Những cột khói lưu huỳnh bất ngờ bốc lên xộc vào mũi tôi một mùi khó chịu. Những người cùng đoàn đều cảm thấy cổ họng rát buốt. Sau khoảng thời gian "hành xác" đó, Ijen chiêu đãi chúng tôi bằng khung cảnh choáng ngợp.

Empty
Empty

Sau khi rời vườn Quốc gia Bromo Tengger Semeru, tôi trở về homestay lúc 9h sáng. Chỉ có 2 tiếng ngắn ngủi để tôi nghỉ ngơi và tiếp tục hành trình đến thành phố Banyuwangi cho chuyến khám phá tiếp theo trong vòng 6 giờ nữa. Trong hành trình này, thời gian tôi ngủ trên xe nhiều hơn cả thời gian ở khách sạn.

Banyuwangi là nơi có hồ axit Ijen, đây được xem là hồ axit lớn nhất thế giới và cũng là nơi tập hợp rất nhiều kẻ ưa mạo hiểm. Trước chuyên đi, tôi đã được chuẩn bị trước những kiến thức và kinh nghiệm cơ bản khi đến với điểm khám phá này. Được biết, nơi đây nổi tiếng với ngọn lửa xanh được hình thành từ lưu huỳnh bị đốt cháy và hồ axit với màu xanh ngọc bích mãn nhãn.

Chuyến đi hôm nay nặng nề hơn hôm trước rất nhiều. Tôi cùng cả đoàn phải trekking một đoạn đường hơn 3km với đầy những con dốc từ 40 đến 60 độ, trong cái lạnh 10 độ xê. Chuyến tham quan này đông không kém cạnh núi lửa Bromo. Dọc con đường đi, nếu ngoảnh đầu nhìn lại, bạn sẽ thấy đầy những ánh đèn, sáng rực cả quãng đường đi.

Thiếu ngủ, cộng với đoạn đường dốc nên không ít lần tôi cùng cả đoàn phải dừng lại nghỉ chân. Những chiếc "taxi kéo" luôn chực chờ khách đuối sức để chào mời. Người dân tại đây rất biết cách khai thác kinh tế từ dân du lịch. Họ có một sức khỏe đáng kinh ngạc, không quản khó nhọc. Việc thồ một người trưởng thành trung bình 70kg lên đến đỉnh núi hơn 1000 mét dường như là chuyện không tưởng, thế nhưng họ vẫn làm với mỗi chiếc "taxi kéo" là 3 người cùng kéo và đẩy. Mỗi lượt đi như thế là 800.000 Rupiah.

Tôi vì muốn thử thách bản thân mình nên quyết định trekking lên đến đỉnh. Thế nhưng, một vấn đề khác đó chính là ngọn lửa xanh nổi tiếng chỉ xuất hiện từ 4h sáng và tắt rất nhanh trước bình minh. Để kịp lúc đến đó, tôi cùng cả đoàn phải tăng tốc vì không chỉ lên đến đỉnh mà tôi còn phải tiếp tục leo xuống miệng núi thêm 40 phút nữa mới đến được điểm đốt cháy của lưu huỳnh.

Đây là hoạt động không bắt buộc của chuyến đi vì khí lưu huỳnh đốt cháy có thể cản trở hô hấp. Nếu không được trang bị mặt nạ phòng độc, rất dễ bị ngạt khí, tệ nhất là ngất xỉu. Chúng tôi đã được dặn dò rất kỹ để xem xét hoạt động này có phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình hay không. Tôi là một trong những người quyết định tiếp cận ngọn lửa xanh.

Empty

Quãng đường đi xuống dù chỉ có 40 phút nhưng khó khăn không kém đoạn đường đi lên, bởi địa hình gồ ghề, bụi nham thạch đóng đầy trên những phiến đá gây trơn trượt, cộng với trời tối và những đợt khí lưu huỳnh cứ bốc lên làm hạn chế tầm hình . Nếu không cẩn thận, bạn rất dễ bị trượt ngã và té xuống vực. Nhưng khó tin thay, thường những nơi càng nguy hiểm, con người ta càng muốn dấn thân vào. Nhất là khi thấy được vẻ mặt háo hức của từng tốp người đi xuống, tôi càng tin nơi đây hẳn là thiên đường của những kẻ thích chinh phục.

Sau 40 phút trầy trật, tôi chạm chân xuống lòng núi. Trong làn khói lưu huỳnh mờ ảo, tôi nhìn thấy đám người tập trung ở một vách núi. Đó chính là nơi có ngọn lửa xanh. Ai cũng biết, lưu huỳnh khi được đốt cháy sẽ sinh ra một ngọn lửa màu xanh lam. Trên những tảng lưu huỳnh dạng rắn đang nứt ra, những ngọn lửa xanh len lỏi giữa những khe hở như những con rắn phát sáng. 

Được biết, trước khi mùa dịch diễn ra, du khách không thể đứng quá gần vì ngọn lửa bốc cháy rất dữ dội. Sau khi du lịch mở cửa, những người dân ở đây nghĩ ra cách, phân phối bảo vệ trực tại đây, thay phiên đổ nước vào để làm dịu ngọn lửa, từ đó du khách mới có thể đến gần. Để như thế, các du khách được hướng dẫn viên bảo rằng nên tip cho những người bảo vệ đó 20.000 Rupiah/khách. 

Vì đến gần ngọn lửa nên việc hít phải khí lưu huỳnh đioxit là điều không tránh khỏi. Những cột khói lưu huỳnh bất ngờ bốc lên xộc vào mũi tôi một mùi khó chịu. Những người cùng đoàn đều cảm thấy cay mắt và cổ họng rát buốt. Nấn ná lại đây lâu là điều không thể, nên sau khi tận mục sở thị ngọn lửa, tôi cũng nhanh chóng rời đi. Phía trên cao bầu trời cũng đang sáng dần.

Empty
Empty

Trời càng sáng cũng là lúc lửa xanh bắt đầu tắt. Khi tắt đi nó để lại một cột khói nghi ngút, tỏa khắp mọi nơi và kéo dài cho đến lúc mặt trời mọc. Những ai không kịp leo lên khỏi miệng núi sẽ bị đám khói nuốt chửng và hô hấp vô cùng nặng nhọc. 

Đây cũng là lúc những người phu khai thác lưu huỳnh bắt đầu công việc của mình. Những người đàn ông Tengger với gương mặt khắc khổ, làn da rám nắng cùng những chiếc gánh không đi ngược hướng với đoàn du khách. Họ không có một trang thiết bị bảo hộ nào cũng như không có mặt nạ chống khí độc.

Phía trên miệng núi, vài người dân bản địa đang bày bán những mẫu lưu huỳnh đã được đẽo gọt thành những hình thù bông hoa, con thú để bán cho khách du lịch với giá 30.000 Rupiah/sản phẩm.

Empty

Để thấy được mặt trời ló dạng và chiếu ánh sáng vào hồ, tôi phải di chuyển lên một nơi cao hơn. Lúc này đã gần 5h sáng, hồ axit vẫn đang bị lớp khói lưu huỳnh che khuất. Theo như lời của hướng dẫn viên, dù cho thời tiết đẹp đến đâu nhưng không phải ngày nào, hồ axit cũng hiện ra rõ rệt để du khách ngắm nhìn, vì lượng khói lưu huỳnh luôn luôn bốc lên tạo ra cảnh tượng mù mịt.

May mắn cho tôi, vì kiên nhẫn ở lại chờ đợi trong khi những người bạn khác vì quá lạnh và ngạt khí đã xuống núi từ sớm, đến tầm 7h sáng, khói lưu huỳnh ngớt dần và một mặt hồ màu lam ngọc tuyệt đẹp dần hiện ra, trái ngược hoàn toàn với khung cảnh ma mị lúc tối.

Phía trên địa điểm có thể quan sát toàn bộ khung cảnh là một dải dài những cây bụi thấp. Do ảnh hưởng của không khí có chứa lưu huỳnh, những bụi cây này mang những đặc điểm để tồn tại với môi trường như bản lá nhỏ, thân cây thấp. Nhiều cây do không chịu được sự khắc nghiệt đã chết khô. Những cây thân cao hơn thì không thể phát triển được tán lá. Khung cảnh này như được mang ra từ những bộ phim giả tưởng.

Vào buổi sáng sẽ có nhiều đợt khách nữa ghé đến, họ chủ yếu chỉ ngắm hồ axit. Những nhóm khách này có cả người cao tuổi và họ thường dùng "taxi kéo" để lên đến đây. Vì trời đã sáng nên tôi mới phát hiện ra trên miệng núi có một "tiệm tạp hoá" bán snack, mì tôm và cả nhà vệ sinh công cộng. Một lần nữa, tôi rất thán phục cách kiếm tiền của người dân Tengger.

Mặt trời lên cao, rọi thẳng những tia nắng chát chúa vào quặng lưu huỳnh tạo nên một luồng sáng vô cùng chói chang. Tôi nghĩ đây cũng là lúc nên rồi đi. Ban ngày giúp tôi có thể nhìn rõ ràng hơn quãng đường dốc. Hoá ra, khung cảnh phía sườn núi lại nên thơ như thế. Khác hẳn với hệ sinh thái phía trên miệng núi, cây cối nơi đây xanh tốt, um tùm, rợp mát cả lối đi.

Khi bước lên xe cũng là kết thúc chuyến hành trình dài của mình đến Đông Java. những khoảnh khắc ngắm nhìn diễn ra rất nhanh nhưng để đến được đó, tôi và những du khách khác đã phải mất rất nhiều thời gian cũng như thể lực. Chinh phục Đông Java thật sự không phải là chuyến đi dễ dàng, nhưng cái giá cho những gì bỏ ra theo tôi là vô cùng xứng đáng.

Empty