Lũ trẻ con thế hệ 7X đời cuối chúng tôi, hồi còn mặc quần thủng (cuối cấp 1, đầu cấp 2), thường một buổi đi học, một buổi chăn trâu cắt cỏ, phụ việc đồng áng với bố mẹ hay lê la cuối ghềnh đầu bãi nơi miền quê chiêm trũng. Bắt ve trèo cây lội ruộng tát cá, chạy nhảy hò hét lặn ngụp leo đồi tắm ao… không gì là không làm, sung sướng hể hả khỏe mạnh vui vẻ tràn trề, không khổ sở như lũ trẻ con mắt thì cận da thì trắng bợt bạt, nhìn ngơ ngác khổ sở với chiếc ba-lô chất đầy sách vở vẹo cả sống lưng như bây giờ.
Rau má thì tôi đoán khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, chỗ nào mà chả có, nhưng chắc đất châu Ái xứ Thanh “địa linh” sản vật dồi dào mà cũng lắm “nhân kiệt”, mỗi năm lại thường “chào đón” vài ba cơn bão nên món “rau” này mới thành “danh bất hư truyền” đến vậy. Như đã nói ở trên, lũ trẻ con lông lống bận quần thủng chân đi dép địa cầu (chân đất) sáng đi học trưa về làm vài ba lưng cơm chan nước cá kho xong chiều mỗi đứa vác một cái cuốc, cầm theo một cái rổ sảo (loại rổ có lòng đựng khá nông, được đan bằng nan tre to, cứng và có lỗ to) í ới gọi nhau đi “cậy rau má”.
“Cậy” là động từ, đúng tên gọi phổ thông hơn chứ hồi đó chúng tôi gọi là “cạy”, nghĩa là (dùng tay) làm bật ra cái gì đó (ở đây là cây rau má).
Thế đi kiếm rau, tại sao không gọi là “hái” mà lại gọi là “cậy”? “Hái” (hay bứt, trảy…) là hành động dùng tay làm cho hoa, quả, lá, cành đứt lìa khỏi cây để lấy đem về. Nhưng rau má thực ra là một loại cây thân thảo, lá nhỏ, thân bò sát mặt đất, mọc thành từng bụi nguều ngoào uốn éo chứ không vươn lên cao như cỏ. Muốn “cậy rau má” đúng kiểu và hiệu quả, chúng tôi đi dọc bờ ruộng, bờ đê. Tiết Thanh minh này là thời gian rau má mọc xanh non nhất. Tìm được một vạt đất nhiều rau má, dừng lại xí phần, đặt rổ xuống, dùng cuốc “đẫn” một miếng đất vuông vuông to như miếng gạch vồ (dài, rộng khoảng 20-30cm). Đất ở bờ đê, bờ ruộng thường ẩm nên mềm. Đẫn xong bốn cạnh, lấy tay bốc lên rồi ngồi… cậy/nhặt từng cây rau má trong đó ra, vứt vào rổ sảo.
Cứ thế đẫn đất, ngồi nhặt rồi lại đẫn đất, ngồi nhặt… cả buổi, đứa nào giỏi có khi kiếm được cả một rổ sảo rau má có ngọn cao ngút ngàn. Nơi nào mà rau má mọc dầy, non, đất bùn mềm ẩm, để đỡ tốn sức mất thời gian thì chả cần đẫn mà ngồi cậy luôn, bỏ luôn vào rổ.
Thường là các ông bảo vệ có cái tù và được làm bằng vỏ ốc biển hoặc chiếc sừng trâu hay cấm chúng tôi đi cậy rau má ở triền đê. Vì cuốc nhiều, cậy nhiều mảng đất ra, ảnh hưởng đến đê điều, nguy hiểm vào mùa nước lụt. Nhưng nếu dưới những con đường chính dẫn vào cánh đồng hay những bờ vùng bờ thửa nó bé, xa, phải lội thì đôi khi để đạt chỉ tiêu mẹ giao hôm nay phải có một rổ rau má đem về, chúng tôi vẫn “căn giờ” các ông ấy lượn đi đâu xa để vào đê... cậy trộm.
Cậy rau má là trò khá tỉ mẩn nhưng đôi khi đem lại những niềm vui bất ngờ. Cuốc vừa xong đang bốc đất lên, bỗng hiện ra một… cái hang chuột, hay mà cua, hang ếch… thì phải nói là vui. Hò nhau móc cua, bắt ếch hay chạy thình thịch đi kiếm rơm kiếm củi hun chuột đồng, tiếng cười nói lảnh lót, thanh âm ríu ran của lũ trẻ con làm xao động xốn xang cả cánh đồng dưới buổi chiều mưa bụi ẩm cuối Xuân.
Rau má ở quê tôi có hai loại. Loại ăn được là rau má thường, lá to hơn, hình tròn khuyết lõm vào phần dẫn xuống cuống, thân ngả mầu tim tím khi già đi. Bụi rau má già đủ độ còn có củ. Khi gặp bụi rau má mà thấy gốc to, lấy tay lay lay thấy có củ, chúng tôi thường cố cậy lấy nguyên cả củ. Nhớ lần lên Tây Tạng, lúc đứng nhìn cậu Hướng dẫn viên du lịch người Tạng đem từng con đông trùng ra đếm để đóng hộp bán cho khách, tôi đã ồ lên ngạc nhiên xen lẫn thích thú, vì nó trông rất giống… củ rau má già sần sùi nhỏ nhẹ mầu đen xám quê tôi.
Củ rau má lúc ăn sần sật như cắn chiếc chân gà. Một rổ rau có nhiều củ chứng tỏ rau má đã vào cuối vụ, gần như hết hẳn loại xanh non ngọt mát mơn mởn rồi.
Loại thứ hai được gọi là rau má hương. Loại này thường không ăn được vì nó có mùi khe khé, lá mỏng, thân bé mà ặt ẹo, mầu trong và bé hơn lá rau má thường, viền tròn lấm tấm lông khắp lá lẫn thân, trông đẹp hơn mà mọc nhiều hơn loại ăn được.
Đúng là những gì vô ích thường có nhiều, cậy rau má thường ra khỏi đất xong còn phải nhặt rau má hương và cỏ dại lẫn vào vứt đi. Phần chất lượng nhất đem ra ao, hồ giũ sạch, đem về. Thành quả cuối cùng được ngâm trong nước giếng khơi, rắc muối hạt khử trùng, vớt ra nhặt nhạnh cỏ rác lần cuối rồi mới đem đi nấu.
Canh rau má nấu thịt bằm là đặc sản thời nay, độ ngọt mát thơm tho ngon lành như thế nào chắc không cần phải tả. Nhưng thời đó làm gì có thịt bằm mà nấu canh. Cả một rổ sảo rau má được mẹ túm một tay, tay kia cầm dao bài cứ thế thái xoèn xoẹt, dăm ba lần túm là thái xong. “Thanh minh trong tiết tháng Ba…”, nhưng cũng là dịp “tháng Ba ngày Tám”, nghĩa là đúng kỳ giáp hạt, lúa trong bồ gạo trong chum gần cạn mà lúa ngoài đồng mới qua kỳ ngậm sữa đang dần chắc hạt. Tôi nhớ có bữa cơm, nhà bảy người, bố mẹ và năm đứa con lít nhít nhưng mỗi hai bơ gạo, nồi cơm đang sôi trào vung, mẹ mở ra đổ nguyên cả rổ to rau má vào. Lúc cơm chín đem lên, đơm bát cơm, bát nào cũng xanh đen một mầu nhức nhối của rau má…
Ăn cơm độn rau má rất nhanh đói, không chắc bụng như cơm độn khoai lang hay sắn gạc nai. Còn thức ăn ăn kèm à? Thời đó lấy đâu kiểu ăn thức ăn trước đến gần no như bây giờ xong cuối bữa mới làm tí cơm cho thêm pha tinh bột. Chỉ là một nồi canh rau không-người-lái lõng bõng với một bát nước mắm. Chan tí nước mắm vào thấy còn có ý nghĩa chứ rau má độn cơm chan canh chả khác gì trộn rau với rau kiểu “châu về Hợp phố”.
Kể ra đây để nhắc nhớ kỷ niệm, loài rau dại thầm lặng mà giản dị quê mùa chân chất kia đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ, đã góp công nuôi chúng tôi khôn lớn thành người. Và đọc đến đây, biết đâu nhiều người đã có thêm vài gợi ý cho những món thú vị sắp tới trong mâm cơm gia đình: canh rau má thịt bằm, rau má xào, sinh tố rau má hay thậm chí cơm độn rau má.
Là "dân rau má chính hiệu", nhưng đến hơn 20 năm trước, khi đang lang thang Sài Gòn đi làm đủ trả tiền thuê nhà, đổ xăng xe, tiền ăn hàng tháng, tôi mới biết đến sinh tố rau má. Nước rau má xanh, ngọt mát nhưng không hiểu sao uống ở đâu, dù là từ xe sâm lạnh ven đường của chú Ba đầu cầu Bông hay trong quán café máy lạnh, tôi vẫn thấy nó hơi lợn cợn như có sạn, và mùi nước, mùi sinh tố hơi nồng nồng, không được nguyên vẹn như rau má cậy từ ven bờ ruộng bờ đê quê tôi.
Đúng là quê hương – cho dù có đi nơi đâu, ta vẫn không quên được nhau…