Tháng rồi, Hà Giang lạnh. Tôi với cậu ấy bắt chuyến xe từ Hà Nội lên tới trung tâm thành phố cũng 5 giờ sáng. Đi bộ trong lớp sương mù và ánh đèn vàng vọt, cái lạnh của Hà Giang len lỏi vào trong lớp áo khoác dày, tôi hít cho đầy lồng ngực cái mùi sương sớm này, cho thoả nỗi nhớ núi đèo của mình suốt mấy tháng qua. Và cứ thế, hai chúng tôi - mỗi người một ba lô trên con đường mờ ảo, đi bộ tới nhà trọ nghỉ ngơi và thuê xe máy.
Thời tiết mùa này ít nắng nhiều sương. Ăn xong bát bún chả, chúng tôi bắt đầu hành trình 160 km tới bản Lô Lô - Lũng Cú.
Hà Giang lạ lắm, mỗi bận lên lại thấy khang khác. Núi khác, mây khác, cái mùi thoang thoảng trong không khí cũng khác nốt. Có bận lên, tôi thấy núi gần lắm, mây cứ sà xuống sát đầu. Có bận lại thấy núi cứ mãi xa xăm, mây cao bàng bạc, cũng không ngửi thấy sương âm ẩm, chỉ thấy cái hanh khô của nắng chạy thẳng vào mũi, tỉnh người. Lần này thì mù mịt. 10 giờ rồi, trời còn mưa và Quản Bạ thì vẫn nằm im trong tấm chăn trắng đục.
Lần này tới Hà Giang, chúng tôi quyết không vào một điểm du lịch thu phí nào. Không nhà của Pao, không dinh họ Vương, không lên cột cờ Lũng Cú, không dừng lại dọc đường chụp ảnh và cho vài đứa trẻ mấy mươi ngàn.
Dĩ nhiên, tôi hiểu rằng khi tới một mảnh đất nào, việc thăm thú - có - trả - phí chính là một cách mình đóng góp cho nơi đó một "chút ít". Nhưng lần này, hãy để sự ngẫu nhiên trở thành câu trả lời của tự nhiên, của thưởng ngoạn.
Và, đây là những nơi chúng tôi đã đi qua...
Rừng xanh bạt ngàn, còn dòng Nho Quế bé như sợi chỉ
Hà Giang, cái gì cũng xanh. Trời xanh, núi xanh, rừng xanh, ngay đến cả dòng sông cũng xanh ngăn ngắt. Tôi thích đứng ở những quãng ít khách du lịch một chút, nơi những mỏm đất thừa ra bên cạnh con đường nhựa, ngắm nhìn từng đoàn xe đổ đèo phía dưới, thi thoảng có vài người chạy xe qua, vẫy tay chào như quen thân lâu lắm. Phía dưới kia, dòng sông Nho Quế vẫn cuộn nước, bé như một sợi chỉ mảnh, cũng là sợi chỉ buộc con người ta lại với Hà Giang, để ai tới một lần lại tới nữa, ai đi xa cũng đau đáu nhớ về…
Những ngôi nhà trình tường với hàng ngô vàng ươm
Trên con đường tới nhà của Pao, chúng tôi dừng lại trước một khoảng sân nhỏ. Ban đầu, tôi chỉ định chụp ảnh hàng ngô vàng phơi trước hiên, "ông chú" bước ra vẫy tay rủ tôi vào thăm thú bên trong. Giọng Kinh của ông chú bập bẹ nghe vui tai, ngôi nhà trông thích mắt, kéo tôi dừng lại chơi mất gần nửa tiếng đồng hồ.
Làng Lô Lô chênh vênh nơi địa đầu Tổ quốc
Thời tiết vùng cao lạ lắm. Mưa lạnh, tối sớm, lại tối nhanh. 5 giờ chiều, vẫn đương nhìn rõ mặt người. Thế mà nửa tiếng sau, cả con đèo tới Lũng Cú đặc quánh trong sương mù. Trời tối om, gió thốc vào trong áo khoác lạnh buốt. Tầm giờ ấy chỉ có xe từ Lũng Cú đổ ra Đồng Văn, chứ mấy ai ngược lại vào Lô Lô. Thành ra, chúng tôi giống như những kẻ đi ngược trên con đường một chiều. Ô tô và xe máy lao vun vút qua những đoạn cua gập khuỷu tay áo. Chúng tôi đi chậm, và thật tập trung. Đi trong đêm tối khó khăn vô cùng, nhưng đổi lại một ngày trọn vẹn tại bản vô cùng xứng đáng.
Sáng sớm hôm sau, trời trong vắt. Uống tách cà phê phin, ngồi xích đu ngắm núi đồi. Tiếng lục lạc đeo cổ bò, cổ dê văng vẳng trên các triền núi cao... tưởng như không ai có thể phá vỡ sự tự do này. Tới 10 giờ, chúng tôi bắt đầu trekking tới cột mốc phía bắc thực sự - nằm trong rừng, không phải cột cờ Lũng Cú. Đường đi không quá khó khăn, chỉ là hơi mỏi một chút cho những ai không quen đi đường dài. Lúc về, chúng tôi tạt qua thôn Sẻo Lủng, cũng là điểm đầu tiên đánh dấu dòng sông Nho Quế chảy vào Việt Nam. Thường thì khách du lịch sẽ thuê hướng dẫn viên, nhưng "liều" một phen, chúng tôi tự mò mẫm và cảm thấy thật sự rất đáng, đúng như một vị lữ khách xa xôi lạc vào một miền đất mới.
Và, những con người mà chúng tôi đã gặp...
Vị trưởng làng đáng yêu, "ông chú" người Nhật mê văn hoá
Ai ghé bản Lô Lô, rất dễ dàng để bắt gặp cảnh tượng vị trưởng bản cùng "ông chú" người Nhật cầm theo que nhặt rác. Hằng ngày, họ đi loanh quanh và gắp rác bẩn trên đường. Hỏi ra, tôi mới biết người đàn ông Nhật Bản đã dành 20 năm du lịch và học tiếng Việt Nam. Ông vô cùng hứng thú với văn hoá dân tộc thiểu số đặc biệt là người Lô Lô, nên ở lại đây nghiên cứu.
Những đứa nhỏ đẹp như "hoa nở trên đá"
Tôi thích ngắm nhìn những đứa trẻ nơi rẻo cao. Khuôn mặt chúng có nét gì đó ngô nghê, có chút phấn khích và cả dò xét mỗi khi thấy những "kẻ lạ mặt" tới thăm thú quê hương mình. Nhưng chỉ cần dành ra đôi phút trò chuyện, chúng có thể thoải mái mỉm cười với tôi, và với chiếc máy ảnh.
Trên con đường tới Đồng Văn, chúng tôi gặp lũ nhỏ đựng đầy hoa mào gà trong quẩy tấu. Chúng không bán, không xin tôi tiền. Chúng cũng không hiểu hết những điều tôi cố nói. Nhưng sẵn sàng đan cho tôi một chiếc vòng hoa đội đầu. Đổi lại, tôi tặng lũ nhỏ ít kẹo ngậm. Và thế, chúng cứ ngoái cổ nhìn theo khi tôi phải lên xe đi tiếp. Cái nhìn rất lâu.
Đôi vợ chồng già lần đầu tiên được chụp ảnh cưới
Buổi chiều, trước khi rời Lô Lô, chúng tôi có đi một vòng thăm thú những ngôi nhà ở mạn đối diện. Tôi không rõ đó còn là bản Lô Lô nữa không, vì không có biển chỉ dẫn, không biển hiệu. Thế cũng hay. Tôi lân la trò chuyện với một người đàn ông nhiều tuổi. Ông mời hai đứa tôi về nhà chơi và hút thuốc lào. Họ hiếu khách lạ thường. Hai ông bà già sống với nhau, và chỉ có ông hiểu tiếng Kinh, vợ ông từ đầu tới cuối chỉ nhìn chúng tôi cười mỉm. Tôi trêu: “Ông bà tình quá, cưới nhau được bao lâu rồi?”. “Hơn 50 năm” - ông đáp. Căn nhà vách đất chỉ có một chiếc đèn nhỏ, ánh sáng mờ ảo không đủ soi tỏ một gian chính. Tôi chỉ chiếc máy ảnh, bảo: “Ông bà có muốn chụp ảnh cưới bù không nào?”. Họ cười tít mắt. Và thế là bức ảnh này ra đời. Bà xem ảnh vẫn thẹn thùng như cô gái mới về nhà chồng, liếc trộm ông rồi đi nhóm bếp. Đáng yêu quá chừng!
Cô gái trẻ 22 tuổi - với 4 con nhỏ
Tôi không nhớ cô ấy ở bản nào, chỉ mang máng trên đoạn đèo gần chân Mèo Vạc. Ngôi nhà nằm bên mạn đường, chênh vênh hứng từng đợt gió thốc. Cô ôm một bé gái, và ba đứa nhỏ khác xếp hàng bên cạnh. Cô giao tiếp với tôi bằng tiếng Kinh khá sõi. Theo thói quen, tôi gọi cô là chị, cho đến khi cô hỏi tuổi tôi và bảo: "Thế là bằng tuổi đấy".
Đỗ Bích Thuý vẫn hay nói về những cô gái Mông nhiều lo toan và già trước tuổi. Nhưng họ đơn giản và biết bằng lòng. Nụ cười của cô với sấp nhỏ làm tôi cứ nghĩ mãi lúc rời đi. Rốt cuộc, điều gì làm họ vui tươi đến thế? Trong một căn nhà nhỏ giữa mùa đông, trong một bộ cánh mỏng tang và đôi chân trần… Và điều gì khiến cho biết bao con người nơi phố thị sáng đèn vẫn hay nhăn mặt thở dài trong căn phòng ấm áp của họ?
Hành trình lang thang Hà Giang của chúng tôi dần khép lại. Bằng tiếng gió và những con đèo "phê pha". Bằng tiếng cười của lũ trẻ, bằng những cơn mưa rả rích trên mái những ngôi nhà trình tường, bằng lớp sương mờ che phủ đi hàng rào đá…
Về tới nhà, lại thấy chao chao. Như một kẻ lữ hành tham lam và ích kỉ: Tôi yêu Hà Nội, những vẫn nhớ da diết Hà Giang.
Và rồi, hôm nay tôi lại ngồi viết cho hành trình ngắn ngày ý nghĩa mới đi qua, viết cho một lúc nào đó trong tương lai cảm thấy mệt mỏi cần được lắng lại. Tôi viết cho Hà Giang đầy yêu dấu trong trái tim tôi…
------
Nhan đề trích từ bài thơ “Hoa Tam giác mạch” của tác giả Lãng Dụ Nguyên