Trong ngày 22 và 23/1, người dân và du khách ở TP.HCM có thể tham gia, khám phá và trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc, mới lạ lần đầu tiên được tổ chức. Vào các khung giờ 6h - 9h và 15h30 - 17h30 trong 2 ngày của sự kiện, 16 khinh khí cầu (gồm 2 khinh khí cầu lớn, 2 khinh khí cầu dựng cố định, 12 khinh khí cầu nhỏ) bay trên khu vực ven sông Sài Gòn.
Ngày hội khinh khí cầu là hoạt động nhằm đa dạng hóa các sản phẩm của du lịch, qua đó khẳng định hình ảnh một thành phố có những điểm đến "an toàn - hấp dẫn - sôi động và tràn đầy hứng khởi" trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động cũng chuẩn bị cho việc đón du khách quốc tế trở lại TP.HCM trong năm 2022.
Theo các chuyên gia bay khinh khí cầu, để có thể mang đến trải nghiệm trọn vẹn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho du khách, các ê-kíp bay khinh khí cầu phải mất khoảng 20 ngày để chuẩn bị. Đến chiều tối ngày 20/1, các đội bay đã có mặt tại công viên Thủ Thiêm để bắt tay vào chuẩn bị bay thử rất kĩ càng trước khi thực hiện các màn trình diễn.
Trong sáng 22/1, 16 khinh khí cầu lần lượt lướt bay trên bầu trời thành phố, nhanh chóng cuốn hút người xem vì sắc màu nổi bật trên nền trời xanh. Tuy nhiên, trong lượt bay chiều, do ảnh hưởng của sức gió, những phi công gặp nhiều khó khăn để trong việc điều khiển được khinh khí cầu, nhiều chiếc bay không ổn định, chao đảo liên tục.
Bên cạnh những màn trình diễn khinh khí cầu, người dân cũng được thưởng thức các hoạt động xem diễu hành du thuyền, biểu diễn dù lượn và các môn thể thao dưới nước. Trong đó, hoạt động biểu diễn dù lượn diễn ra vào 2 khung giờ từ 9h30 - 10h30 và từ 16h30 - 17h30. Chương trình diễu hành du thuyền và hoạt động thể thao dưới nước trên sông Sài Gòn từ khu vực trước nóc hầm Thủ Thiêm - cầu Sài Gòn - cầu Phú Mỹ - nóc hầm Thủ Thiêm…
Đặc biệt, ngoài vị trí tổ chức khai mạc tại Công viên nóc hầm Thủ Thiêm, ngày hội cũng tạo điều kiện để người dân và du khách có thể thưởng lãm các hoạt động biểu diễn từ nhiều khu vực khác nhau như khu vực bờ sông cuối đường đi bộ Nguyễn Huệ, cầu Khánh Hội, Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng, các tòa nhà cao ốc có hướng nhìn ra Công viên hầm Thủ Thiêm…
Sở Du lịch cho biết đây là hoạt động nhằm đa dạng hóa các sản phẩm của du lịch TP.HCM, thông qua đó tái khẳng định hình ảnh TP.HCM là điểm đến "an toàn - hấp dẫn - sôi động và tràn đầy hứng khởi" trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế, chuẩn bị cho việc đón du khách quốc tế trở lại TP.HCM trong năm 2022.