Quy Nhơn nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp thơ mộng cùng nét ẩm thực đặc sắc từ vùng biển mặn mòi và mảnh đất bình dị này cũng được người ta gọi với cái tên thân thương là “xứ Nẫu”. Với 2 tuần sống như người bản địa tại Quy Nhơn, travel blogger Lỗ Hữu Đức Anh đã khám phá vùng đất này theo cách riêng của mình. Dưới ống kính của Đức Anh, vẻ đẹp của Quy Nhơn trở nên rất đỗi nhẹ nhàng, trong trẻo và bình dị.

XUNAU 1
 
XUNAU 2
 
XUNAU 3

Travel blogger Lỗ Hữu Đức Anh đã có 2 tuần trải nghiệm tại Quy Nhơn trong tháng 7 vừa rồi. Chuyến đi lần này mang nhiều điều đặc biệt. Trước khi tới đây, Đức Anh từng nghĩ Quy Nhơn chỉ là một chặng để trung chuyển hay là một điểm để ghép cùng một nơi khác do ở đây còn ít nơi để khám phá.

Cho tới khi nhận được lời mời của người bạn tên Thịnh vào đây để cùng nhau khám phá những địa điểm mới thì cũng là lúc Đức Anh bắt đầu đi tìm hiểu mảnh đất võ trời văn này. 

Một lần vô tình lên Instagram tìm kiếm thông tin, khi thấy những bài viết của một tài khoản tên là Benz có những góc nhìn mới về Quy Nhơn sau khoảng 4 tháng mắc kẹt ở đây vì dịch bệnh, điều này thôi thúc anh nhanh chóng tới đây hơn.

Đức Anh háo hức kể lại: “Khi xem những tấm hình đấy thì tôi nhớ lại quãng thời gian của mình lúc ở Hàn Quốc. Không còn thấy mệt nữa mặc dù lịch trình di chuyển của tôi khá nhiều. Tôi gói gém tất cả niềm háo hức để ra sân bay cho kịp giờ”.

Lúc quyết định trải nghiệm sống như người bản địa tại Quy Nhơn thì cũng là lúc định nghĩa của Đức Anh về du lịch đã khác. Nếu năm 18 tuổi, chàng trai này thích cảm giác chạy xe xuyên Việt, chạy làm sao để đi được nhiều nơi điểm nhất trong chuyến đi đó. Thì giờ, anh lại thích cái cảm giác chầm chậm khám phá tường tận từng nơi một, chứ không phải lướt qua như một cơn gió.

Ngay khi đặt chân đến vùng đất này, Đức Anh khá bất ngờ và không nghĩ Quy Nhơn phát triển đến vậy. Bản thân là người hệ xê dịch nên mỗi nơi dù ít hay nhiều cũng có điểm khác nhau. Và cũng là đi Quy Nhơn, nhưng góc nhìn của anh rất khác mọi người.

Khi được Travellive hỏi về sự khác biệt với vai trò trải nghiệm là khách du lịch và làm người bản địa khi đến Quy Nhơn, Lỗ Hữu Đức Anh cười và nói: “Khác chứ, khác nhiều là đằng khác. Nếu là một du khách thì tôi chỉ đi cưỡi ngựa xem hoa (không phải du khách nào cũng thế) nhưng nếu đi với tâm thế là người trải nghiệm thì bạn sẽ biết mình nên đi đâu khi tới vùng nào đó. Không phải là đi theo lịch trình của người nào khác, mà bạn sẽ tự lên điểm đến”.

XUNAU 4
 
XUNAU 5
 
XUNAU 6
 

Trong nửa tháng ở Quy Nhơn, những kỉ niệm đáng nhớ nhất của Đức Anh là được thưởng thức những bữa cơm bình dị mà bố mẹ anh Thịnh nấu cho ăn, sau mỗi buổi anh Thịnh đưa đi khám phá Quy Nhơn xong thì anh chỉ muốn về nhà ăn thay vì ngồi lê la ở quán hàng nào đó. Hay anh được ở với người dân và cùng nhau khám phá Quy Nhơn theo cách của người bản địa chứ không phải chỉ đến những địa điểm phổ thông.

“Đến giờ về tới Hà Nội mà khi nhớ lại, tôi vẫn còn dư vị của bát canh chua từ lá giang, một món khoái khẩu của cả tôi và anh Thịnh”, Đức Anh kể.

Theo Đức Anh, hương vị của các món ăn ở Quy Nhơn khá ngọt và cay. Nếu là người miền Bắc lần đầu thưởng thức những món này sẽ không quen vì ngoài Bắc có hương vị đậm đà hơn chút.

Giống với những nơi khác ở miền Trung thì người Quy Nhơn cũng rất tinh tế trong việc ăn uống, vì mỗi món ăn sẽ có loại nước chấm riêng hay loại mắm nêm riêng. Đức Anh cực kì thích và khuyến khích những ai đến vùng đất này nhất định nên thử món thịt luộc chấm mắm cá thu. Hay những ngày hè nắng nóng này làm một bát canh lá giang “chua chua” nữa thì phải gọi là “mỹ vị của nhân gian”.

XUNAU 7
 

Thay vì đến những địa điểm phổ biến tràn lan trên mạng xã hội đang chật ních biển người, Đức Anh dành nhiều tiếng đồng hồ trong những bảo tàng ở Bình Định, để ngắm từng viên đá được chạm trổ những hoạ tiết của người Chăm Pa, hay những chiếc mặt nạ được dùng trong hát Bội…

Những ngày tháng rong ruổi ở Quy Nhơn, Đức Anh đã đi kha khá nhiều điểm đến và một số nơi anh đi theo ngẫu hứng. Với anh, thật khó để chọn ra điểm bản thân thích nhất vì điểm nào cũng đẹp. Ngoài ra không có điểm nào không như tưởng tượng vì mỗi nơi anh đặt chân tới đều lựa chọn theo sở thích cá nhân.

Thời tiết ở Quy Nhơn những ngày tháng 7 khá nắng nóng và gay gắt. Do chủ quan nên anh đã bị ốm mất mấy ngày.

Một buổi sáng ở Quy Nhơn, sau khi ăn món bánh hỏi cháo lòng - thức ăn sáng nổi tiếng ở Quy Nhơn, Đức Anh chạy xe tới Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, nằm ngay Trung tâm thành phố. Khác với hồi trước là anh nhanh chóng dựng tripod để chụp hình lại thì giờ anh chậm rãi đứng đọc những dòng thông tin về những hiện vật được trưng bày.

Sau khi đi bảo tàng và nói chuyện với anh Thịnh, ngoài việc cung cấp thông tin mang tính giá trị lịch sử và văn hoá cao. Theo Đức Anh, những bảo tàng mang tính lịch sử nên quan tâm thêm yếu tố thẩm mỹ, vì không thể phủ nhận yếu tố “check-in” sẽ thu hút được thêm du khách tới tham quan bảo tàng.

Người ta thường nói miền Trung là mảnh đất cằn cỗi, nhưng Đức Anh lại không thấy vậy. Anh cho hay: “Tôi nghĩ chỉ là họ chưa tìm ra được phương án thích hợp để gột rửa lớp đất bên ngoài viên ngọc của họ thôi. Nếu để ý kĩ thì biển miền Trung rất đẹp. Hơn bất kì nơi nào ở hai miền còn lại. Có rất nhiều tiềm năng phát triển ở đây”.

Trong chuyến hành trình của Đức Anh tại Quy Nhơn có nhiều điều khá thú vị. Ngay cả những người thân của người bạn mời anh đến Quy Nhơn cũng thấy tò mò mà nói: “Ủa con? Cô thấy Quy Nhơn có gì đẹp đâu, ngoài Bắc đẹp hơn chứ?”. Hay anh lái xe chở Đức Anh lúc nào cũng ngạc nhiên với các điểm anh tới.

“Những câu hỏi họ đặt ra hàng loạt đó là: Sao lại ra cây bán nước trước cây xăng? Sao lại xuống gầm cầu? Sao lại xuống nhà máy bơm nước? Lại còn hỏi sao đi làng phong? Sao đi những điểm đó chứ không phải là Kỳ Co hay Cù Lao Xanh, Hòn Khô… Đó là bởi vì họ không nhìn ra viên ngọc họ đang có”, anh tâm sự.

XUNAU 8
 
XUNAU 9
 
XUNAU 10
 

Đức Anh từng chia sẻ bản thân đã học cách từ chối những chuyến đi không phù hợp, đó là bước đầu để học cách yêu thương bản thân và cũng để không có những bài viết tiêu cực trong các chuyến đi của mình.

“Giống như việc lựa quần áo, không thể thấy người khác mặc bộ đó đẹp mà ta cũng ép bản thân mặc theo. Chọn địa điểm để đi cũng vậy, thấy chỗ này người ta chụp hình đẹp cũng muốn đi, thấy chỗ kia đông người đến mà cũng muốn bon chen vào biển người để check-in cho bằng người ta. Nhưng cậu thực sự hài lòng với chuyến đi kiểu rượt đuổi theo bóng người khác chứ? Tôi thì không. Trước mỗi chuyến đi tôi thường tự hỏi mục đích chuyến đi này là gì?”, Đức Anh trải lòng.

XUNAU 11
 

Nếu là chuyến đi để đăng tải lên blog cá nhân có tên Floating Soul thì anh sẽ phải chuẩn bị nhiều thứ từ lịch trình cho tới concept một cách chi tiết nhất. Còn nếu để ngắm cảnh hay muốn thay đổi không khí thì Đức Anh không chuẩn bị gì nhiều, đôi khi cũng không mang theo cả máy ảnh. 

Anh tâm sự: “Nghe hơi câu nệ rườm rà, đi chơi sao cần phải chuẩn bị nhiều làm gì, chuyến đi không lên lịch là chuyến đi mang nhiều trải nghiệm nhất”.

Nhưng mỗi chuyến đi mang lại trải nghiệm tích cực hay tiêu cực thì chưa biết. Đi du lịch là phút giây tận hưởng dành cho bản thân mà ta không có nổi chút thời gian kiểm tra thời tiết, một chút thời gian kiểm tra điểm đến mùa đó có gì, không có nổi một chút thời gian để tìm địa điểm phù hợp với mục đích của bản thân. Mà chỉ tìm đường đi sau khi xem vài ba tấm hình trên mạng, rồi khi về lại viết bài tiêu cực chê điểm đi đó và cả người đăng bài viết về điểm đó. Đối với Đức Anh mà nói, đó là sự thiếu tính trách nhiệm với bản thân.

Với một travel blogger, Đức Anh là người hay xê dịch và giới thiệu cho mọi người những nơi mình đi qua. Nhưng chưa có bài viết nào của anh có tiêu đề nói địa điểm này phải tới trước một độ tuổi nào đó. Theo anh thì mọi người tìm đến du lịch để vui vẻ và trải nghiệm, chứ không phải là để “chạy KPI”.

“Thời tiết ta không thể đoán được, nhưng điểm đến ta có thể chọn được, vậy nên hãy tìm những địa điểm phù hợp để có trải nghiệm tích cực và đáng nhớ nhé”, Đức Anh chia sẻ.

XUNAU 12