Đã có nhiều bài viết, báo cáo, hội nghị, hội thảo cố gắng lý giải việc khách du lịch quốc tế đến Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan và các nước khác trong khu vực, trong khi có vẻ cái gì của ta cũng hơn người. Nguyên nhân có nhiều, trong đó vấn nạn “chặt chém” du khách được xem rất nghiêm trọng.
Theo đó, khách du lịch có thể gặp những người không ngay thẳng ở bất cứ đâu, như những người chạy taxi, xe ôm, buôn bán hàng rong, các cửa hàng ăn uống. Thậm chí, khách sạn, công ty dịch vụ chặt chém khách, nâng giá phòng và các dịch vụ khác khi có cơ hội. Vấn nạn này nghiêm trọng đến mức khách du lịch nước ngoài trước khi đến Việt Nam luôn được cảnh báo trước, và đó cũng lý do họ không muốn trở lại Việt Nam.
Mới đây nhất, các báo của Thái Lan đưa tin ngày 18-5, một người Việt Nam bán hàng rong ở huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi đã sửa cân, bán cho khách trái sầu riêng 4kg tăng lên thành 4,5kg, ăn gian 75 bath (khoảng 2,2USD, tương đương 50.000 đồng Việt Nam). Người này phải đối mặt với 7 năm tù giam và bị phạt 8.000USD (khoảng 200 triệu đồng) vì vi phạm Luật Đo lường của Thái.
Từ năm 1999 đến nay, sau 24 năm Thái Lan chỉ có 585 người bị bắt về tội danh lừa dối khách hàng liên quan đến cân sai, bán không đúng giá, có nghĩa là mỗi năm ở Thái Lan có chừng 20 người gian lận lừa dối khách hàng. Đọc thông tin này, chúng ta hiểu vì sao khách du lịch quốc tế thích đến Thái Lan.
Trường hợp trên bắt đầu chuyện trái sầu riêng của Thái Lan, còn ở TPHCM có thể bắt đầu từ chuyện trái dừa. Gần đây nhất, ngày 29-3 nhóm 3 khách nước ngoài người Đức bị ép phải trả 300.000 đồng cho 2 trái dừa, trong khi giá thực của nó chỉ 10.000-12.000 đồng.
Vụ việc diễn ra ở khu vực trước Dinh Thống Nhất, đã được du khách Đức đưa ngay lên mạng với hình ảnh và một đoạn video. Nó lan truyền với tốc độ cực kỳ nhanh với hàng chục ngàn người đọc và bình luận.
Mấy ngày sau, vài tờ báo đăng lại, nhưng sự việc chỉ dừng lại ở đó. Thực tế, chuyện những người bán dừa chặt chém đã được báo phản ánh từ nhiều năm nay. Thế nhưng, vấn nạn này không những không bị dẹp mà vẫn tồn tại dai dẳng và có phần biến tướng, ngang nhiên thách thức công luận, khiến người dân đặt câu hỏi tại sao?
Nhóm bán dừa dạo có chừng 30 người, tạm trú ở quận 4. Hàng ngày họ chia thành nhóm nhỏ 3-5 người, chiếm lĩnh những nơi có đông khách du lịch nước ngoài. Nơi họ làm ăn gồm 5 địa điểm chính là quanh Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; trước cửa Dinh Thống Nhất; trước cửa Bưu điện TP và Nhà thờ Đức Bà; Nhà thờ Tân Định và Công viên Lê Văn Tám; trước cửa Thảo cầm viên.
Ngoài ra họ còn mở rộng địa bàn theo chân du khách ở các trục đường thuộc quận 1 và 3, như Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần…
Để đưa du khách vào bẫy, họ xây dựng “kịch bản” hoàn hảo. Họ nắm bắt tâm lý của du khách rất thích chụp ảnh với những thứ lạ. Khi phát hiện ra du khách (con mồi) họ xởi lởi đưa quang gánh dừa lên vai và đưa trái dừa cho khách cầm để chụp ảnh.
Du khách vui vẻ tạo dáng chụp hình với trái dừa trên tay, bên cạnh là người bán hàng với quang gánh trên vai… rất Việt Nam. Khi việc chụp ảnh vừa xong, nhanh như chớp trái dừa trên tay du khách bị vạt ngang và người bán hàng đưa cho khách uống với giá 200.000 đồng. Nếu khách chê đắt, nhóm dừa dạo này ra hiệu tính tiền dừa, tiền quang gánh và cả tiền người bán làm mẫu.
Còn trong trường hợp khách hỏi mua, họ giơ 10 ngón tay, khách nghĩ là 10.000 đồng, nhưng khi tính tiền là 10USD. Những du khách nào làm căng, ngay lập tức nhóm đồng bọn hỗ trợ xuất hiện với khuôn mặt bặm trợn và hò hét, giằng co, chửi bới. Với cách thức trấn lột này, mỗi tay dừa dạo cũng kiếm được 600.000-700.000 đồng mỗi ngày.
Những ngày nắng nóng như tháng 5 vừa qua, bọn họ dễ dàng kiếm được tiền triệu. Cần nói ngay, chuyện bắt chẹt khách nước ngoài diễn ra khắp cả nước, từ Sơn La, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Cần Thơ… đâu cũng gặp.
Thấy cảnh phản cảm và ngang ngược này, ai cũng bất bình và phẫn nộ, từ tài xế taxi chở khách, hướng dẫn viên du lịch và người dân chứng kiến, nhưng không ai dám can thiệp. Ngay cả với lực lượng áo xanh (TNXP) cũng ngại đám này, còn cảnh sát giao thông cũng không can thiệp, vì đấy không phải việc của họ.
Việc xử lý lâu nay mặc nhiên được coi là của cảnh sát khu vực. Nhưng cảnh sát khu vực, địa bàn chỉ can thiệp khi có người đến trụ sở trình báo. Trong khi đó, khách du lịch cho dù có ấm ức đến đâu cũng chả bao giờ bước chân đến cơ quan cảnh sát. Họ chấp nhận mất vài chục USD cho qua chuyện, hơn là phải gặp nhà chức trách, chả biết chuyện gì xảy ra tiếp theo. Là du khách ai cũng muốn chuyến đi chơi vài ngày không gặp chuyện gì rủi ro.
Quay trở lại Bangkok, tại sao khách du lịch Việt Nam hầu như không phàn nàn về chuyện mua bán ở Bangkok. Trước hết, dân Thái rất đàng hoàng tử tế, họ không chặt chém khách, kể cả các xe, quầy bán hàng trên vỉa hè, hẻm phố. Thứ nữa, họ không thể làm như thế được, bởi bất cứ có chuyện gì xảy ra cảnh sát du lịch và cảnh sát môi trường sẽ có mặt ngay lập tức.
Theo số liệu thống kê của Bangkok, TP này hiện có khoảng 300.000 người bán hàng trên vỉa hè. Họ di chuyển ra sao, buôn bán thế nào luôn trong tầm kiểm soát của lực lượng chức năng. Bởi TP Bangkok được gắn camera quan sát khắp nơi, người bán hàng rong có mã số định danh, điện thoại có gắn chip định vị.
Với du khách, 200.000-300.000 đồng không lớn, nhưng sự ấm ức và cả sự sợ hãi vì bị trấn lột sẽ ám ảnh du khách trong suốt chuyến đi. Những chuyện mất vui như thế khiến họ chán và không muốn quay trở lại thêm một lần nữa. Nữ du khách người Đức bị trấn lột 300.000 đồng cho 2 trái dừa viết trên facebook rằng: "Chúng tôi ở TPHCM 3 ngày và cảm thấy thật tồi tệ, chắc hẳn đây là trải nghiệm đáng quên nhất tại Việt Nam".
Một chuyện nhỏ xíu như thế không dẹp được, làm sao hút được khách du lịch như Thái Lan, Singapore?