Những ngày cuối đông, góc vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ, TP. Hội An phủ đầy lá bàng đỏ, trong làn gió se lạnh, gánh xí mà của cô Ngô Thị Thị nghi ngút khói, thơm lừng lựng. Một gánh hàng khiêm nhường bên vỉa hè với chiếc bếp và cái nồi cũ kĩ bám lọ đen sì. Thoạt nhìn, nó không có gì đặc biệt so với bao gánh hàng rong qua lại nơi phố cổ. Nó lặng lẽ giữa con phố tấp nập người xe.
Trong nồi, một món chè làm từ mè đen đang sôi sùng sục, sủi bọt. Thứ chè có vị béo của mè, ngọt thanh của đường và ngai ngái hương thơm như thuốc bắc. Cô Thị tay thoăn thoắt múc từng chén chè sền sệt, miệng tươi cười kể về phong vị Hội An này.
Cô Ngô Thị Thị là con gái của cụ Ngô Thiểu (sinh năm 1915). Cụ Thiểu được người được dân Hội An gọi bằng cái tên thân thương “ông cụ xí mà”. Cụ hơn 100 tuổi, đã dành đến 70 năm để chế biến và bán xí mà. Trong suốt ngần ấy thời gian, trên vai đôi quang gánh, cụ đã mang hương thơm của món chè mè đen này đi khắp những con đường ở phố cổ Hội An, thậm chí ra đến những vùng lân cận như Cẩm Nam, Cẩm Châu…
Xí mà vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng nhờ cụ Thiểu, dần đã trở thành một món ăn của người Hội An. Nghề làm xí mà du nhập vào phố Hội trong giai đoạn hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An.
Từ thế kỷ XVII đến XIX, sự giao lưu văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực, diễn ra mạnh mẽ giữa người Việt, Hoa Nhật và một số nước phương Tây. Cụ Ngô Thiểu khi ấy làm cho một gia đình người Hoa kinh doanh ẩm thực ở phố cổ. Trong các món ăn cụ được học từ chủ có món xí mà. Khi gia đình chủ nhà rời Hội An, cụ đã mang những bí quyết và kỹ thuật tiếp thu được để ngày ngày làm nên những gánh xí mà nóng hổi như một phương tiện kiếm sống.
Trong suốt hơn 70 năm, sáng nào khắp những con đường, hẻm nhỏ ở phố cổ Hội An cũng vang vọng tiếng rao của cụ Ngô Thiểu: “Ai xí mà đây, xí mà nóng đây”. Những bức tường sơn vàng, rủ hoa giấy hồng và lá bàng đỏ, không nơi nào chưa từng in bóng cụ Thiểu liêu xiêu đôi quang gánh.
Đến giai đoạn đôi chân đã mỏi không bán dạo được nữa, cụ ngồi cố định ở một góc vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ, gánh hàng lúc nào cũng đông khách. Trong hơn 10 năm trở lại đây, khi sức khỏe không cho phép, cụ nghỉ ngơi. Thật may mắn, những người con của cụ được truyền nghề và tiếp tục gánh vác di sản của cụ để lại.
Mấy chục năm qua, Hội An đã đổi thay nhiều, nhưng lò xí mà nhà cụ Thiểu cha truyền con nối vẫn chưa ngày nào tắt lửa. Gánh xí mà dân dã hàng ngày tỏa khói trên con đường quen, một cách lặng lẽ, mang hương vị vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Nhiều người ăn xí mà cụ Thiều khi còn là những đứa trẻ, đến tuổi thất thập, mỗi ngày vẫn ghé gánh xí mà của con gái cụ. Lúc bé, họ háo hức chờ đợi mỗi sáng nghe tiếng cụ Thiểu rao để được thưởng thức bát chè mè đen nóng hổi. Khi lớn lên, họ vẫn không bỏ thói quen tìm mua xí mà ăn trước khi đi làm, ra chợ.
Cho dù hiện nay nhiều gánh xí mà khác xuất hiện ở Hội An, nhưng không đâu ngon như xí mà nhà cụ Thiểu. Điều đặc biệt ở chỗ, nhà cụ Ngô Thiểu nằm ngay cạnh giếng nước Bá Lễ nghìn năm tuổi. Cô Thị cho hay, xí mà nhà cụ được nấu bằng nước giếng cổ nên có vị ngọt thanh đặc biệt không giống bất kỳ hàng nào. Giếng Bá Lễ ngàn năm không cạn, nước tinh khiết tự nhiên, không bị ô nhiễm, ngày nay chỉ được dùng để nấu các món ăn đặc biệt của Hội An như cao lầu, pha các loại trà…
Để nấu được một gánh xí mà, vợ chồng cụ Ngô Thiểu, sau này là các con cụ, phải chuẩn bị nguyên liệu từ chiều hôm trước. Nguyên liệu chủ yếu của món xí mà là mè đen, bột khoai, rau mơ, rau má, đường truyền thống một số vị thuốc bắc có tính mát. Mè đen được ngâm và đem xay nhuyễn, 4h sáng bắt đầu nấu trong hai giờ đồng hồ. Đến khoảng 6h sáng xí mà chín, cô Thị mang ra đường để bán.
Là hỗn hợp của những nguyên liệu có tính mát, xí mà rất tốt cho tiêu hóa, nhuận trường, đặc biệt cho người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Mỗi ngày, với khoảng khoảng 15 lon mè đen, cô Thị làm được vài chục bát và hầu như đều bán hết. Một bát xí mà hiện chỉ có giá 10.000 đồng.
Xí mà không phải món ăn phổ biến vì hương vị khá kén người ăn. Vốn đây chỉ là món ăn lót dạ của người lao động ở Hội An, chẳng nhằm phục vụ khách du lịch. Nhưng sau nhiều năm hiện hữu ở góc đường, hương xí mà đã thu hút không ít du khách gần xa tò mò tìm đến thưởng thức. Tại nhà cụ Thiểu còn có không gian trưng bày phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu nghề làm xí mà truyền thống. Từ phương tiện mưu sinh, tần tảo nuôi con của vợ chồng cụ ông năm nào, xí mà đã trở thành di sản tinh thần của người Hội An.
Bưng trên tay bát xí mà ấm nóng là nâng niu cả một di sản và tâm huyết của một gia đình dày công mang thức quà dân dã từ mè đen đến với người dân Hội An. Thưởng thức ẩm thực, đôi khi không chỉ là cảm nhận những yếu tố có thể nhận biết bằng giác quan như mùi vị, màu sắc mà còn là tận hưởng không gian rất riêng nơi món ăn đó hiện diện. Với xí mà, trong từng bát chè mè đen, người ta còn thấy cả chiều dài quá khứ.