Bối cảnh chính trị rối ren với tình trạng thiết quân luật hay những cuộc đảo chính là một chủ đề hay được các nhà làm phim xứ kim chi khai thác nhiều, tạo ra các câu chuyện đong đầy cảm xúc. Với bối cảnh nền chính trị bất ổn và những cuộc biểu tình rầm rộ, bộ phim "Tuổi trẻ của tháng Năm" (Youth of May) là một bức tranh đầy màu sắc và tái hiện chân thực xã hội Hàn Quốc những năm 80, một thời kỳ đầy biến động.
Câu chuyện tình yêu bi thương giữa Hwang Hee Tae và Kim Myung Hee, hai con người trẻ tuổi lạc lõng giữa dòng đời xô đẩy, đã chạm đến trái tim của hàng triệu khán giả. Qua từng ánh mắt, nụ cười và giọt nước mắt của các nhân vật, người xem như được sống lại những khoảnh khắc đầy xúc động, những hy vọng và tuyệt vọng của một thế hệ. Bộ phim không chỉ là câu chuyện tình yêu của Hwang Hee Tae và Kim Myung Hee, mà còn là một bản anh hùng ca về tuổi trẻ, về những khát vọng tự do và những hy sinh cao cả.
Một thời kỳ biến động
Bộ phim "Tuổi trẻ của tháng Năm" đã tái hiện một cách chân thực và sống động bầu không khí căng thẳng, đầy bất ổn của Gwangju năm 1980. Qua những hình ảnh về các cuộc biểu tình, các cuộc đụng độ giữa người dân và quân đội, chúng ta như được sống lại những ngày tháng lịch sử đầy đau thương.
Thực tế, phong trào dân chủ Gwangju là “vết sẹo” suốt 4 thập kỷ của Hàn Quốc. Bắt đầu từ ngày 18/5/1980, những người biểu tình đã đổ ra đường phản đối tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Chun Doo-hwan và đã cuộc đối đầu giữa dân thường và quân đội cùng lực lượng an ninh đã kéo suốt 10 ngày.
Không có con số chính xác về thương vong tại "Sự kiện 18/5" ở Gwangju, nhiều giả thuyết cho rằng chính quyền quân sự đã có những bãi chôn tập thể bí mật cả trên đất liền hoặc dưới biển. Sau khi đàn áp phong trào, quân đội Hàn Quốc tiếp tục đóng quân ở Gwangju thêm 8 năm. Chính phủ Hàn Quốc khi đó công bố đã có 160 người chết - bao gồm cả một số binh sĩ và cảnh sát - và hơn 70 người mất tích. Tuy nhiên phía gia đình các nạn nhân khẳng định con số thật lớn gấp 3 lần.
Nhưng công cuộc tìm kiếm công lý đã trải qua nhiều bước ngoặt và "Cuộc nổi dậy 18/5" vẫn là một vết thương khó lành và như đám tàn tro âm ỉ thiêu đốt nền chính trị Hàn Quốc cho tới nay. Vào thời điểm phong trào Gwangju nổ ra, chính quyền quân sự đã mô tả nó như một cuộc nổi loạn do những người ủng hộ nhà lãnh đạo phe đối lập lúc đó là Kim Dae-jung (Tổng thống thứ 8 của Hàn Quốc sau này) và được sự hậu thuẫn của chính quyền Triều Tiên.
Bản tình ca viết bằng máu
"Tuổi trẻ của tháng Năm" đã tái hiện câu chuyện tình yêu của đôi trẻ bằng những thanh âm hoài niệm của thì quá khứ, khiến người xem bồi hồi, xao xuyến trước những thước phim cổ điển, ngọt ngào về tình yêu của thập niên 80 nhưng cũng đượm buồn với những định kiến của xã hội, của những ước mơ, hoài bão còn dang dở của tuổi trẻ. Với vòng xoáy của lịch sử, họ va vào nhau như định mệnh được sắp đặt, họ điên cuồng, khờ dại vì chính tình yêu và đam mê của mình, thế nhưng lại không có một cái kết đẹp.
Bộ phim chọn cách mở đầu phim qua những mảnh hồi ức của người đàn ông bí ẩn ở hiện tại, thời điểm mà cuộc khởi nghĩa qua đi nhưng vẫn để lại những tàn tích đau thương, để từ đó đưa khán giả quay ngược về quá khứ cùng tìm hiểu về diễn biến của câu chuyện này.
“Youth of May” đã cất công mang lên màn ảnh nhỏ cả một xã hội cũ của xứ sở kim chi nhờ sự chỉn chu trong bối cảnh, màu phim đến âm nhạc. Tác phẩm này đã mang đến khán giả hơi thở thanh xuân của thời sinh viên vào thập niên 80 qua màu phim ngọt ngào nhưng cổ điển, đan xen cùng các gam màu trầm buồn của những trăn trở tuổi trẻ.
Chuyện phim được tái hiện qua lăng kính của chàng sinh viên Hwang Hee Tae (Lee Do Hyun), anh là niềm tự hào của tỉnh Gwangju nhờ danh thủ khoa ngành Y. Mang theo nỗi đau khắc khoải của những bồng bột tuổi trẻ, Hwang Hee Tae trở về quê hương và được sắp xếp ra mắt với cô tiểu thư Lee Soo Ryun (Geum Sae Rok). Tuy nhiên, trớ trêu thay Soo Ryun lại chẳng có tham vọng về việc kết hôn nên đã nhờ cô bạn Kim Myung Hee (Go Min Si) đến buổi ra mắt thay để đổi lấy tấm vé du học Đức mà Myung Hee luôn ao ước. Theo kế hoạch của cô bạn thân, Myung Hee ra sức để lại ấn tượng xấu với Hee Tae để phá vỡ hôn ước, nhưng nào ngờ anh chàng đã biết trước danh tính thật của cô và đã trót yêu cô y tá nghèo này, dù biết rằng người bố tài phiệt của mình sẽ chẳng bao giờ đồng ý. Cuộc gặp gỡ của Myung Hee và Hee Tae chính là sự an bài của bánh xe số phận, là tháng 5 ngọt ngào trước khi cơn bão ập đến.
Khác với những tác phẩm hiện đại, nhịp phim nhẹ nhàng như một liều thuốc “detox”. Nếu như Hwang Hee Tae và Kim Myung Hee sinh ra với những thân phận khác, trong một bối cảnh xã hội khác, có lẽ chuyện tình của họ sẽ đi tới cái kết có hậu. Dẫu vậy, họ lại là những con người trong thời đại rối ren, thời điểm mà phong trào dân chủ hóa Gwangju diễn ra nhằm chống lại chế độ độc tài của Tổng thống Chun Doo Hwan. Bất cứ cuộc khởi nghĩa nào cũng có những mất mát, đau thương, và tình yêu giữa Hwang Hee Tae và Kim Myung Hee, không may lại là một trong số đó.
Dù khai thác đề tài chính luận, Tuổi trẻ của tháng Năm không hề khô khan mà đầy sống động và cảm xúc qua hình ảnh và quan niệm sống của những người trẻ thời đó. Họ trẻ trung, đầy sức sống, khao khát theo đuổi giấc mơ và tình yêu vĩnh hằng dù phải vượt qua muôn vàn khó khăn của vận mệnh ngang trái.
Phim kết thúc đầy bi thương với sự ra đi của nữ chính và sự tiếc thương của nam chính. Cái kết này không khiến khán giả hài lòng, tuy nhiên khi nhìn lại bối cảnh thời đó, sự chia cách của cả hai được cho là phù hợp.