Mauro Gasparotti là Giám đốc của Savills Hotels, thuộc Tập đoàn Savills, chuyên về tư vấn và môi giới khách sạn tại Việt Nam. Công việc chính của Mauro cùng đội ngũ Savills Hotels là cung cấp tư vấn cho các Chủ đầu tư dự án thông qua việc phân tích các phương án phát triển tối ưu, phân tích chi phí đầu tư dựa trên các kịch bản định vị và mô hình khách sạn ở giai đoạn hoạch định ban đầu, cho đến việc lựa chọn các nhà điều hành và thương hiệu khách sạn.
Với nhiều năm kinh nghiệm và hiểu biết chuyên sâu trong lĩnh vực Du lịch - Khách sạn thông qua các hoạt động tư vấn và môi giới cho các dự án tại Việt Nam cũng như trong khu vực, anh Mauro có được một cái nhìn toàn cảnh về ngành du lịch tại Việt Nam hiện nay - cũng như những xu hướng, cơ hội tiềm năng trong thời gian tới. Hãy cùng tham khảo một số nhận định, dự đoán của anh Mauro dành cho ngành du lịch Việt Nam trong năm 2021.
Trước tiên, anh có thể chia sẻ lý do nào đã đưa anh đến với Việt Nam?
Tôi đến đây khi 27 tuổi, bây giờ tôi 40 - mười ba năm tuyệt đẹp!
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2007, khi tôi đang làm việc trong lĩnh vực đầu tư khách sạn ở Sydney (Úc). Tôi nhớ mình đã tình cờ nhìn thấy một tấm bìa tạp chí với dòng chữ “Việt Nam: con hổ châu Á tiếp theo”. Thành thật mà nói, tôi không biết nhiều về Việt Nam, ngoài một số câu chuyện thời chiến. Sau khi google “Sài Gòn”, rồi “Sài Gòn về đêm” rồi đến “người Việt Nam”, tôi quyết định gửi email cho một số công ty, nhận được lời mời làm việc, rồi mua vé bay một chiều và đã ở đây kể từ ngày đó.
Vậy điều gì đã giữ anh ở lại đây, đến tận bây giờ?
Tôi yêu Việt Nam - con người, không khí, thiên nhiên, những khách hàng và đồng nghiệp. À, đương nhiên là cả cô bạn gái người Việt Nam xinh đẹp của tôi nữa.
Anh đã khám phá được nhiều địa danh ở Việt Nam chưa?
Có thể nói tôi đã đi khá nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, từ bắc chí nam, từ đông sang tây. Từ những chuyến công tác ra Móng Cái, xuôi về phía nam tư vấn cho khách hàng mua lại đầm nuôi tôm ở Bạc Liêu. Từ cực đông Mũi Điện ở Phú Yên rồi đến những chuyến đi xe đò về phía tây ở Đắk Nông thăm nhà bạn gái…
Theo tôi, du lịch Việt Nam mang đến những trải nghiệm ấn tượng, độc đáo. Những người đã đến đây sẽ khó mà quên được, họ sẽ luôn mang theo mình những ký ức về Việt Nam.
Với chuyên môn của mình, anh có thể đưa ra một số dự đoán về du lịch Việt Nam trong năm 2021?
So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có lợi hơn nhiều trên con đường phục hồi nhờ ba yếu tố: (1) khách du lịch nội địa chiếm một tỷ lệ lớn trên tổng số khách du lịch; (2) lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài rất lớn và hiện nay đối tượng này đang chuyển sang đi du lịch trong nước; (3) Việt Nam nằm gần các quốc gia châu Á khác có tình hình Covid-19 đang được kiểm soát. Khi biên giới mở cửa trở lại, những nhóm du khách này dự kiến sẽ sớm phục hồi và họ là những nhóm khách rất đông, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, có thể sẽ chọn cho kỳ nghỉ ngắn ngày ít nhất là vào năm 2021 và một phần của năm 2022, trước khi có thể đi nghỉ ở châu Âu hoặc Mỹ.
Phần lớn các khách sạn hiện đang phân bổ ngân sách của mình theo kịch bản chính là quý 1 và quý 2 vẫn chủ yếu dựa vào nhu cầu nội địa, rồi quý 3 và quý 4 có thể bắt đầu đón khách quốc tế quay trở lại. Nếu cho rằng trung bình năm nay thị trường dự kiến sẽ đóng cửa với tỷ suất đặt phòng 28% trên cả nước, thì chúng ta hy vọng có thể tăng trưởng vào cuối năm tới và đưa tỷ suất đặt phòng vượt mức 50%. Nhưng, điều đó sẽ phải phụ thuộc vào thành công của vaccine và việc mở cửa biên giới quốc tế.
Theo anh, ngành du lịch Việt Nam có thể có sự phục hồi đột phá vào năm 2021 không và bằng cách nào?
Tôi tin rằng thị trường sẽ phục hồi, nhưng sẽ mất cả năm 2021 và có thể là năm 2022 để quay trở lại được như năm 2019. Các nhà đầu tư và những người trong ngành dịch vụ khách sạn nên nhìn vào trung hạn của ngành và tập trung ngay vào những cải tiến như đưa ra các sản phẩm mới, hình thức giải trí mới, cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như các tiện ích và cơ sở vật chất hạ tầng. Điều này sẽ cho phép thị trường Việt Nam sẵn sàng cho quá trình hồi phục, đón đầu các cơ hội và làn sóng du lịch trong thời gian tới. Đó phải là một hoạt động có sự phối hợp của chính quyền địa phương, các công ty lữ hành du lịch, chủ đầu tư khách sạn và các doanh nghiệp trong ngành để có thể đưa du lịch Việt Nam lên tầm cao mới.
Thị trường trong những năm vừa qua đang đi theo hướng cung vượt cầu và “phát triển nóng” tại một số điểm du lịch. Bây giờ chúng ta nên dành thời gian này để đánh giá toàn diện về tình hình du lịch, phân tích những tiềm năng sẵn có nhằm đưa ra những giải pháp cải thiện, xây dựng chiến lược phá triển dài hạn và nâng cao chất lượng một cách đồng bộ cho toàn ngành du lịch và các điểm đến nghỉ dưỡng trên cả nước chứ không chỉ đơn thuần là các địa điểm du lịch hoặc cơ sở lưu trú đơn lẻ.
Để duy trì hoạt động, nhiều khách sạn đã liên tiếp đưa ra các mức giá ưu đãi lớn, nhưng liệu đó có phải là một giải pháp lâu dài?
Thông thường, các khách sạn không có xu hướng giảm giá vì việc tăng giá trở lại có thể là rất khó, nhưng chưa ai từng trải qua những chuyện đã xảy ra trong năm nay. Bằng cách giảm giá, các khách sạn thay đổi đối tượng khách hàng ban đầu của họ để tiếp cận nhiều phân khúc khác và rộng hơn. Phần khó là khi khách hàng đã quen với việc giảm giá, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của họ về “giá trị” khi khách sạn khôi phục lại mức giá ban đầu.
Một giải pháp phổ biến khác để tạo doanh thu là các chương trình khuyến mãi, chẳng hạn như các gói khuyến mãi trọn gói với một đêm lưu trú miễn phí, hỗ trợ thanh toán vé máy bay hay các ưu đãi về ẩm thực.
Nhiều xu hướng mới được hình thành trong thời gian này, theo anh, xu hướng nào sẽ được ưa chuộng trong năm 2021?
Trước hết, chúng ta có thể thấy sự chuyển dịch từ việc phân loại khách sạn theo “sao” với 3, 4, 5 cấp sang “loại hình” khách sạn, cũng như việc phân loại khách du lịch theo “khách đi công tác và khách đi nghỉ dưỡng” sang xác định khách ở nhiều phân khúc mang tính cá nhân hóa cao hơn với những định nghĩa như Millennial Travelers (du khách 8X-9X)), Bleisure Guest (kết hợp công tác và nghỉ dưỡng), Foodie Traveller (du lịch ẩm thực), Wellness Seekers (kết hợp du lịch và chăm sóc sức khỏe), Groupies (khách đoàn), Family Travelers (du lịch gia đình)... Điều đó đã mang lại cho chủ sở hữu khách sạn, nhà điều hành và nhà tư vấn cơ hội để tập trung vào “trải nghiệm của khách hàng” theo cách phù hợp hơn và thực sự nắm bắt được bản chất của ngành dịch vụ khách hàng, chứ không chỉ là cung cấp “một phòng có giường”.
Nói về xu hướng, tôi rất thích các khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe - kết hợp giữa dinh dưỡng, hoạt động sinh thái, tính bền vững, giáo dục với một số trải nghiệm tinh thần (ở các cấp độ khác nhau). Chúng tôi bắt đầu thấy các khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam không chỉ cung cấp các hoạt động yoga và chánh niệm, mà còn có các chương trình thanh tẩy và tổng thể với một loạt các hoạt động tại chỗ do các huấn luyện viên chuyên ngành hướng dẫn.
Tôi cũng rất thích các khu nghỉ dưỡng và khách sạn quan tâm đến vấn đề ẩm thực và mang lại giá trị bổ sung cho khách hàng thông qua dịch vụ và chất lượng đồ ăn - cần nhấn mạnh rằng yếu tố ẩm thực rất quan trọng đối với một số khu nghỉ dưỡng và họ nên quan tâm đến điều đó. Mặt khác, yếu tố ẩm thực không cần thiết lắm đối với một số loại hình khách sạn, ví dụ như khách sạn thành phố với dịch vụ chọn lọc. Thế nên tôi mới yêu thích ngành dịch vụ khách hàng, nó bao gồm rất nhiều lựa chọn!
Anh và Team Savills Hotels có kế hoạch gì để đóng góp vào sự phục hồi của ngành du lịch trong năm 2021?
Tôi và cả nhóm thường tổ chức các hoạt động như hội nghị chuyên môn, sự kiện kết nối ngành và hội thảo trực tuyến chia sẻ thông tin mới nhất cho các cá nhân và tổ chức trong ngành nhằm hỗ trợ quá trình hồi phục của thị trường. Một trong những sự kiện được biết đến rộng rãi nhất của chúng tôi là Meet The Experts, đây là hội nghị khách sạn lớn nhất tại Việt Nam, và tôi tin rằng chuỗi sự kiện này sẽ trở thành chất xúc tác mới mẻ cho việc chia sẻ thông tin nhằm giúp đỡ hoặc truyền cảm hứng cho các chủ sở hữu và chủ đầu tư khách sạn.