6 điểm nên đến trong tháng 9

14/08/2014

Tháng 9 đánh dấu bằng kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và cũng là thời khắc giao mùa, từ hạ chớm sang thu. Một kỳ nghỉ ngắn thích hợp với những chuyến di chuyển ngắn, tận hưởng những phút giây nhàn hạ và có những trải nghiệm thú vị nhẹ nhàng tại những điểm đến vừa lạ vừa quen ở cả 3 miền quê hương.

Bài: Hải An, Hạnh Phúc, Nguyễn Văn Tưởng, Lê Thắng, Bảo Chi. Ảnh: Nhóm tác giả

 

Hà Nội khoảnh khắc chớm thu

 

Tiết thu Hà Nội chỉ kéo dài khoảng vài tuần nhưng đem lại không khí mát mẻ đặc biệt cùng nét đẹp lãng mạn khiến nhiều du khách đã đến một lần  không thể quên. Thời điểm trước rằm Trung thu tháng 8 kéo dài sang giữa tháng 9 âm lịch chính là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm của thủ  đô.

 

 

Hà Nội lãng mạn trên từng con phố. Đến đây vào mùa thu, bạn hãy dành thời gian đi dạo trên những con phố rợp bóng cây xanh. Đường Phan Đình Phùng với hai hàng sấu chuyển màu lá; phố Trần Phú với những hàng sấu cổ thụ; Quán Thánh với cây bàng lá đỏ, hoa sữa thơm nồng nàn; đường Thanh Niên bảng lảng khói sương sớm hồ Tây; đường Yên Phụ, Mai Xuân Thưởng với hai hàng cây cơm nguội chuyển màu lá vàng. Đường Kim Mã với thảm lá xà cừ. Đường Hoàng Diệu trong mùa cây thay lá. 36 phố phường cổ kính rêu phong. Đường hoa ngọc lan Điện Biên Phủ...

 

+ Những góc đẹp mùa thu:

 

- Hồ Tây: Vào thu, những lớp sương mỏng sẽ làm cho mặt trời tròn xoe vào những buổi hoàng hôn. Vào những ngày sương mù giăng, những người câu cá ẩn hiện trong sương sớm tạo nên những khung cảnh vô cùng lãng mạn. Có nhiều cách để bạn trải nghiệm Hồ Tây. Đạp xe, ngồi xích lô trên đường Cổ Ngư(đường Thanh Niên) và những cung đường ven hồ. Tour xe điện quanh hồ. Thuê thiên nga dạo chơi mặt hồ. Trải nghiệm du thuyền hồ Tây hay ngắm nhìn toàn cảnh hồ từ một quầy bar tại tầng cao của một khách sạn sang trọng.

- Phố cổ: Hà Nội ba sáu phố phường, đan xem giữa những nét cổ kính trầm mặc là những không gian giao thương nhộn nhịp. Bạn nên dạo bộ thăm thú kết hợp mua sắm mọi mặt hàng trên những con phố, thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị đường phố.

Phố đêm Hà Nội mang một vẻ đẹp đặc biệt: sâu lắng, yên bình. Không ồn ã suốt 24h như Sài Gòn, Hà Nội của ngày và đêm mang hai nét đẹp khác nhau. Sau những guồng quay vội vã của ngày, 23h đêm, phố xá đã bắt đầu thưa vắng người qua. Đêm đi trong lòng Hà Nội mới thấy hết nét đẹp và sự thú vị của mảnh đất này. 36 phố phường với những phố Hàng dung dị, những ngôi nhà kiến trúc Pháp, kiến trúc dạng ống tranh tối tranh sáng, con phố dưới ánh đèn khuya tuyệt đẹp…

 

 

- Hồ Gươm: Hồ Gươm được mệnh danh là trái tim của Hà Nội, với các di tích đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đâu đây in dấu xưa trong truyền thuyết trả gươm của vua Lê. Hồ Gươm mùa thu tuyệt đẹp, những tán cây thay lá trải vàng những khoảng không xung quanh hồ.

- Văn Miếu: Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, có lịch sử một ngàn năm tuổi, mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình phát triển văn hoá của đất nước. Du khách sẽ có cảm giác bâng khuâng khi nhìn thấy thấp thoáng đâu đó trong Văn Miếu cổ kính bóng áo dài nữ sinh tha thướt.

- Thành Hà Nội và các bảo tàng: Tại những nơi này, du khách vừa tìm hiểu lịch sử, văn hoá Hà Nội qua di tích, di vật vừa chiêm ngắm khung cảnh vàng rơi lác đác trước sân thềm, trên những lối đi…

- Nhà thờ Lớn Hà Nội, Nhà hát lớn: Là những công trình lưu giữ đậm nét văn hoá phương Tây tại Hà Nội… sẽ quyến rũ hơn với nét cổ kính trong sắc thu.

- Chợ đêm Hà Nội: Chợ đêm Hà Nội diễn ra vào 3 buổi tối cuối tuần, từ thứ 6 đến chủ nhật. Chợ đêm Hà Nội kéo dài từ phố Hàng Ngang, Hàng Đào đến quá chợ Đồng Xuân. Nếu bạn có nhu cầu mua quà cho bạn bè, người thân làm vật kỷ niệm cho chuyến du ngoạn mùa thu Hà Nội thì đây là nơi lý tưởng để bạn thực hiện trọn vẹn nhu cầu đó.

 

+ Lưu trú:

Khách sạn ở Hà Nội đáp ứng mọi nhu cầu của du khách, từ khách sạn 5 sao cho đến những nhà nghỉ bình dân. Là một thành phố du lịch, Hà Nội cũng sở hữu số lượng lớn các khách sạn nhỏ từ 2 đến 3 sao. Chúng nằm trên mọi con phố của Hà Nội.Thật tuyệt nếu bạn bước chân ra khỏi khách sạn mình ở mà xung quanh đã là những con phố cổ cùng những món ăn vô cùng hấp dẫn. Những khách sạn lớn và sang trọng của Hà Nội thường toạ lạc ở những vị trí trung tâm thành phố. Bạn sẽ được ngắm nhìn những khung cảnh vô cùng đặc biệt về Hà Nội nếu chọn cho mình một căn phòng trên tầng cao.

 

+ Đi lại:

Có rất nhiều phương tiện cho bạn lựa chọn để khám phá Hà Nội. Có thể thuê xe đạp, xe máy và cả ôtô, như vậy bạn sẽ chủ động được thời gian và những địa điểm mình muốn đến. Sẽ thiếu sót nếu đến Hà Nội mà không làm một tour xích lô hay lòng vòng thành phố bằng xe điện. Cảm giác nhìn ngắm phố phường Hà Nội, tận hưởng tiết thu trên từng con phố là một cảm giác vô cùng đặc biệt. 

 

+ Ẩm thực Hà Nội:

Hà Nội có văn hoá ẩm thực vô cùng phong phú và đặc sắc. Không thể liệt kê hết những món ngon của Hà Nội, từ những món đặc biệt cho đến những món bình dân. Mặc dù vậy, không thể không nhắc đến phở, bún thang, bánh cuốn, phở cuốn, chả cá, bún chả… và những món ăn đường phố khác.

 

 

+ Quà thu Hà Nội:

Cốm sữa vỉa hè, sấu chín dầm, chè sắn, bánh đúc nóng trên phố Hàng Than; chả rươi Ô Quan Chưởng; ốc nóng Đinh Liệt; bánh trôi tàu Lương Văn Can… Quà mang về là cốm tươi, bánh cốm, bánh trung thu cổ truyền phố Thụy Khuê, sấu chín, ô mai hàng Đường...

 

Tây Bắc mùa vàng

Tháng 9 về, mùa thu vẽ một cung tròn mùa lúa chín với những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả như những dải lụa… tạo nên một mùa vàng tuyệt đẹp trên khắp các ngả đường Tây Bắc. Dịp này, thời tiết chưa quá lạnh nhưng cũng đủ cho bạn diện những chiếc khăn quàng, áo ấm, găng tay khi muốn làm một vòng hành trình chiêm ngưỡng những kiệt tác thiên nhiên và con người trên vùng cao Tây Bắc vào thời điểm quyến rũ nhất trong năm.

Cung đường Tây Bắc từ Hà Nội tới tận Sapa, kéo dài gần 500km. Ruộng bậc thang phủ kín hai bên gần nửa chặng đường, từ Tú Lệ đến Sapa, cùng những cung đèo hùng vĩ và những thung lũng đẹp đắm say lòng người.

 

 

Cung đường Tây Bắc đặc biệt phù hợp với các bạn trẻ, đi phượt với chiếc xe máy tay côn. Nếu du lịch gia đình, bạn cần có một chiếc ôtô. Còn những khách nước ngoài có thể tìm thuê xe Minsk và xe cào cào với hướng dẫn viên tại các cửa hàng thuê xe máy trên phố cổ Hà Nội.

Trải nghiệm cung đường Tây Bắc lý tưởng nhất cần khoảng 5 đến 6 ngày, với dân phượt thì có thể dài hơn, bởi những bản làng cheo leo cần nhiều thời gian để chinh phục. Lịch trình chia thành 2 giai đoạn, mỗi gian đoạn được phân bổ thời gian tuỳ theo điều kiện.

 

Giai đoạn 1: Hà Nội - Tú Lệ - Mù Cang Chải

Quãng đường từ Hà Nội đến Tú Lệ dài 250km, đi theo QL 32. Ở đây có đầy đủ nhà nghỉ và các nhà hàng ăn uống đặc sản núi rừng rất ngon, giá cả hợp lý. Có thể thuê phòng nghỉ lại Tú Lệ một đêm để trải nghiệm, khám phá nhiều điều. Đi quá thị trấn Tú lệ chừng 3km là thung lũng Cao Phạ nằm dưới chân đèo Khau Phạ. Hoàng hôn buông xuống tuyệt đẹp, bạn có thể ngắm thung lũng từ trên đèo hoặc dạo chơi dưới thung lũng, khám phá nếp nhà của người Mông.

 

 

Từ đèo Khau Phạ đến với Mù Cang Chải mất 40km. Đèo Khau Phạ là một trong 4 cung đèo được xem là huyền thoại của Việt Nam, vượt qua nó luôn mang lại cảm giác vô cùng thú vị.

Đi từ Khau Phạ hướng về Mù Cang Chải, đến ngã ba Kim thì rẽ phải chừng 5km, bạn sẽ gặp La Pán Tẩn - thung lũng ruộng bậc thang với cao độ lớn, những thửa ruộng ở đây như nấc thang lên tận trời. Rời La Pán Tẩn quay ngược ra để đến Mù Cang Chải vào tầm trưa, bạn sẽ thấy bên đường những thung lũng ruộng bậc thang đẹp đến mê hoặc.

Quay lại khu vực Chế Cu Nha và “Cầu Ba Nhà”. Đây được xem là vị trí có những thung lũng ruộng bậc thang đẹp nhất vùng. Bạn có thể ngắm nhìn chúng ngay từ bên đường, và sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn tìm cho mình những vị trí có độ cao tốt, có góc nhìn bao quát được những khung cảnh hùng vĩ và thơ mộng.

Về cơ bản, bạn sẽ mất 2 ngày để khám phá và trải nghiệm Tú Lệ, Khau Phạ, La Pán Tẩn, Mù Cang Chải.

 

Giai đoạn 2: Mù Cang Chải - Than Uyên - Ô Quy Hồ - Sapa

Từ Mù Cang Chải đến Sapa khoảng 150km theo QL 32 rồi rẽ phải theo QL 4D, mất khoảng 4 giờ cho thời gian di chuyển. Bạn nên dành thời gian buổi sáng thăm thị trấn Mù Cang Chải, khoảng gần trưa trả phòng khách sạn khởi hành đi Sapa. Nên dừng nghỉ ăn trưa ở Than Uyên. Nơi đây cảnh vật khác nhiều so với Mù Cang Chải, cung đường đẹp với những đồi chè hai bên đường, ruộng bậc thang không còn nhiều và lẩn khuất sau những ngọn đồi.

 

 

Bạn có thể dừng chân bên đèo Ô Quy Hồ, cung đèo ngay cửa ngõ của Sapa. Vào những ngày trời trong, cảnh sắc nơi đây vô cùng đẹp, nếu may mắn bạn có thể gặp “mây luồn” - hiện tượng thiên nhiên kỳ thú của vùng Hoàng Liên Sơn. Hãy ngắm hoàng hôn Ô Quy Hồ rồi kết thúc ngày thứ 3 trong sương đêm kỳ ảo của Sapa, bên những món đồ nướng đặc sản và cái lạnh nơi đây.

Bạn cần tối thiểu 2 ngày để khám phá và trải nghiệm Sapa, có quá nhiều điều tuyệt vời ở đây. Một ngày dành để khám phá thung lũng ruộng bậc thang Tả Van, cùng những bản người Mông, Dao dưới những thung lũng. Ngày còn lại dạo chơi thị trấn, chợ Sapa, thăm quan công viên Hàm Rồng, ngắm toàn cảnh Sapa trong mây từ trên cao. Hoàng hôn Sapa rất đẹp, nhất là những ngày có mây, bạn có thể ngắm hoàng hôn buông trên dãy Hoàng Liên Sơn từ đỉnh núi, hoặc lang thang trong thị trấn, ngồi ở sân nhà thờ nhìn ánh nắng tắt dần.

Bạn có thể rời Sapa ngay trong đêm hoặc dành thêm một đêm nữa tận hưởng cái lạnh Sapa cùng những món ăn lạ vị rồi ra về vào sáng sớm. Quãng đường từ Sapa về Hà Nội qua Lào Cai dài 350km.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Những lưu ý cần thiết:

+ Thời tiết thuộc vùng núi và lúc này đang chuyển mùa nên bạn nhớ mang theo áo khoác dày và khăn choàng ấm.

+ Không chạy xe khi trời đã tối muộn, tránh bị sương mù. Nhớ mang theo đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Nên có bộ đồ sửa xe với săm, lốp thay thế.

+ Bạn cầncó bản đồ trong tay, hãy nắm rõ những điểm bạn sẽ đến.

+ Trang bị kỹ các vật dụng cá nhân cần thiết như quần áo, áo ấm, găng tay, mũ bảo hiểm, bọc gối, áo mưa, ủng đi mưa, bọc đồ cá nhân, đồ y tế cá nhân, túi ngủ…Khi cất đồ vào ba lô, hãy xếp gọn vào các túi ni lông trước khi xếp đồ để tránh đồ bị ướt hay khi gặp trời mưa.

 

Về Huế thăm làng cổ Thủy Biều

 

Quãng cuối tháng 8, đầu tháng 9, Huế đã tạm giã từ cái nắng nóng mùa hè để nhường lại không khí mát mẻ, dịu nhẹ vào khoảnh khắc chớm thu, từng được nhà văn Thanh Tịnh mô tả qua những đoạn văn đầy xúc cảm trong tác phẩm “Tôi đi học”.

Có quá nhiều điều để khám phá ở thành phố của hai di sản thế giới này. Một là quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới - với khu đại nội, kinh thành Huế cùng những cổ vật ghi dấu các triều vua nhà Nguyễn được bảo tồn tương đối đầy đủ trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Thứ hai là nhã nhạc cung đình Huế - kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Cả hai đều đã quá nổi tiếng, và bạn có thể dễ dàng tìm thấy trong các chương trình tham quan, trải nghiệm được tổ chức mỗi ngày tại những công ty du lịch ở cố đô, hoặc ngay tại quầy tour trong khách sạn của bạn.

 

 

Để làm mới Huế, Travellive mời bạn về thăm làng Thủy Biều nằm cách trung tâm thành phố khoảng 4 km, hòa mình vào khung cảnh thơ mộng, yên bình với những con đường rợp bóng cây xanh, những di tích cổ như Hổ Quyền, điện Voi Ré, những ngôi nhà rường cổ với mái ngói rêu phong… Chớm thu, những cây thanh trà trĩu quả, vươn cành phủ rợp đường làng, lủng lẳng, đong đưa trên đầu du khách... Đây là điểm tham quan phù hợp với gia đình nhiều thế hệ.

 

+ Các điểm tham quan:

- Lên đồi Vọng Cảnh - ngọn đồi nằm giữa khúc uốn sông Hương, du khách sẽ có góc nhìn tuyệt đẹp về thiên nhiên trữ tình xứ Huế. Từ đây nhìn sang bên kia là điện Hòn Chén và ngôi chùa cổ kính, một thắng cảnh nổi tiếng - chùa Thiên Mụ; Văn Miếu, Võ Miếu được nhà Nguyễn xây dựng vào năm 1808 nhằm tôn vinh các thánh hiền của đạo Nho.

+ Hổ Quyền: được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và cọp cho vua, đình thần và dân chúng xem giải trí, đồng thời tạo ra những cơ hội luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận. Hổ Quyền có giá trị cao về mặt lịch sử và văn hóa. Khắp các nước Đông Á, kể cả Trung Quốc và Nhật Bản, không tìm thấy đấu trường nào tương tự.

 

 

+ Điện Voi Ré: là chứng tích một thời của đội kinh tượng nhà Nguyễn. Theo truyền thuyết, thời Trịnh - Nguyễn, trong một trận giao tranh với quân Đàng Ngoài, một dũng tướng ở Đàng Trong hy sinh giữa trận tiền. Đau buồn giữa cái chết của chủ, con voi của vị dũng tướng đã chạy trên một quãng đường dài hàng trăm dặm từ chiến địa về tận phủ Phú Xuân, đến địa điểm phía đông của đồi Thọ Cương mới trút hơi thở cuối cùng. Dân địa phương đã làm lễ an táng, xây mộ cho, và vẫn gọi một cách mộc mạc là mộ Voi Ré.

+ Hệ thống nhà rường cổ hơn 100 năm tuổi: Nhà rường chủ yếu được dựng bằng gỗ kiền hoặc gỗ mít. Kiểu thức kiến trúc chính là ngôi nhà 3 gian 2 chái hoặc 1 gian hai chái nằm gần như trung tâm khu vườn - kiểu kiến trúc truyền thống nhà rường xứ Huế. Điểm đặc biệt, các bộ vì kéo được chạm trổ hoa văn tinh xảo; mái nhà được lợp bằng ngói liệt, với hai lớp dày chồng lên nhau. Do vậy, mùa hè rất mát, mùa đông ấm áp.

+ Vườn cây thanh trà: một loại bưởi đặc sản của Huế, của làng quê Thủy Biều. Thu đến, những cây thanh trà trĩu quả, vươn cành phủ lợp đường làng. Du khách bước vào đây sẽ đắm mình trong một không khí mát rượi, yên bình của một làng quê xứ Huế; thưởng thức vị thơm, ngọt, mát của giống thanh trà trứ danh.

 

Ẩm thực

Ẩm thực xứ Huế là một bản hòa tấu đa dạng các món ngon từ gốc gác cung đình đến các món dân dã. Trong số đó, bạn không nên bỏ qua: cơm hến ở cồn Hến (phường Vĩ Dạ); bánh bèo Huế tại các quán nằm trên đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Huệ…; nem lụi ở chợ Đông Ba, các nhà hàng trên đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Huệ, Trương Định, Phan Bội Châu…; tré tại phố nem tré trên đường Đào Duy Từ, trước cửa chợ Đông Ba; bún bò Huế trên đường Nguyễn Huệ, Bạch Đằng, Nguyễn Du; bánh canh Nam Phổ…

 

 

Khách sạn

Huế là thành phố du lịch nên cơ sở lưu trú ở đây khá tốt. Muốn có trải nghiệm đặc biệt, bạn nên đến ở tại khách sạn Saigon Morin để sống trong không gian cổ xưa theo phong cách Pháp. Các khách sạn khác từ 3-5 sao, giá từ 545.000 VND đến 2.934.000 VND, gồm: Imperial Huế, Ana Mandara Huế, Century Riverside Huế, Midtown Huế, New Star Huế…

 

Quà Huế

Trà Cung đình, thang thuốc Minh Mạng, tôm chua, mè xửng, dầu tràm, kẹo cau, kẹo gừng, nón bài thơ… bán nhiều ở chợ Đông Ba và có thể tìm thấy tại khắp các trung tâm mua sắm ở Huế.

 

Nguyên sơ đảo Bình Ba

 

Bình Ba vẫn còn là một địa danh khá mới mẻ của vùng duyên hải miền Trung đầy nắng gió, chỉ cách cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) 15km. Với mệnh danh “đảo tôm hùm”, đây là điểm đến kích thích cảm hứng chinh phục nơi những bạn trẻ ưa khám phá vẻ đẹp thiên nhiên. Du lịch Bình Ba từ tháng 7- tháng 9 là lý tưởng nhất trong năm. Dịp này, biển êm, đi lại thuận tiện do có vịnh chắn sóng; và mùa này tôm hùm nhiều, các bãi biển sạch sẽ vắng người cho du khách cảm giác riêng tư tự do, khám phá.

 

 

+ Các điểm tham quan: Quanh Bình Ba có nhiều bãi biển, mỗi bãi biển mang một vẻ đẹp riêng.

- Bãi Nồm: cát trắng, nước biển xanh ngắt trải dài đến đường chân trời, xa xa là dãy núi đá thoai thoải được phủ bởi cây xanh.

- Bãi Nhà Cũ: quang cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. Chiếc kính lặn là vật không thể thiếu khi khám phá bãi tắm hoang sơ này. Kể cả không biết bơi hay lặn, bạn hãy đeo kính lặn vào, cúi mình xuống làn nước, sẽ thật thích thú khi trước mắt là những rạn san hô đủ hình dạng, đàn cá đủ màu sắc tung tăng bơi lội.

- Bãi Chướng: tuyệt vời để ngắm bình minh, khi trời và biển lúc như xa nhau lắm, lúc lại gần nhau ngỡ như hòa vào một. Trên bờ cát, những dây rau muống biển xanh non thấp thoáng những bông hoa tím, như tô điểm thêm sức sống cho bức tranh hoang dại mà quyến rũ này.

- Di tích: Thuê xe máy của người dân, bạn có thể lang thang khắp đảo để khám phá từng ngóc ngách, hay chạy lên đỉnh đồi để ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh tươi đẹp nơi đây. Một số di tích từ thời Pháp vào đầu thế kỷ 20 vẫn còn như lô cốt, bệ súng thần công và một số vết tích kiến trúc khá độc đáo, thích hợp với những ai hứng thú với lĩnh vực này.

 

+ Ẩm thực:

- Khi đã đến đây, bạn không thể bỏ qua con tôm hùm, loại hải sản ngon nổi tiếng của Bình Ba. Các gia đình ở đây gắn bó với nghề nuôi tôm hùm, và đánh bắt hải sản, hàng ngày theo tàu lên đất liền để nhập hàng, mua những thứ khác cho cuộc sống trên đảo. Ngay trên đảo cũng có chợ, người dân mua bán trao đổi những thứ mang từ đất liền về, hoặc mở vài quán hàng nhỏ bán đồ ăn, đồ lưu niệm… phục vụ khách du lịch.

- Chợ Bình Ba nằm gọn trong làng chài, nhưng lại có nhiều món ăn vặt ngon và phong phú. Bánh rán, thịt xiên, chả nướng… được bày bán khắp chợ, rất ngon mà lại rẻ.

- Trải nghiệm ẩm thực thú vị nhất luôn là vô số món hải sản tươi ngon với các loại mực, cá, ốc mặt trăng, ốc vú nàng… rất dễ để mua của người dân trên đảo, và tất nhiên không thể thiếu tôm hùm - đặc sản của Bình Ba, chất liệu tuyệt vời cho một bữa BBQ ven biển không thể hấp dẫn hơn.

 

+ Thông tin thêm:

- Đến Bình Ba: Hàng ngày có các chuyến bay từ TP. HCM và Hà Nội đến sân bay Cam Ranh. Cảng Ba Ngòi cách sân bay 15km. Xe khách chất lượng cao (Phương Trang, Mai Linh…) chạy tuyến Nam - Bắc có đi qua bến xe Cam Ranh, hoặc đi buýt từ TP. Nha Trang tới. Từ bến xe Cam Ranh đến cảng Ba Ngòi chỉ 5km.

- Tàu ra đảo: tàu đón khách ở cảng Ba Ngòi (cách bến xe Cam Ranh 5km), xuất bến vào 7h, 10h, 13h và 16h mỗi ngày; tàu từ đảo về đất liền khởi hành lúc 5h, 9h, 12h và 16h30.

- Nhà nghỉ, dịch vụ trên đảo ở mức tối thiểu nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu của du khách. Có thể nghỉ ở khách sạn hoặc homestay, dễ dàng đặt cơm, hải sản với giá hợp lý. Có dịch vụ cho thuê xe máy; tour đi dạo quanh đảo, câu mực… bằng tàu.

 

Núi Bà Nà - Đà Nẵng

 

Chỉ cách Đà Nẵng hơn 30km nhưng Bà Nà như một thế giới khác biệt với sự hiện đại của một phố thị sầm uất. Thay vào đó là khung cảnh của “chốn bồng lai”. Vì nằm ở cao độ hơn 1.400m so với mực nước biển nên ở đây khí hậu quanh năm mát mẻ như một “tiểu Đà Lạt” hay một “góc Sapa” của miền Trung nắng gió.

 

Sau mươi phút ngồi trong cabin cáp treo, du khách đã đặt chân lên đến đỉnh cao nhất của Bà Nà, từ đây có góc nhìn tuyệt đẹp toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, cả vòng cung nối từ đèo Hải Vân nơi đặt bia Thiên hạ đệ nhất hùng quan qua tận bán đảo Sơn Trà, biển Mỹ Khê dập dờn con sóng, hay non nước Ngũ Hành Sơn với con sông Thu Bồn nhẹ trôi uốn khúc... Tất cả hòa cùng nhau tạo thành một bức tranh thủy mặc đẹp đến mê hồn.

 

 

Bà Nà có nhiều điểm thú vị để du khách cùng gia đình thỏa sức khám phá: như thác cầu vồng, sân bay trực thăng cũ, những ngôi biệt thự cổ xưa mang đậm kiến trúc Pháp. Chùa Linh Ứng với tượng Phật Thích Ca tọa thiền cao hơn 27m là nơi để du khách tìm đến một khoảng lặng cho tâm hồn.

+ Lưu ý:

Bạn cần mang theo quần áo ấm, khăn quấn cổ trước chuyến đi, vì trên đỉnh cao Bà Nà gió lạnh, nhất là vào lúc sương sớm và chiều hôm.

 

+ Đi lại:

Từ Hà Nội và TP.HCM, bạn dễ dàng đến Đà Nẵng bằng máy bay, xe lửa, xe khách. Nếu muốn trải nghiệm cảm giác lạ lẫm trong không gian cổ xưa, bạn có thể nghỉ qua đêm tại các biệt thự cổ kiểu Pháp trong KDL Bà Nà. Hoặc cũng dễ dàng trở về Đà Nẵng theo tuyến xe buýt nối giữa hai nơi này. Đi lại trong Đà Nẵng có thể thuê xe máy tại các nhà nghỉ, khách sạn, giá từ 150.000 -200.000 đồng/ngày.

 

+ Các điểm tham quan:

Bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cầu quay sông Hàn về đêm, cầu Rồng, Bảo tàng điêu khắc Chăm, chùa Linh Ứng, một số bãi biển như  Non Nước, Mỹ An, Mỹ Khê… Cầu Rồng rất đáng xem, khi đêm về lung linh ánh đèn điện trang trí và tạo cảnh rồng phun lửa. Công trình chiếu sáng cầu Rồng đã nhận được giải Biểu dương đặc biệt của Hiệp hội các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp thế giới (IALD Awards). Đà Nẵng cũng vừa đưa vào phục vụ khách du lịch Vòng quay Mặt trời - Sun Wheel cao 115m tọa lạc trong khuôn viên Công viên Châu Á và nhanh chóng lọt vào top 10 vòng quay trên thế giới. 

 

+ Dịch vụ lưu trú:

Khách sạn Sion - 121/7 Hoàng Văn Thụ với phòng đẹp, máy nước nóng đầy đủ tiện nghi, giá khoảng 300.000 - 350.000 đồng/đêm; Hoàng Lan Hotel - 189 Nguyễn Văn Thoại (gần bãi biển Mỹ Khê), khoảng 200.000 đồng/phòng đôi; Lan Phương - 25 Phan Chu Trinh (đằng sau nhà hát lớn), khoảng 240.000 đồng/phòng 2 giường; Sunset Bay Đà Nẵng, giá từ 400.000 – 450.000 đồng/đêm. Hoặc các khách sạn mini dịch vụ tốt nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn…, giá dao động từ  220.000 - 300.000 đồng/đêm.

 

+ Món ngon nên thử:

- Bánh tráng cuốn thịt heo: quán Trần, hoặc quán Mậu 35 Đỗ Thúc Tịnh.

- Hải sản tươi ngon: quán Bà Thôi trên đường Lê Đình Dương, nhà hàng Mỹ Hạnh bên biển Mỹ Khê.

- Bún mắm Bà Thuyên trên đường Lê Duẩn.

- Mì Quảng: số 1 Hải Phòng.

- Cao lầu, cơm gà Hội An: đường Lê Đình Dương.

- Bánh tráng tương, báng tráng đập Phan Chu Trinh.

 

Miền Tây mùa nước nổi

 

Từ tháng 9 trở đi là lúc miền Tây Nam bộ bước vào mùa nước nổi. Văn hóa mùa nước nổi không tập trung vào một chỗ mà chan hòa khắp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tạo nên một cung đường khám phá đầy thú vị.

 

Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) là một điểm phải ghé trong hành trình. Chèo xuồng khua mái chèo lướt giữa những cánh đồng lục bình tím mênh mông, ngắm vạn cánh cò trắng vỗ cánh tung bay trong chiều hoàng hôn đẹp đến sững sờ là một trải nghiệm khó quên. Đừng quên thưởng thức những món đặc sản ở đây như chuột đồng Cao Lãnh, cá rô đồng "Bắt Kinh", dạo chơi Xẻo Quýt trên chiếc xuồng "Năm Quăng" nhỏ xinh. Bên cạnh đó, Đồng Sen Gò Tháp - đồng sen rộng nhất miền Tây - cũng đáng để khám phá với triệu gương sen hồng thơm ngát. Chèo chiếc xuồng con lướt giữa những cánh sen hồng là một cảm giác cực kỳ tuyệt diệu.

 

 

Sẽ không trọn vẹn nếu khám phá mùa nước nổi mà không đến hồ nước trời Búng Bình Thiên thuộc xã Quốc Thái, An Phú, An Giang, nơi giáp ranh với biên giới Campuchia. Hãy dạo chơi trên những con đường làng nhỏ dẫn đến bến nước thiêng trước thánh đường Hồi giáo, ngắm nhìn cuộc sống thanh bình diễn ra bên búng. Hình ảnh những cô gái Chăm với chiếc khăn đen trùm kín khuôn mặt như làm tăng thêm sự huyền bí trong văn hóa truyền thống của vùng đất này.

 

Rừng tràm Trà Sư là điểm phải đến khi khám phá An Giang. Chiếc xuồng xẻ thảm bèo xanh chuối mà đi, màu xanh lá của triệu thân tràm, màu xanh lơ của bao la bầu trời cứ quyện lấy nhau mà đem lại không gian bình yên mát dịu.

 

 

Để có thể ngắm nhìn rõ nhất khung cảnh bao la của mùa nước nổi, bạn hãy chạy xe máy dọc theo dòng kênh Vĩnh Tế chia đôi biên giới Việt Nam - Campuchia. Vào ngày thường, dòng kênh chỉ rộng chừng mươi mét. Nhưng khi mùa nước nổi, dòng sông mở rộng đến cả chục km tạo nên một “biển nước” giữa đất liền vô cùng ấn tượng.

 

+ Một số lưu ý:

Mùa nước nổi cũng là mùa mưa vì vậy du khách cần phải trang bị bộ đồ áo mưa để tiện di chuyển. Không sử dụng áo mưa cánh dơi vì gió mạnh sẽ nguy hiểm khi lái xe. Balô, túi xách sử dụng loại chống thấm tốt hoặc có túi bọc chống thấm. Nên trang bị giày chống thấm nước.

 

+ Cung đường khám phá mùa nước nổi tuyệt đẹp:

TP.HCM – đường N2 – Trường Xuân – Hồng Ngự - Thường Thới Tiền - Thường Phước – Vĩnh Xương – Thái An – Búng Bình Thiên – Châu Đốc – chạy dọc kênh Vĩnh Tế - nhà mồ Ba Chúc –rừng tràm Trà Sư – Vườn quốc gia Tràm Chim – Sa Đéc – Tiền Giang – TP.HCM.

 

+ Các món đặc sản mùa nước nổi:

Chuột đồng nướng lu (có ở các điểm đi qua), Cá lóc nướng đất sét (có ở các điểm đi qua), Lẩu cháo cá ở Châu Đốc là ngon nhất, Các món ăn chế biến từ sen: hạt sen luộc, cơm lá sen, cá rô đồng cuốn lá sen non, mắm cá linh chấm ngó súng ma, lẩu cá linh, bánh xèo cá linh, cá lóc kho tộ… Các món ăn này dễ dàng tìm thấy ở bất cứ nơi nào bạn ghé quan trên cung đường mùa nước nổi miền Tây.

 

+ Các điểm tham quan:

- Những đồng súng ngập nước trên cung đường N2.

- Mùa len trâu với hàng trăm con trâu trên đồng ngập nước ở Thường Thới Tiền.

- Biển nước nơi biên giới Việt Nam – Campuchia ở Vĩnh Xương, Thái An, và dọc kênh Vĩnh Tế.

- Đồng lúa xanh bao la ở Ba Chúc,Tri Tôn, An Giang.

- Những thảm bèo xanh mướt quyến rũ ở rừng tràm Trà Sư. Giá vé tham quan: 70.000 đồng/khách. Nên đi theo nhóm bạn để giảm chi phí.

- Bạt ngàn chim bay lượn ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

- Cảnh săn bắt đặc sản mùa nước nổi: rắn, cá, cua, chuột đồng… ở khắp miền Tây.

 

+ Phương tiện đi lại:

- Từ TP.HCM, bạn có thể đi xe Phương Trang, Mai Linh đến tất cả các tỉnh miền Tây. Xe di chuyển tiện lợi, nhanh chóng và an toàn.

- Có thể đi xe máy để thuận tiện khám phá tất cả cung đường. Nếu đi xe khách, đến nơi bạn có thể thuê xe máy ở người chạy xe ôm, hoặc tại các khách sạn. Giá thuê là 150.000 -200.000 đồng/ngày

 

+ Lưu trú:

Hầu hết khách sạn mini, nhà nghỉ ở miền Tây giá tầm 150.000 – 200.000 đồng. Phòng hơi nhỏ. Bạn dễ dàng tìm thấy ở hầu hết các trục đường chính tại các thành phố, trung tâm huyện.

RELATED ARTICLES