Miền Trung đang chuyển dần từ cái nóng hầm hập của mùa hè sang cái se se của mùa mưa bão, của áp thấp nhiệt đới. Mọi người bắt đầu “đổ xô” nhau đi mua nấm tràm bởi hồi tháng 6, 7, giá mỗi cân nấm cũng đã là 40-50 ngàn, giờ đây chỉ còn tầm 20-30 ngàn mà thôi.
Không phải lúc nào cũng có, nấm tràm thường rộ vào mùa thu. Khi chuyển mùa, xứ Huế thỉnh thoảng có mưa rồi lại hửng nắng, khiến vùng đất bán sơn địa trồng keo, tràm, tai tượng ẩm ướt. Cứ sau vài ba ngày mưa, người dân ở những vùng này lại rủ nhau vào rừng hái nấm tràm, mà đúng hơn là nhặt nấm vì nó la liệt khắp nơi.
Nấm tràm chỉ mọc trong thời gian ngắn. Bào tử nấm tràm phát tán trong tự nhiên, khi gặp trận mưa xuống tạo độ ẩm thích hợp thì tạo mầm thành cây nấm trưởng thành. Thế nên vừa rồi khi cơn bão số 5 tràn qua Huế, nhiều chị, nhiều mệ vẫn chờ trời hửng là vào rừng để nhặt nấm cho kịp buổi chợ sáng. Người dân ở những vùng có nhiều nấm đùa vui gọi nấm tràm là nấm “lộc trời” ban cho, không trồng mà chỉ có hưởng bởi mỗi mùa, mỗi gia đình có thể nhặt được đến vài ba tạ để mang ra chợ bày bán.
Người Huế vốn đã nổi tiếng vì sự cầu kỳ trong căn bếp, chỉ với “lộc trời” mà trong bữa ăn gia đình họ cũng đã xuất hiện vô vàn món chế biến đặc sắc từ nấm tràm, như nấm tràm kho tiêu, canh tập tàng nấm tràm, cháo nấm tràm, nấm tràm um tôm thịt... (Vào mùa lạnh mà có tô cháo nấm tràm rắc thật nhiều tiêu thì khỏi cần ngồi bếp than!). Để giảm bớt vị đắng của nấm, người nội trợ sẽ rửa nấm qua nước muối trước khi chế biến, cũng như chần (trụng) sơ qua nước sôi để loại bỏ độc tố vốn có trong mọi loại nấm.
Nguồn “lộc trời” này không kéo dài, mỗi đợt chỉ tối đa khoảng dăm bảy ngày. Nấm đẹp vào những ngày đầu mưa, nhưng nếu mưa kéo dài vài ngày là nấm thối nhũn. Cứ hết một đợt thu hái nấm tràm, người dân chờ ngày nắng lại lên hong khô đất và đám lá mục để cho đợt nấm sau phát triển. Bởi vậy, du khách nào đến Huế mà được thưởng thức các món ngon với nấm tràm thì cũng là một điều may mắn trong chuyến hành trình của mình.