Thánh đường Hagia Sophia - “Kỳ quan thứ 8 của thế giới”

04/05/2019

Thánh đường Hagia Sophia là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi năm, có khoảng 4 triệu lượt du khách trên khắp thế giới đổ về đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của địa điểm được mệnh danh là “kỳ quan thứ 8 của thế giới” này.

Hagia Sophia, hình ảnh mẫu mực của kiến trúc Byzantine

Screen Shot 2019-04-26 at 8.38.25 AM

Hagia Sophia trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là "Trí tuệ Thánh thiêng", ban đầu là một vương cung thánh đường Chính thống giáo Đông phương, sau là thánh đường Hồi giáo và nay là một viện bảo tàng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt nổi tiếng với mái vòm trần lớn, Hagia Sophia là hình ảnh mẫu mực của kiến trúc Byzantine và được coi là địa điểm đã "thay đổi lịch sử của kiến trúc". Nơi đây từng là nhà thờ lớn nhất thế giới trong gần 1.000 năm, cho đến khi Nhà thờ chính tòa Sevilla hoàn thành vào năm 1520.

Empty
Empty

Tòa nhà hiện nay vốn được xây dựng làm nhà thờ từ năm 532 đến năm 537 theo lệnh của Hoàng đế Byzantine Justinian và là Nhà thờ Trí tuệ Thánh thiêng thứ 3 được xây dựng tại địa điểm này (2 nhà thờ trước đã bị phá hủy bởi quân phiến loạn). Thánh đường được thiết kế bởi hai kiến trúc sư: Isidorus xứ Miletus và Anthemius xứ Tralles. Nhà thờ Hagia Sophia sở hữu một bộ sưu tập các thánh tích và có một bức tường tranh bằng bạc dài 15 mét. Nơi đây chính là nhà thờ trung tâm của Giáo hội Chính thống giáo Đông phương và trụ sở của Thượng phụ Đại kết thành Constantinopolis trong gần 1.000 năm.

Empty

Phần lớn cấu trúc sơ bộ của thánh đường Hagia Sophia cho thấy sức sáng tạo của người Byzantine. Mái vòm nhà thờ được hỗ trợ chỉ bằng 4 khung cong. 40 cửa sổ đặt theo hàng trên mái không chỉ để thu ánh sáng tự nhiên mà còn giúp giảm trọng lượng của mái vòm lên cấu trúc tổng thể. Các cây cột cẩm thạch đỡ ở dưới, giúp mái vòm có được kết cấu chắc chắn, xung quanh tường được khảm các hoa văn, biểu tượng tinh xảo cùng hàng chục cửa sổ được bố trí khéo léo, khiến bất kỳ ai lần đầu bước vào chính điện Hagia Sophia cũng không khỏi trầm trồ thán phục. Những chùm đèn lớn, các bức tranh mosaic cùng dấu tích của các tín ngưỡng khác nhau như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo cũng có thể được tìm thấy khắp thánh đường Hagia Sophia.

Empty

Năm 1453, kinh đô Constantinopolis bị đế quốc Ottoman chiếm đóng. Vua Mehmed II lệnh biến tòa nhà thành một nhà thờ Hồi giáo. Chuông khánh, bàn thờ, tường tranh bị gỡ bỏ, nhiều phần nền khảm tranh mosaic bị trát vữa đè lên. Các chi tiết kiến trúc Hồi giáo, chẳng hạn mihrab (hốc tường hướng về phía Mecca), minbar (giảng đài) và 4 minaret (toà tháp) ở bên ngoài, được xây thêm trong thời kỳ của các Ottoman.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty

Nhà thờ Hagia Sophia mở cửa vào năm 537, do tổng giám mục Chính Thống giáo Đông phương ở thành Constantinople tiếp quản. Nơi này nhanh chóng rơi vào tay Giáo hội Công giáo La Mã (từ năm 1204 đến 1261) trong cuộc Thập tự chinh. Năm 1453, Hagia Sophia trở thành nhà thờ Hồi giáo của hoàng gia khi đế quốc Ottoman chiếm được thành phố. Năm 1935, nó bị thế tục hóa và chuyển thành bảo tàng như hiện nay.

Đừng coi Hagia Sophia là viện bảo tàng

Cách đây không lâu, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan nói rằng, khách du lịch đến thăm Hagia Sophia không nên coi nơi đây là một viện bảo tàng mà là một nhà thờ Hồi giáo. Ông Erdogan cho rằng nếu coi Hagia Sophia là viện bảo tàng sẽ giảm đi sự tôn nghiêm và xoá bỏ giá trị thực của Hagia Sophia.

Empty

Trong quá khứ, Hagia Sophia là thánh đường Hồi giáo chính của Istanbul, làm hình mẫu cho nhiều thánh đường Hồi giáo Ottoman khác như Thánh đường Hồi giáo Vua Ahmed, Thánh đường Hồi giáo Şehzade, Thánh đường Hồi giáo Süleymaniye và Thánh đường Hồi giáo Rüstem Pasha.

Năm 1935, Hagia Sophia trở thành viện bảo tàng của thành phố Istanbul một cách bất đắc dĩ. Các phe phái quá khích Hồi giáo và Chính thống giáo tranh chấp quyết liệt và giành quyền làm chủ nhà thờ này. Vì không muốn duy trì sự chia rẽ trong lòng người dân Thổ Nhĩ Kỳ nên chính phủ nước này buộc phải ra quyết định lấy cơ sở này làm viện bảo tàng dù thực tế chứng minh, Hagia Sophia là một thánh đường đích thực. Hagia Sophia thuộc quần thể lịch sử tại Istanbul và đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1985.

061A9160-02

Với 4 ngọn tháp hùng vĩ và mái vòm trung tâm rộng lớn, Hagia Sophia nổi bật trên đường chân trời Istanbul. Từ hiên ngoài, 5 cổng mở vào hiên bên trong, du khách có thể chiêm ngưỡng tranh ghép thế kỉ thứ 9 và các bức bích họa thế kỷ thứ 10 từ tín ngưỡng Kitô giáo. Các mái vòm của thánh đường Hagia Sophia được trang trí với dòng chữ Hồi giáo gồm những câu kinh Qur'an. Ngoài ra, du khách có thể đến góc phía Đông của khu vườn của Hagia Sophia để viếng thăm các lăng mộ của một số sultan (vua) Thổ Nhĩ Kỳ trong quá khứ.

Empty
Empty

Vì Hagia Sophia là kho tàng văn hóa hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, những dòng người đến tham quan thường xếp hàng dài bên ngoài. Tuy nhiên, du khách hiếm khi phải chờ hơn nửa tiếng đồng hồ mới vào được bên trong. Thánh đường Hagia Sophia nằm ở Thành phố Cũ và du khách có thể đến bằng phương tiện công cộng. Thánh đường mở cửa tất cả các ngày trong tuần trừ thứ Hai, thời gian tham quan kéo dài hơn vào mùa hè. Chỉ với 15 USD vé vào cổng, du khách đã có thể đặt chân vào một địa danh từng là thánh đường lớn nhất thế giới trong gần một thiên niên kỷ và là niềm tự hào của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế Phong
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES