Kinh nghiệm trekking cung Nậm Nghiệp - Tà Chì Nhù

21/04/2023

Để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù (2979 m), thông thường nhiều "trekker" sẽ xuất phát từ Trạm Tấu (Yên Bái). Thế nhưng, bạn hoàn toàn có thể lên đỉnh núi cao thứ 7 trong top 10 tại Việt Nam với một lộ trình khác xuất phát từ Nậm Nghiệp (Sơn La).

Trung Hiếu (33 tuổi, Quảng Nam) đã trekking chinh phục 13 đỉnh núi thuộc nhóm cao nhất Việt Nam. Tuy đi qua nhiều cung đường, núi cao nhưng vùng đất Tây Bắc vẫn là nơi chàng nhiếp ảnh tự do "phải lòng" nhiều nhất. Từ năm 2015 đến nay, anh quay lại nơi đây đều đặn 2-3 lần mỗi năm. Tháng 3 vừa qua, Trung Hiếu quyết định đến bản Nậm Nghiệp (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù (2979 m). Chuyến đi này đã đem đến cho anh nhiều kinh nghiệm quý báu.

Trần Trung Hiếu hiện là nhiếp ảnh gia tự do sống tại Hội An, Quảng Nam.

Trần Trung Hiếu hiện là nhiếp ảnh gia tự do sống tại Hội An, Quảng Nam.

Đến Nậm Nghiệp vào thời gian nào sẽ đẹp nhất?

Thời gian lý tưởng để leo Tà Chì Nhù là từ tháng 11 đến tháng 3, đặc biệt thích hợp vào những ngày nắng đông hoặc đầu xuân. Lúc này thời tiết tương đối khô ráo, sẽ hơi lạnh nhưng ít mưa và có thể săn được mây. Thiên đường mây nóc nhà Yên Bái - Tà Chì Nhù sẽ mang đến góc nhìn 360° để bạn có thể ngắm trọn biển mây. Ngoài ra, khi trekking lên Tà Chì Nhù từ Nậm Nghiệp, bạn có thể cân nhắc thời gian khám phá để có cơ hội thưởng thức mùa hoa sơn tra.

Bản Nậm Nghiệp vào khoảng đầu tháng 3 sẽ trắng muốt trong sắc hoa sơn tra (táo mèo). Thời gian hoa nở diễn ra rất nhanh, chỉ loanh quanh hơn nửa tháng. Vì vậy, nếu muốn kết hợp ngắm hoa khi trekking, bạn nên căn đúng thời gian này để chiêm ngưỡng cảnh sắc nổi bật của bản làng Nậm Nghiệp trong sắc hoa táo mèo.

Hoa sơn tra nổi bật trong bản Nậm Nghiệp, đẹp không thua kém gì hoa mơ hoa mận Sơn La.

Hoa sơn tra nổi bật trong bản Nậm Nghiệp, đẹp không thua kém gì hoa mơ hoa mận Sơn La.

Trung Hiếu thông tin thêm, tháng 3 vừa rồi sơn tra ở đây bị mất mùa. Theo kinh nghiệm của người dân sống tại Nậm Nghiệp, thông thường trong hai năm sẽ có một năm được mùa, năm còn lại mất mùa. "Độ phủ của hoa trong năm mất mùa sẽ rơi vào 20 - 30% so với năm được mùa", Hiếu cho biết.

Như vậy, nếu bạn có ý định đến Nậm Nghiệp vào tháng 3 năm sau, cơ hội được đắm mình trong cả một rừng hoa sơn tra rợp trời sẽ rất cao. Bạn nên sắp xếp vào đầu tuần hoặc giữa tuần để cảm nhận được trọn vẹn nhất vẻ đẹp Nậm Nghiệp, vì cuối tuần thường sẽ có rất nhiều người đến đây để trekking.

Cách di chuyển lên bản Nậm Nghiệp

Từ Hà Nội, các bạn có thể lựa chọn xe khách đến Mù Cang Chải. Xe khởi hành vào lúc 9 giờ tối và đến nơi lúc 5 giờ sáng. Bạn có thể dặn với tài xế dừng tại điểm ngã Ba Kim (Thị trấn Mù Cang Chải). Từ đây, bạn có thể di chuyển tới bản bằng cách thuê xe máy hoặc nhờ xe ôm chở vào bản với đoạn đường dài 40km. Giá xe ôm một chiều sẽ dao động trong khoảng 400.000 đồng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Một số nhà xe sẽ nhồi nhét khách vào cuối tuần, nên ngoài việc sắp xếp đến đây vào đầu tuần, bạn cũng nên cân nhắc về dịch vụ vận chuyển tới Mù Cang Chải. Có 3 nhà xe uy tín Trung Hiếu muốn chia sẻ với độc giả: nhà xe Thảo Nguyên, nhà xe Hưng Thành và nhà xe cường Lan.

Khung cảnh làng Nậm Nghiệp. Bạn có thể hình dung được mức độ bụi nếu di chuyển đến đây bằng xe máy qua hình ảnh này.

Khung cảnh làng Nậm Nghiệp. Bạn có thể hình dung được mức độ bụi nếu di chuyển đến đây bằng xe máy qua hình ảnh này.

Cung đường vào bản tương đối dễ đi, có nhiều bạn đi xe máy từ Hà Nội lên tới đây nên bạn không cần phải quá lo ngại. Nhưng lưu ý đường vào bản bụi mù mịt, nên nếu có ý định đi xe máy bạn nên chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, áo khoác, mắt kính để bảo hộ. Nếu đi nhóm đông người, bạn có thể đặt xe hơi di chuyển tới đây để tránh bị "sốc" bởi "bụi bay mù trời".

Trekking từ Nậm Nghiệp lên Tà Chì Nhù

Bạn nên thuê porter (người dẫn đường, cõng hành lý cho khách) để hành trình của mình trở nên an toàn hơn. Dịch vụ này cũng sẽ bao gồm nơi lưu trú (lán trong rừng), bữa ăn tại lán. Thông thường porter sẽ mang theo gạo, thức ăn và một số dụng cụ khác để nấu ăn khi nghỉ ngơi tại lán. Chi phí trọn gói bao gồm hướng dẫn, xách đồ và ăn uống sẽ dao động trong khoảng 1.500.000 đồng.

Du khách trekking lên Tà Chì Nhù có cơ hội đi qua khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp.

Du khách trekking lên Tà Chì Nhù có cơ hội đi qua khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp.

Đường lên Tà Chì Nhù từ Nậm Nghiệp không quá khó. "Nếu so sánh với những cung trekking khác thuộc top khó nhằn thì chinh phục Tà Chì Nhù sẽ ở mức trung bình thấp với những người chuyên nghiệp", Hiếu tiếp tục, "dù leo bất kỳ cung nào, bạn cũng cần chuẩn bị thể lực, sự dẻo dai bền bỉ". Trong chuyến trekking Tà Chì Nhù vừa rồi, Hiếu cũng bắt gặp nhiều người làm văn phòng - không phải dân trekking chuyên nghiệp - vẫn leo núi bình thường. Thêm nữa, nếu thuê porter đi cùng thì bạn cũng không cần phải quá lo lắng. Quan trọng nhất vẫn là rèn luyện thể lực cho chuyến đi.

Thông thường, lộ trình trekking cung này sẽ được thực hiện ngay trong ngày, nhưng vì mong muốn có nhiều thời gian nghỉ ngơi và ngắm nhìn khung cảnh nhiều hơn nên anh đã dành hơn một ngày để trekking Nậm Nghiệp - Tà Chì Nhù khứ hồi.

Trải nghiệm gì tại bản Nậm Nghiệp?

Bạn có thể kết hợp trekking cùng trải nghiệm một ngày cắm trại tại Nậm Nghiệp. Do chưa được chú ý và khai thác quá nhiều, Nậm Nghiệp giờ đây vẫn giữ được quang cảnh nguyên sơ. Trong bản cũng có bán đầy đủ các loại thực phẩm, dụng cụ,...nên không nhất thiết phải mang theo quá nhiều nhu yếu phẩm nếu không có nhu cầu đặc biệt. Tuy nhiên, khi có kế hoạch cắm trại, bạn có thể chuẩn bị thêm các đồ dùng cắm trại chuyên dụng như lều trại, túi ngủ, bếp lửa...

Khung cảnh Trung Hiếu lựa chọn cắm trại.

Khung cảnh Trung Hiếu lựa chọn cắm trại.

Khi qua đêm tại đây, bạn cũng nên lưu ý mình có thể bị đánh thức bất chợt bởi những tiếng chân lạ thường. "Đêm đó, khi mình mới chợp mắt ngủ được một chút thì nghe tiếng bước chân, cảm giác không phải một mà nhiều người đang đến gần. Mình nằm yên bất động, không biết phải làm gì. Lúc đó vừa muốn biết xem ai đang ở bên ngoài, lại vừa muốn nằm yên xem họ sẽ làm gì tiếp theo. Trong đầu đang đặt ra 3 trường hợp - một là dân phòng, hai là người đi rừng, ba là trộm cướp. Chờ tầm 2 phút thì mình quyết định ra khỏi lều xem là ai, thì ra là hai con heo rừng... Bọn chúng kéo tới lục lọi đồ ăn còn sót lại", Hiếu chia sẻ khoảnh khắc đáng nhớ trong đêm cắm trại tại Nậm Nghiệp.

Empty
Trẻ em ở đây rất hồn nhiên, đáng yêu và không chạy theo khách du lịch xin tiền.

Trẻ em ở đây rất hồn nhiên, đáng yêu và không chạy theo khách du lịch xin tiền.

Lần đầu tiên đến với Nậm Nghiệp trong mùa hoa sơn tra, Trung Hiếu không chỉ ấn tượng bởi cảnh đẹp của bản làng trong sắc hoa trắng muốt của loài hoa này. Chàng nhiếp ảnh gia còn yêu thích bản làng thuộc xã Ngọc Chiến khi chứng kiến sự ngây thơ, hiền lành của các trẻ em nơi đây. Khi gặp khách du lịch, các em vẫn chơi đùa với nhau, không có hiện tượng chạy ra xin tiền khách.

Anh cũng lưu ý với những ai có ý định tới đây du lịch không nên cho tiền các em nhỏ, bởi việc này sẽ hình thành thói quen xấu cho các em. Hầu hết các em ở đây đều được đi học, hoàn cảnh gia đình cũng bình thường chứ không quá khó khăn. Nếu yêu thương các em nhỏ và muốn giữ gìn sự đáng yêu của các em, chúng ta chỉ nên cho bánh kẹo. Khi cho tiền, các em sẽ bắt đầu hình thành thói quen lẽo đẽo xòe tay xin tiền du khách, thậm chí ở một số nơi như Hà Giang, Sa Pa, nhiều em nhỏ đã bỏ học để đi ăn xin.

Bi Lê - Nguồn: ảnh Trần Trung Hiếu
RELATED ARTICLES