Trải qua nhiều thập kỷ từ những năm 1960, ẩm thực đường phố tại thủ đô Seoul - Hàn Quốc đã trải qua một hành trình đầy sáng tạo và phong phú. Từ những ngày đầu chỉ có những món truyền thống như bánh gạo, bánh mì nướng, hạt dẻ nướng và khoai lang... Nhưng ngày nay, với sự xuất hiện của những món mới như tteokbokki phô mai và xúc xích phô mai, ẩm thực đường phố Seoul đã trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
“Xuất khẩu” văn hoá ẩm thực khắp thế giới
Làn sóng Hallyu không chỉ mang đến cho thế giới những bộ phim truyền hình, bài hát hay mà còn là một chiến dịch quảng bá ẩm thực Hàn Quốc vô cùng hiệu quả. Các công ty thực phẩm và chuỗi nhà hàng khéo léo tận dụng sức hút của các ngôi sao, những cảnh quay đậm chất ẩm thực trong phim để kích thích thị giác và vị giác của khán giả.
Mạng xã hội đã trở thành công cụ đắc lực để quảng bá ẩm thực Hàn Quốc. Hình ảnh những nghệ sĩ K-pop thưởng thức các món ăn truyền thống, những đoạn video ngắn giới thiệu các công thức nấu ăn đơn giản đã thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ. Các hashtag như #Kfood, #KoreanFood, #먹스타그램 (#먹스타그램 có nghĩa là "Instagram về đồ ăn" trong tiếng Hàn) ngày càng trở nên phổ biến, tạo ra những trào lưu ẩm thực trên toàn cầu. Bên cạnh đó, sự tương tác giữa nghệ sĩ và người hâm mộ thông qua các nền tảng mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ vào việc lan tỏa văn hóa ẩm thực Hàn Quốc
Bộ phim "Ký sinh trùng", đoạt giải phim hay nhất tại Lễ trao giải Oscar 2020, đã giúp mở đường cho ẩm thực Hàn Quốc. Với giải Oscar danh giá, "Ký sinh trùng" đã đưa ẩm thực Hàn Quốc lên một tầm cao mới. Cảnh ăn mì Chapaguri không chỉ là một phân cảnh ấn tượng mà còn là một ví dụ điển hình cho sức mạnh của điện ảnh trong việc quảng bá văn hóa. Sự xuất hiện của Chapaguri trên màn ảnh rộng đã khiến món ăn này trở thành một hiện tượng toàn cầu, được nhiều người yêu thích và tìm kiếm.
Sau khi bộ phim ra mắt, Nongshim đã tung ra sản phẩm mới tại 20 quốc gia kết hợp hai loại mì Chapagetti và Neoguri thành mì "Chapaguri". Món ăn này tiếp tục trở thành một cú hit lớn, xuất hiện trên kệ hàng của những gã khổng lồ bán lẻ Mỹ như Walmart và Kroger. Sản phẩm này tạo ra doanh số bán hàng trên toàn thế giới với tổng trị giá 30 tỷ won (25,5 triệu USD).
Người phát ngôn của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc trực thuộc chính phủ (KOTRA) cho biết: "Khi nội dung giải trí của Hàn Quốc tiếp cận được nhiều khán giả hơn, mức độ phổ biến của hàng tiêu dùng Hàn Quốc đã tăng lên. Các bộ phim truyền hình đã giúp thúc đẩy sự quan tâm của mọi người đối với ẩm thực, mỹ phẩm và thời trang của đất nước chúng tôi".
Một quan chức chính phủ cho biết: "Đây là thành quả từ những nỗ lực của chúng tôi nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc với phần còn lại của thế giới".
Âm dương - Ngũ hành trong ẩm thực Hàn Quốc
Năm màu sắc chủ đạo trong các món ăn Hàn Quốc là đen, đỏ, xanh, trắng, vàng. Và theo quan niệm người Hàn thì 5 màu này tượng trưng cho ngũ hành, mỗi màu sắc đều mang một ý nghĩa tượng trưng khác nhau. Sự kết hợp đầy đủ các màu sắc này trong ẩm thực không chỉ giúp âm dương hài hòa mà còn giúp cân bằng vạn vật.
Năm màu sắc đen, đỏ, xanh, trắng, vàng tượng trưng vật chất nước, lửa, cây, kim loại và đất, đồng thời 5 màu sắc này cũng tượng trưng cho hướng bắc, nam, đông, tây và trung tâm. Ngoài ra, 5 màu sắc này còn tượng trưng cho 5 vị mặn, đắng, chua, cay, ngọt và món ăn nào đủ ngũ vị thế này cũng giúp ngon miệng hơn.
Obangsaek ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền ẩm thực Hàn Quốc. Người dân nơi đây quan niệm ẩm thực ngon không phải cao lương mỹ vị mà phải tốt cho sức khỏe. Đơn cử như kimchi chỉ làm từ rau củ nhưng có đến hàng chục, hàng trăm loại khác nhau, đảm bảo tăng cường sức khỏe cho người ăn. Thông thường người Hàn Quốc cũng chú trọng việc trang trí và bày biện món ăn, luôn tuân theo quy tắc Obangsaek, có đầy đủ 5 màu sắc chủ đạo.
Ẩm thực Hàn Quốc mang đậm dấu ấn Obangsaek và nhất là các món ăn quen thuộc, nổi tiếng của xứ sở kim chi. Điển hình là món cơm cuộn, tuân thủ triết lý ngũ sắc bao gồm màu đen từ rong biển, màu đỏ từ cà rốt, màu xanh từ dưa leo, màu trắng từ cơm và màu vàng từ trứng. Một món ăn mang đậm tính truyền thống, biểu tượng lại còn thấm đượm triết lý Obangsaek thì càng tăng thêm nhiều phần ý nghĩa.
Một bàn ăn truyền thống với nhiều đĩa ăn “hơn mức bình thường” phần nào thể hiện Hàn Quốc là một dân tộc trù phú về tài nguyên, họ cao to và cần phải phục thực thật nhiều để trải qua giai đoạn thời tiết khắc nghiệt của phía Bắc. Và một bàn ăn tràn đầy cũng thể hiện sự viên mãn của gia đình đó và hiếu khách, sẵn sàng mang đến những món ăn ngon nhất để chiêu đãi khách khứa của mình.
Ẩm thực Hàn Quốc không chỉ là một phần của cuộc sống hàng ngày, mà còn là một biểu tượng văn hóa độc đáo. Mỗi món ăn đều mang trong mình một câu chuyện lịch sử, một nét đẹp văn hóa và một tinh thần dân tộc. Từ kim chi cay nồng, thịt nướng thơm lừng đến những món canh thanh mát, tất cả đều phản ánh sự đa dạng và phong phú của ẩm thực Hàn Quốc. Bằng cách thưởng thức ẩm thực, chúng ta không chỉ được trải nghiệm những hương vị độc đáo mà còn có cơ hội khám phá sâu hơn về tâm hồn và văn hóa của người Hàn.