Du lịch Huế theo phong cách nhiếp ảnh gia Thiên Minh

21/02/2022

Hầu hết du khách đến Huế vẫn thường chọn dạo quanh kinh thành - lăng tẩm, hay đi xa hơn tới những đầm phá và bãi biển. Vậy "lộ trình" du lịch Huế của một chàng nghệ sĩ thì có gì khác? Hãy thử cùng Travellive khám phá cố đô theo cách của nhiếp ảnh gia Vương Thiên Minh - biết đâu bạn sẽ có nguồn cảm hứng mới cho chuyến đi của mình.

Chia sẻ với Travellive, Thiên Minh cho biết đây mới là lần thứ hai anh du lịch Huế, và chuyến đi khởi đầu năm Nhâm Dần của anh kéo dài 7 ngày. "Chuyến đi 7 ngày này rất đặc biệt, giúp tôi hiểu và yêu Huế hơn. Một phần cũng vì trong chuyến đi tôi được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người Huế đang sống ở đây".

Nhiếp ảnh gia Thiên Minh tiết lộ thêm rằng, các bức ảnh trong chuyến đi được anh chụp bằng camera điện thoại (chứ không phải những bộ máy ảnh chuyên nghiệp). Có lẽ cũng vì thế mà khung cảnh Huế, qua ghi chép của anh, vừa lãng đãng nên thơ, lại vừa gần gũi và chân thực.

Empty

Bạn đã sẵn sàng cùng Thiên Minh dạo một vòng Huế chưa?

Đón những cơn mưa xuân

Dĩ nhiên, không ai muốn du lịch trong những ngày mưa. Bởi vậy mà du khách đến Huế thường sẽ chọn thời điểm vùng đất bước vào mùa khô, tuy cái nắng cũng gắt gỏng giòn giã, bù lại tránh được những cơn mưa dầm dề.

Nhiếp ảnh gia Thiên Minh đến Huế vào đầu tháng Giêng, đồng nghĩa anh phải đón cả những cơn mưa xuân. Song qua con mắt một người yêu thích Huế, đó chẳng phải sự cản trở.

"Nghe nói 'đặc sản' Huế là mưa phùn, giờ tôi mới được trải nghiệm. Ngày nào cũng mưa. Lạ thay cái thành phố Huế, nắng thì đẹp mà mưa còn... đẹp hơn".

Empty
Empty
17da2ff95a14964acf05

Tảo bộ trên con đường di sản

"Một cách khám phá Huế của tôi là đi bộ dọc con đường Chi Lăng. Đây là khu phố Tàu, có nhiều nhà cổ theo kiểu Huế mà trong mắt tôi, chúng mang vẻ e lệ, sâu lắng và rất hấp dẫn".

Con đường Chi Lăng mà nhiếp ảnh gia Thiên Minh nhắc đến nằm về phía đông kinh thành Huế, thuộc địa phận ba phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu. Nếu nói đến di sản cố đô Huế, chúng ta sẽ nghĩ đến những lăng tẩm và kinh thành triều Nguyễn, thì ở con đường Chi Lăng nhỏ bé này lại mang đậm dấu ấn của người Hoa xưa.

Đầu thế kỷ 19, khi Huế trở thành kinh đô của nước Việt (dưới thời Nguyễn), rất đông người Hoa đã tập trung đến khu phố phía đông kinh thành để làm ăn, sinh sống. Chi Lăng từ đó trở thành nơi có cộng đồng người Hoa nhiều nhất ở Huế, với vô số công trình kiến trúc đã được họ xây dựng một cách công phu: đền Chiêu Ứng, chùa Bà, chùa Quảng Đông, Hội quán Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến,...

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

"Đa phần những ngôi nhà cổ ở đây đều có sân vườn. Nhà nào cũng có những gốc mai cổ thụ già, mưa xuân rơi lất phất, hoa rơi đẹp nao lòng".

Empty
Empty
Empty

Cũng theo như Thiên Minh gợi ý, con đường Chi Lăng không chỉ để đi bộ ngắm cảnh, mà còn là một tọa độ để khám phá ẩm thực. "Dọc đường Chi Lăng dài có rất nhiều quán cafe cũ-mới, cùng với hàng quán các món ăn Huế của người địa phương. Đi bộ ngắm này ngắm kia rồi qua ăn quán bà Đỏ, siêng nữa thì đi bộ thêm một đoạn, vô hẻm ăn quán mụ Cai...".

Thăm vườn, uống trà, ngắm tranh

Có lẽ, nếu không có chia sẻ của Thiên Minh, ít du khách nào biết đến Bội Trân Gallery (Boi Tran Garden) ở Huế.

Nằm trên đồi Thiên An, Bội Trân Gallery vốn là một dinh thự hơn 100 năm tuổi, pha trộn giữa lịch sử cố đô Huế và kiến trúc Pháp thuộc. Đây đồng thời là một không gian trưng bày nghệ thuật và đồ cổ thuộc sở hữu tư nhân, với nhiều tác phẩm của những tên tuổi nổi tiếng Việt Nam như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Hoàng Tích Chu, Nguyễn Trung... Đặc biệt, nơi này từng được Anthony Bourdain ghé thăm và giới thiệu trên chương trình Anthony Bourdain Parts Unknown (phần 4 tập 4 - Vivacious in Vietnam).

Nói về Vườn Bội Trân, Anthony Bourdain từng tả: Bội Trân là một hoạ sĩ, một con người đến từ những ngày quá khứ xa xôi của cố đô một thời. Cô đang sống ở đồi Thiên An, trong một khu nhà đã được trùng tu lại rất nguy nga. Những ngôi nhà gỗ kiểu truyền thống này từng được xây dựng theo lối kiến trúc Hoàng gia, với những khe rãnh nằm nghiêng cho phù hợp với cái 'đặc sản' mưa của đất Huế. Nhưng quan trọng hơn cả, cô xây thêm một khu vườn nằm giữa ngôi nhà, theo quan niệm phương Đông rằng mọi vật khởi đầu từ một cái tâm, sau đó mới mở rộng theo bốn phương tám hướng.

Empty
8776d769a2846eda3795
Empty

Bội Trân Gallery không phải "kho báu" nghệ thuật duy nhất ở Huế. Nếu bạn chưa đủ duyên để ghé thăm phòng trưng bày tư nhân này, vẫn sẽ có một số điểm đến khác mở cửa rộng rãi cho công chúng, trong đó có bảo tàng tư nhân của cố họa sĩ Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space).

Lê Bá Đảng (1921-2015) là một họa sĩ nổi tiếng quốc tế, với các hoạt động nghệ thuật trải rộng khắp năm châu, song Huế được lựa chọn làm nơi "lưu niệm" sau cùng dành cho vị họa sĩ sau khi ông mất. Trong khuôn viên 16.000 m2 nằm trên một ngọn đồi yên tĩnh, gia đình Lê Bá Đảng trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc... mang đậm tinh thần Phật giáo và khoáng đạt của ông, cũng như tác phẩm của một số bạn bè nghệ sĩ quốc tế dành tặng.

Ảnh: Lebadang Memory Space

Ảnh: Lebadang Memory Space

Lưu trú trong không gian "vàng son" của đất cố đô

Một trong những nơi nhiếp ảnh gia Thiên Minh lựa chọn để lưu trú trong chuyến du lịch này là Ancient Hue Garden Houses. Nằm tại ngôi làng Kim Long yên bình, Ancient Hue Garden Houses được thiết kế như một biệt phủ của giới quý tộc thời xưa, tái hiện lại phong cách của hoàng gia Huế. Ở đây có tất cả 5 ngôi nhà gỗ cổ, bao quanh là những khoảng vườn xanh, cùng với hệ thống nhà hàng, lounge/bar và spa.

"Giống như tôi được vượt thời gian, trở về một thời quá khứ vàng son của kinh thành Huế với những ngôi biệt phủ gỗ hàng trăm tuổi" - Thiên Minh chia sẻ, "Những ngôi nhà cổ tại đây vẽ nên một bức tranh về quý tộc Huế thời xưa, cũng như tôn vinh nét truyền thống, giữ gìn bản sắc đẹp nhất của cố đô một thời".

Nếu không lưu trú tại Ancient Hue Garden Houses, du khách vẫn có thể đến khám phá không gian nơi này bằng cách dùng bữa tại nhà hàng Kim Long, nằm trong khuôn viên khu nhà cổ. Các món ăn được phục vụ chính ở đây là các món đặc sản Huế, cũng như ẩm thực Việt nói chung, mà theo Thiên Minh đánh giá - "siêu ngon".

Empty

Theo dấu chân chánh niệm

Trước khi thăm Đại Nội, dạo những con đường di sản hay phòng tranh/bảo tàng ở Huế, nơi đầu tiên Thiên Minh tìm đến thực chất lại là chùa Từ Hiếu.

"Điều tôi muốn làm nhất trong chuyến đi ngày đầu năm là ghé thăm chùa Từ Hiếu, nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia năm lên 16 tuổi. Là nơi mà mỗi tấc đất đã đi vào miền ký ức, hình thành nên ứng xử trong nhân cách của thầy, rồi lan tỏa khắp nơi trên thế giới theo bước chân chánh niệm...".

Chùa Từ Hiếu, hay Tổ đình Từ Hiếu, ban đầu chỉ là một Thảo Am với tên gọi am An Dưỡng, do Tổ sư Nhất Định lập nên vào năm 1843. Ngài vừa tu hành vừa lo chăm sóc mẹ già. Sau khi ngài viên tịch, vua Tự Đức đặt cho chùa tên là Từ Hiếu tự, theo nghĩa của đạo Phật là đạo hiếu giữa bố mẹ và con cái.

Sau này, chùa là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi tâm đi tu, cũng tại đây, sau nhiều năm tháng tu tập và giảng đạo ở nước ngoài, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở về để an dưỡng (và viên tịch).

Empty
Empty
Empty

Trong những ngày rong ruổi xứ cố đô, nhiếp ảnh gia Thiên Minh còn tìm đến đan viện Thiên An, một nơi nằm sâu thẳm trên rừng thông đồi Thiên An. "Đan viện mang vẻ đẹp giao thoa Đông-Tây", anh nói, "ở đó các đan sĩ hằng ngày lao động, cầu nguyện và sống đẹp lời Chúa".

"Nơi này vốn dĩ không phải là địa điểm tham quan, càng không phải là nơi để nghỉ dưỡng, nhưng lại có sức hút lạ kì. Đến đây cũng giống như bước vào một không gian khác, nơi mà thời gian ngừng trôi. Đó chính là lí do mà tôi muốn thêm vào danh sách những địa điểm phải đến ở Huế".

"Nếu có thời gian, hãy ghé đan viện Thiên An, dù bạn có tin vào Chúa hay không".

Empty
Empty
Lâm Oanh - Nguồn: Thiên Minh
RELATED ARTICLES