Trào lưu du lịch bụi
Các chuyến du lịch vòng quanh thế giới có từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng phải tới những năm 1950-1960, hình thức du lịch bụi mới được nhiều người biết đến. Một tuyến đường bộ giữa châu Âu và Đông Nam Á, đường biết đến với tên gọi "đường mòn hippie" đã trở nên nổi tiếng với những người trẻ khao khát đi du lịch nhưng ngân sách hạn chế. Sự phổ biến của con đường mòn này mạnh mẽ đến mức Lonely Planet xuất bản cuốn sách hướng dẫn đầu tiên với tiêu đề "Đi khắp châu Á với giá rẻ" vào năm 1973.
Du lịch bụi thường gắn liền với hình ảnh những người trẻ tuổi với balo lớn đằng sau lưng, ở các nhà nghỉ giá rẻ. Họ tìm kiếm các công việc tạm thời ở nơi mình ghé thăm và kết nối với những người giống mình để thành bạn đồng hành. Sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ đã giúp các vị khách ngân sách eo hẹp có cơ hội đi xa hơn, nhanh hơn.
Kash Bhattacharya, người sáng lập BudgetTraveller, cho biết bản thân mình là một dân du lịch bụi lâu năm. "Du lịch bụi là một khái niệm vượt thời gian. Không có gì khó, mọi trải nghiệm đều dễ tiếp cận. Tôi đã đi du lịch bụi 20 năm đến giờ, và cảm giác về dòng chảy kết nối, tính nhân văn và trí tò mò không bao giờ ngừng dù tôi có già đi bao nhiêu tuổi", Bhattacharya bày tỏ.
Đáng buồn, mọi thứ phải tạm dừng vào năm 2020 vì Covid-19 khiến hầu hết quốc gia trên thế giới đóng cửa biên giới. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng bay lỗ tổng cộng 157 tỷ USD trong hai năm 2020-2021.
Những chuyến bay giá rẻ mà nhiều du khách bụi từng đi có thể sớm trở thành dĩ vãng. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tin rằng ngày càng nhiều điểm đến sẽ yêu cầu du khách cung cấp xét nghiệm nCoV, đây sẽ là một khoản tốn kém đối với những người thích du lịch giá rẻ và muốn tới nhiều nơi. Do đó, ngay cả khi thế giới bắt đầu dịch chuyển trở lại, dân du lịch bụi sẽ phải vật lộn để tìm hướng đi mới.
Ngân sách du lịch bụi
Dù những chuyến du lịch bụi là một hình thức khám phá tự túc giá rẻ, không ai có thể phủ nhận những du khách bụi mang về nguồn thu lớn cho ngành du lịch. Theo số liệu từ Liên đoàn Du lịch Giáo dục và Sinh viên Thế giới (WYSETC), 45 triệu chuyến du lịch bụi được thực hiện mỗi năm. Số tiền trung bình cho mỗi chuyến đi trong năm 2017 là 4.000 USD.
Đông Nam Á là một trong những điểm được dân du lịch bụi yêu thích nhất. Thái Lan có lẽ là cái tên hàng đầu được nhắc đến với hơn 20 triệu lượt khách đến thăm thủ đô Bangkok mỗi năm - phần lớn tụ tập về Khao San - một trong những con phố nổi tiếng nhất với dân phượt. Con phố không ngủ san sát những quán bar, nhà hàng và quầy bán rong... đã yên ắng hàng tháng qua, kể từ khi Thái Lan đóng cửa biên giới hồi tháng 4.
Theo Phó Thống đốc Bangkok Sakoltee Phattiyakul, khách quốc tế chiếm ít nhất 90% lượng khách đến Khao San. Tình hình vô cùng khó khăn khi vắng bóng khách nước ngoài, đến mức chính quyền phải khởi động dự án "Go to Khao San 2435" để thu hút người dân tới đây hơn.
Nhưng câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất là liệu một thành phố như Bangkok, vốn quá đông khách trước đại dịch, có thực sự muốn chào đón dân du lịch bụi trở lại?
Những vị khách không được chào đón
Theo nhiều người, các khách du lịch bụi thường gắn với những hành vi xấu xí trong nhiều năm qua. Australia - một điểm đến hàng đầu khách dành cho dân du lịch bụi, dường như từng bước ngăn cản các vị khách này.
Năm 2017, "thuế khách du lịch bụi" gây tranh cãi được ban hành tại xứ sở kangaroo, nghĩa là những người tới đây theo visa lao động trong kỳ nghỉ có thể bị đánh thuế lên đến 15% - trong khi người lao động Australia có ngưỡng miễn thuế thu nhập là 12.500 USD.
Denis Tolkach, trợ lý giáo sư tại Trường Quản lý Khách sạn và Du lịch thuộc Đại học Bách khoa Hong Kong, nói rằng: "Hầu hết các điểm đến đang tập trung vào phân khúc thị trường khách có khả năng chi trả cao. Dân du lịch bụi thường có xu hướng khám phá những vùng sâu vùng xa, mua sắm sản phẩm và tương tác trực tiếp với người dân địa phương. Nhưng nếu quá đông đúc, họ có thể gây tổn hại đến môi trường, văn hóa và cộng đồng địa phương do sở thích tiệc tùng và lối cư xử không đúng mực."
Một câu hỏi khác được đặt ra là: Liệu với ảnh hưởng mà Covid-19 đem lại, các điểm đến liệu có lo lắng về dân du lịch bụi mà không chào đón họ trở lại mãi mãi?
Stuart Nash, Bộ trưởng Du lịch của New Zealand, một thiên đường của khách du lịch bụi, gợi ý rằng xứ sở chim kiwi có thể hướng tới các phân khúc khách hàng có "giá trị ròng cao" trong tương lai.
Nhưng Jenni Powell, chủ tịch Hiệp hội các du khách trẻ và thích phiêu lưu, không nghĩ vậy. Jenni nhấn mạnh dân du lịch bụi đóng góp cho New Zealand theo nhiều cách khác nhau, và rất tích cực. Những đóng góp của họ đã bị bỏ qua. Trước đại dịch, các du khách trẻ chiếm 25% số khách đến New Zealand, giúp nước này thu về 1,5 tỷ USD cho nền kinh tế.
Cũng theo Jenni, dân du lịch bụi tới nhiều điểm trên khắp đất nước và lưu trú lâu hơn. Điều này rất tốt cho sự tăng trưởng theo mùa vụ. Bà tin rằng du lịch bụi sẽ là hình thức du lịch phục hồi đầu tiên sau khi dịch bệnh được kiểm soát, do thế hệ trẻ có khả năng chống chọi với khủng hoảng.
Một hệ sinh thái suy tàn
Hiệp hội Nhà trọ Thanh niên ở Anh và xứ Wales, một tổ chức phi lợi nhuận với hơn 150 khách sạn, thành lập được 90 năm, cho biết mỗi năm doanh thu đạt hơn 75 triệu USD. Nhưng riêng năm 2020, thu nhập của họ giảm 75% - thử thách lớn nhất họ từng đối mặt. Người đứng đầu tổ chức cho biết mình chưa bao giờ phải đóng cửa toàn bộ mạng lưới nhà trọ như hiện nay.
Trong khi đó, rât nhiều nhà nghỉ tư nhân, quy mô nhỏ khác đã phải đóng cửa, số khác giải thể vĩnh viễn.
Mitraa Inn, một cơ sở lưu trú ở Singapore, không may rơi vào nhóm thứ hai, sau hơn 15 năm kinh doanh. Viji Jagadeesh, người đồng sở hữu cơ sở này, phải cầm cố đồ trang sức để huy động đủ tiền hoàn trả cho các đặt phòng bị hủy và thậm chí không đủ tiền để thanh toán hóa đơn Internet cho khu nhà trọ.
Bhattacharya cho biết: "Covid-19 khiến nhiều nhà nghỉ ngừng hoạt động. Nhất là những cơ sở nhỏ hơn, hoạt động độc lập, về nhiều mặt đại diện cho linh hồn của ngành dịch vụ của thị trường du lịch bụi. Những nhà trọ này không chỉ là một nơi để ngủ, mà đại diện cho dân du lịch bụi ở mọi thành phố".
Tia hy vọng
Một trong những chủ doanh nghiệp chật vật khác là Will Hatton, người sáng lập blog The Broke Backpacker và điều hành các chuyến du lịch du lịch ba lô đến Pakistan, Iran và Kyrgyzstan. Công việc ăn nên làm ra trước Covid-19 khiến anh hợp tác để mở một nhà trọ dành cho dân du lịch bụi ở Bali, Indonesia.
Năm 2020, Will phải hủy nhiều chuyến du lịch mạo hiểm đã lên lịch trước, hoàn tiền cho khách hàng và hỗ trợ tài chính cho các đối tác địa phương. Anh nói, 2020 thực sự là một năm khó khăn đối với mọi người trong ngành du lịch. Mọi dự án kinh doanh của anh đều thua lỗ nặng nề.
Dù vậy, Will tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua, thế giới đã sáng chế ra vaccine và đam mê xê dịch nhiều người vẫn còn rất mạnh mẽ. Will dự định mở cửa nhà trọ của mình vào tháng 3.
"Tôi nghĩ rằng Covid cho thế giới một cơ hội sống chậm lại một chút, thiết lập lại và hy vọng chúng tôi sẽ trở lại mạnh mẽ hơn và khôn ngoan hơn từ trải nghiệm này. Tôi thực sự nhớ những chuyến du lịch bụi và không thể đợi đến ngày lên đường trở lại", Will tâm sự.