Hồi năm 2015, trên đường đi du xuân, tôi gặp A Chu ở homestay đang hoàn thiện của gia đình anh. Sau bữa tối ăn chung cùng cả nhà với nhiều món ngon do vợ và cháu gái A Chu nấu, quây quần bên lò sưởi cải tiến, hoà trong tiếng sáo H’Mông mà A Chu thổi một cách du dương đầy lôi cuốn, chúng tôi trao nhau nhiều kinh nghiệm để cùng chung bước trên con đường truyền bá văn hóa tới những du khách sẽ có duyên dừng chân tại gia đình anh.
Bản Hua Tạt nằm uốn mình bên thung lũng ngay giữa đèo Hua Tạt trên Quốc lộ 6 nối lên thành phố Mộc Châu của tỉnh Sơn La với cảnh sắc rất nên thơ.
Ngày đó, Tráng A Chu là một trong những người đầu tiên của bản được đi học đại học. Học xong, về bản, anh trở thành “Hội trưởng Hội độc thân nam” vì những bạn cùng thời đều đã đi bắt vợ hết rồi. Cách đó không xa, Sua - vợ của A Chu sau này, cũng vì theo con chữ mà trở thành “Hội trưởng Hội độc thân nữ”. Chính nhờ con chữ mà hai người quen nhau, tự nguyện kết nên duyên vợ chồng. Nhưng phải đến khi bén duyên với du lịch, những con chữ họ học được mới có dịp phát huy.
Nhờ tư duy nhạy bén và tinh thần học hỏi cao, A Chu sớm thấy được tiềm năng của bản Hua Tạt - nơi đa số đồng bào H’Mông của anh đang sinh sống. Anh trở thành đầu tàu trong việc quảng bá văn hoá, bản sắc của đồng bào mình đến du khách thông qua homestay của gia đình.
Homestay của A Chu làm không phải là nhà H’Mông truyền thống - vốn được xây cất ở tầm thấp để tránh gió giật. A Chu xuống dưới Mai Châu xem người Thái làm du lịch rồi học mẫu nhà người Thái - là nhà sàn cao ráo, thoáng rộng, phù hợp cho du khách, đặc biệt là người nước ngoài. Về lại bản, A Chu bắt tay vào làm homestay, đa năng hơn và độc đáo hơn. Có cả nhà sàn cho khách ngủ tập thể hoặc bungalow/villa cho những khách muốn có không gian riêng tư khi ở lại bản.
A Chu tự tay sắp đá (như cách người H’Mông hay sắp đá làm bờ rào) thành... quầy lễ tân, quầy bar hay lò sưởi. Khu vực phòng tắm được A Chu ốp luồng bằng tre và dùng những tấm vải H’Mông do Sua thêu dệt để làm rèm trang trí, nhìn như những tác phẩm nghệ thuật được bài trí bắt mắt với nhiều hoa văn độc đáo, tạo sự tò mò cho người... đi vệ sinh.
Từ cái mõ trâu hay lưỡi cày, cối giã bắp hay cái nỏ, con dao đều được A Chu sắp đặt trang trí quanh nhà để kết hợp giới thiệu văn hoá, tập quán của người H’Mông tới du khách. Chỉ cần là người tinh ý hoặc thích khám phá, ai cũng có thể biết thêm nhiều điều mới trong thời gian ở lại căn nhà của A Chu. Mỗi lần tôi ghé lên, ở đây đều có cái mới để tôi gọi “hướng dẫn viên” A Chu ra giới thiệu.
Từ dạo gặp nhau lần đầu đã thành quý mến nhau như thế, mỗi năm tôi lại ghé bản Hua Tạt vài dạo. Xuân - hạ - thu - đông, mùa nào tôi cũng từng ở bản. Nhưng A Chu luôn mời tôi lên chơi vào dịp Tết của người H’Mông để thấy được nhiều cái hay hơn nữa. Và thế là tôi cũng đã “ăn” được hai cái Tết cùng người anh em H’Mông kết nghĩa ở bản Hua Tạt.
Cũng như nhiều đồng bào H’Mông ở mọi miền, khi đào bung hoa và mận nở trắng cành ở khắp nương khắp núi, người H’Mông Lềnh bản Hua Tạt ăn Tết, bắt đầu từ ngày 30 tháng 11 Âm lịch.
Nhà nhà dịp này đều xôm tụ, con cháu đi làm ăn xa cũng trở về để đoàn viên, đón Tết cùng nhau. Nay nhà này làm Tết thì mai tới nhà kia, mời nhau qua về trong vòng một tháng, đến Tết Nguyên đán là vừa hết Tết của người H’Mông.
Hôm đó tôi lên cùng vài người bạn, đã thấy nhà A Chu đông người - đều là bà con, hàng xóm, bạn bè cả. Nhiều món ngon được các chị em, các cô, các bà biểu diễn tay nghề như: gà đen luộc, trứng rán ngải cứu, cải mèo chấm trứng vịt luộc dầm nước mắm; đám con trai, đàn ông thì phụ trách khoản nướng gà, quay lợn hay nhũ (lòng phèo nướng)... Mùi đồ ăn thơm phức, bốc lên toả ngào ngạt cả một góc vườn rộng lớn, khiến đám thanh niên H’Mông đang đá banh ở sân vận động nhà bên nhiều pha cũng phải xao nhãng.
Trong lúc mang đồ ăn lên, A Chu giới thiệu tôi với bà con trong bữa tiệc, rồi chúng tôi bắt đầu nâng chén rượu ngô do chính tay mẹ A Chu nấu, cùng nhau mừng Tết. Lúc chếnh choáng hơi men cũng là lúc chương trình âm nhạc bắt đầu.
A Chu ngoài tài múa khèn như đám trai H’Mông cùng lứa, lại còn giỏi thổi sáo hay thổi khèn môi và kết hợp những điệu múa xoè uyển chuyển cùng vợ mình - nàng Sua, làm cho sân khấu biểu diễn ngay trước sân nhà không khác gì một chương trình tạp kỹ chọn lọc đặc sắc. Tụi con nít lĩnh xướng là đám trẻ nhà A Chu - cậu trai Seo Linh và cô con gái bé bỏng Mỵ, cũng góp nhiều tiết mục làm đêm diễn thêm phần rộn ràng.
Đến 10 giờ đêm, mọi người về hết. Đêm Hua Tạt se lạnh, thanh bình, nghe được cả tiếng côn trùng kêu, lâu lâu lại nghe tiếng nước rơi tong tong từ mái nhà xuống.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, nhìn ra sân thấy trời có nắng, tia nắng chiếu lấp lánh qua những giọt sương còn đọng lại trên cánh hoa đào khiến lòng du khách bỗng ngập đầy “xuân”.
Sáng hôm nay, Seo Linh - cậu trai nhà A Chu, dẫn nhóm tôi đi làm giấy truyền thống của người H’Mông. Seo Linh năm nay học lớp 7 nhưng đã có hơn 4 năm đi hướng dẫn dưới sự kèm cặp của bố nên cũng rất hiểu biết và lém lỉnh.
Nhà làm giấy cũng chính là nhà của thầy cúng trong bản - A Của. Gọi là thầy chứ A Của tuổi đời còn rất trẻ, trẻ hơn tôi mấy tuổi. Nhưng như A Chu có giới thiệu qua, vì Giàng “chấm” A Của làm thầy mo từ khi A Của còn là cậu thiếu niên nên dù nhìn trẻ, tay nghề lẫn kinh nghiệm của A Của lại “dày dặn, thâm sâu” lắm.
Nghề làm thầy cúng và làm giấy của A Của đồng thời rất gắn kết với nhau. Giấy của người H’Mông được dùng để treo lên tường giữa nhà, có gắn ít lông gà trống lên đó và trở thành nơi linh thiêng, là bàn thờ để cúng tổ tiên. Hằng năm vào dịp Tết, người H’Mông sẽ thay giấy mới với mong muốn tổ tiên chứng giám lòng thành, phù hộ cho con cháu có một năm mới bình an, mùa màng tươi tốt. Những mảnh giấy cũng được cắt nhỏ ra dán vào các góc, cột nhà, trên những vật dụng trong sinh hoạt, có ý nghĩa như niêm phong, kết thúc năm cũ và chào đón năm mới.
Cả nhóm được A Của giải thích quy trình chọn nguyên liệu, những quy định, nguyên tắc truyền thống mà người làm giấy phải tuân theo khi làm giấy. Và cũng rất chân thật, A Của bộc bạch rằng việc du khách trải nghiệm sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn nghề làm giấy đang ngày mai một của người H’Mông.
Xong xuôi, A Của dắt cả đám ra giữa sân bắt tay vào làm thử. Mấy nhóc trong nhóm rất thích thú khi được tự do sáng tác, trang trí lên thửa giấy. Giấy làm xong phơi nắng, hôm sau thì sẽ khô.
Chiều hôm đó, Seo Linh tiếp tục đưa cả nhóm đi bộ một vòng quanh bản, qua mấy vườn mận, vườn đào rồi rừng tre, mỏm núi đá tai mèo hay qua cả luống cải trắng đầy hoa của dân bản, nhìn rất cuốn hút người đi. Đến khi mặt trời bắt đầu buông xuống trên nương thì cả đám về lại homestay. Mấy chú, mấy anh đã bày sẵn dụng cụ làm bánh dày H’Mông ngay chỗ mà tối qua là sân khấu ca nhạc. Nếp nương được ngâm nước 6-8 tiếng từ trước rồi vào chõ hong chín, sau đó cho vào máng - là nguyên thân cây gỗ được đẽo khoét khéo léo, và dùng chày giã. Hai người cùng giã nhịp nhàng và đều tay cho đến khi xôi nếp nhuyễn ra, dính vào nhau là được. Sau đó, mấy chị lấy nếp đã nhuyễn và ngồi luôn giữa sân, vo bánh to thành từng cục tròn lọt lòng bàn tay, cho vào lá chuối; khi nào ăn thì ép dẹt ra rồi nướng hoặc chiên lên, chấm với mật ong ăn cùng - một phiên bản bánh dày vừa lạ vừa ngon. Buổi tối hôm nay kết thúc sớm, A Chu bảo mọi người tranh thủ đi nghỉ để mai dậy đón bình minh.
4h30 sáng đã nghe tiếng A Chu đi đánh thức mọi người. Ai nấy đều nhanh chóng làm ấm người rồi sẵn sàng lên đường đi chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Hơn 30 phút di chuyển thì cả đoàn đến nơi, trời vẫn còn tờ mờ sáng.
A Chu đi trước dẫn đoàn và chỉ cho mọi người những góc đẹp để đón khoảnh khắc bình minh. Tiếng gà gáy sáng vẫn vang lên từ những ngôi nhà của bà con trong bản gần đó. Tôi bày trà, cà phê pha sẵn từ trước, cùng bánh dày do Sua dậy sớm chiên, giờ vẫn còn nóng. Khung cảnh thật ngoạn mục và đẹp đẽ khi vầng dương nhô lên từ sau rặng núi. Ngay phía trước mặt chỗ chúng tôi đứng là bồng bềnh tầng mây trắng nằm lơ lửng ở thung lũng. Đến khi mặt trời lên cao hơn, nắng toả khắp cả vùng núi và mây cũng tan bớt đi thì cả đoàn trở về lại homestay.
Về đến nơi, người thì tiếp tục uống cà phê, người thì ngồi một góc bên mái hiên cạnh quầy bar đọc sách, người thì chơi cùng mấy chú chó H’Mông trong sân, đám trẻ thì vẫn tíu tít cùng nhau dưới mấy gốc đào, gốc mận ở trong vườn nhà. A Chu cũng tranh thủ chuyện trò về tình hình công việc kinh doanh của gia đình, không quên khoe tôi mấy cái mới đang làm - mà ông anh này lúc nào gặp cũng thấy có cái mới, làm tôi rất quý phục.
A Của xuất hiện, mang theo mấy tấm giấy H’Mông mà hôm qua cả đoàn đã sáng tác, nay đã khô hẳn. Đám nhỏ rất thích thú khi thấy tác phẩm hoàn thiện của mình và cẩn thận gói ghém lại dưới sự hướng dẫn của A Của, sau khi nói cám ơn A Của bằng tiếng H’Mông mà Seo Linh đã dạy trên đường đi bộ chiều hôm qua.
Sua lúc này cũng đã làm xong bữa trưa cho đoàn. Sau mấy ngày gắn bó bên nhau, bữa ăn cuối cùng diễn ra trong không khí rất thân mật, đúng như tiên chỉ mà A Chu luôn trau dồi trong gia đình mình khi bắt đầu mở homestay - đó là mang đến những trải nghiệm sao cho khách du ở rất lâu, chơi rất sâu, về nhung nhớ lâu.
Seo Linh đu cả người lên cánh tay tôi còn Mỵ thì bẽn lẽn cười níu váy mẹ khi cả đoàn chào nhau. Tôi siết chặt tay A Chu, chúc anh nhiều sức khoẻ để tiếp tục sự nghiệp làm du lịch cộng đồng đậm bản sắc của người H’Mông mà Giàng đã khéo “chấm” đúng người.
Và lúc bạn đọc về hành trình này, có lẽ tôi lại sắp sửa đón thêm một mùa xuân sớm ở bản Hua Tạt.