Trên những triền đồi tận cùng xứ Mặt trời

19/12/2019

Lập đông, tôi rời thị trấn nhỏ để đi về tận cùng phía đông bắc Hokkaido (Nhật Bản). Đó là xứ thần tiên Kushiro, nơi có triền đồi rực rỡ nắng, thỏ trắng chạy quanh hiên nhà, thiên nga bên hồ nước xanh và những khung cảnh thuần khiết của tự nhiên...

GIỮA THẢO NGUYÊN TÌNH YÊU

Tôi đặt chân đến Kushiro và chọn làng hạc Tsuruimura để trọ lại, homestay tôi đặt nằm giữa thảo nguyên rộng lớn, mọi khung cửa sổ nhìn ra đều đẹp như một bức tranh. Homestay với cái tên “Heart n’ Tree” được gây dựng bởi hai vợ chồng người Nhật rời phố thị xôn xao để tìm kiếm vui vầy thôn quê. Bằng chân thành và yêu thương, gia đình bác Hattori tạo nên một không gian nghỉ ngơi luôn ấm cúng tình gia đình. Và nhanh chóng, hai bác có tới gần 1.000 người “con” đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, chỉ vì mỗi lần trọ lại, ai cũng muốn được gọi bác là “Otousan” (ba) và “Okaasan” (mẹ). “Tình yêu của ba từ khi gặp mẹ suốt mấy chục năm qua đều vẹn nguyên không chút thay đổi”.

Empty

Mỗi ngày ở đây, tôi đều được thưởng thức những món ăn chuẩn Ý được “mẹ” đích thân đi học ở vùng Tuscany về nấu, được uống sữa bò nguyên chất từ trang trại trên thảo nguyên, được “ba” chở đi chơi qua những điểm đến tuyệt vời ở Kushiro. Mỗi sáng thức dậy, ngoài khung cửa sổ tôi thấy là ánh nắng rọi sáng trái tim treo trên cây, ở nơi ấy, mỗi ngày trôi qua đều ngập tràn tình yêu.

Empty
Empty

ĐÔI MẮT BIẾT NGẮM VÀ TRÁI TIM BIẾT CẢM

Có lẽ sẽ rất hiếm trong hành trình dài chặng của những kẻ mê du lịch, chúng ta có thể vỡ òa hoàn toàn trước một cảnh tượng nào đó. Chính là tôi khi dừng chân ở hồ Sunayu, Teshikaga lúc mặt trời lưng chừng núi và chiếu thẳng những tia nắng ấm xuống mặt nước óng ánh nơi bầy thiên nga trắng thong thả bơi lội. Một khung cảnh khiến tất cả mọi người xung quanh phải thốt lên “Thật sự xúc động quá!”. Du khách chỉ cần ngồi ở Onsen nhỏ bên bờ cát, ngâm chân rồi lặng lẽ hòa mình vào niềm vui khi đó mà thôi.

Empty

Quanh Kushiro còn nhiều hồ nước xanh khác mang nét đẹp “không cần một chút filter” cũng đủ khiến mọi du khách phải xuyến xao như Akanko hay Mashuko. Trên đường rong ruổi bạn sẽ đi ngang những ngọn núi nghi ngút khói lửa dung nham, những rừng lá kim đang chờ tuyết phủ và hàng loạt khoảnh khắc “rớt tim” trước tự nhiên. Là khi hươu, nai, hoẵng, cáo tuyết, thỏ và những sinh vật bí ẩn trong rừng sâu kia lấp ló “xin phép” được qua đường. Nếu đến Kushiro với một đôi mắt biết ngắm nhìn và trái tim biết cảm nhận, bạn sẽ nhận về loạt cảm xúc đáng nhớ nhất về vùng phía bắc Nhật Bản này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty

BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ TRƯỜNG THỌ và MAY MẮN

Đó là loài sếu Nhật Bản (hay còn gọi là hạc trắng, Tanchou), một loài chim biểu tượng của xứ Phù Tang với những đặc tính trường thọ, thủy chung, may mắn, trung thành. Bạn có thể dễ dàng thấy những bức tranh thêu loài sếu đầu đỏ này trên kimono truyền thống, nơi rèm cửa hoặc ở bất kỳ không gian đầy tôn kính nào đó ở đảo quốc mặt trời. Thế nhưng chỉ ở Kushiro, chúng ta mới có thể mục sở thị loài hạc quý này vào những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày: hoàng hôn và bình minh.

Empty

Người dân làng Tsuruimura (tên làng cũng để chỉ loài hạc này, nghĩa là “loài chim lớn”) rất coi trọng “Tanchou”, họ luôn tạo khoảng cách ít nhất 100 m ở những điểm mà chúng sẽ dừng chân lúc mặt trời mọc hoặc lặn. Ở đó du khách cần dùng máy ảnh có độ zoom lớn để chụp được, hoặc ống nhòm ngắm tận cảnh. Nếu may mắn, bạn có thể được nhìn sát hạc trắng khi chúng vô tình đậu trên mảnh đất gần nhà hoặc bay trên đầu trước lúc đi kiếm ăn xa. Nhưng tôi có thể khẳng định chúng đẹp thật, đẹp một cách rất thần thái, rất đáng để cất công đến ngắm nhìn.

Empty
Empty

NGÔI LÀNG CỦA tộc người xưa

Cách đây vài tháng tôi ngồi trong thư viện, miệt mài tìm những trang sách về người Ainu cho một tư liệu cần thiết ở khoảng thời gian đó. Gặp người Hokkaido nào tôi cũng hỏi về chủng người Ainu, họ thường không biết, hoặc biết ít, nó giống như khi bạn hỏi người Đà Lạt về người Lạch vậy. Qua một vài bài báo dịch tiếng Việt tìm trên mạng, tôi còn ngỡ chủng người này đã không còn từ lâu, đã dọn vào rừng sâu đầy tuyết trắng mà ở ẩn đến giờ.

Nhưng không, theo tư liệu tiếng Nhật, bên hồ Akanko, ở Kushiro, phía cuối cùng Hokkaido, những người Ainu vẫn sống vui vẻ trong một ngôi làng nhà gỗ. Mùa hè, họ hát những bản nhạc về núi. Mùa đông, họ nhảy những điệu nhảy sếu huyền thoại. Và những hoa văn trên áo tộc người này vẫn nối dài từ quá khứ đến nay. Thế là trong chuyến đi Kushiro, tôi quyết định tìm đến ngôi làng bên hồ này. Tuy hơi xa nhưng thành quả là được tận hưởng không khí đầy huyền hoặc của Ainu Kotan, từ chiếc cổng vào là biểu tượng loài cú đến âm nhạc của ngôn ngữ Ainu, từ con phố ngập tràn đèn lấp lánh nơi nhà gỗ đến đồ thủ công truyền thống được chạm khắc tinh xảo. Bất ngờ nhất còn có cả một cửa hiệu đồ Ghibli Studio đáng yêu níu chân bất cứ du khách nào.

Empty
Empty
Empty
Empty

Tiếc rằng, người Ainu thường chỉ xuất hiện trong những lễ hội, ngày thường họ cần mẫn làm việc trong những xưởng chế tác riêng, hàng quán trong làng đều do người Nhật thuần coi quản nên tôi chưa được tận gặp những người Ainu ấy. Nhưng tôi nghĩ rằng, đó là lý do để tôi sớm quay lại Kushiro, về bên hồ Akanko và xem những điệu nhảy sếu của chủng người đặc biệt này, vào một mùa đông gần nhất.

Chiaki
RELATED ARTICLES