Cửu đỉnh và ước mơ về sự hùng mạnh của nhà Nguyễn (Phần 1)

24/09/2021

Tương truyền, ngày xưa khi vua Vũ (đời nhà Hạ) chia thiên hạ ra làm 9 châu, sai lấy đồng ở từng châu đem đúc thành 9 cái đỉnh, cho khắc những phong cảnh đặc trưng của các châu đó lên 9 đỉnh, rồi đặt 9 cái đỉnh này tại kinh đô nhà Hạ. Cửu đỉnh trở thành biểu tượng cho quyền uy của chính quyền phong kiến, cũng như sự thống nhất của quốc gia.

Ý tưởng và quá trình chế tạo

Vua Minh Mạng - vị vua thứ hai của triều Nguyễn - theo sử ghi lại, từ nhỏ đã thích văn học cổ điển và say mê truyền thống, ông là một vị vua mang tư tưởng Nho giáo. Sau khi lên ngôi và hoàn thiện việc xây dựng Kinh thành đang còn dang dở của vua cha Gia Long, vua Minh Mạng muốn học theo người xưa, đúc Cửu đỉnh để khẳng định quyền uy của vương triều.

Sách Đại Nam thực lục chính biên thuật lại, mùa đông, tháng 10, năm Ất Vị (Ất Mùi - 1835) vua Minh Mạng xuống dụ chỉ sai đúc Cửu đỉnh cho triều Nguyễn của mình. Dụ có đoạn viết: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu... Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc.” - Đời Tam đại ở đây là chỉ nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu bên Trung Quốc thời cổ.

Cửu đỉnh trước Thế Miếu

Cửu đỉnh trước Thế Miếu

Cửu đỉnh được khởi công vào cuối năm 1835 (tháng 10 Ất Mùi, từ 20/11 đến 19/12/1835) và được khánh thành ngày 1/3/1837, nhưng thực tế công việc chế tạo Cửu đỉnh chia làm hai giai đoạn. Việc đúc 9 chiếc đỉnh được bắt đầu từ cuối năm 1835 (niên hiệu Minh Mạng thứ 16) và hoàn thành vào tháng 6 năm 1836 (niên hiệu Minh Mạng thứ 17). Sau đó tiếp tục đến công đoạn sửa chữa, chạm, khắc lại chi tiết các hình ảnh trên thân Cửu đỉnh - công việc này kéo dài đến tháng 3 năm 1837 mới xong.

Một số đặc điểm của Cửu đỉnh

Mặc dù 9 chiếc đỉnh có hình dáng chung tương đối giống nhau: có 3 chân, thân bầu tròn, cổ thắt, miệng loe và đều có 2 quai, nhưng thực ra mỗi chiếc đỉnh đều có những nét riêng.

Về bộ quai, các đỉnh Cao, Nhân, Dụ và Huyền có cặp quai hình vuông. Tuy nhiên, cặp quai Cao đỉnh hơi lượn góc chứ không vuông vức như 3 đỉnh còn lại. Trong khi đó các đỉnh Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên lại có cặp quai hình chữ U với hai góc bo tròn, nhưng giữ chúng cũng có điểm khác biệt: quai của Chương - Nghị đỉnh tiết diện tròn; quai Anh đỉnh tiết diện vuông; quai Thuần đỉnh hình bện thừng; quai Tuyên đỉnh tiết diện tròn nhưng có tạo gờ dọc thân. Các miệng đỉnh ở Thuần đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh có hình cong với tiết diện ¼ đường tròn, còn các đỉnh khác có miệng hình trụ tròn với gờ vuông ở mặt bên ngoài.

Một số chi tiết khác biệt giữa các đỉnh về bộ quai, cổ và miệng đỉnh

Một số chi tiết khác biệt giữa các đỉnh về bộ quai, cổ và miệng đỉnh

Về các cổ đỉnh, chỉ Cao đỉnh và Dụ đỉnh có cổ dựng thẳng, các đỉnh còn lại đều có cổ cong hình lòng máng. Đáy các đỉnh cũng không giống nhau. Nhân đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh có đáy tương đối bằng - trong đó đáy Nghị đỉnh còn có phần hơi lồi lên bên trong - các đỉnh còn lại có đáy cong chỏm cầu. Bộ chân của các đỉnh đều hơi cong, riêng Dụ đỉnh có bộ chân thẳng.

Trên thân mỗi đỉnh đều được chạm khắc nổi 17 hình về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí..., tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trọng lượng các đỉnh từ 3.200 cân ta (1.935 kg) của chiếc nhẹ nhất là Huyền đỉnh, cho tới 4.307 cân (2.601 kg) của chiếc nặng nhất là Cao đỉnh. Chiều cao (tới miệng đỉnh) đều ở khoảng 1,9 m - 2 m, trong đó cao nhất là Cao đỉnh (2,02 m) và thấp nhất là Anh đỉnh (1,83 m).

Vị trí đặt Cửu đỉnh

Cửu đỉnh được đặt trước sân Thế Miếu, ngay sau Hiển Lâm Các. Trong đó Cao đỉnh ở chính giữa, cao lên phía trước các đỉnh khác 3 m, trên trục thần đạo chạy từ Hiển Lâm Các đến gian giữa của Thế Miếu - nơi đặt khám thờ vua Gia Long - với ý tôn vinh vị vua sáng lập triều Nguyễn. Cao đỉnh tượng trưng cho sự vĩ đại.

Cao đỉnh đặt ở giữa, nhích lên khoảng 3 m về phía trước so với các đỉnh còn lại

Cao đỉnh đặt ở giữa, nhích lên khoảng 3 m về phía trước so với các đỉnh còn lại

Từ Thế Miếu nhìn ra, bên trái của Cao đỉnh lần lượt là Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh; bên phải lần lượt là Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh.

Nhân đỉnh đối diện với án thờ vua Minh Mạng, Chương đỉnh dối diện với án thờ vua Thiệu Trị, Anh đỉnh đối diện với án thờ vua Tự Đức, Nghị đỉnh đối diện với án thờ vua Kiến Phúc, Thuần đỉnh đối diện với án thờ vua Đồng Khánh, Tuyên đỉnh đối diện với án thờ vua Khải Định, Dụ đỉnh đối diện với án thờ vua Hàm Nghi, Huyền đỉnh đối diện với án thờ vua Duy Tân.

Ý nghĩa của Cửu đỉnh

Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ cho biết, năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mạng thứ 18, vào mùa xuân, tháng Giêng, ngày Quý Mão (1/3/1837) Cửu đỉnh được đặt theo hàng lối tại sân Thế Miếu. Sách viết: “Trong một năm thì làm xong. Lệnh truyền ra cho các cơ quan thẩm quyền chọn ngày lành để đặt đỉnh sau khi đã tắm gội sạch sẽ (còn nền thì dùng đá tảng)”. Ngày đại lễ đặt đỉnh, đích thân vua Minh Mạng trực tiếp chủ trì lễ bái ở Thế Miếu.

Có thể thấy, vua Minh Mạng rất đề cao Cửu đỉnh. Đối với nhà vua, uy quyền của vua là do Trời ủy thác cho một người (vua) để trị vì dân chúng. Các đỉnh hướng lên trời chính là để đón nhận sự ủy thác đó - vì vậy thân đỉnh phải to rộng. Các đỉnh, vì thế tượng trưng cho quyền lực hợp pháp của nhà vua.

Bởi vậy, trước khi tiến hành đặt các đỉnh vào Thế Miếu, nhà vua đã yêu cầu phải “tắm gội sạch sẽ” cho các đỉnh, thậm chí sau khi đúc xong phần thô, vua cũng cho làm lễ cúng tạ ơn. Khi cho đặt các đỉnh, vua Minh Mạng muốn các đỉnh phải có bộ đế thật vững chắc để không bị chút rung động nào, bởi nó tượng trưng cho sự yên ổn và bền vững của ngôi vua. Vì vậy, để của Cửu đỉnh được dùng bằng đá tảng vững chãi.

Cửu đỉnh được đặt ngay sau Hiển Lâm Các, trước sân Thế Miếu

Cửu đỉnh được đặt ngay sau Hiển Lâm Các, trước sân Thế Miếu

Với chức năng là báu vật tượng trưng cho sự bền vững của đế nghiệp triều Nguyễn, vua Minh Mạng khi đặt tên cho các đỉnh đều có hàm ý. Về sau, thụy hiệu của các vua Nguyễn đều được đặt theo tên các đỉnh.

Cao đỉnh chính là thụy hiệu của vua Gia Long, Nhân đỉnh là thụy hiệu của vua Minh Mạng, Chương đỉnh là thụy hiệu của vua Thiệu Trị, Anh đỉnh là thụy hiệu của vua Tự Đức, Nghị đỉnh là thụy hiệu vua Kiến Phúc, Thuần đình là thụy hiệu của vua Đồng Khánh, Tuyên đỉnh là thụy hiệu của vua Khải Định.

Các vua Dục Đức, Hiệp Hòa bị phế truất và giết; vua Hàm Nghi cùng cha con vua Thành Thái, Duy Tân chống Pháp, bị phế truất và lưu đày; vua Bảo Đại thoái vị… không được đặt tên miếu hiệu và thụy hiệu. Vì vậy Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không trở thành thụy hiệu của vị vua nào.

Từ Hiển Lâm Các nhìn về Cao đỉnh và Thế Miếu

Từ Hiển Lâm Các nhìn về Cao đỉnh và Thế Miếu

Cửu đỉnh - ngoài việc thể hiện ước mơ của vua Minh Mạng và các vua Nguyễn về sự bền vững, hùng mạnh của triều Nguyễn - còn là những tác phẩm mỹ thuật xuất sắc của các nghệ nhân xưa.

Thật may mắn, trong gần 200 năm qua, trải qua nhiều chiến tranh, thiên tai, Cửu đỉnh vẫn nguyên vẹn ở vị trí ban đầu và trở thành di sản văn hóa quý hiếm, có giá trị của Huế cũng như Việt Nam.

Nam Hoa
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES