Đã hàng trăm năm kể từ khi kiệt tác hội họa Anh Quốc Ophelia ra đời. Không chỉ cuốn hút người yêu nghệ thuật ở sự tinh xảo hay câu chuyện bi tráng mà nó tái hiện, tác phẩm còn khơi gợi sự hiếu kỳ về người con gái mang vẻ đẹp lộng lẫy và bi thương làm mẫu cho bức tranh. Đó là Elizabeth Siddal, hay gọi được gọi với cái tên gần gũi Lizzie, nàng thơ tóc đỏ xinh đẹp, tài hoa nhưng bạc mệnh của xứ sương mù.
Sinh ra với Tình yêu dành cho thơ ca và hội họa
Sinh năm 1829, Elizabeth Eleanor Siddal (Lizzie) trưởng thành trong một gia đình kinh doanh thuộc tầng lớp lao động. Lizzie biết đọc lẫn viết và nuôi dưỡng niềm đam mê đối với thơ ca - nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, chỉ đến khi gặp gỡ với nhóm họa sĩ Tiền Raphael và trở thành người tình của danh họa Dante Gabriel Rossetti, nàng mới thực sự nghiêm túc theo đuổi con đường nghệ thuật.
Lúc bấy giờ, nước Anh vẫn còn khá cổ hủ trong cách nhìn nhận phụ nữ trong vai trò nghệ sĩ. Họ không được học trong các trường đào tạo chính thống và danh giá về nghệ thuật. Thậm chí, nếu không đến từ những gia đình giàu có, quyền lực hoặc có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, họ còn không có quyền được hưởng một nền giáo dục cơ bản. Chính vì thế, những nghệ sĩ nữ như Lizzie luôn phải đấu tranh để giành được sự công nhận. Các tác phẩm và thành tựu của họ trong nghệ thuật thường xuyên bị lu mờ trước những nghệ sĩ nam cùng thời.
Trong suốt cuộc đời, Lizzie sáng tác tổng cộng 11 tác phẩm tranh sơn dầu, màu nước và khoảng 30 tác phẩm vẽ chì. Phong cách của nàng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi trường phái Tiền Raphael, đặc trưng bởi những chủ đề lãng mạn, sự góc cạnh và chú ý đến từng chi tiết. Mặc dù không gây được nhiều tiếng vang lớn, Lizzie vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hội họa Tiền Raphael nói riêng và nghệ thuật Anh nói chung. Năm 1984, nàng cũng là nghệ sĩ nữ duy nhất thuộc phong trào này có tác phẩm trưng bày tại Tate Britain.
Ngoài hội họa, Lizzie còn có tình yêu dành cho thơ ca. Chủ đề trong các bài thơ của nàng thường xuất phát từ tình yêu đã mất và cái chết, phần nào thể hiện những nỗi niềm riêng tư của một trái tim nhạy cảm giữa cuộc đời đầy biến động.
“Những vần thơ của nàng đơn giản và xúc động như những bản nhạc nhẹ, những bức tranh nàng vẽ mang cả sự chân thực của tinh thần Trung cổ và tính thẩm mỹ của nghệ thuật giai đoạn Tiền Raphael” - nhà phê bình văn học William Gaunt từng chia sẻ.
Nàng Thơ của các họa sĩ
Lizzie là người mẫu cho nhiều họa sĩ thuộc trường phái Tiền Raphael trong thế kỷ 19 tại nước Anh, tiêu biểu là Holman Hunt, Dante Gabriel Rossetti, Deverell... Song, những nghệ sĩ ấy tìm thấy nàng thơ cho các tác phẩm kinh điển của họ một cách tình cờ đến khó tin.
Năm 1849, họa sĩ Walter Deverell được cho là đang đi dạo trong một con hẻm phía sau Quảng trường Leicester, London thì phát hiện ra Lizzie - khi ấy mới 19 tuổi, đang làm việc trong một cửa hàng bán mũ. Kì diệu thay, ông đã thuyết phục được Lizzie ngồi làm mẫu cho bức tranh của mình, The Twelfth Night, trong vai nhân vật Viola.
Trong số các tác phẩm hội hoạ mà Lizzie làm mẫu, kiệt tác đạt được nhiều thành công nhất và đưa tên tuổi của Lizzie đến với công chúng là Ophelia, được họa sĩ John Everett Millais hoàn thành năm 1852.
Tác phẩm tái hiện lại câu chuyện của một người con gái si tình và xinh đẹp mang tên Ophelia trong vở kịch Hamlet của đại văn hào William Shakespeare. Bị dằn vặt bởi nỗi đau về sự ra đi của cha mình dưới tay người tình, nàng đi lang thang bên bờ sông rồi vô tình trượt chân ngã xuống dòng nước khi đang hái những nhành hoa dại. Giây phút nàng buông xuôi để mặc cho dòng sông dần nhấn chìm là niềm cảm hứng để Millais tạo nên một tác phẩm tráng lệ, đau thương mà vẫn đầy chất thơ.
Bên cạnh sự nghiên cứu dày công và biến hóa điêu luyện trong nét cọ của Millais, thành công của Ophelia còn có đóng góp to lớn của Lizzie. Với đôi mắt to tròn màu nâu đồng, dáng người mảnh mai, thanh thoát và mái tóc gợn sóng màu đỏ rực thu hút mọi ánh mắt nhìn, Lizzie trở thành hình mẫu lý tưởng cho nàng Ophelia trong truyền thuyết. Không dừng lại ở ngoại hình xinh đẹp, sự hóa thân hoàn hảo này còn thể hiện qua thần thái biểu cảm truyền tải trọn vẹn sự hoang mang, thất thần và u sầu của người con gái trẻ. Có lẽ, chính tính cách trầm lắng, nhạy cảm và cuộc đời nhiều thăng trầm của Lizzie là một phần lý do khiến nàng đồng cảm và nhập vai thành công vào bi kịch của nhân vật.
Ít ai biết rằng, để tái hiện chân thực nhất hình ảnh nàng Ophelia trôi trên dòng nước, Lizzie phải ngâm mình trong bồn tắm lạnh giá suốt nhiều tiếng đồng hồ. Mặc dù đặt nhiều đèn dầu bên cạnh để sưởi ấm, điều này vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vốn đã rất yếu của nàng. Sự thành công của bức tranh là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và sự hy sinh của Lizzie dành cho nghệ thuật.
Mối tình buồn với danh họa Gabriel Rossetti
Lizzie và Rossetti gặp nhau năm nàng 20 tuổi. Những xúc cảm mãnh liệt của tuổi trẻ và tình yêu chung dành cho nghệ thuật đã gắn kết họ và chuyển hóa thành một tình yêu lãng mạn.
Trong suốt 12 năm bên nhau, Rossetti đã thực hiện hơn 60 tác phẩm về nàng thơ của mình. Ông khắc họa Lizzie bằng tất cả sự âu yếm, tôn nên những nét đẹp nổi bật nhất để người con gái ấy tỏa sáng dưới từng nét cọ. Không chỉ vậy, Rossetti còn đóng vai trò là người thầy dẫn dắt Lizzie theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật mà nàng vẫn mơ ước từ thời niên thiếu.
Chứng kiến tình cảm và sự tâm đầu ý hợp giữa đôi uyên ương trẻ, bất cứ ai cũng đều chờ đợi một cái kết viên mãn. Tuy nhiên, tình yêu này lại không nhận được một kết thúc có hậu.
Sức khỏe của Lizzie là thứ kìm hãm nàng cả cuộc đời. Không có ghi chép cụ thể nào về căn bệnh nàng chống chọi, người ta chỉ biết rằng nàng phải sống phụ thuộc vào Laudanum - một loại cồn thuốc phiện dùng để giảm đau và an thần. Mặt khác, gia đình Rossetti cũng kiên quyết phản đối mối quan hệ tình cảm này vì lo ngại về xuất thân, học vấn và tình trạng sức khỏe của nàng. Áp lực từ phía gia đình, sự phai tàn của nhan sắc, sức khỏe và những xung đột trong tình yêu khiến giữa họ dần hình thành những khoảng cách khó lấp đầy.
Trong hoàn cảnh đó, Rossetti tìm đến nhiều người phụ nữ xinh đẹp khác để làm mẫu cho các tác phẩm của mình. Nhiều nguồn tin tiết lộ ông đã nảy sinh tình cảm với vài người trong số họ. Nỗi đau về sự phản bội, sự giằng xé giữa tình yêu và hận thù được Lizzie đưa vào những bài thơ của mình như Dead Love, Love and Hate… Tuy nhiên, sau rất nhiều mâu thuẫn, họ cuối cùng cũng quay về bên nhau vào năm 1857.
Ba năm sau đó, khi nhận thấy sức khỏe của Lizzie ngày càng xuống dốc, Rossetti ngỏ lời cầu hôn nàng. Niềm vui về một tổ ấm mới khiến Lizzie dần bình phục, nhưng hạnh phúc của họ lại chẳng kéo dài. Năm 1862, Rossetti phát hiện vợ mình trong trạng thái hôn mê do dùng thuốc quá liều. Lizzie qua đời vào sáng hôm sau, khi tròn 32 tuổi.
Rossetti đã đặt những bài thơ viết tay của mình vào chiếc quan tài của Lizzie. Ông nói với những người bạn: "Tôi thường viết những bài thơ đó khi Lizzie bị ốm và đang vật lộn, tôi đã chăm sóc cô ấy, và đã đến lúc những bài thơ này đi cùng cô ấy”.
Nhiều năm sau khi nàng qua đời, Rossetti thực hiện bức tranh Beata Beatrix - là bức chân dung vẽ Lizzie nổi tiếng nhất của danh họa. Lấy cảm hứng từ bài thơ La Vita Nuova của Dante viết về sự tiếc thương tình yêu, dường như Rossetti đặt vào đó tất cả niềm đau chưa nguôi ngoai của mình.
___
Đọc kỳ trước tại đây