Nơi thời gian ươm tơ dệt lụa

22/07/2017

Như câu ngụ ngôn”With time and patience, the mulberry leaf becomes a silk gown” (Qua thời gian và sự kiên nhẫn, những chiếc lá dâu trở thành vuông lụa), quá trình làm lụa là kết quả của những ngày kiên trì, bền bỉ.

Bài: Phan Các Trúc

Photo: Nguyễn Hữu Hôn

Sản xuất lụa, vốn là một trong những điều đặc sắc nhất làm nên lịch sử Châu Á, từng là bí mật được canh gác, bảo vệ cẩn mật nhất bởi quân đội đặc biệt của hoàng gia từ 2.000 năm trước. Bởi thế, được chứng kiến quá trình ươm tơ dệt lụa, thật sự là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt.

Tôi đến thăm nhà máy sản xuất lụa, cách trung tâm Đà Lạt tầm 25km, trên đường về Bảo Lộc. Mặc dù khoa học kỹ thuật đã rất phát triển, nhưng hầu hết nhà máy tơ lụa ở đây vẫn được vận hành, sản xuất bằng tay, và hoạt động theo phong cách gia đình truyền thống.

Bước vào nhà máy lụa, một cô gái đặt vào tay tôi con nhộng nhỏ màu trắng, thoạt nhìn trông như cuộn bông cotton. Thông thường, bạn sẽ không được bước vào khu vực nuôi tằm, bởi những chú tằm cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ con người, hương mỹ phẩm như son, phấn, dầu thơm, mùi mồ hôi và thậm chí cả tiếng ồn. Chỉ một cú hắt xì thình lình, bạn có thể phá hỏng cả một đợt thu hoạch.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Tằm là một sinh vật nhỏ kỳ diệu, chúng có thể ăn tất cả các loại lá, nhưng chúng chỉ nhả tơ khi ăn lá dâu. Nằm trong chiếc khung làm từ thân cây đay, những con tằm chín (tằm ngừng lớn) bắt đầu phun ti, tự quay quanh cơ thể mình 300.000 lần, tạo thành các vòng tơ thô có tổng chiều dài hơn 1km, bọc thành kén. Đồng thời, chúng tiết ra sericin (keo tơ), kết dính các sợi tơ. Lúc tằm nhả hết tơ, biến thành nhộng, người ta bắt đầu gỡ kén ươm tơ.

Người thợ nấu nhộng trong các khay nước sôi hừng hực, để làm lỏng chất keo sericin, bong lớp kén bên ngoài. Tay thoăn thoắt, hững người phụ nữ bắt đầu kéo mối tơ từ các kén khác nhau, chập lại thành sợi tơ thô.

Sợi tơ thô được kéo bằng tay, sau đó được quấn vào các lõi ống chỉ, chạy vào guồng xe tơ, cuộn thành các vỏ tơ thô trước khi phơi nắng. Lụa mộc có màu trắng ngà, hơi xơ cứng bởi lớp keo sericin. Bên ngoài hiên là rất nhiều các tấm đũi bắt ngang sàn nhà.

Lụa đắt đỏ, không chỉ bởi sự kỳ công của con người, sự kiên nhẫn tỉ mỉ đến ngạc nhiên khi nuôi trồng tằm, mà còn bởi quy trình gần như tàn nhẫn để sản xuất là một tấm lụa cao cấp. Người ta phải nấu chín ít nhất 3.000 con tằm, chỉ để có nửa ký lụa cao cấp. Đó là lý do tại sao, trong quá khứ, một tấm lụa có thể có giá bằng lương một năm của một người lính La Mã. 

Đi Đà Lạt, đừng quên đến thăm nhà máy sản xuất lụa, nơi bạn “à ố” trước sự tuyệt vời của thiên nhiên, sự sáng tạo của con người, và nét óng ánh như sợi nước chảy qua tay của lụa. 

RELATED ARTICLES