Xứ Đoài - Đi hoài vẫn nhiều lưu luyến

18/11/2020

Tôi lớn lên cùng hình dung thật đẹp về xứ Đoài qua những lời thơ mộc mạc mà da diết, là “xứ Đoài mây trắng lắm”, là “mái chùa cong qua gió mưa”, là “thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”. Giờ đây, mỗi lần tới xứ Đoài là một lần tôi lưu luyến khi phải rời đi.

Xứ Đoài là vùng đất Sơn Tây cổ có bề dày lịch sử bắt nguồn từ thời Hùng Vương, tục còn gọi là trấn Đoài, trấn Tây – một trong tứ trấn Thăng Long xưa. Trên bản đồ hành chính ngày nay, tên gọi xứ Đoài không còn tồn tại, địa giới có nhiều đổi khác, chỉ còn thị xã Sơn Tây (vốn là thủ phủ của xứ Đoài xưa) trực thuộc thành phố Hà Nội. Vậy nên nhắc đến xứ Đoài là ai nấy đều biết rằng nói tới Sơn Tây. Từ lâu, nơi đây là vùng đất “nắm giữ” trái tim của nhiều du khách. Đặc biệt, với khoảng cách chỉ mất 1 giờ lái xe từ trung tâm Hà Nội, xứ Đoài là điểm đến vô cùng thích hợp cho một chuyến đổi gió trong ngày hoặc kỳ nghỉ cuối tuần. Tuy không giữ được nguyên vẹn dáng hình xưa cũ nhưng nơi đây vẫn còn vô vàn những dấu tích văn minh Việt cổ, với đất lề quê thói, với vẻ đẹp thanh bình, yên ấm đặc trưng cho làng quê Bắc Bộ và cả những thắng cảnh thiên nhiên hoàn hảo cho du lịch sinh thái.

Thành cổ Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây được xây dựng từ triều vua Minh Mạng thứ ba (năm 1822), trên khu đất bằng thuộc phạm vi hai làng Thuần Nghệ và Mai Trang thuộc huyện Tùng Thiện xưa, nay thuộc thị xã Sơn Tây. Đây là toà thành đá ong duy nhất của Việt Nam và là kiến trúc quân sự cổ bảo vệ phía tây thành Hà Nội.

Hào nước bao quanh thành cổ Sơn Tây

Hào nước bao quanh thành cổ Sơn Tây

Theo sử sách ghi lại, ngày trước thành Sơn Tây có 5 khu: khu giữa thành là khu nghi lễ, hai ao sen hai bên, có vọng lâu (nay là cột cờ) cao 18 thước. Trong thành có điện Kính Thiên rộng 5 gian lợp ngói lưu ly, bên trong có 2 cột tròn làm bằng gỗ lim sơn màu cánh gián. Hai gian bên có cửa sổ tròn trang trí hình chữ Thọ.

Empty
Empty
Empty
Empty

Thành có diện tích 16 ha, xung quanh có hào nước bao bọc, tường thành được kết cấu theo lối kiến trúc Vauban (có chỗ lồi ra để đặt các pháo đài) với 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả; những cổng thành này hiện vẫn còn nguyên vẹn. Trải qua những thăng trầm và biến cố lịch sử, thành đã bị phá hủy nhiều nhưng vẫn còn nguyên vẹn hình dạng và những dấu tích các công trình xưa. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành.

Điện Kính Thiên

Điện Kính Thiên

Empty
Empty

Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia. Dựa vào các tư liệu cổ, nhiều dự án tu bổ, khôi phục lại các công trình của thành đã được triển khai dựng lại trên nền cũ như điện Kính Thiên, vọng lâu (cột cờ), tường thành bằng đá o­ng.

Cột cờ đã được phục dựng lại ở Thành cổ Sơn Tây

Cột cờ đã được phục dựng lại ở Thành cổ Sơn Tây

Đặc biệt, không chỉ có giá trị văn hoá – lịch sử, thành cổ còn có hệ thống cây xanh lâu năm và thảm thực vật phong phú, được ví như lá phổi xanh của thị xã Sơn Tây và là không gian giải trí tuyệt vời cho người địa phương và du khách

Làng cổ Đường Lâm

Với mọi người Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm là niềm kiêu hãnh, là mạch nguồn của sức mạnh tinh thần; còn với du khách, đây là ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam - nơi được xem như bảo tàng của lối sống nông thôn cổ xưa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Được gọi là làng cổ nhưng thực chất Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh (huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây), trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.

Empty

Có niên đại gần 3 kỷ, Đường Lâm hội tụ đủ những nét đặc trưng của không gian văn hoá làng quê Bắc Bộ thuần nông với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi. Hệ thống đường sá của Đường Lâm được kiến tạo theo cấu trúc hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ nhỏ thông với nhau. Với cấu trúc này, người đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh – vị trí mang tính tín ngưỡng tôn nghiêm nhất của mỗi ngôi làng.

Empty
Empty
Empty

Nhưng để góp phần tạo nên linh hồn của Đường Lâm thì phải nhắc đến đá ong – thứ vật liệu có bề mặt xù xì, lồi lõm như tổ ong dùng làm gạch xây tường nhà, cổng nhà, cổng làng, giếng làng… Đá ong là vật liệu tự nhiên được người dân khai thác từ lòng đất xứ Đoài không chỉ đem đến sự mát mẻ cho ngôi nhà trong mùa hè, ấm áp trong mùa đông mà ít mọc rêu trơn, bền chắc và đem tới cho Đường Lâm diện mạo độc đáo.

Empty

Đến nay, Đường Lâm còn khoảng 300 ngôi nhà đá ong cổ được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, nằm rải rác ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh, là điểm tham quan cho du khách. Nhiều chủ nhân của những ngôi nhà này vẫn theo nghề truyền thống được truyền từ nhiều đời như làm kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam, ủ tương… nên khi ghé thăm nhà cổ, du khách vừa có thể trực tiếp trải nghiệm cách làm và nếm thử những sản vật địa phương này, vừa mua về làm quà.

Empty
Empty

Đặc biệt, theo sự phát triển của du lịch nên một số nhà cổ đã mở dịch vụ homestay để đem đến cho du khách cơ hội trải nghiệm cuộc sống nơi làng cổ. Không chỉ ngủ đêm trong nhà cổ, nếu muốn, du khách có thể dậy sớm đi chợ, vào bếp tự nấu ăn để được hoà mình cùng với những sinh hoạt bình dị hàng ngày của người địa phương.

Empty
Empty

Ngoài nhà cổ, Đường Lâm còn có nhiều di tích có nghĩa đặc biệt cả về mặt văn hoá, lịch sử và kiến trúc như đình làng Mông Phụ, chùa Mía, Văn miếu Sơn Tây, đền thờ Bà chúa Mía, lăng Ngô Quyền, đình Đoài Giáp (thờ Phùng Hưng)… Khi đi chơi mệt, du khách có thể nghỉ chân ở một quán nhỏ bên đường, uống bát nước vối hoặc chè xanh, nhấm nháp chiếc kẹo quê để nghe bà hàng nước trò chuyện về vùng đất địa linh nhân kiệt này – nơi duy nhất một ấp hai vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền) và cũng là nơi xuất thân của nhiều danh nhân như bà Man Thiện (mẹ Hai Bà Trưng), bà chúa Mía (vương phi của chúa Trịnh Tráng), thám hoa Giang Văn Minh, Phan Kế Toại…

Empty

Đồng Mô

Khu du lịch Đồng Mô nằm trong quần thể du lịch Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam có không gian thoáng đãng và hồ chứa nước rộng khoảng 500 ha, nằm trong khu vực chân núi Ba Vì. Không khí ở đây lúc nào cũng trong lành và có phần bình yên hơn hẳn so với Hà Nội ồn ào, tấp nập. Đặc biệt, các khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên các đảo và bán đảo trên hồ với những thảm cỏ trải rộng và cây cao xanh mát tạo nên cảnh quan đẹp và lạ mắt, là lựa chọn lý tưởng cho những chuyến dã ngoại, cắm trại hoặc nghỉ dưỡng cuối tuần. Đừng bỏ qua trải nghiệm du hồ bằng thuyền máy bởi đây là hành trình thú vị giúp bạn tận hưởng vẻ đẹp của hồ Đồng Mô.

Empty

Gần đây, biệt thự Phan thị - nơi được dùng làm bối cảnh quay cho bộ phim truyền hình “Người phán xử” – cũng mở cửa đón du khách. Khu biệt thự mang phong cách cổ điển với nội thất xa hoa này không chỉ là nơi check in tuyệt đẹp mà còn có nhiều dịch vụ hấp dẫn để du khách có cơ hội thử một lần trải nghiệm cuộc sống của người nhà Phan thị.

Empty
Empty
Empty

Chùa Khai Nguyên

Xứ Đoài xưa là vùng đất của nhiều đền chùa cổ nổi danh về vẻ đẹp kiến trúc, văn hoá và sự linh thiêng còn tồn tại đến ngày nay như chùa Mía, đền Và, chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Trầm nhưng cũng có những ngôi chùa cổ đã dần biến mất theo dòng lịch sử.

Empty

Cổ Liêu Tự (thường được gọi là Chùa Cheo) có niên đại lịch sử từ nửa đầu thế kỷ XVI, có vị trí thuộc thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây ngày nay. Tương truyền, đây là nơi gửi gắm tâm nguyện của đông đảo Phật tử thập phương, bốn mùa khói hương không dứt nhưng tất cả những gì còn lại của Cổ Liêu Tự ngày nay chỉ là một chiếc chuông đồng lớn.

Empty
Empty

Từ năm 2006, các tín đồ Phật tử từ khắp nơi đã cùng nhau tôn tạo một quần thể chùa mới trên nền cũ của Cổ Liêu Tự, lấy tên là chùa Khai Nguyên. Chùa mới có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”; có tả vu, hữu vu, tiền Phật, hậu Tổ, cuối Tăng Đường… và khu nội viện. Điểm nổi bật của chùa Khai Nguyên là bức tượng A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á có chiều cao 75m nằm trong khuôn viên và tôn tượng Đức Phật Thích Ca bằng gỗ mít lớn nhất Đông Nam Á hiện nay có cao 7,88 m.

Empty

Dù chưa hoàn thiện quá trình tôn tạo, chùa Khai Nguyên vẫn mở cửa đón khách thập phương và đang là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo khách hành hương.

Thông tin thêm:

Hành trình: Sơn Tây cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km, đi hết 1 giờ lái xe. Từ Hà Nội, bạn có thể tới Sơn Tây bằng đường cao tốc Láng – Hoà Lạc hoặc đường quốc lộ 32.

Phương tiện: Ô tô tự lái hoặc xe máy. Bạn cũng có thể lựa chọn đi xe bus số 20B, 70, 71 hoặc 77.

Ẩm thực: Gà mía, lợn quay đòn, bánh tẻ, chè lam, kẹo dồi, tương là những món đặc trưng không thể bỏ qua khi đến Sơn Tây.

Tour: Bạn có thể đặt tour 1 ngày khám phá Đường Lâm từ Hà Nội với giá khoảng 800.000 - 900.000 đồng/người

KinCoi
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES