công đã được đưa lên mạng, được số hóa, thực hiện trên nền tảng số.
Việc sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để hiện thực hóa mô hình mới này không chỉ là một hành động chính trị mạnh mẽ, mà còn thể hiện tầm nhìn cải cách nhất quán của Đảng và Nhà nước, của Tổng Bí thư Tô Lâm với định hướng rõ ràng: đặt người dân vào trung tâm, đặt hiệu quả lên hàng đầu và đặt lợi ích phát triển quốc gia – dân tộc lên trên mọi lợi ích cục bộ.

Đây còn là một bước ngoặt mang tính tư duy chiến lược về thể chế: chuyển từ mô hình phân tầng hành chính nhiều cấp sang mô hình gọn nhẹ, linh hoạt, hiệu lực và gần dân hơn
Một thời kỳ mới đang mở ra: thời kỳ của quản trị nhà nước theo nguyên tắc hiện đại, của một bộ máy tinh gọn để vươn mình phát triển và của một nền hành chính hành động, dám chịu trách nhiệm và phụng sự nhân dân một cách thiết thực.
Cải cách thể chế, xét đến cùng, không phải để thay đổi cấu trúc vì chính nó, mà để phục vụ người dân tốt hơn, hiệu quả hơn, và gần gũi hơn. Những đổi mới bắt đầu từ ngày 1/7/2025 không chỉ là sắp xếp lại bộ máy nhà nước, mà còn là tái định hình mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân – theo hướng đồng hành, phục vụ và chia sẻ trách nhiệm.
Với đội ngũ cán bộ công chức phải không ngừng được nâng cao năng lực, thích nghi với cơ chế mới. Bên cạnh đó là việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, đảm bảo chính quyền cơ sở có đủ thẩm quyền và chủ động phục vụ người dân hiệu quả.