Hà Giang, tới nay, không phải là một điểm đến xa xôi cách trở. Mỗi mùa, mỗi tháng, mỗi năm, người ta đều tìm ra một cái cớ để náo nức rủ nhau tới Hà Giang, thưởng ngoạn và rong chơi, tận hưởng không gian mênh mang và hít khí trời.
Mới đây, tác giả Nguyễn Chí Nam đăng tải bộ ảnh Tết Hà Giang nhiều năm về trước, hồi mà “người ta chưa đi du xuân nhiều lắm”, bởi Hà Giang, vẫn là một cái tên còn lạ lẫm với nhiều người. Khi ấy, theo lời tác giả: “Chỉ có từng đoàn phượt âm thầm rời thành phố tối mùng 2, mùng 3,… Cái ngày mà từng thành viên phải góp đồ Tết từ nhà mang theo, cây giò, cái bánh chưng, chai bia... và trung tâm Đồng Văn vắng như chùa Bà Đanh”. Bộ ảnh và những chia sẻ của anh đưa tới một cái nhìn mới cho những người trẻ, về Hà Giang nguyên bản và hoang sơ, cũng như gợi lại biết bao hoài niệm cho những người từng " âm thầm rời thành phố" lên ăn Tết Hà Giang nhiều năm về trước...
Người ta ví rằng, khi những tảng đá tai mèo xám xịt “nở hoa”, khi mận chuyển trắng, cải nở vàng, đào phớt đỏ, tam giác mạch tím hồng, ấy là tiết trời đã vào xuân. Nhưng mùa xuân Hà Giang xưa còn là những con đèo thưa bóng người, kẻ lữ hành có thể trông thấy từ phía xa, từng đợt khói bếp nhen lên cao mãi.
Những năm gần đây, khi phương tiện tới Hà Giang ngày càng tiện lợi, hàng quán mở bán xuyên Tết, nhà nghỉ, homestay đa dạng, du khách tìm tới Hà Giang thưởng Tết cũng nhộn nhịp hơn xưa. Cảnh sắc và con người nơi đây, có lẽ vì thế mà cũng ít nhiều thay đổi. Nhưng cũng không vì thế mà Hà Giang bớt tráng lệ, bớt kì vĩ. Chỉ là, có đôi lúc khi xem lại những tấm ảnh cũ, kí ức về một “thời xa vắng” lại chộn rộn náo nức mà thôi.