Từng chồng từng chồng đĩa than, rất nhiều đĩa mà tôi sẽ chẳng bao giờ nghe được hết; những cuốn sách tôi đã đọc và có lẽ không bao giờ mở lại; một đống tạp nham những mẩu tin cắt ra từ tạp chí; bao nhiêu chiếc bút chì ngắn tũn, đã mòn đến nỗi không còn nhét vừa vào cái gọt bút nào nữa. Tất cả những thứ ấy cứ tiếp tục chồng chất lên nhau.
Áo thun cũng là một thành viên trong số này, và chúng cũng xếp đống ở đó một cách rất tự nhiên. Chúng rẻ, và vì vậy bất cứ khi nào nhìn thấy một chiếc áo bắt mắt, tôi sẽ mua luôn. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới gửi tặng tôi những chiếc áo thun mới lạ, tôi được tặng áo thun kỷ niệm mỗi lần tham dự chạy marathon và khi đi du lịch, tôi thường chọn mua thêm vài chiếc thay vì mang theo quần áo dự phòng. Đó là lý do tại sao số lượng áo thun trong đời tôi đã tăng vọt, đến mức không còn chỗ trong tủ đồ mà để nữa, và tôi phải cất đống áo tràn lan đó vào những hộp các-tông rồi xếp chồng lên nhau.
Bất cứ khi nào đến Hoa Kỳ, sau khi rời khỏi sân bay và ổn định chỗ ở trong thành phố, tôi luôn muốn ra ngoài ăn một chiếc hamburger. Đó là một nỗi thôi thúc tự nhiên, nhưng các bạn cũng có thể xem nó như một kiểu nghi thức đặc biệt của tôi. Một trong hai là được rồi.
Lý tưởng nhất là, tôi đi đến một tiệm bánh hamburger tầm lúc một giờ rưỡi, sau khi đám đông đến ăn trưa đã rời đi, tôi ngồi xuống quầy, gọi một ly Coors Light rót từ vòi và một chiếc bánh kẹp phô mai. Tôi thích miếng thịt vừa chín tới, và tôi luôn chọn hành sống, cà chua, xà lách và dưa chuột muối. Thêm một suất khoai tây chiên cùng một phần bắp cải trộn. Bạn đồng hành quan trọng của tất cả những món này là mù tạt (nhất định phải là loại Dijon) và sốt cà chua Heinz. Tôi ngồi đó, lặng lẽ nhấm nháp ly Coors Light của mình, lắng nghe tiếng nói chuyện của những người xung quanh và tiếng bát đĩa kêu lách cách, chăm chú cảm nhận bầu không khí của vùng đất khác biệt này trong khi chờ chiếc hamburger của mình xuất hiện. Đó cũng là lúc tôi tỉnh ngộ, à vâng, mình đang thực sự ở Mỹ.
Chiếc áo thun này có một thông điệp rất thẳng thắn: "Tôi rưới thêm tương cà lên lớp tương cà" (I put ketchup on my ketchup). Và đó, là tuyên bố của một người vô cùng yêu thích tương cà chua. Nó có đôi chút chọc ghẹo người Mỹ vì họ rưới sốt cà chua lên mọi thứ, nhưng tôi thấy rất thú vị rằng một trong những công ty sản xuất chiếc áo này không ai khác lại chính là Heinz. Tự nói đùa về chính bản thân mình đây mà, nhưng bạn không thể không cảm nhận được tinh thần Mỹ trong đó, sự lạc quan, vui vẻ và chẳng cần nghiền ngẫm sâu xa: "Ai quan tâm đến chuyện thời thượng mỹ miều! Tôi cứ làm những gì mình muốn!".
Khi tôi mặc chiếc áo này đi dạo quanh phố, đôi lúc có người Mỹ gọi to, "Áo hay đấy!". Những người này thường có cái vẻ mặt "Tôi yêu tương cà". Thỉnh thoảng tôi muốn đáp lại rằng "Này, đừng có gom tôi vào chung với các anh chứ!", nhưng thường thì tôi chỉ vui vẻ nói, "Ừ, khá hay, phải không? Ha ha". Kiểu giao tiếp bằng áo thun này làm mọi thứ sống động hơn rất nhiều. Bạn sẽ không bao giờ thấy điều đó xảy ra ở châu Âu. Bởi vì, nhìn chung là người châu Âu hầu như không bao giờ ăn tương cà.
Chiếc áo này là của Cửa hàng Lướt sóng Ventura, ở thành phố Ventura, một thánh địa lướt sóng giàu có gần Santa Barbara. Nghe có vẻ khá hay, nhưng đến đó liệu có thực sự cải thiện cuộc sống của bạn không? Điều ấy thì tôi không dám nói.
Bất cứ khi nào đến Hoa Kỳ tôi cũng uống rất nhiều bia Heineken. Trong những quán bar đông đúc, ồn ào, bạn phải hét lên để gọi món, và tôi phát hiện ra rằng có một thương hiệu mà tôi có thể phát âm tên khá chuẩn, là Heineken.
Để mặc một chiếc áo liên quan đến ô tô thì bạn phải rất dũng cảm. Cũng khó nói khi nào tôi sẽ mặc chiếc áo Shelby Cobra này, nhưng tôi thấy nếu phối nó với chiếc áo khoác của Comme des Garçons thì sẽ rất hợp.
Đây là chiếc áo đến từ tờ tạp chí Anh The Economist. Thông điệp rất phong cách, nhưng nó vẫn chỉ là một chiếc áo thun, và nó khiến tôi băn khoăn không biết phản ứng sao trước một câu châm ngôn bất ngờ, đầy thách thức như vậy.
Khi tôi tham dự Liên hoan Văn học Quốc tế Reykjavík, tôi đã có buổi nói chuyện tại trường đại học này. Tổng dân số của Iceland chỉ là 350.000 người, thế mà đã có 10.000 sinh viên có mặt ở đó. Một tỷ lệ phần trăm khá tuyệt vời.
Tôi mua chiếc áo thun Ramones này ở một cửa hàng đồ cũ có tên là Bookoff tại Kyoto. Nhưng tôi không thể mặc nó ra đường. Khi mà bạn đã hơn 70 tuổi thì có nhiều hạn chế lắm.