Để kể đến dòng tranh sơn mài truyền thống, ít ai không biết đến họa sĩ Nguyễn Trường Linh - trưởng nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam. Những nét vẽ của anh mang dáng dấp hoài niệm, gần gũi dân gian nhưng vẫn đậm tính sáng tạo và hiện đại.

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh (1971, Hà Nội) là một trong những gương mặt tiêu biểu của dòng tranh sơn mài truyền thống. Bên cạnh là trưởng nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam, anh hiện đang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội, với cương vị Trưởng khoa Mỹ Thuật.

Empty
Headline 1 (2)
Empty

Phụ nữ, cảnh làng quê và chùa Hà Nội là các đề tài song song mà họa sĩ Trường Linh luôn hướng đến. Với anh, hình tượng phụ nữ là đề tài đẹp, duy mỹ và vô tận để người họa sĩ khai thác triệt để, đủ mọi khía cạnh. Còn với đề tài cảnh làng quê và chùa trong phố Hà Nội, anh nghĩ những nét đẹp đó dần dà sẽ không còn nhiều nữa mà thay vào đó sẽ bị trùng tu, lai tạo.

Sống giữa sự nhộn nhịp của Hà Nội, cảm hứng để sáng tác cảnh vật quê của họa sĩ Nguyễn Trường Linh thường đến từ các chuyến điền dã đi thực tế. Nghệ thuật đôi khi không ở đâu xa, mà chỉ đơn giản ẩn trong những thứ có ở quanh chúng ta.

“Tôi đi nhiều nơi, mà mỗi vùng quê ngày càng thay đổi theo công nghiệp hóa, những sự vật cũ dần thay đổi đôi khi cũng khiến tôi xót xa. Kiến trúc đình làng cổ cũng nép mình vào lề đường bị bụi phủ mờ, những cái hiện đại lấn áp truyền thống quá nhiều và ngày càng mất dần đi. Để giữ lại hồn cốt của làng quê nên tôi hay đi từ những khía cạnh nhỏ nhưng có ý nghĩa riêng của nó”, anh chia sẻ.

Cầu Long Biên là mạch sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Trường Linh. Bởi anh đã gắn bó với cây cầu này từ thời thơ ấu ở phố Cầu Gỗ. Họa sĩ đã miệt mài theo dõi cuộc sống vận động trên cây cầu và vẽ nó trong suốt hàng chục năm qua. Đến nỗi, khi nói đến anh, ai cũng nghĩ tới cầu Long Biên, với những con phố và thân phận của con người sống dưới gầm cầu. Những màu sắc chủ đạo trong tranh là màu nâu xám, vương chút rỉ vàng, dưới vòm cầu vút cao thành mái nhà cổ kính.

Năm 2022, nam họa sĩ đã cũng vẽ một loạt 10 bức tranh về đền chùa trong khu phố cổ. Có những nơi nếu đi không để ý sẽ không bao giờ nhìn thấy vì nằm len lỏi ở trong ngõ cực nhỏ. 

“Ngày trước, mạch sáng tác của tôi là cầu Long Biên bởi tôi nghiên cứu và vẽ cây cầu này rất nhiều. Năm 2024, tôi dự định sẽ tiếp tục vẽ về cầu Long Biên nhưng chắc chắn sẽ khác với mạch cảm xúc cũ. Ngoài cầu Long Biên, ở Hà Nội tôi chỉ vẽ thêm một số thôi. Hướng khai thác nữa là chùa trong phố, nó khác với chùa làng, chùa quê. Vì ngày xưa phố là phố làng. Các làng nghề lên đây tụ tập ở đất Kinh kì, mỗi con phố làm một nghề và có rất nhiều ngôi chùa bám sát trong thành phố. Chùa ở làng quê thì rộng mênh mông, còn chùa ở phố thì đường ngõ nhỏ hẹp”, họa sĩ Nguyễn Trường Linh cho hay.

Empty

Bên cạnh đó, anh luôn luôn khám phá số phận phía sau nét đẹp dịu dàng của người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ bao giờ cũng hiện diện gắn với ý tưởng sáng tạo trong tranh của nam họa sĩ. Có thể kế đến các tác phẩm như: “Chiếc bóng oan khiên”, “Giấc mơ nàng Kiều” (I, II, III), “Vọng phu”… Ngoài ra, bóng dáng người con gái mạnh mẽ, gợi cảm trong “Trần gian”, “Đẻ đất đẻ nước”, “Đêm hội Long Trì”, “Thăng Long”…

Hay nhận ra hơi thở sắc màu nồng nàn qua các tác phẩm: “Những cô nàng”, “Bướm đêm”, “Khúc lãng du”, “Mùa thu cho em”, “Chùa xưa trong phố cũ”, “Hà Nội có Cầu Long Biên”, “Mùa Đông”, “Hai mặt”, “Vọng phu”, “Nắng Đền thiêng” , “Thời gian”, “Thương nhớ đồng quê”…

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh đưa người xem vào thế giới của những tương phản, va đập, đối lập giữa truyền thống và đương đại, giữa hiện thực và trừu tượng… nhưng ẩn trong đó những cung bậc cảm xúc gửi gắm đến công chúng. 

Họa sĩ Trường Linh chia sẻ thêm: “Những năm gần đây, dòng tranh sơn mài được nhiều người quan tâm trở lại, kể cả các họa sĩ. Công chúng đón nhận cũng tốt hơn, đó được xem như là động lực để họa sĩ sáng tác”.

Empty
Headline 2

Từ những năm 2010 trở về trước, thị trường tranh nghệ thuật còn nhiều hỗn loạn. Khi đó, làng hội họa phát triển rất mạnh việc xuất khẩu các mặt hàng mĩ nghệ trong đó có sơn mài. Họ dùng một chất liệu để vẽ thay cho sơn mài bằng cách phủ bóng bề mặt rồi vẽ lên. Khác với tranh sơn mài truyền thống, trong quá trình mài, họa sĩ sẽ vẽ, hiện từng lớp ra, đến đâu thì quyết định dừng lại hay mài tiếp.

Chính vì thế, khi đưa ra nước ngoài, công chúng tìm kiếm thông tin thường thấy tranh mĩ nghệ không mang tính sơn mài truyền thống dẫn đến hiểu lầm về quan niệm tranh sơn mài Việt Nam. Vì vậy, anh Nguyễn Trường Linh đã lập ra nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam vào năm 2013. Nhóm đa dạng lứa tuổi (từ 35 đến 72 tuổi) và tuân thủ sơn mài truyền thống từ việc lấy sơn ta làm nguyên liệu, làm vóc, lấy son, dùng vàng, bạc, tuân thủ đúng quy cách như sáng tạo ra một bức tranh sơn mài của các thế hệ bậc thầy đi trước.

Họa sĩ Trường Linh kể: “10 năm làm nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam, điều làm tôi vui nhất là đi đâu cũng được hỏi năm nay nhóm có gì mới không? Có triển lãm ko?... Chứng tỏ người ta vẫn luôn nhớ đến nhóm của mình dù ở đâu, dù bất cứ độ tuổi nào vẫn đọng lại trong lòng công chúng yêu sơn mài. Giữ được sự trân trọng đó cũng rất là khó. 10 năm hoạt động cũng gặp sóng gió khá nhiều, năm 2019 nhóm còn phải bỏ cả triển lãm do ảnh hưởng đại dịch”.

Sơn ta là chất liệu truyền thống dùng để vẽ tranh sơn mài chỉ có ở Việt Nam. Cây sơn được trồng chủ yếu ở Phú Thọ, trong quá trình lấy sơn người thu hoạch rất dễ bị lem sơn. Ngoài ra sơn còn phụ thuộc vào thời tiết, khô lúc có độ ẩm cao. Các màu chủ đạo thường là son, cánh gián, đen…

Trong suốt 10 năm làm trưởng nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam, họa sĩ Trường Linh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt nhất là phải thuyết phục những người họa sĩ khác thế hệ cùng nhau trao đổi để đem kĩ thuật mới vào tranh. Bởi từ xưa, sơn mài truyền thống có mấy chất liệu nổi bật như: son, màu khoáng chất, vỏ trứng, vỏ ốc, vỏ xà cừ... nay đã có thêm nhiều cách mài đỡ mất công hơn mà thành phẩm vẫn đạt được kết quả mong muốn.

Empty

Nam họa sĩ tâm sự: “Mỗi cuộc triển lãm được mở ra cũng gặp rất nhiều khó khăn, động viên anh em trong nhóm làm sao để vẽ khác đi những tác phẩm trước, khác đối tượng… để tranh khi ra mắt sẽ truyền tải, làm rung cảm đến công chúng”.

Trong năm 2023 này, nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam dự định vào tháng 10 sẽ có triển lãm ở TP.HCM hướng tới con mắt hiện đại trong sự vật cũ: giếng nước, cây đa, đình làng…

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh cho biết, những năm gần đây, có rất nhiều người quay trở lại xu hướng thích vẽ sơn mài. Dù mất nhiều thời gian và công sức nhưng sơn mài vẫn là chất liệu bền vững, có tính truyền thống cao, biểu đạt được tiếng nói đương đại. Ví dụ, một bức tranh vẽ theo lối hiện thực bằng sơn mài, khi mình mài màu ra thì bản chất trong đối tượng mình vẽ có yếu tố trừu tượng ở từng khoảng vẽ của bức tranh. Khi sơn mài được vẽ từng lớp ra, hình ảnh sẽ thay đổi trong từng khoảng, đó chính là yếu tố siêu thực trong một khoảng vẽ hiện thực.

“Một bức tranh sơn mài ra đời kể từ khi phác thảo ý tưởng đến khi hoàn thiện có thể 2 tháng hoặc cũng có thể kéo dài đến tận 6 tháng, tùy vào mọi trạng thái và màu mài của người họa sĩ”, anh nói.

Trong năm 2023, nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam cũng sẽ có dự án mới được một doanh nhân yêu tranh hỗ trợ, thuê các nghệ sĩ đến vẽ tại một điền trang trên Phú Thọ. Tại đây sẽ quy tụ các họa sĩ chuyên vẽ sơn ta để làm các tác phẩm tặng và trưng bày tại Lễ hội Đền Hùng.

Thời gian sắp tới cũng sẽ có một triển lãm nhỏ tranh sơn ta ở Lễ hội Đền Hùng, Phú Thọ. Với mục đích hướng về nguồn, bởi Phú Thọ là nơi cung cấp dòng nhựa sơn cho các họa sĩ. Ngoài ra, dự án này còn tặng tranh cho các thành phố… Hướng phát triển trong tương lai là sẽ mở bảo tàng Sơn ta Việt Nam tại Hà Nội - đây cũng được xem là dự án lâu dài.

Dưới đây là một video ngắn khi họa sĩ vẽ sơn mài:

Empty