Có hẹn lúc 7h sáng cho kịp đoàn trước khi chuyến xe bắt đầu di chuyển. 4h sáng trong tiết trời mưa Quảng Bình, tôi chạy xe máy 70 km từ nhà đến Phong Nha để gặp ông Hồ Khanh, vừa đi vừa hồi hộp về những câu chuyện và cuộc trò chuyện sắp tới. Đến nơi kịp lúc 7h, mọi người đang chuẩn bị hành trình để đến với hang Sơn Đoòng. Các porter cùng nhau kiểm tra dụng cụ thiết bị cần thiết cho chuyến đi và cùng nhau trò chuyện. Ông Hồ Khanh, phân công ai là người trưởng đoàn hôm nay, phân từng đầu việc và kiểm tra lại các thiết lượt cuối trước khi bắt đầu hành trình.

Hồ Khanh - người tìm ra hang động lớn nhất thế giới

Sau khi điều phối xong đội porter và chuyến xe chở đoàn đến điểm để chuẩn bị khám phá Sơn Đoòng, ông Hồ Khanh trở về homestay của ông rồi cùng trò chuyện, kể lại cuộc đời và sự nghiệp của mình. Hồ Khanh là người đã tìm ra hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng. Cha mất khi ông mới chập chững đến trường, nhà nghèo nên đến lớp 7 ông phải nghỉ học trở thành thợ sơn tràng tìm trầm trẻ nhất ở vùng núi Phong Nha Kẻ Bàng.
Chia sẻ với Travellive, ông Hồ Khanh tâm sự: "Ngày xưa, tôi thường xuyên lang thang trong rừng, có tháng còn ở trong rừng nhiều hơn ở nhà. Sau này, tôi ít đi hơn, lúc đó mới có thể về ăn cơm cùng vợ. Bây giờ, tôi ở nhà, xong việc thì sắp xếp đội quân porter, chiều về nhà cho gà ăn. Con trai tôi người đã đi nước ngoài, người ở nhà phụ tôi quản lý homestay. Kể từ khi làm công việc quản lý đội quân porter, tôi mới có nhiều thời gian dành cho gia đình".

Trong gần 10 năm, ông đã có cơ duyên tìm ra 21 hang động ở khu vực vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, trong đó có hang Sơn Đoòng, hang Én, hang Dơi, động Thiên Đường… Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong gần 10 năm, ông đã có cơ duyên tìm ra 21 hang động ở khu vực vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, trong đó có hang Sơn Đoòng, hang Én, hang Dơi, động Thiên Đường… Tất cả hang động tìm được, hang bên trong có hồ nước mát lành ông đặt tên là hồ Trên Núi, hang có gió thổi nhiều thì tên Phong, hang Thanh Nghĩa mang tên vợ ông, hang Thái Hoà mang tên con ông, một hang tên Khanh - tên của ông, hang Hùng là tên của một người bạn chơi thân với ông trong xã từng đi rừng với ông vài lần. Hang Thái Hoà ông tình cờ phát hiện trong một lần lạc lối phải đi loanh quanh trong rừng. Ông đã lấy tên con để đặt tên cho hang làm kỷ niệm để nhớ mãi lần lạc rừng đó...


Năm 1994, Hồ Khanh lập gia đình. Từ đó, ông bỏ nghề đi trầm để đầu tư máy móc tập trung làm nông nghiệp. Tuy nhiên, dân trong vùng thời đó nghèo họ không thuê nên gia đình anh Khanh bị bể nợ phải bán hết máy móc. Ông cười rồi kể tiếp, sau đó gia đình lại tiếp tục đầu tư làm kinh tế là lập trang trại tại khu hành chính Ban quản lý vườn Phong Nha Kẻ Bàng bây giờ nhưng sau đó có quyết định đình chỉ để giải tỏa.

Hồ Khanh xem lại lịch điều quân porter
Quay trở lại với câu chuyện ông tìm ra hang Sơn Đoòng, khi trở về nước Anh, ông Howard Limbert đã nhắn nhủ Hồ Khanh cố gắng tìm bằng được hang mà ông trú mưa bị gió lùa qua sống lưng khiến ông phát sợ gần 10 năm trước. Trong những chuyến đi xuyên rừng dài ngày, hang động như là mái nhà và nơi nuôi dưỡng ông khi cung cấp nguồn nước dùng trong lành. Đó cũng là lý do ông biết nhiều hang động đến vậy. Giữa năm 2008, một mình ông vào rừng đi bộ 2 ngày liền, may mắn ông đã tìm lại được hang và ông đã đánh dấu kỹ càng và về liên lạc với trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội nhờ báo tin cho ông Howard Limbert. Đầu năm 2009, khi đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh trở lại Việt Nam, ông đã dẫn đoàn cùng ông Howard Limbert đến khảo sát và hang này được đặt tên là Sơn Đoòng.

Dòng song Son nơi mà Hồ Khanh sinh sống
Từ năm 2010, Hồ Khanh được giao trọng trách là phụ trách giám sát hậu cần, tuyển người khuân vác thiết bị thám hiểm và phục vụ ăn uống mỗi khi đoàn thám hiểm đi vào rừng. Hồ Khanh hiện đang quản lý 5 tổ porter, mỗi tổ có 25 thành viên. Công việc hàng ngày của ông là bảo đảm tất cả các đội porter làm việc chuyên nghiệp và hoàn thành tốt công việc của mình. Từ khi tham gia hoạt động du lịch, Hồ Khanh và nhiều porter khác đã có nguồn thu nhập ổn định, họ nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch nên đã đầu tư cho con cái của họ học hành bài bản hơn. Nhiều người học xong đại học thì về quê cùng với gia đình mở homestay đón khách, nhiều người đã trở thành hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm của Oxalis Adventure và một số công ty du lịch khác trong vùng.

Từ chàng sơn tràng trở thành thủ lĩnh đội quân porter
Năm 2013, khi tour mạo hiểm Sơn Đoòng được đưa vào khai thác, Hồ Khanh trở thành porter (người khuân vác), đưa các đoàn khách, đoàn làm phim, hãng thông tấn nước ngoài thám hiểm hang động lớn nhất thế giới. Mỗi năm, ông dành thời gian 1-2 lần cùng đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tiến hành khám phá, tìm kiếm hang động mới.

Điều phối đội quân porter thám hiểm hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới
Sau nhiều năm làm đội trưởng đội trưởng porter Sơn Đoòng, Hồ Khanh đã tích lũy được một số vốn và cùng với kiến thức trong thời gian làm việc. Hiện tại thỉnh thoảng ông mới đi rừng, đoàn du khách nào có yêu cầu mới vào rừng. Còn không sẽ ở nhà quản lý và điều quân cho từng tour. Ông và vợ đã xây dựng một homestay nho nhỏ bên bờ sông Son ở thị trấn Phong Nha, Quảng Bình, nơi gia đình ông sinh sống. Homestay có 8 phòng ngủ tiện nghi và do chính vợ của ông điều hành - với sự chăm chỉ làm việc cùng với sự hỗ trợ của bạn bè và đồng nghiệp, hiện nay homestay của Hồ Khanh trở thành địa chỉ rất thu hút du khách cả trong nước và quốc tế. Homestay của Hồ Khanh đã tạo công ăn việc làm cho vợ con ông và một số người dân lân cận.


Ông kể năm 2020 khi mà bắt đầu covid cũng như các doanh nghiệp lưu trú khác trên địa bàn, gia đình ông đã có 2 năm đầy khó khăn. Với khí hậu mỗi năm của rốn lũ miền Trung, mỗi khi bão lũ tới lại hỏng hóc đồ dùng trong homestay ông phải cải tạo, sơn sửa mới cho homestay của mình liên tục. “Trước dịch thì phần lớn full phòng, giờ thì thỉnh thoảng. Mà làm chưa được bao nhiêu lũ lên là phải cải tạo lại, có còn gì đâu! Thôi kệ! Nhưng mà vui…”- ông Khanh chia sẻ.

Nhìn lại hành trình từ một cậu bé nghèo bỏ học, một thợ sơn tràng lang bạt, đến một “thủ lĩnh” porter, Hồ Khanh đã góp phần thay đổi cả một cộng đồng. Nhờ ông và những porter ngày ấy, Phong Nha không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển bền vững. Những thợ rừng năm xưa không còn săn bắn, khai thác gỗ trái phép mà trở thành những người tiên phong bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.
Và tất cả bắt đầu từ một người đàn ông đã dừng chân trú mưa trong rừng cách đây hơn 30 năm.