Theo con đường dọc biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), tôi tìm vào xóm nhỏ ở khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An. Gió thổi từng luồng mang theo vị biển mặn chan chát. Tiếng kêu lách ca lách cách phát ra liên hồi. Ở một khoảng sân nhỏ ngập bóng nắng, gốc tre chất thành đống, nằm la liệt trên mặt đất. Người đàn ông tuổi trung niên dáng mảnh khảnh đang cặm cụi cưa, đẽo từng gốc củi khô. Những mảnh bụi tung tóe bám từng mảng trên má. Trán lấm tấm mồ hôi, những giọt nước lăn nhẹ rồi rơi xuống đôi tay đang thoăn thoắt. Anh lúc đăm chiêu, tập trung, lúc bật cười như thể một ý tưởng vừa lóe lên. Nụ cười để lộ hàm răng sún đã trở thành thương hiệu không lẫn vào đâu được tại Hội An.
Anh là Huỳnh Phương Đỏ (50 tuổi), cha đẻ của nghệ thuật điêu khắc gốc tre Hội An. Vì lẽ đó, cái tên Đỏ điên hay Đỏ Tre đã gắn liền với anh suốt 20 năm nay. Trong ngần ấy thời gian, người nghệ nhân ngày qua ngày đã hồi sinh những gốc tre xù xì thành những tác phẩm nghệ thuật sống động. "Công việc của tôi ngày nào cũng lặp lại như thế. Nhưng tôi không thấy nhàm chán. Con người có thể dễ hào hứng với những việc mới mẻ nhưng để duy trì niềm vui với những điều cũ kỹ cần sự nhẫn nại", anh Đỏ nói.
Những năm tháng thăng trầm đã 'tạc' nên Đỏ Tre
Tại xưởng chế tác trước nhà, anh Đỏ mắt rưng rưng nhớ lại một ngày của năm 1999. Xóm nhỏ ven biển oằn mình trong trận lũ lịch sử. Gió rít từng cơn. Nước chảy xiết. Trong con nước cuộn trào lổn nhổn củi, rác, anh nhìn thấy một bụi tre "là lạ". Tò mò, anh Đỏ vớt bụi tre lên, chặt lấy gốc, rảnh tay đục đẽo trong lúc chờ nước rút. Từ lần đẽo chơi đó, anh mới nghĩ: "Ồ, hóa ra gốc tre cũng có thể điêu khắc được". Tác phẩm điêu khắc gốc tre đầu tiên ở Hội An được ra đời như thế. Đó cũng là cơ duyên đưa anh gắn bó với môn nghệ thuật này đến bây giờ.
Tuy nhiên, mọi thứ không đến với anh Đỏ một cách ngẫu nhiên mà là một quá trình dài đi cùng nghệ thuật điêu khắc gỗ của anh từ những năm tháng thiếu niên. Anh Đỏ kể, năm 16 tuổi, anh được bố mẹ đưa đi tầm sư học nghề ở làng mộc Kim Bồng. Vốn có năng khiếu thủ công, lại được sự chỉ dạy tận tình của thầy, anh Đỏ nhanh chóng thành thạo. Sau 3 năm học, anh đi làm thuê cho các cơ sở điêu khắc gỗ. Thế nhưng, cuộc sống chật vật, công việc không đủ để nuôi sống bản thân, anh Đỏ bỏ nghề, chuyển sang nấu bánh chưng rồi đạp xe khắp ngõ hẻm Hội An bán kiếm tiền. Giờ nhìn lại những năm tháng thăng trầm ấy, nghệ nhân xứ Quảng vẫn bồi hồi: "Nếu không trải qua giai đoạn đó, chắc không có Đỏ Tre bây giờ", rồi mắt anh lấp lánh niềm vui khi nhìn những tác phẩm mới đã được xếp đầy giỏ để chuẩn bị mang đi trưng bày. Đến nay, chẳng thể đếm được bao nhiêu gốc tre ngỡ là củi bỏ đi đã "hồi sinh" nhờ bàn tay của người nghệ nhân 50 tuổi.
Để tạo nên những bức tượng nhân vật lịch sử, tâm linh, truyền thuyết của Việt nam và thế giới, ngoài kỹ năng điêu khắc, người nghệ nhân còn phải tìm tòi, đọc không biết bao nhiêu trang sách báo, tài liệu về lịch sử, văn hóa. Những tác phẩm của anh Đỏ đặc tả các biểu cảm khuôn mặt khác nhau, tượng trưng cho hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Mỗi bức điêu khắc đều là độc bản, bởi không gốc tre nào giống gốc nào. Chưa kể, các tác phẩm đều được tạo ra hoàn toàn thủ công, và gửi gắm cái hồn của người nghệ sĩ nên không bao giờ bị lặp lại.
Hành trình gốc tre VƯỢT rừng sâu để trở thành tác phẩm nghệ thuật
Tại gian hàng trưng bày sản phẩm bên sông Hoài ở phố cổ Hội An, anh Đỏ xếp tác phẩm lên bàn không ngơi tay, hào sảng kể: "Gốc tre già 85 tuổi này phải vượt hành trình rất xa lên đến nghìn km, từ trong rừng sâu Sơn La, sau đó trung chuyển ở vài bến xe mới về tới Hội An. Với những gốc tre già, quý hiếm này, tôi phải đích thân đi Tây Bắc để tìm. Gian khổ lắm chứ không phải giỡn".
Những gốc tre ít tuổi hơn, anh Đỏ thường tìm mua ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận. "Mình lang thang khắp các làng quê, cứ thấy bụi tre nào đã chặt còn gốc nằm vất vưởng ra, mình thu gom và trả với giá 15.000 đến 20.000 mỗi gốc. Mình vừa tái chế nguồn phế liệu thiên nhiên, vừa tạo ra sản phẩm thủ công có giá trị", anh Đỏ bày tỏ. Gốc tre cũng cần được lấy đúng mùa để đảm bảo chất lượng.
Thu mua gốc tre đã khó, hành trình tạo hình nên tác phẩm càng đòi hỏi nhiều tâm sức. Nguyên vật liệu mang về được bảo quản chống mối mọt, hư hỏng bằng cách ngâm bùn 9 tháng rồi vớt lên phơi 10 nắng, trước khi mang đi chế tác được vệ sinh sạch sẽ. Ở xưởng, cô con gái đang là sinh viên năm nhất của anh Đỏ những lúc không bận học lại phụ giúp bố lấy vòi xịt để bùn đất bám trên gốc tre trôi đi.
Gốc tre thô sau khi làm sạch được anh Đỏ cưa bỏ bớt các chi tiết thừa rồi mới chọn mang đi tạo hình. Công đoạn này ngỡ là đơn giản nhất. Nhưng không, anh Đỏ phải ngắm nghía đủ lâu, quan sát đủ tinh tế để chọn được gốc đúng ý đồ tác phẩm. "Dáng tre, độ dày của rễ cần phù hợp với nhân vật. Chẳng hạn, gốc tre nhiều rễ thì sẽ chọn chế tác thành những nhân vật như Phúc, Lộc, Thọ hoặc Trương Tam Phong…", anh Đỏ nói.
Sau khi chọn được gốc tre khớp với ý tưởng, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ cố định vật liệu bằng giá sắt rồi mở bộ đồ nghề gồm búa, dao các kích cỡ cho các mục đích khác nhau. Dùi lớn tạo hình khuôn mặt, dùi nhỏ để đi sâu vào các chi tiết cần sự tinh tế, chính xác. Tiếng gõ lách cách vang lên, lúc to lúc nhỏ. Lực tác động khi mạnh, khi nhẹ. Dùi lớn, dùi bé thay phiên nhau một cách nhuần nhuyễn. Sự phối hợp khéo léo, liên hồi nhằm tránh trường hợp gốc tre bị vỡ hay đường nét chạm trổ thiếu uyển chuyển. Theo anh Đỏ, mắt là chi tiết khó nhất bởi đây là yếu tố quyết định bức điêu khắc có giống nhân vật hay không.
Trong 30 phút, những mảnh tre vụn cứ thế tua tủa dưới lưỡi dùi, khuôn mặt nhân vật dần hiện ra. Tay vừa làm, mắt anh vừa chăm chú quan sát, lúc thì anh nheo mày để lộ những vết nhăn trên trán, khi lại bất ngờ bật cười: "Cảm giác sung sướng nhất là khi khuôn mặt của nhân vật được hình thành". Sau khi tạo hình xong, các bức tượng sẽ được làm nhẵn để ra thành phẩm. Trung bình, nghệ nhân mất khoảng 3 giờ đồng hồ để biến những gốc tre mộc mạc thành những tác phẩm như thế.
Thường xuyên tiếp xúc tiếng máy cưa, anh Đỏ không cảm thấy khó chịu. Anh tâm sự: "Đó là âm thanh của cuộc sống, của sự bận rộn. Nhớ đến những ngày dịch, tiếng máy cưa, tiếng đục đẽo thưa dần, tôi cũng buồn lắm". Ngoài ra, sử dụng các vật dụng sắt, nhọn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, người nghệ nhân phải luôn luôn cẩn trọng.
"Một công việc không chỉ mang lại giá trị cho xã hội mà còn phải nuôi sống được bản thân của người làm nghề. Tôi luôn suy nghĩ, nếu học trò mình không đủ lo cơm áo với nghề này mà bỏ đi làm việc khác, là thất bại của bản thân tôi", nghệ nhân Đỏ Tre đau đáu. Vì vậy, những người theo thầy Đỏ học nghề sau khi thành thạo đều được anh tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định.
Làm sao lan tỏa sản phẩm thủ công địa phương đến khách du lịch, để sự sáng tạo của người dân Hội An được nhiều người biết đến là điều Đỏ Tre luôn trăn trở. Trong thời gian tới, anh sẽ tổ chức các buổi workshop về điêu khắc gốc tre vừa trưng bày, vừa tạo không gian cho du khách trải nghiệm bộ môn này. Xa hơn, nghệ nhân Hội An muốn truyền nghề cho nhiều người, để xây dựng một làng nghề điêu khắc gốc tre, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.