Để trái tim lại Istanbul

30/09/2013

Lịch sử đã ghi lại những dấu ấn bí ẩn, quyến rũ lên thành phố đông dân thứ hai trên thế giới này. Xưa kia, trên con đường tơ lụa, Istanbul đã đóng vai trò trọng yếu là nơi trung chuyển hàng hóa sầm uất. Ngày nay, với mạng lưới giao thông hàng không, đường thủy tiện lợi cùng chính sách visa cởi mở từ chính phủ, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ này chào đón 11.6 triệu lượt du khách năm 2012, đứng thứ 5 trên thế giới về lượng khách du lịch tới thăm.

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng Nhung

Tới Istanbul một chiều mùa thu, tôi leo lên ngọn tháp Galata, công trình cổ cao nhất thành phố, vừa kịp lúc hoàng hôn. Cơn mưa bóng mây nhẹ buổi chiều tà không che mất vầng dương đang dần khuất. Bốn bề trong tầm mắt là những thánh đường Hồi giáo uy nghi to lớn. Tiếng cầu kinh Koran vang khắp thành phố hơn 13 triệu dân. Cũng như khi nghe tiếng kinh Phật, giáo lý về cuộc đời tuy nghe hoàn toàn không hiểu nhưng tôi có cảm giác bình yên, cảm giác được một thế lực thần thánh che chở và như được thanh tẩy tâm hồn.

Dấu ấn Hồi giáo

Ngày hôm trước, tôi có cuộc viếng thăm khác đến một công trình nổi tiếng và vô cùng thú vị - Hagia Sophia. Nằm ở trung tâm thành phố Istanbul, đây là một ngôi đền rất lớn và có kiến trúc pha trộn giữa nhà thờ Thiên Chúa và thánh đường Hồi giáo. Ngoài những cửa kính và tranh áp mái mang màu sắc đặc trưng của đạo Thiên Chúa thì khi nhìn chính tâm, bên dưới một chút là ô cửa lớn của đạo Hồi hướng thẳng về phía Thánh Địa Mecca. Hôm đó chúng tôi tình cờ gặp một nhà nghiên cứu về tôn giáo. Ông kể câu chuyện rằng nhà thờ này từng thuộc về đế chế La Mã. Sau cuộc chinh phạt của vua Sultan Mehmed II năm 1453, nhà thờ được thay đổi phục vụ các nghi lễ Hồi giáo.

Dù đây là miền đất giao thoa giữa châu Âu và châu Á tuy nhiên tôi đã được chiêm ngưỡng và bị ấn tượng mạnh hơn bởi sự nguy nga của dấu tích phương Đông, những gì đã biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một phần không thể tách rời của châu Á. Điều này thể hiện rõ trong kiến trúc các đền thờ Hồi giáo (Mosque) và cung điện cao chót vót, được trang trí công phu tại Istanbul. Thành phố có cả thảy 64 Mosque tuyệt đẹp và thật khó có thể đến thăm hết trong thời gian ngắn. Trong số này có thể kể đến một số địa danh nổi tiếng như Nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed (Blue Mosque) với các chi tiết được ghép từ gốm sứ đầy màu sắc, được xây dựng vào thời hoàng kim của đế chế Ottoman, trong thế kỷ 16 và 17.

Nhìn chung, kiến trúc Ottoman là tổng hợp của kiến trúc truyền thống vùng Địa Trung Hải và Trung Đông, đạt được đến trình độ rất cao. Người Ottoman nắm vững nghệ thuật xây dựng không gian rộng bên trong những mái vòm lớn, đạt tới sự hài hòa hoàn hảo giữa nội và ngoại cảnh cũng như phương thức bố trí ánh sáng và bóng tối. Không gian thờ Hồi giáo thường là phòng chật hẹp và tối với những bức tường, dưới thời Ottoman đã được chuyển đổi thông qua một ngôn ngữ kiến ​​trúc năng động của hầm, mái vòm, mái vòm bán và cột… trở thành những thánh đường trang trọng, tinh tế, bảo tồn sự cân bằng giữa tính thẩm mỹ, kỹ thuật, cũng như gợi cho người thăm viếng cảm giác về một nguồn năng lượng siêu việt của đất trời.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Sắc màu phiên chợ thời Ba Tư

Istanbul là một thành phố có nhiều địa danh nổi tiếng, một trong số đó là khu chợ trong nhà lớn nhất thế giới Grand Bazaar. Nơi đây từng là bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng như 007 -Skyfall, Taken. Tôi đi bộ từ Hagia Sophia đến Grand Bazaar và đã có dịp trải nghiệm mua sắm có thể nói là kì diệu. Có một điều đáng lưu ý là các tiệm vàng, trang sức, ngoại tệ trong chợ Grand Bazaar cung cấp dịch vụ đổi tiền với tỉ giá tốt nhất trong thành phố. Khu chợ khổng lồ đầy các món hàng từ trang sức đến bản đồ cổ, thảm dệt cầu kì, thậm chí một chiếc đèn thần của Aladin cũng là thứ có thể tìm thấy! 

Tôi ngỡ ngàng thưởng thức cảm giác như đang lạc trong phiên chợ Ba Tư của câu chuyện ngàn lẻ một đêm. Grand Bazaar quá rộng khiến người viếng thăm có thể bị lạc lối, nếu không có tấm sơ đồ bên người. Tôi hòa mình vào dòng người và không quên chọn mua vài món đồ lưu niệm nhỏ trước khi ra về.

Kebap, trà và shisha

Nới đến văn hóa ẩm thực của Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và Istanbul nói riêng, không thể không nhắc đến Kebab, trà và Shisha. Món Kebab truyền thống bao gồm thịt bò hoặc thịt cừu nướng ăn kèm cơm hoặc gói trong vỏ bánh bột mì được cả thế giới biết đến như món quốc hồn quốc túy của xứ sở thảm bay.

Bên cạnh đó, những tách trà nóng tên gọi Cay hiện hữu khắp thành phố từ hàng quán vỉa hè đến nhà hàng sang trọng. Ngồi uống trà, hút Shisha và trò chuyện trên hè phố hoặc bến cảng cùng người dân địa phương là một cách tuyệt vời để quan sát, tìm hiểu về cuộc sống của người dân Istanbul.

Những người sống nơi đây theo tôi cảm nhận phần lớn là người sùng đạo Hồi. Họ có đức tin, thật thà, vui vẻ, không ngại ném những mẩu bánh mì đang ăn nuôi sống lũ chim bồ câu, sẵn sàng chỉ dẫn giúp đỡ cho người lạ như tôi và cho mượn luôn cả cần câu cá nữa. Điều này mang đến cảm nhận khác so với đạo Hồi tôi từng được nghe qua khía cạnh tiêu cực của những cuộc thánh chiến đẫm máu cũng như những kẻ cực đoan khủng bố.

Tôi đã có ngày tháng thật đẹp ở Istanbul, dưới ánh nắng ngọt ngào miền Địa Trung Hải, ánh đèn vàng trên những con phố nhỏ trải đầy đá ong, cảm xúc diệu kì không thể nào quên khi ngắm nhìn pháo hoa trên bên cảng Bophorus, nơi có chuyến tàu nối hai bờ Âu - Á.

Đêm cuối cùng ở Istanbul, nghe tiếng còi tàu nhộn nhịp trên bến cảng, quay đầu một phía là đại dương, phía bên kia là Thánh đường Blue Mosque và Hagia Sofia hùng vĩ, tôi chợt nhớ đến bài hát nổi tiếng Et j’entends siffler le train (Nghe tiếng còi tàu) của Richard Anthony: “Nous quitter sans un adieu -Et j'entends siffler le train et j'entends siffler le train - Ja'entendrai siffler ce train toute ma vie” (“Chúng ta có thể chia tay không một lời từ biệt. Nhưng sẽ còn nghe tiếng còi tàu, tiếng còi tàu đó suốt cuộc đời mình”). Tôi để một phần trái tim mình lại thành phố Istanbul xinh đẹp, nơi mà những hoài niệm về hành trình đầy mê hoặc sẽ ở lại mãi mãi trong tâm hồn.

Thông tin thêm:

+ Di chuyển:

Hiện tại, Turkish Airlines có các chuyến bay hàng ngày từ Tp. HCM đến Istanbul vào lúc 20:25. Truy cập website www.turkishairlines.com hoặc liên hệ trực tiếp với văn phòng hãng để được cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Văn phòng Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ

Phòng 4, Lầu 8, Tòa nhà AB, 76A Lê Lai, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Tel: +84 8 39 360 360

E-mail: saigon@thy.com.vn

+ Visa:

Hiện tại ngoài hình thức xin visa trực tiếp tại Đại sứ quánThổ Nhĩ Kỳ ở Hà Nội, du khách quốc tịch Việt Nam cũng có thể xin visa điện tử trên mạng theo đường link: https://www.evisa.gov.tr/en/

+ Tour :

Với đường bay thẳng khởi hành hàng ngày từ Tp.HCM đến Istanbul và ngược lại, nên hiện tại có nhiều công ty du lịch đã triển khai bán tour du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong những công ty đầu tiên tổ chức tour du lịch Thổ chuyên nghiệp là công ty du lịch Hương Giang- 194 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, Tp. HCM. Tel: +84-8-39 330 111 Ext. 117  Fax: +84-8-39 302 148

+ Tại Istanbul nói riêng và các quốc gia Hồi giáo nói chung, người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần trong ngày vào buổi sáng, trưa, chiều, hoàng hôn và gần đêm. Thời gian của giờ cầu nguyện được ghi tại các Thánh đường, đến giờ cầu nguyện kinh Koran sẽ được đọc vang vọng khắp thành phố.

+ Khách du lịch cần hạn chế tham quan các Thánh đường Hồi giáo vào giờ cầu nguyện. Mọi người được yêu cầu không làm ồn, không ăn uống, bỏ giày, mặc quần áo dài và phụ nữ choàng khăn che tóc. Tại các điạ điểm du lịch, khách sẽ được phát cho mượn những chiếc khăn kèm vé tham quan và hoàn trả lúc ra về.

+ Quay phim, chụp ảnh được cho phép, tuy nhiên du khách cần thể hiện sự tôn trọng bằng cách không chĩa ống kính về phía những người đang cầu nguyện.

+ Khách sạn: Nên chọn các khách sạn tại khu vực trung tâm – Sultan Ahmed để dễ dàng đi thăm hầu hết những điạ điểm tham quan nổi tiếng. Một trong số đó, khách sạn Ferman có giá khá dễ chịu, khoảng 70 Euro/đêm, có vị trí tuyệt vời với sân thượng lớn có thể nhìn ra bốn phía cuả thành phố bao gồm cả biển Điạ Trung Hải.

+ Người Hồi giáo kiêng một số thức ăn: thịt lợn, rượu bia và các chất có men. (Heo là con vật gắn với khởi nguyên: phát triển là nhờ chăn nuôi – “Halal food” bạn nhìn thấy ở một số nhà hàng Trung Đông nghĩa là không phục vụ thịt lợn).

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES