Male Homestay - căn nhà cổ hơn 200 tuổi miền biên viễn Hà Giang

16/01/2022

Male homestay là điểm dừng chân của du khách đến với làng cổ Ma Lé, Hà Giang. Đến nay, dù đã tồn tại hơn 200 năm, căn nhà vẫn giữ kiến trúc nguyên bản và không gian văn hóa của người Giáy.

Lần đầu tiên nghe tên “Male”, tôi đã hỏi bạn quản lý homestay: “Nhà có phải chỉ đón khách nam?” (bởi từ Male nghĩa là nam). Rồi chúng tôi bật cười.

Thực ra, Male là từ ghép lại của tên xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, Hà Giang - nơi căn nhà đang tọa lạc. Điều đặc biệt, căn nhà có tuổi đời lên đến hơn 200 năm nhưng vẫn còn giữ được kiến trúc nguyên bản, mang đậm bản sắc văn hóa người Giáy.

Ma Lé

Ma Lé không ồn ào tấp nập.

Ma Lé là dị bản của từ "Mia" chỉ vùng đất của người Lô Lô, nhưng sau khi người Giáy đến sinh sống, họ đã đọc trại thành Ma Lé. Đối với những tâm hồn đã thuộc về những nẻo đường, cái tên Ma Lé càng gợi sự tò mò. Nó ma mị như chính cái xa xôi, hoang vu của vùng đất này vậy.

Ma Lé cách trung tâm Đồng Văn khoảng 12 km về phía bắc, vì vị trí cách biệt nên nơi này không quá đông đúc khách du lịch. Từ TP. Hà Giang lên cột cờ Lũng Cú, ít ai rẽ vào Ma Lé bởi địa điểm này chẳng nằm trong danh sách “must-visit” được gợi ý khi đến vùng đất địa đầu phía bắc Tổ quốc. Đến nhà Male chủ yếu là dân nhiếp ảnh hay những người muốn tìm về cuộc sống của dân bản địa với những giá trị vẹn nguyên.

Những vạt đồi tam giác mạch ở Ma Lé đầu đông.

Những vạt đồi tam giác mạch ở Ma Lé đầu đông.

Đường vào Ma Lé những ngày cuối thu-đầu đông là những vạt đồi tam giác mạch hồng rực trong nắng và những thung lũng ngập mây, là nhấp nhô áo quần rực rỡ của những em bé theo mẹ lên nương. Sau những giờ rong ruổi trên đường, dừng chân ở làng cổ Ma Lé, nghỉ đêm tại Male Homestay là khi bạn được trải nghiệm không gian đậm bản sắc dân tộc Giáy.

Văn hóa người Giáy trong căn nhà cổ

Male Homestay nằm trong làng cổ Ma Lé, bao quanh bốn bề bởi núi đá, không khí mát mẻ quanh năm. Làng tập trung nhiều nhà cổ đã có tuổi đời hơn 100 năm được chính người Giáy xây dựng. Hơn 50 hộ dân sinh sống ở đây hầu hết đều là người dân tộc Giáy. Male homestay không chỉ là một điểm nghỉ chân, mà còn là nơi bạn có thể cảm nhận lối sống của người dân địa phương một cách chân thực nhất.

Mặt trước Male Homesta.

Mặt trước Male Homestay.

Kiến trúc nhà ít nhiều vẫn chịu ảnh hưởng của người H’Mông. Căn nhà sàn 2 tầng có tầng 1 là nhà trình tường đất vàng óng, mái lợp ngói âm dương đặc trưng.

Khi dấu chân của thời gian đã in hằn lên những bức tường, mái ngói cũ kỹ, văn hóa người Giáy thể hiện trong kiến trúc vẫn không hề bị mai một. Người Giáy sử dụng đá để xây dựng toàn bộ móng và chân tường, lấy gỗ nghiến, thông đá, thông đỏ làm nhà vô cùng chắc chắn. Họ điêu khắc đầu rồng, dơi, voi đỡ xà. Trên những phiến đá, hoa văn được chạm trổ thể hiện kỹ thuật tinh xảo, tài hoa của người Giáy. Họa tiết chủ yếu là con vật, hoa lá,... phản ánh cuộc sống của người dân.

Mái ngói âm dương.

Mái ngói âm dương đặc trưng.

Điêu khắc gỗ trên những thanh cột kèo.

Điêu khắc gỗ trong kiến trúc nhà cổ người Giáy.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Chân trụ bằng đá được chạm khắc hoa văn thể hiện cuộc sống của người Giáy.

Chân trụ nhà làm bằng đá,

Trên đá chạm khắc hoa văn thể hiện cuộc sống của người Giáy.

Trên đá chạm khắc hoa văn phản ánh cuộc sống của người Giáy.

Nơi dừng chân của những trái tim phiêu diêu

Những năm gần đây, căn nhà được sử dụng làm homestay nhằm phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Khi đặt chân đến nhà Male, những vị khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy tấm biển “nhà có chó dữ”. Và sau đó, ngay lập tức, 2 chú chó lon ton chạy ra vẫy đuôi. Chúng là Ly và Sữa đã về Male ở được hơn một năm nay. Ly và Sữa là những vị chủ nhà mến khách mà bất kỳ ai đến đây, lúc ở thì quấn quít, lúc rời đi đều nhớ.

Empty
Male Homestay (47)
Empty
Male Homestay (51)

Tầng trên của Male Homestay có một cái ban công với góc nhỏ đặt guitar và vài quyển sách. Ở đó, khách có thể đọc sách, uống trà rồi buông những câu chuyện cũ, đôi điều vu vơ, khi thì rôm rả, lúc là những khoảng lặng đủ để nghe thấy tiếng gió rít ngoài sân và âm thanh của cuộc sống nơi xóm núi.

Từ ban công nhà Male nhìn ra là mái ngói âm dương trầm mặc, hướng về phía những ngọn núi quanh năm được ôm ấp bởi mây. Vì thời tiết Hà Giang thay đổi liên tục nên từ sáng đến tối, thưởng thức khoảng trời ấy bên một ly trà nóng chắc cũng không thấy nhàm chán. Khi thì sương mịt mù, lúc là ráng chiều nhuộm đỏ. Ngồi ở đây, chỉ cần một chỗ thôi, là đã có thể phát hiện ra bao điều mới mẻ trong những thứ tưởng chừng lặp đi lặp lại.

Empty
Empty
Empty
Empty

Thử tưởng tượng những ngày giao mùa, giữa núi đồi tĩnh mịch, trong cái rét đầu đông, tiếng guitar vang lên hòa tiếng mưa tí tách cảm giác sẽ thế nào? Không gian ấy đủ khiến con người ta chỉ muốn nuông chiều bản thân một tí, "lười biếng" tựa lưng vào đệm rồi nhấm nháp vài ngụm trà, lướt vài trang sách.

Còn nếu là một chiều đẹp trời, chiếc ban công bỗng trở thành "sân khấu" để ánh nắng "biểu diễn". Nắng lọt qua những thanh chắn, xuyên từng vệt vàng ruộm, rồi in bóng trên sàn nhà. Thứ nắng này đã gây nghiện đối với bao khách đến chơi.

Ban công ngập nắng của Male Homestay.

Ban công ngập nắng của Male Homestay.

Empty
Empty
Empty

Nhà Male lúc nào cũng có hoa trên bàn. Cứ nhìn chiếc lọ là biết Hà Giang mùa đó đang có hoa gì nở. Mùa xuân là hoa mận trắng, đào hồng, tháng 10 cuối thu dịu dàng cúc cam, tháng 11 trời bắt đầu rét là tam giác mạch, có khi chiếc lọ là cả chùm quả mận chín trong những mùa không hoa.

Empty
Empty
Empty
Empty

Đêm đêm, bếp lửa giữa nhà lại bập bùng cháy. Trong ánh sáng mờ ảo, hương rượu ngô thơm nồng lâng lâng và những nụ cười lấp la lấp lánh. Những chén rượu - thứ thức uống mời khách của người Hà Giang - đầy như tình cảm, sự mến khách của họ. Cái bếp này đặc biệt lắm. Bếp là nơi sưởi ấm, là nơi có thể khiến những người xa lạ quây quần bên nhau; là nơi họ rủ nhau nướng gà, uống rượu ngô bên nồi thắng cố trong cái lạnh vùng cao. Trong bản chẳng có nhiều quán ăn, cái bếp này khách cũng có thể dùng nếu muốn tự nấu nướng. Và đó cũng là nơi những câu chuyện được kéo dài đến tận đêm.

Empty
Empty
Empty
Bếp lửa là nơi mọi người quây quần mỗi tối.

Trong những ngày đông đúc, khách cũng có thể thuê lều rồi ra quả đồi trước nhà cắm trại qua đêm tận hưởng cả bầu trời đầy sao và không khí tinh khiết của núi rừng, một điều xa xỉ nơi phố thị.

Ngày mới ở Ma Lé bắt đầu bằng tiếng mõ cày leng keng của đàn trâu ra đồng, tiếng chim kêu ríu ít, gà gáy o o, chó sủa inh ỏi như bao bản làng miền núi khác. Dù đã phát triển du lịch, nhưng cuộc sống của người dân, phong tục tập quán vẫn không khác xưa. Trước nhà Male vẫn còn chuồng trâu và những cây rơm. Âm thanh, màu sắc đã rất đỗi quen thuộc với người dân vùng cao, nhưng là điều thật lạ lẫm với những người từ phố thị tìm đến.

Empty
Cuộc sống giản dị của người dân làng cổ Ma Lé.

Ở bao lâu thì sẽ hiểu và yêu một vùng đất? Chẳng ai biết được câu trả lời chính xác. Đến Ma Lé, dạo quanh bản, trò chuyện với người dân, đi chợ phiên… không ít thì nhiều bạn có thể cảm được lối sống mộc mạc của con người nơi đây.

Cuộc sống “Bỏ phố về rừng” - những bài học từ điều đơn giản nhất

Male Homestay hiện đang được quản lý và chăm sóc bởi Nguyễn Sỹ Đức (1995), người đã “bỏ phố về rừng” hơn 2 năm nay vì yêu mến Hà Giang. Với chàng trai 27 tuổi, vùng đất của đá tai mèo đẹp ở mọi góc nhìn và thời điểm trong năm. Mỗi mùa mang một màu riêng không lẫn vào đâu được.

Khách đến Male Homestay.

Khách đến Male Homestay.

Những ngày đầu ở Ma Lé quả là một thử thách lớn với Đức khi cuộc sống “quay ngoắt 360 độ”, mọi thứ xa lạ đến ngỡ ngàng.

“Có những ngày lọ mọ trong rừng sửa nước, vừa mò mẫm vừa lẩm bẩm hay là bỏ về xuôi ngay bây giờ, kiếm một công việc văn phòng nhẹ nhàng, ngày làm 8 tiếng rồi cuối tuần đi Tạ Hiện. Có những ngày đi hàng trăm kilomet đèo tưởng tượng như nửa vòng Trái đất, chỉ để mua vài thứ đơn giản như cái đinh, con ốc. Có những hôm mưa mất điện, thanh niên tuy to xác nhưng mấy lúc như thế vẫn sợ một mình” - Đức hồi tưởng, “Hà Giang còn thiếu thốn đủ thứ, thiếu máy lọc nước sạch, thiếu cửa hàng tiện lợi, cũng không có rạp chiếu phim để cho thanh niên thích xem phim kinh dị lúc 2-3h chiều vào mua vé bao cả rạp”.

Nguyễn Sỹ Đức dành đam mê đặc biệt cho nhiếp ảnh. Vùng đất Hà Giang như

Nguyễn Sỹ Đức dành đam mê đặc biệt cho nhiếp ảnh.

Sau đó mọi thứ dần quen, cuộc sống ở Ma Lé giúp Đức học được cách dậy lúc 6h sáng để pha một ấm trà nóng, học được cách trồng hoa, nuôi chó; hơn cả là có nhiều thời gian hơn cho mấy cuốn sách. “Cắt hoa là việc tưởng dễ mà khó. Vì cứ mãi muốn ngắm mấy bông hoa đung đưa trước gió chứ chẳng thích hoa nằm yên trong cái hũ gốm kia cho lắm. Nhưng rồi vẫn phải cắt, để cây ra nụ mới, mầm mới”, Đức học được nhiều điều từ những việc tưởng chừng đơn giản nhất.

Những ngày dịch bệnh, Hà Giang ngừng đón khách, là khoảng thời gian Đức sống chậm hơn. Cuộc sống Ma Lé dường như vẽ thêm vào bức tranh tuổi trẻ của Đức nhiều gam màu, dù là ảm đạm hay rực rỡ cũng là điều mà cậu trân quý.

Empty

Trong cuốn sổ nhỏ những người tình cờ nghỉ chân ở nhà Male lưu lại, có đoạn viết: "Hãy đến Ma Lé vào một ngày mưa, đốt lửa trong cái ô bếp lửa của căn phòng lớn rồi nằm xuống nền, cảm nhận cái hơi lạnh của gỗ thấm qua da thịt, nghe tiếng mưa rơi trên mái ngói âm dương, tiếng củi nổ lách tách, nhìn từng đụm khói phả lên những thanh xà gỗ, phả vào cái đèn vàng quạch bên trong cái lồng chim chằng chịt màng nhện mà chả cần lý do nào cả".

Có lẽ thứ người ta nhớ về một nơi, đôi khi chỉ là cảm giác đã từng thuộc về nơi đó mà thôi, vì những điều không cần quá cầu kỳ, hoành tráng, thậm chí chỉ trong vài khoảnh khắc thoáng qua.

Empty
Empty
Empty

Liên hệ MALE Homestay

SĐT: +84982951190

Fanpage: https://www.facebook.com/MALEhomestay

Phương Lê - Ảnh: MALE Homestay
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES