Tọa lạc ở số 66 Điện Biên Phủ, phường Hồng Bàng, Bảo tàng Hải Phòng là một trong số những kiến trúc cổ nổi tiếng của thành phố. Là một trong một trong những bảo tàng tỉnh, thành phố ra đời sớm nhất của cả nước, từ năm 1959 đến nay, Bảo tàng Hải Phòng đã sưu tầm và lưu giữ trên 22.000 hiện vật, trên 11.400 hình ảnh, 3.285 tài liệu văn bản gốc và trên 720 đầu sách cùng nhiều giá trị lịch sử ý nghĩa, quan trọng.
Được biết tòa nhà này ban đầu được một tập đoàn kinh doanh của Hong Kong xây dựng năm 1918 theo phong cách Gothique của châu Âu. Sau một thời gian do thua lỗ, chủ đầu tư đã bán công trình này cho một nhà tư bản người Pháp. Từ khoảng năm 1920, tòa nhà có tên là Ngân hàng Pháp - Hoa.



Nằm ở trung tâm thành phố, Bảo tàng Hải Phòng là điểm tham quan lịch sử, văn hoá thuận tiện cho du khách ghé thăm
Sau ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955), công trình được sử dụng làm trường Cao đẳng Ngân hàng. Đến năm 1958, theo đề nghị của UBND TP Hải Phòng, Bộ Tài chính đã bàn giao tòa nhà này để làm bảo tàng. Ngày 20/12/1959, sau một thời gian sửa chữa, Bảo tàng Hải Phòng khánh thành. Từ đó, nơi đây cũng được biết đến là bảo tàng khảo cứu địa phương đầu tiên của Việt Nam.
Toà nhà có diện tích khoảng 1 ha, gồm hai tầng, một hầm, diện tích mặt sàn khoảng 1.200 m2. Qua nhiều lần tu sửa nhưng Bảo tàng Hải Phòng vẫn giữ khá nguyên bản kiến trúc bên ngoài và cấu trúc cơ bản bên trong như cách đây hơn 100 năm.
Hai tầng của Bảo tàng Hải Phòng được chia làm 16 phòng trưng bày 12 nội dung và một phòng dành cho trưng bày chuyên đề nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố, cũng như các sự kiện văn hóa có liên quan theo tiến trình lịch sử. Tổng số hiện vật được sử dụng là: 1.736 hiện vật, 840 hình ảnh, tư liệu.



Kiến trúc của toà nhà được giữ nguyên vẹn, tận dụng làm nơi trưng bày nhiều hiện vật quý giá
Các nội dung thường xuyên trưng bày tại Bảo tàng gồm: tài nguyên thiên nhiên Hải Phòng, Hải Phòng thời tiền sơ sử, Hải Phòng từ thế kỷ I đến cuối thế kỷ XIX, đô thị Hải Phòng xưa, Hải Phòng từ cuối thế kỷ XIX đến cách mạng tháng 8/1945, Hải Phòng 30 năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1945-1975, giao thông Hải Phòng - cửa ngõ phía Bắc, biển đảo Việt Nam, nông nghiệp Hải Phòng, lịch sử kinh tế công thương nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Hải Phòng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phòng Hữu nghị, Bác Hồ với nhân dân Hải Phòng - Nhân dân Hải Phòng làm theo lời Bác.
Những nội dung trưng bày được truyền tải theo dòng lịch sử và những chủ đề đặc trưng của thành phố Hải Phòng, thể hiện đầy đủ về vùng đất, con người, văn hoá truyền thống của Hải Phòng trong tiến trình lịch sử.



Những nội dung trưng bày được truyền tải theo dòng lịch sử và những chủ đề đặc trưng của thành phố Hải Phòng
Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2024) và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024, Bảo tàng Hải Phòng đã trưng bày các bảo vật quốc gia cùng các hiện vật cổ trong Bộ sưu tập An Biên phục vụ nhân dân và du khách. 300 hiện vật cổ trong Bộ sưu tập An Biên có niên đại từ Văn hóa Đông Sơn đến quốc gia Đại Việt thế kỷ 19, trong đó có 18 bảo vật quốc gia của nhà sưu tập An Biên (nhà sưu tập Trần Đình Thăng). Đây cũng là lần đầu tiên Bảo tàng công bố bộ Kim phẩm bằng vàng, bạc trong Thánh cung Đền Nghè được Bảo tàng Hải Phòng lưu giữ, bảo quản và tiếp nhận vào tháng 2/2024.



Bảo tàng hiện Bảo tàng Hải Phòng hiện là nơi lưu giữ và trưng bày các bảo vật quốc gia cùng các hiện vật cổ trong Bộ sưu tập An Biên
3 bảo vật được công nhận năm 2023 gồm: Bình đồng Đông Sơn, niên đại Văn hóa Đông Sơn; Bình gốm hoa nâu niên đại thế kỷ 11 - 12; Lư hương gốm men lam xám niên đại khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 - 1591), đời vua Mạc Mậu Hợp.
6 bảo vật quốc gia được công nhận năm 2022 gồm: hai đĩa gốm men ngọc (niên đại Triều Lý, thế kỷ XI - XII); đĩa gốm men lam tím (niên đại triều Lê sơ, thế kỷ 15); lư hương gốm hoa lam (niên đại triều Lê sơ, thế kỷ 15); hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê (niên đại thế kỷ 16 - 17).
9 bảo vật quốc gia cuối cùng được nhà nước công nhận vào năm 2021 đều là các sản phẩm bằng gốm men trắng có niên đại triều Lý với các kiểu dáng, họa tiết độc đáo thuần Việt, đậm bản sắc văn hoá, triết lí thời đại của một nhà nước quân chủ Phật giáo.



Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày nhiều tác phẩm quý như tượng Phật Quan âm tự tại làm bằng gỗ quý ngọc am được tạo tác chuẩn mực theo mang phong cách nghệ thuật Trung Hoa giai đoạn thế kỉ 17 - 19 hay hàng trăm hiện vật cổ có niên đại triều Lý, Trần, Lê, Mạc với đủ các hoa văn họa tiết đẹp còn nguyên vẹn được trưng bày tại phòng chính của Bảo tàng Hải Phòng.




Tượng Phật Quan âm tự tại làm bằng gỗ quý ngọc am trưng bày tại bảo tàng
Từ khi hình thành đến nay, bảo tàng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục lịch sử, tinh thần yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc cho người dân thành phố. Trong những ngày lịch sử của đất nước nói chung và TP Hải Phòng nói riêng như 30/4 Giải phóng miền Nam, 13/5 Giải phóng Hải Phòng, 2/9 Quốc khánh... nhiều du khách địa phương và ngoại tỉnh đến tham quan Bảo tàng như một cách nhìn lại những trang sử vẻ vang và hào hùng của dân tộc. Khách đến tham quan ngoài những người lớn tuổi, các cựu chiến binh còn có thanh thiếu niên và trẻ em.



Bảo tàng góp phần giáo dục lịch sử, tinh thần yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc cho người dân
Bảo tàng mở cửa đón khách buổi sáng từ 8h00 đến 11h00, buổi chiều từ 14h00 đến 17h00, đóng cửa vào thứ hai hằng tuần. Đây cũng là điểm check in với nhiều góc chụp ảnh đẹp cho các du khách khi đến tham quan Hải Phòng.
Hải Phòng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và đậm đặc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, với 553 di tích được xếp hạng, trong đó 118 di tích cấp quốc gia, 433 di tích cấp thành phố, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 21 bảo vật quốc gia.