Tựa như một cõi riêng giữa nhân gian, động Huyền Không mang đến cảm giác linh thiêng và thư thái, giúp con người tạm rời xa những bộn bề thường nhật để lắng lòng, tìm lại chính mình. Ngũ Hành Sơn là tên gọi gợi nhớ đến thuyết ngũ hành phương Đông là cụm núi đá vôi bao gồm năm ngọn: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Nhô lên từ nền cát trắng ven biển Non Nước, quần thể này không chỉ đẹp bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên mà còn lưu giữ trong lòng mình nhiều di tích tôn giáo, văn hóa lâu đời.
Nổi bật nhất trong dãy núi ấy chính là đỉnh Thủy Sơn, nơi tọa lạc của động Huyền Không. Đây cũng là ngọn núi cao nhất trong cụm Ngũ Hành Sơn, được các bậc tiền nhân lựa chọn làm nơi xây dựng chùa chiền, đền thờ và các công trình tâm linh từ hàng trăm năm trước.
“Tôi đến đây vì tò mò, tôi nghe nói nơi này từng là căn cứ trong chiến tranh và thật khó tin khi một địa điểm từng gắn với bom đạn lại có thể bình yên đến thế. Đây không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là vẻ đẹp của sự hồi sinh và ký ức”- Tatiana Orlova, du khách đến từ Nga chia sẻ. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn lượt khách đến động Huyền Không ngày nay là người nước ngoài – những người không chỉ tìm kiếm cái đẹp bên ngoài, mà còn mong chạm đến chiều sâu văn hóa và tinh thần ẩn sau lớp đá núi im lặng.


Động Huyền Không thu hút phần lớn là du khách nước ngoài đến tham quan
Di tích gắn liền với những năm tháng chiến tranh
Không chỉ là điểm đến tâm linh, động Huyền Không còn mang trong mình những dấu tích lịch sử hào hùng. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây từng là căn cứ bí mật của cán bộ địa phương và lực lượng du kích. Vị trí hiểm trở, khó tiếp cận, lại gần sát trung tâm thành phố giúp động trở thành nơi ẩn náu lý tưởng.
Đến thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã chiếm đóng động Huyền Không, biến nơi đây thành địa điểm huấn luyện biệt kích và căn cứ quân sự. Tuy nhiên, vào năm 1968, quân giải phóng đã tổ chức cuộc phản công mạnh mẽ, đẩy lùi lực lượng Mỹ - Ngụy, giành lại quyền kiểm soát nơi này. Từ đó, động trở thành trạm giải phẫu và nơi cất giấu thương binh trong những năm chiến tranh ác liệt, chứng kiến biết bao hy sinh và anh dũng của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.


Di tích lịch sử gắn liền với những năm tháng chiến tranh
Một trong những điểm thu hút lớn nhất của động Huyền Không chính là sự hòa quyện giữa thiên nhiên và yếu tố tâm linh. Hang động không có ánh đèn rực rỡ, không gian tĩnh lặng, mùi nhang trầm thoang thoảng, tất cả tạo nên một trải nghiệm thiền định sâu sắc cho người ghé thăm.
Dù bạn là người theo đạo Phật, hay chỉ đơn thuần tìm kiếm một nơi để nghỉ chân và chiêm nghiệm, động Huyền Không đều mở ra một thế giới vừa gần gũi, vừa mênh mông vô tận. Đây không chỉ là nơi cầu an, cầu duyên, mà còn là nơi con người tìm thấy sự kết nối với chính mình và với thế giới xung quanh.
Để đến được động Huyền Không, du khách phải vượt qua động Hoa Nghiêm, sau đó đi xuống khoảng hơn 20 bậc cấp nằm sâu trong lòng núi. Con đường ấy như dẫn lối vào một thế giới khác, nơi ánh sáng mờ ảo xuyên qua các khe đá, những làn khói nhang nhẹ nhàng tỏa quyện trong không khí mát lạnh. Mỗi bước chân là một sự chuyển mình từ thế giới ồn ào bên ngoài sang một không gian thiêng liêng, an yên và trầm mặc.



Ánh sáng mờ ảo xuyên qua các khe đá
Dấu ấn linh thiêng của Ngũ Hành Sơn
Cổng vào động khắc ba chữ “Huyền Không Quan” bằng thư pháp cổ, uy nghi mà thanh thoát. Hai bên cửa động đặt tượng ông Thiện và ông Ác, biểu tượng gợi nhắc về lằn ranh giữa thiện và tà, nhắc nhở con người giữ tâm sáng khi bước vào chốn cửa Phật.
Động Huyền Không được ví như một chiếc chuông úp khổng lồ, với chu vi khoảng 25 m. Đây là một hang động đá vôi có vòm cao, bên trong thông thoáng kỳ lạ. Không giống nhiều hang động ẩm thấp khác trên khắp cả nước, không khí trong Huyền Không luôn mát mẻ, dễ chịu, như một chiếc điều hòa tự nhiên giữa mùa hè miền Trung nắng gắt.

Lối vào động Huyền Không

Lối vào động Huyền Không
Chính giữa lòng động là tượng Phật Thích Ca cao lớn, được tạc vào năm 1960 bởi nghệ nhân Nguyễn Chất. một trong những thợ đá lừng danh của làng đá mỹ nghệ Non Nước. Dưới chân tượng là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, người được xem là cứu độ linh hồn và dẫn dắt chúng sinh ra khỏi bể khổ. Các bệ thờ, tượng đá và phù điêu trong động đều được chế tác tinh xảo, thể hiện bàn tay tài hoa và lòng thành kính của những nghệ nhân xưa. Mỗi chi tiết chạm khắc là một câu chuyện, một thông điệp hướng về nhân sinh và sự tỉnh thức.
Vào những ngày nắng đẹp, ánh sáng mặt trời len qua các khe đá chiếu rọi vào lòng động tạo nên một không gian lung linh huyền ảo. Đó là lúc ánh sáng và bóng tối, vật chất và tinh thần, như cùng hòa vào nhau để tạo nên trải nghiệm thiêng liêng khó quên.


Bên cạnh động Huyền Không, dãy Ngũ Hành Sơn còn sở hữu nhiều điểm đến nổi bật khác. Chùa Linh Ứng, chùa Tam Thai - nơi từng được vua Minh Mạng phong là “Quốc Tự” đều là những công trình mang giá trị tôn giáo và kiến trúc sâu sắc. Có truyền thuyết kể rằng, một công chúa triều Nguyễn - con gái vua Gia Long đã từng lên đây xuất gia, để lại những dấu tích linh thiêng cho ngôi chùa Tam Thai cổ kính.
Vọng Giang Đài, Hành Cung, động Linh Nham, động Tàng Chơn, chùa Tam Tôn là những địa danh gắn với cả văn hóa Phật giáo lẫn truyền thống dân gian, làm nên sự phong phú và sâu sắc cho toàn thể quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.


Trong nhịp sống hiện đại hối hả, những nơi như động Huyền Không là liều thuốc an thần quý giá cho tâm hồn. Không cần phải theo một tôn giáo cụ thể, cũng không cần phải thuộc về một trường phái thiền định, mỗi người đến đây đều có thể tìm thấy một khoảng lặng cho riêng mình một điểm tựa để bước tiếp giữa thế gian ồn ã.
Khu danh thắng Động Huyền Không mở cửa đón khách từ 7h đến 18h tất cả các ngày trong tuần, bao gồm cả cuối tuần và ngày lễ. Giá vé tham quan hiện tại là 40.000 VNĐ/người lớn, 10.000 VNĐ đối với học sinh, sinh viên (khi xuất trình thẻ) và miễn phí hoàn toàn cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ngoài ra, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng thang máy lên đỉnh Thủy Sơn với giá vé khứ hồi là 30.000 VNĐ, thuận tiện cho những ai muốn tiết kiệm thời gian và sức lực khi tham quan.