Tìm sự lặng lẽ giữa Sa Pa ồn ào

16/12/2019

Bất kỳ người nghệ sĩ nào hẳn cũng muốn lưu lại tất cả vẻ hoang sơ đầy bí ẩn của Sa Pa, thời xưa là tranh vẽ, thời nay là nhiếp ảnh. Tôi tiếc vì mình không đến đây ngay mùa lúa chín, nhưng những gì Sa Pa đang trình diễn cũng đủ sức khiến tôi trầm trồ.

“Đi Sa Pa đi!”. Cái tên này vang lên kéo theo một loạt hình ảnh mà tôi đã được nghe nhiều người nhắc đến: xe “dù” nhồi nhét người, lái ẩu, trẻ em chèo kéo khách du lịch, ồn ào, mất chất, v.v… “Sa Pa chán òm!”, tôi ngán ngẩm từ chối lời rủ rê của cô bạn. Thế nhưng, bỏ qua tất cả mọi sự từ chối của tôi, cô bạn đã tự ý đặt hai vé đi Sa Pa. Và thế là, chúng tôi dắt díu nhau bay ra Hà Nội vào một ngày của tháng 5.

món quà bất ngờ từ Thiên nhiên

Từ Hà Nội, chúng tôi di chuyển lên Sa Pa bằng xe giường nằm vào lúc 10 giờ tối. Chiếc xe dừng lại ở trung tâm thành phố Sa Pa vào lúc 5 giờ sáng. Homestay chúng tôi chọn nằm ở bản Tả Van, cách trung tâm thành phố 8 cây số, chúng tôi phải đi xe taxi khoảng nửa tiếng nữa mới đến nơi.

Vào thời điểm đó, con đường lên bản Tà Van còn đang được xây sửa, ổ gà, đá dăm cộng với cơn mưa lớn mà Sa Pa đón chào chúng tôi khiến chiếc xe taxi nẩy lên từng cơn, tạo cảm giác như đang chơi trò… thú nhún. Xung quanh vẫn còn mờ mờ tối chưa sáng hẳn nhưng tôi có thể cảm nhận được con đường đang đi rất hẹp, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Tôi nói với bạn: “Như vầy sao mà yêu nổi?”. Bạn vẫn bình thản: “Cứ bình tĩnh”. Mặc dù tỏ ra không hài lòng, nhưng việc tôi có mặt ở đây ngay lúc này cũng là do tự trong thâm tâm tôi có một niềm tin mách bảo rằng cứ đi đi rồi sẽ không hối hận.

Empty

Vượt qua con đường đèo quanh co, chạy qua thêm một cây cầu, luồn lách lên một con dốc hẹp nữa, chúng tôi đã đến được homestay, mưa vẫn chưa ngừng nên chúng tôi đành lên phòng và chợp mắt một chút.

Sau độ 2-3 tiếng, một cảm giác ấm nóng chạm khẽ lên ngón tay tôi. Tôi lờ mờ mở mắt ra. Thì ra chúng tôi đã quên đóng cửa sổ, ánh nắng mặt trời đến chào tôi một cách dịu dàng. Tôi dụi mắt, bước đến gần cửa sổ hơn thì “Wow!”, tôi buột miệng thốt lên như thế. Trước mắt tôi là một vườn hoa đầy màu sắc mà sau này tôi được biết do chính chị chủ homestay ươm trồng từng luống. Đằng sau vườn hoa ấy là cảnh vật núi rừng Sa Pa. Tôi không thể chờ đợi nữa mà mở tung cửa chạy ra bên ngoài. Gió se se lạnh, nhưng mặt trời đã kịp xua tan đám mây mù, để lại những mảnh ruộng bậc thang xanh rì, những ngôi nhà dân tộc nhỏ nhỏ xinh xinh. Quả thật quang cảnh khiến người ta mê đắm, say sưa như vừa uống một chén rượu nồng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty
Empty

“Nè!”. Bất giác bạn tôi gọi, tôi quay lại và nó ném cho tôi một cái nón bảo hiểm, bên cạnh nó là một chiếc xe gắn máy, có vẻ là thuê từ homestay. “Ở Sa Pa đi tham quan bằng xe máy mới thú” - nó lại quảng cáo, và lần này tôi không hỏi gì nhiều mà lên xe ngay.

"Những" con người lặng lẽ

Chúng tôi đi dọc lên thung lũng Mường Hoa, vi vu sang Bãi đá cổ và chầm chầm chạy qua Lao Chải. Cứ cách 100 m lại có thể chụp được hàng trăm tấm hình, bởi khung cảnh của núi rừng ở mỗi khoảnh khắc chúng tôi trông thấy đều mang một vẻ đẹp riêng. Bấy giờ tôi mới hiểu được vì sao nhà văn Nguyễn Thành Long đã từng viết trong Lặng lẽ Sa Pa: “Hoạ sĩ nào cũng đến Sa Pa, ở đấy tha hồ mà vẽ”. Bất kỳ người nghệ sĩ và du khách nào hẳn cũng muốn lưu lại tất cả những gì hoang sơ đầy bí ẩn của Sa Pa, thời xưa là tranh vẽ, thời nay là nhiếp ảnh. Tôi tiếc vì mình không đến đây ngay mùa lúa chín, nhưng những gì Sa Pa đang trình diễn cũng đủ sức khiến tôi trầm trồ.

Empty
Empty
Empty

Chạy xe máy chán chê, chúng tôi bách bộ quanh thung lũng để đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây. Tả Van là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc bản địa người Mông, Dao, Giáy, Tày,… Họ làm nhiều công việc để mưu sinh cho cuộc sống, chủ yếu là làm nông.

Chúng tôi dừng chân tại một cửa hàng bán quà lưu niệm. Nơi đây bán quần áo, phụ kiện với hoa văn người dân tộc đặc trưng. Chủ tiệm là chị Lan Sùng, chị mặc trang phục truyền thống của người Dao Đỏ. Mặc dù không chắc là chúng tôi sẽ mua hay không, chị Lan vẫn rất niềm nở đón tiếp và kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện liên quan đến nghề dệt, nghề nhuộm. “Chị bán hàng mà chia sẻ hết bí quyết làm nghề thì không sợ bị người ta cạnh tranh sao?” - tôi hỏi và chị cười hiền trả lời: “Càng nhiều người biết thì nghề truyền thống của mình càng được gìn giữ, chị còn mừng”. Rồi chị cầm một chiếc váy đủ hoa văn lên giới thiệu: “Không giấu gì bọn em, những gì bọn chị bán đều được tái sử dụng từ những chiếc váy áo khác nhau. Một bộ đồ mới có giá rất cao, thế nên bọn chị đi thu thập những đồ mà người khác không sử dụng nữa để cắt may lại”. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ về chia sẻ này, bởi vì những món đồ trưng bày trong tiệm trông rất mới, hóa ra chúng đã được các chị em làm mới lại, sáng tạo kiểu và bán với một mức giá tốt hơn. Chị nói tiếp: “Ý tưởng này là chị mới vừa được đoạt giải trong cuộc thi của Chi hội Phụ nữ bản Tả Van đấy. Chị thấy chị em phụ nữ cứ làm nông mà chỉ là làm để tự cung tự cấp cho gia đình, tại sao phụ nữ dân tộc không thể làm kinh doanh? Cũng mới sơ khai thôi nên còn nhiều khó khăn lắm, nhưng chị sẽ cố gắng…”. Chúng tôi kết thúc buổi nói chuyện bằng việc mua của chị vài mẫu khăn choàng và túi xách, không quên chúc ý tưởng kinh doanh của chị thành công.

Empty

Đi bộ xuống dốc độ 2 cây số nữa, chúng tôi lại gặp một cửa hàng bán trầm hương. Trầm hương nơi đây được nắn thành hình xoắn ốc trông rất ngộ nghĩnh. Tôi đang tìm chủ tiệm để hỏi thăm thì nghe tiếng xe máy xình xịch ở sau lưng. Là chị Lan Sùng.

Empty

“Ơ, lại là bọn em à?”. Chị bước vào tiệm trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi. “Tiệm này cũng là của chị luôn. Ở đây thì chị bán trầm. Ngồi xuống đây chị chỉ cho làm”. Chúng tôi lại được nghe thêm về câu chuyện làm trầm hương của chị. Đây là loại trầm được pha trộn bởi nhiều loại nguyên liệu tốt cho sức khoẻ như quế, hoa hồi, đinh hương,… Bàn tay chị thoăn thoắt cạo, nghiền, ép, nặn và phơi khô từng viên trầm hương. Tôi hỏi vui: “Lại là ý tưởng kinh doanh khác của chị sao?” - “Đúng rồi em. Chị muốn quê hương của chị phát triển hơn nữa. Ở đây còn nghèo khổ quá, cuộc sống khó khăn, chị muốn chị em phụ nữ phải có sự nghiệp riêng của mình. Chị sẽ mở lớp dạy khách du lịch làm trầm, chị còn phải đi học Anh văn nữa, chị mới vừa ráp cái máy tính mà khó xài quá, nhưng chị sẽ cố gắng học”.

Tôi hoàn toàn nể phục và cảm thấy hổ thẹn trước người phụ nữ này. Nếu như tôi chỉ nghĩ đến những chuyện lặt vặt tủn mủn của cuộc sống hằng ngày, thì một người phụ nữ ở dân tộc xa xôi lại có một lý tưởng, một ý chí như vậy. Không những thế chị còn hết sức tốt bụng khi đoạn đường về, chị đã cho chúng tôi mượn xe máy để chạy: “Chạy lên tiệm vải đi rồi tí nữa chồng chị xuống đây đón chị. Không sao hết”. Tôi hứa sẽ giúp chị sử dụng thành thạo điện thoại, máy tính và ngoại ngữ trong khả năng của mình. Về đến homestay, cũng là lúc trời vừa sập tối. Cảm ơn chị Lan!

Empty

Tôi ghét cái vẻ mặt như đi guốc trong bụng tôi của đứa bạn. “Thế nào? Yêu rồi phải không?”. Nhưng nó đã đúng. Tôi không nghĩ Sa Pa lại quyến rũ như thế và tôi nhất định sẽ trở lại nơi đây vào mùa lúa chín. Hy vọng, lúc đó đã được nhìn thấy “doanh nghiệp” của chị Lan Sùng phát triển mạnh mẽ.

Phạm Mai Hân
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES