Triển lãm bộ sưu tập tranh đồ sộ nhất của danh họa Lưu Công Nhân

23/08/2017

Tưởng niệm 10 năm ngày mất của danh họa Lưu Công Nhân - Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) sẽ chính thức khai mạc Triển lãm “Nét” với bộ sưu tập tranh đồ sộ nhất từ trước đến nay, mở cửa từ 25/8 - 24/9 tại VCCA, B1-R3 Vincom Royal City, Nguyễn Trãi, Hà Nội

“Nét” là triển lãm cá nhân đầu tiên sau năm 1975 của danh họa Lưu Công Nhân, do VCCA phối hợp cùng Gallery 39 tổ chức nhằm mang đến cho công chúng một trong những đại diện tiêu biểu của trường phái hiện thực trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. 

 

 

Thiếu nữ mùa xuân - Sơn dầu trên toan - 81x100cm. Nguồn ảnh: Tư liệu của G39 và nhà sưu tập

“Nét”gồm hơn 50 tác phẩm của danh họa được lựa chọn từ hơn 400 bức thuộc bộ sưu tập tranh Lưu Công Nhân lớn nhất hiện nay do nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng sở hữu. Các tác phẩm được giới thiệu tại “Nét” thuộc nhiều nhóm đề tài trong đó, có những tác phẩm nổi tiếng thuộc các thể loại chân dung thiếu nữ, khoả thân (nude) trên các chất liệu đa dạng như sơn dầu, giấy dó, bột mầu, phấn sáp, mầu nước, ký hoạ than chì... Đặc biệt, tại Triển lãm, công chúng sẽ được thưởng lãm một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Lưu Công Nhân là “Bình dân học vụ” (tranh sơn dầu khổ 160 x 130cm, vẽ năm 1955). 

Bên cạnh bộ sưu tập của Nguyễn Phúc Hưởng là chủ đạo, đây cũng là cơ hội hiếm hoi để công chúng chiêm ngưỡng tác phẩm “Những cô gái công trường” của Lưu Công Nhân hiện thuộc bộ sưu tập của Apricot. 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Tĩnh vật hoa (1993) - Bột mầu trên giấy - 41x52cm. Nguồn ảnh: Tư liệu của G39 và nhà sưu tập

 

 

Đi cấy (1960) - Sơn dầu trên toan - 81x100cm. Nguồn ảnh: Tư liệu của G39 và nhà sưu tập

Trong khuôn khổ của triển lãm “Nét”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương - giám tuyển triển lãm cũng sẽ có buổi chia sẻ với công chúng về phong cách nghệ thuật của “bậc thầy màu nước” Lưu Công Nhân, những ảnh hưởng của ông tới mỹ thuật Việt và kỷ niệm của cố họa sĩ vào ngày 29/8.

Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật khoá kháng chiến tại Việt Bắc (1950-1953), Lưu Công Nhân (1931-2007) là một trong những học trò xuất sắc nhất của danh họa Tô Ngọc Vân. Ông cũng được cho là chịu ảnh hưởng từ họa sỹ người Pháp Auguste Renoir (1841 – 1919) với quan niệm của về phong cách biểu hiện, luôn đề cao vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt là vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ.  

 

 

Ảnh chân dung họa sĩ Lưu Công Nhân. Nguồn ảnh: Tư liệu của G39 và  nhà sưu tập

Vẻ đẹp trong tranh Lưu Công Nhân luôn tổ hợp hai yếu tố duyên dáng “quê mùa”, bình dị mộc mạc với hào hoa, sang trọng, hiện đại dù là vẽ sơn dầu trên vải hay màu nước trên giấy. Ông đã góp phần định hình nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trên bản đồ thế giới với các tác phẩm tham dự triển lãm quốc tế tại Vienne Biennal V (1959), Prague (1960), Berlin (1964), Bucarest (1968, 1960), Paris (1980)...  Những tác phẩm của danh họa Lưu Công Nhân được Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đánh giá là “tiếp nối cái trữ tình của hội họa Đông Dương bằng nét hiện thực lạc quan của Kháng chiến”.  

Những tác phẩm của ông đều góp phần vào phong trào lớn của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Ông đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quí như Giải thưởng Nhà Nước (đợt I – 2002), Giải thưởng triển lãm toàn quốc 1951 – 1960, Giải thưởng triển lãm quốc tế Vienne 1959, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng III, Huân chương chống Mỹ hạng I, Huân chương Lao động hạng I, Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật...

Triển lãm “Nét” sẽ diễn ra từ ngày 25/8 đến hết ngày 24/9/2017 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), B1-R3 Vincom Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội (mở cửa tự do). Đây là sự kiện đầu tiên thuộc dòng Triển lãm Giáo dục (Public Exhibition) bên cạnh dòng Triển lãm Ý niệm (Conceptual Exhibition - với triển lãm đầu tiên là “Season 1: Tỏa”) sẽ liên tục được tổ chức tại VCCA. Nếu triển lãm Ý niệm là chuỗi các thực hành nghệ thuật mang tầm vóc khu vực và quốc tế thì Triển lãm Giáo dục đem tới cho công chúng cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các nghệ sĩ bậc thầy, thành danh hoặc triển vọng của hội họa Việt Nam.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES