Trên mảnh đất được phủ đầy bụi nham thạch này, cái khắc nghiệt, khó khăn mưu sinh của người dân bản địa dường như tỷ lệ nghịch với vẻ đẹp tưởng chừng an tĩnh và sự hiếu kỳ của những kẻ lữ hành.

Empty

Tôi có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục xuất cảnh vào lúc 6h sáng ngày thứ 7 cuối tuần, di chuyển đến sân bay quốc tế Ngurah Rai (Bali) sau 3 giờ bay và tiếp tục chờ đến chuyến bay nội địa để bay đến Surabaya. Trước sau mất một ngày để tôi di chuyển đến miền Đông Java, Indonesia.

Lúc xuống xe về đến khách sạn cũng đã hơn 10h tối. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến thành phố lớn thứ 2 của Indonesia, nơi thu hút khách du lịch nhiều không kém cạnh Bali bởi những bức tranh thiên nhiên đẹp nao lòng.

Nếu Bali nổi tiếng với những bãi biển nên thơ, mang màu xanh ngọc bích đặc biệt của Ấn Độ Dương và những khu nghỉ dưỡng thuộc hàng nhất nhì Đông Nam Á thì Đông Java ngược lại với những miệng núi lửa vẫn còn đang hoạt động và những chuyến đi "hành xác" đòi hỏi sức chịu đựng cao của những kẻ muốn chinh phục.

Khi chọn chuyến đi này, tôi chỉ mường tượng khung cảnh qua hình ảnh và tự giảm sự kỳ vọng của mình xuống 20-30%, nhưng độ nổi tiếng của núi lửa Bromo đã có từ rất lâu nên phần nhiều tôi chọn đây làm chuyến xuất ngoại mùa hè của mình bởi vì hiếu kỳ.

Empty

Tối đến, tôi rã rời đến mức không thể ra ngoài thăm thú chợ đêm ở Surabaya nên quyết định ở lại khách sạn nghỉ ngơi. Buổi sáng, sau khi trải qua giấc ngủ sâu, tôi được lễ tân khách sạn cho biết hôm nay sẽ có diễu hành mừng Quốc Khánh của Indonesia mặc dù ngày lễ chính vào ngày 17/8 vẫn còn cách đó gần 1 tuần.

Người dân Indonesia mừng Quốc Khánh rất sớm, họ đổ xuống đường với từng tốp người hoá trang thành những vị thần hộ mệnh trong Hindu giáo, ăn vận trang phục truyền thống, tốp ca, ban nhạc, vũ công... nối chân nhau thành đoàn. Họ ca múa, reo hò, mang không khí vui nhộn, hứng khởi đến khắp mọi nẻo đường họ đi qua.

Tinh thần của tôi sang ngày thứ 2 cũng khá hơn rất nhiều nhờ vậy. Người dân Indonesia hiếu khách, khi nhìn thấy những du khách tò mò về lễ hội, họ luôn mời chúng tôi cùng tham gia diễu hành, nhảy múa và chụp ảnh. 

Chưa kịp phải lòng sự hiếu khách này, tôi phải nhanh chóng di chuyển đến địa phận Vườn Quốc gia Bromo Tengger Semeru để chuẩn bị bước vào hành trình thật sự. Chuyến đi lại tiêu tốn của đoàn du lịch thêm 6 giờ đi xe.

Empty

Xe đưa đoàn chúng tôi cách xa thành phố Surabaya 100km về phía nam. Càng đi xa, cảm giác không khí lạnh ngày càng rõ rệt. Vùng đất này cao hơn Đà Lạt của Việt Nam đến 1000 mét. Cứ vào buổi chiều, sương sẽ tràn xuống khắp mọi ngóc ngách, che mờ đỉnh của những ngọn đồi, ngọn núi nơi đây, mặc cho sáng đó trời có trong đến thế nào.

Lúc đến homestay cũng đã vào giữa ngày, tôi có khoảng thời gian ngắn ngủi để nghỉ ngơi trước khi đến thăm ngôi làng Tengger, tộc người có liên hệ mật thiết đến núi lửa Bromo vì đến hiện tại, cộng đồng 90.000 người Tengger vẫn duy trì tập tục hiến tế cho núi lửa Bromo để cầu mong sự yên bình, may mắn trong cuộc sống.

Chuyến tham quan vào làng của chúng tôi vấp phải một cơn mưa nên xe không thể di chuyển vào trong làng mà chỉ có thể dừng lại ở những thửa ruộng đang được canh tác của họ. Vào mùa này, người Tengger trồng hành lá, bắp cải. Không biết có phải do đặc thù thổ nhưỡng hay không mà các loại rau củ trồng tại đây to lớn hơn rất nhiều so với rau củ cùng loại tại Việt Nam. Được biết, hoa màu ở đây được trồng theo mùa, mùa nào thức nấy.

Tôi quay về homestay khi trời chạng vạng tối. Chuyến đi đón bình minh trên rặng Tengger sẽ bắt đầu vào lúc 1h sáng.

Empty

Đúng 1h sáng tôi được gọi dậy và lên xe jeep để di chuyển đến núi Penanjakan. Nếu bạn thắc mắc thì đây chính là điểm có thể ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của rặng Tengger nói chung và núi lửa Bromo nói riêng.

Điều khiến tôi ngạc nhiên đó chính là rất đông du khách đã có mặt tại đây từ sớm, đi theo tour có, tự túc cũng có. Sự đông đúc này càng khiến tôi trông chờ hơn vào cảnh tượng mình sắp được chiêm ngưỡng. Đoạn đường đi đến điểm ngắm bình minh chỉ có 500 mét. Một khu lửa trại đã được chuẩn bị sẵn, chờ tôi và những người bạn.

Vì buổi chiều trời mưa, nên khoảng thời gian này, mây đã tan dần hết và có thể ngắm được trăng sao. Tôi nghe nói, vào những đêm trăng mờ, trời quang, có thể ngắm được cả dãy ngân hà. Trong đêm tôi đến, thi thoảng có vài ánh sao băng lén lút chạy ngang bầu trời. Mọi người đều hô to, chỉ trỏ nhau để ngắm nhìn hiện tượng không phải ai cũng gặp được trong đời.

Càng gần đến sáng, khu cắm trại càng đông. Lúc này không chỉ có du khách mà còn có người dân bản địa. Khác với mục đích tham quan của du khách, những người bản địa nơi đây đến đón bình minh vì lý do tâm linh. Họ đến để cầu nguyện. 

Khi hừng đông bắt đầu ló dạng, mọi người đều đứng dậy, chọn cho mình một chỗ đứng để dễ dàng nhìn thấy. Người thì quay phim, người thì chụp ảnh, nói chuyện rôm rả, nhưng cũng có người chỉ lặng người ngắm nhìn. Tôi lén thấy có vài cái đầu cúi xuống, tay chắp lại và tiếng rì rầm cầu nguyện phát ra đều đều.

Empty

Mặt trời buông những tia nắng đầu tiên. Dãy Tengger và ngọn núi Bromo lúc này mới hiện ra rõ ràng. Tôi lặng người đi và cảm thấy có đôi chút xúc động. Bởi tôi đã hiểu vì sao người ta lại mất một quãng đường đi dài đằng đẵng, tìm đến mảnh đất khô cằn với toàn bụi dung nham này chỉ để ngắm nhìn một khoảnh khắc ngắn ngủi, chính vì khung cảnh đẹp hơn cả trí tưởng tượng đang diễn ra trước mắt tôi.

Dãy Tengger hiện ra với 3 đỉnh núi lửa bao gồm: Núi Batok cao 2240 mét đã không còn hoạt động, núi Bromo cao 2329 mét vẫn còn hoạt động và xa hơn về phía nam bên ngoài bức tường miệng núi lửa là Gunung Semeru cao 3676 mét hùng vĩ, đây ngọn núi lửa cao nhất vẫn còn hoạt động tại Đông Java. 

Khói từ miệng núi bốc lên trắng xoá, trông như một đám bông bồng bềnh. Mây mù lúc này vẫn còn quấn quanh chân núi như một dải lụa trắng dịu dàng. Lúc mặt trời lên cao, mây mù tan đi cũng là lúc sa mạc "Biển Cát" dần hiện ra. Đây là sa mạc được hình thành bởi bụi nham thạch. Băng qua sa mạc này mới đến được chân núi Bromo.

Empty

Tôi rời Penanjakan và đi tiếp 3,8km để đến sa mạc "Biển Cát". Có 2 cách để băng qua sa mạc đó là đi bộ và thuê ngựa thồ. Những chú ngựa tại đây được huấn luyện đặc biệt để chở du khách với tầm 200-250 Rupiah/1 lượt cả đi cả về. 

Khi đứng Penanjakan, những ngọn núi lửa hiện ra chỉ như các đầu ngón tay, nhưng khi đã đến rất gần, sự hùng vĩ của chúng có thể khiến bạn choáng ngợp. Hôm ấy, trời quang, mây trắng thả trôi lơ đễnh trên nền trời xanh thẳm. Bên dưới là từng đoàn người ngựa kéo nhau băng qua sa mạc đen.

Đến chân núi, tôi tiếp tục nhìn thấy đoàn người đông như kiến cỏ nối chân nhau trên 250 bậc thang dẫn đến miệng núi lửa. Trước đó, vài người bán hoa dạo chào mời tôi mua hoa để cầu nguyện. Mỗi bó hoa được bán với giá 30.000 Rupiah, được kết từ những bông hoa cúc phơi khô được nhuộm màu.

Empty

Chỉ mới từ chân núi, tôi đã nghe tiếng núi lửa gầm gừ. Được biết, có những giai đoạn núi lửa còn rung lên dữ dội nhưng vẫn không phun trào. Tại vườn Quốc gia Bromo Tengger Semeru có một bộ phận chuyên gia giám sát núi lửa, nếu núi lửa đang trong giai đoạn an toàn sẽ cho phép du khách và người dân đến tham quan. Nếu có dấu hiệu bất ổn, vườn Quốc gia tuyệt đối không cho người ngoài đến gần khu vực núi lửa.

Khung cảnh trước mắt tôi như trong những bộ phim về tôn giáo, khi người ta nối chân nhau hành hương. Rất nhiều du khách, đặc biệt là những vị khách đến từ phương Tây vô cùng háo hức với chuyến tham quan này. Họ chuẩn bị rất nhiều thiết bị quay chụp, hòng lưu lại những bức ảnh đẹp nhất. 

Có đôi lần tôi còn bắt gặp những người đàn ông rất lớn tuổi với những bộ máy chụp ảnh xịn sò. Họ có vẻ là những phóng viên ảnh đến từ các tạp chí nước ngoài hay nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Điều này phần nào đó giải thích vì sao người dân Đông Java nói riêng và người Indonesia nói chung lại tự hào với thắng cảnh của họ.

Càng đến gần miệng núi lửa, tiếng gầm gừ càng lớn. Trong lòng núi, nơi làn khói trắng hình thành mờ ảo cho đến khi tạo thành một cụm mây trắng xốp, những bó hoa thay phiên nhau được ném xuống để chắc chắn rằng thần Brahma đã chứng giám cho lời nguyện. 

Tôi đứng trên miệng núi lửa, thả trôi hồn mình xuống sa mạc đen bên dưới và tự hỏi rằng đến bao giờ mình có thể chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp của thế giới này. 

Khi mặt trời đứng bóng, dòng người ngớt đi, xe jeep lại tiếp tục đưa tôi băng qua sa mạc đen trở về homestay. Kết thúc điểm đến đầu tiên trong chuyến viễn du đến Đông Java.

(còn tiếp...)

Empty