Xem kỵ sĩ vùng cao đua ngựa

14/03/2013

Từ lâu, đua ngựa thồ đã trở thành nét văn hóa độc đáo của các đồng bào vùng cao mỗi dịp xuân về

Nằm trong chương trình Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ hai huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, tổ chức trong 2 ngày 9-10/3 đua ngựa thồ là trò chơi thu hút được người xem nhiều nhất bởi sự độc đáo và đặc sắc của nó.
Đua ngựa thồ không chỉ thể hiện nét hoang sơ, mộc mạc của một trò chơi truyền thống vùng cao mà cách chơi của nó cũng mang đậm tinh thần thượng võ.
Có mặt tại đây mới thấy hết được bầu không khí náo nhiệt của ngày hội. Dù còn khá sớm nhưng già, trẻ, gái, trai từ khắp các bản làng gần xa đã nô nức kéo đến sân đua để chọn chỗ theo dõi trò chơi được mong chờ từ lâu.
Trên đường đua, những chàng trai Mông dũng cảm, tự tin nài ngựa trong tiếng hò reo phấn khích của khán giả. Người điều khiển ngựa là những nông dân “chân đất,” ngồi trên con ngựa thồ không có yên, không bàn đạp chân, chỉ có dây cương làm từ thừng bện.
Sức hấp dẫn của cuộc đua chính là không ai có thể đoán được thắng thua bởi ngựa đua là những con ngựa thường ngày, chủ yếu đi lại trên nương, trên ruộng nên rất khó điều khiển.
Chính bởi đặc điểm này mà người ta mới gọi đây là hội đua ngựa “thồ”
Tuy nhiên, cũng có những pha tăng tốc, nước rút như một cuộc đua ngựa chuyên nghiệp.
Người ngồi trên ngựa, cầm dây cương nhưng điều khiển cũng không hề đơn giản. Có con trước lúc đua rất dễ bảo, nhưng vào đường đua thì chôn chân đứng im hoặc chạy ngược, chạy xuôi. Mặc dù đã kết thúc vòng đua nhưng có chú ngựa lại chạy “khuyến mãi” thêm hai vòng nữa khiến khán giả sững sờ mà cười hào sảng.
Vòng nguyệt quế dành cho kỵ sĩ dũng cảm và chú ngựa chiến thắng.
Qua hội đua này, người Mông muốn thể hiện vào đây một niềm tin, tinh thần lạc quan đối với lao động, sản xuất, đồng thời cũng thể hiện tinh thần thượng võ của những người con Tây Bắc.
Đua ngựa ở Lai Châu vui không kém gì ở Bắc Hà, Si Ma Cai đâu. Những người tham gia hội đua đều cho rằng thắng thua không quan trọng, điều được là mọi người có niềm vui, có một sân chơi thú vị mỗi dịp đầu năm.
Xung quanh không gian lễ hội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Những trò chơi dân gian như múa khèn, bắn đá, đánh tù lu, giã bánh dày, thi kéo co, chơi cù, đẩy gậy... cũng thu hút rất đông bà con đến thưởng thức. Khu triển lãm ảnh, khu trưng bày hiện vật thường ngày của đồng bào Mông thu hút số lượng lớn người tham quan.
Tham gia lễ hội không chỉ có đồng bào Mông mà còn có nhiều đồng bào dân tộc khác trên địa bàn Lai Châu. Chính điều đó đã thúc đẩy tình đoàn kết đồng bào các dân tộc, góp phần tham gia tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở thôn, bản vùng cao còn nhiều khó khăn.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES