Điểm tên 8 "làn gió mới" về lịch sử dành cho giới trẻ

28/09/2021

Vào các kênh thông tin sử Việt đang "hot" hiện nay, nhìn lượt tương tác từ người xem mới thấy, hóa ra không phải người trẻ đang thờ ơ với lịch sử nước nhà mà ngược lại, họ còn rất quan tâm. Hãy cùng Travellive điểm qua 8 kênh nội dung về sử Việt với cách truyền tải mới mẻ, hữu ích, hứa hẹn sẽ biến bạn thành một "follower" trung thành!

Tưởng chừng sức hút của công nghệ và các nội dung giải trí sẽ khiến các bạn trẻ ngần ngại tiếp cận với những kiến thức sử học mang tính chuyên sâu, hàn lâm, thế nhưng, những người làm sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội lại đang chứng minh điều ngược lại rằng: Nếu biết cách khai thác và truyền tải một cách thú vị, các nội dung lịch sử cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ. Dưới đây là 8 minh chứng.

1. Fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Hoạt động trên Facebook gần 4 năm, cho đến khoảng cuối năm 2020, Fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò bỗng trở thành một "hiện tượng" mới, là nơi ghé thăm và nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả. Hiện tại Fanpage đã có hơn 47 nghìn lượt theo dõi với tần suất đăng tải đều đặn mỗi ngày. Có thể nói, lần đầu tiên một kênh truyền thông về lịch sử Việt Nam nhận được nhiều tương tác từ các bạn trẻ đến vậy. Cách tiếp cận hóm hỉnh, nội dung được cố vấn bởi đội ngũ có chuyên môn khiến Di tích Nhà tù Hỏa Lò trở nên vô cùng gần gũi với công chúng.

Series #onthisday (ngày này năm xưa) về phong trào bình dân học vụ.

Series #onthisday (ngày này năm xưa) về phong trào bình dân học vụ.

Các nội dung của Fanpage được chia làm 2 phần: bài đăng chuyên môn và bài đăng tương tác. Đối với bài đăng chuyên môn, Di tích Nhà tù Hỏa Lò có đội ngũ giáo dục - nghiên cứu - sưu tầm cung cấp tư liệu chuyên sâu hoặc bài viết để đăng trên trang; còn những bài đăng tương tác do đội ngũ truyền thông trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, tất cả các nội dung đều được kiểm duyệt và chọn lọc kỹ lưỡng trước khi đăng tải.

Fanpage chọn cách truyền tải kiến thức lịch sử qua nhiều hình thức đa dạng như: kể chuyện lịch sử kết hợp với hình ảnh minh hoạ có thẩm mỹ cao, xây dựng series giới thiệu hiện vật, đặc biệt là sáng tạo meme - một xu hướng hóm hỉnh đang được giới trẻ yêu thích. Dễ nhận thấy, các nội dung trên trang Di tích Nhà tù Hỏa Lò tương đối đa dạng, được “trẻ hoá” từ những kiến thức hàn lâm và nhận về lượng tương tác không hề kém cạnh các Fanpage giải trí lớn hiện nay.

Fanpage sử dụng hình ảnh minh họa hóm hỉnh

Fanpage sử dụng hình ảnh minh họa hóm hỉnh

Một

Một "meme" được sử dụng để minh họa câu chuyện lịch sử

Không dừng lại ở đó, mới đây Di tích Nhà tù Hoả Lò cũng cho ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify và Apple Podcast nhằm tăng mức độ tiếp cận và mang lại trải nghiệm đa giác quan cho khán giả.

2. Fanpage DAINAMBALL

DAINAMBALL thành lập từ 2018, lấy cảm hứng từ Countryballs - một meme được tạo ra cuối năm 2009 tại Ba Lan - là những mẩu truyện mà trong đó mỗi quốc gia trên thế giới được thể hiện bằng một nhân vật có dạng hình tròn mang quốc kỳ của quốc gia đó. Những mẩu truyện Countryballs thường nói về lịch sử, địa lý, quan hệ ngoại giao, phong tục tập quán và quảng bá văn hoá với cộng đồng. Nhân vật chính của Fanpage là DAINAMBALL, được vẽ trên nền cờ Long Tinh Kỳ, đại diện cho nước Đại Nam từng tồn tại trong lịch sử.

Đội ngũ sáng tạo nội dung đã sử dụng hình vẽ những quả bóng, tượng trưng cho mỗi triều đại để kể chuyện lịch sử.

Đội ngũ sáng tạo nội dung đã sử dụng hình vẽ những quả bóng, tượng trưng cho mỗi triều đại để kể chuyện lịch sử.

Đội ngũ sáng tạo nội dung của trang đã sử dụng hình vẽ những quả bóng tượng trưng cho mỗi triều đại để kể chuyện lịch sử. Những “thế lực chính trị” trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam như triều đại Tây Sơn, Lê, Trịnh, Nguyễn, Mạc… dưới sự sáng tạo của DAINAMBALL đều được ẩn dụ trong dáng vẻ của những quả bóng, kết hợp với những mẩu truyện có lời thoại vô cùng "bắt trend". Đội ngũ truyền thông đã mang đến cách tiếp cận thú vị, mới mẻ hơn cho những độc giả đã quá nhàm chán với việc đọc lịch sử bằng chữ.

Với phương châm: Lịch sử không hề “nhạt”, nếu có thể, hãy thêm tí “muối” vào lịch sử theo cách của bạn, DAINAMBALL đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ trên nền tảng mạng xã hội Facebook với 43 nghìn người theo dõi, các bài đăng đều nhận được tương tác cao - trên 1 nghìn lượt yêu thích.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Truyện về gia đình của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai có 3 con trai làm vua.

Truyện về gia đình của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai có 3 con trai làm vua.

Truyện thi cử của vua Nguyễn Minh Triết.

Truyện thi cử của vua Nguyễn Minh Triết.

3. Youtube Đuốc Mồi

Youtube Đuốc Mồi được thành lập bởi nhóm bạn trẻ đam mê văn hóa, lịch sử và muốn cống hiến nhiệt huyết của mình cho các dự án cộng đồng. Nhóm đã đặt tên kênh là Đuốc Mồi với ý nghĩa "lan tỏa tri thức giống như đuốc mồi, bản thân chúng ta không mất gì cả mà tất cả mọi người cùng sáng". Những ngọn lửa tri thức mới sẽ được cháy rực trên ngọn đuốc, để lan tỏa và đập tan những định kiến về việc học lịch sử là khô khan, nhàm chán.

Một trong những dự án thành công nhất của Đuốc Mồi phải kể đến Việt Sử Kiêu Hùng - dự án phi lợi nhuận với sứ mệnh kết nối những giá trị lịch sử của dân tộc với thế hệ người trẻ Việt, thông qua hình thức phim dã sử diễn họa (animation). Việt Sử Kiêu Hùng tái hiện những trận chiến oai hùng, những nhân vật lịch sử tiêu biểu hay những câu chuyện còn nhiều bí ẩn trong lịch sử Việt Nam. Dự án trải dài từ 2017 đến 2020 đã gây quỹ được 2,5 tỷ đồng, hoàn thành tổng cộng 270 phút phim với 22 tập phim lớn nhỏ. Hiện nay, Đuốc Mồi cũng cho ra mắt kênh Youtube riêng của Việt Sử Kiêu Hùng.

Dự án phi lợi nhuận Việt Sử Kiêu Hùng với sứ mệnh kết nối những giá trị lịch sử của dân tộc với thế hệ người trẻ Việt.

Dự án phi lợi nhuận Việt Sử Kiêu Hùng với sứ mệnh kết nối những giá trị lịch sử của dân tộc với thế hệ người trẻ Việt.

Empty
Empty

Rất nhiều video và bộ phim dã sử Việt được Đuốc Mồi tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa giữa những sự kiện lịch sử hào hùng và sự đặc sắc của nghệ thuật. Hình họa trong video chủ yếu theo phong cách cổ trang sống động và công phu, kết hợp với lối dẫn truyện sắc bén và hào hùng của nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi. Tất cả các video đều được trau chuốt về nội dung, kỹ thuật, hình ảnh và âm thanh, không quá để nói là chạm ngưỡng phim điện ảnh. Kênh Đuốc Mồi chắc chắn sẽ giúp bạn thêm yêu và tự hào với những chiến công oai hùng, vẻ vang mà cha anh ta đã ghi dấu, thông qua sự đam mê và tâm huyết mà nhóm tác giả gửi gắm qua từng sản phẩm.

4. Đàm đạo lịch sử - youtube Tuấn Tiền Tỉ

Mặc dù Tuấn Tiền Tỉ là kênh tổng hợp về nhiều chủ đề khác nhau, nhưng có một danh sách phát mà bạn không nên bỏ qua là Đàm Đạo Lịch Sử - một chuyên mục lên sóng trên kênh lúc 21h Chủ nhật hàng tuần. Mặc dù nổi tiếng trên mạng xã hội với vai trò diễn viên hài, streamer, BLV game, Phí Anh Tuấn - chủ nhân kênh Tuấn Tiền Tỉ gần đây nhận được thiện cảm đặc biệt từ công chúng khi cho ra mắt series về lịch sử này.

Các video lịch sử mà kênh đề cập đến chủ yếu xoay quanh hai cuộc chiến tranh khốc liệt là chống Pháp và chống Mỹ, tuy nhiên anh tập trung khai thác những sự kiện ít xuất hiện trên sách giáo khoa, giảng đường. Những video của Tuấn Tiền Tỉ không chỉ kể lại câu chuyện lịch sử đơn thuần mà trong đó ta thấy được góc nhìn đa chiều từ các nhân vật có thực trong lịch sử. Bởi mỗi số phát hành, anh đều dành nhiều thời gian, tâm huyết chuẩn bị như đến gặp các nhân vật là chiến sĩ, bộ đội từng tham gia những trận chiến oanh liệt xưa; đến di tích lịch sử hay các bảo tàng để xin thông tin, xác thực.

Empty
Empty

Với lối kể hấp dẫn, cách sử dụng từ ngữ trẻ trung, lôi cuốn người nghe, các video trên kênh đều nhận được lượt xem cao, có những series đạt 6-7 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận tích cực từ khán giả. Bằng cách xây dựng nội dung thú vị, qua mỗi tập bạn sẽ hiểu thêm về "cuộc đấu trí" cam go giữa ta và địch trong những cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc.

5. FANPAGE cổ vật tinh hoa

Cổ Vật Tinh Hoa là một trang Fanpage chuyên chia sẻ những bức ảnh quý và tư liệu lịch sử của Việt Nam và thế giới qua các thời kỳ. Nội dung được chia sẻ trên trang chủ yếu là những thông tin và hình ảnh về các điểm di tích lịch sử, báu vật, cổ vật, tiền giấy, trò chơi dân gian, văn hóa cổ xưa... trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Các tư liệu hình ảnh đều được giữ nguyên bản trắng đen, mang đến cho độc giả một góc nhìn chân thực và gần nhất với thực tế đã diễn ra.

Hình ảnh Tết Trung thu ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20.

Hình ảnh Tết Trung thu ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20.

Empty

6. fanpage ẤM CHÈ

Ấm Chè là nghệ danh và là tên Fanpage chính thức của họa sĩ Phan Thanh Nam, thành viên của nhóm Đại Việt Cổ Phong. Họa sĩ mang đến một hướng tiếp cận lịch sử thú vị qua những tranh vẽ sáng tạo. Fanpage được đông đảo những người yêu lịch sử - đặc biệt là những người trẻ tuổi theo dõi.

Ấm Chè khai thác những tranh ảnh về nhân vật, sự kiện, câu chuyện trong dòng sử Việt. Hình ảnh những cẩm y vệ Đại Việt được khắc họa rõ nét từ những bức tượng khô cứng, một Đức Thánh Trần uy nghi, hùng dũng hay hình ảnh Ông kẹ, Ma cà rồng, Ông nghè hóa cọp... trong dân gian Việt Nam được tái hiện sinh động hơn bao giờ hết. Những dũng tướng nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn, các binh lính thời Trần, thời Lê, Bà Triệu... bước ra khỏi thế giới lịch sử qua những bức vẽ, hình ảnh mà chúng ta từng khó thấy được ở đâu khác.

Ấm Chè khắc họa hình ảnh những nhân vật, sự kiện lịch sử cùng những câu chuyện đằng sau.

Ấm Chè khắc họa hình ảnh những nhân vật, sự kiện lịch sử cùng những câu chuyện đằng sau.

7. Board game Kinh lược - ngũ hành games

Board game cũng là vùng đất để sáng tạo nội dung lịch sử vô cùng độc đáo, khi có thể lồng ghép những kiến thức hàn lâm vào trò chơi giải trí. Yêu thích nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam, Tuệ Mẫn và Thiện Toàn - chủ nhân của studio sản xuất và sáng tạo board game Ngũ Hành Games, đã cho ra mắt 3 tựa game về Việt Nam bao gồm: Lên Mâm, Hội Phố và Kinh Lược 1698. Đặc biệt, bộ Kinh Lược 1698 là board game lấy cảm hứng từ quá trình khai hoang mở cõi của dân tộc vào thế kỷ 17. Năm 1698, thống suất Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh chúa Nguyễn tiến vào khai hoang vùng đất phương Nam. Với Kinh Lược 1698, người chơi sẽ vào vai một viên quan Cai bộ, hỗ trợ Nguyễn Hữu Cảnh, vận dụng tài năng của mình để quy hoạch vùng đất Gia Định nổi tiếng chằng chịt kênh rạch, cá sấu, thú rừng và đầy rẫy nguy hiểm trở thành một nơi an cư lạc nghiệp cho dân lưu tứ xứ.

Kinh Lược 1698 có cách chơi đơn giản như domino, dành cho từ 2-4 người chơi, trong khoảng thời gian từ 30 đến 45 phút. Tất cả các thẻ phát triển của bộ game là những khu vực Rừng, Ruộng, Cảng, Chợ lấy cảm hứng từ vùng đất Gia Định xưa. Khi chơi board game này, bạn như được quay về thời điểm 1698, cùng Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược khu vực Sài Gòn, biến đầm lầy nơi đây thành phố thị náo nhiệt, phát triển rực rỡ cho đến ngày nay.

8. đại việt kỳ nhân

Đại Việt Kỳ Nhân là dự án cộng đồng được xây dựng nhằm mục đích lan truyền ngọn lửa đam mê tìm tòi, nghiên cứu lịch sử đến hầu hết các độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Dự án được thể hiện thông qua bộ tranh minh họa và board game lấy cảm hứng từ các anh hào của dân tộc.

Các bộ tranh minh họa sẽ được thực hiện và công bố theo nhóm, mỗi nhóm có từ 16-18 nhân vật, ứng với từng giai đoạn lịch sử. Ở mỗi nhóm, các nhân vật đều được lựa chọn kĩ càng nhằm tạo sự hài hòa về tính chất văn, võ, chức vị, giới tính, công trạng... Còn bộ board game Đại Việt Kỳ Nhân được lấy ý tưởng từ trò chơi truyền thống Karuta của Nhật Bản, với 100 lá bài cho mỗi bộ. 50 lá in hình các kỳ nhân, phần còn lại in thông tin khái quát tương ứng với từng nhân vật. Mỗi người chơi sẽ phải nhìn và ghi nhớ tất cả các lá bài, để khi trọng tài đọc lên một thông tin bất kì, người chơi phải tìm được lá bài nhân vật lịch sử vừa được miêu tả. Bằng cách này, người chơi có thể dễ dàng ghi nhớ hình ảnh, thông tin và các cột mốc lịch sử quan trọng gắn liền với từng vị kỳ nhân.

Empty
Empty
Board game Đại Việt Kỳ Nhân.

Board game Đại Việt Kỳ Nhân.

tạm kết

Vào các trang mạng xã hội của nhiều kênh sử Việt, đọc các bình luận từ người xem, mới thấy không phải người trẻ đang thờ ơ với lịch sử nước nhà, mà ngược lại còn rất quan tâm và yêu thích. Tuy nhiên, vẫn còn đó một thực trạng chung là: hầu hết các dự án đều xuất phát từ đam mê của cá nhân/nhóm/tổ chức tự phát nên đôi khi vẫn không thể tránh khỏi một số "sạn" về kiến thức chuyên môn, cũng như chưa được đầu tư về nhân lực, kinh phí nên còn gặp rất nhiều khó khăn trên hành trình truyền bá lịch sử.

Đồng thời, vẫn có nhiều người cho rằng lịch sử và sáng tạo là hai phạm trù dễ xảy ra "xung đột" về cách tiếp cận. Song, sáng tạo về lịch sử không phải là biến tấu các sự kiện, nhân vật trong lịch sử, mà là sáng tạo hình thức truyền tải nguồn thông tin ấy để kích thích đam mê khám phá và tìm tòi của công chúng. Nhìn vào phản ứng tích cực từ giới trẻ trong thời gian một năm gần đây đối với bộ môn tưởng chừng khô khan này, ta có thể lạc quan tin rằng nhiều nhà sáng tạo nội dung đang đi đúng hướng.

Huyền Châu - Ảnh: Internet
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES