#MusesInArt: Nàng thơ của Gustav Klimt và một sự nghiệp thời trang đầy ấn tượng

31/03/2022

Từ con mắt của kẻ si tình đến những nét cọ bay bổng của người nghệ sĩ, hàng nghìn năm vẫn vậy, cái đẹp luôn là nguồn cảm hứng bất tận mà những tâm hồn mộng mơ, nhạy cảm tìm kiếm. Trong câu chuyện thứ ba của series #MusesInArt, hãy cùng Travellive tìm hiểu về nàng thơ Emilie Flöge - người có ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách và cuộc đời của danh họa người Áo Gustav Klimt. 

Nhắc đến "nàng thơ", đa phần chúng ta nghĩ ngay đến những người con gái mang vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, khiến trái tim các nghệ sĩ rung động và trở thành động lực để họ sáng tạo ra những tuyệt tác. Tuy nhiên, "xinh đẹp" không phải một miêu tả đầy đủ về nàng thơ Emilie Flöge. Không chỉ khơi dậy nguồn cảm hứng cho Gustav Klimt, bà còn tự xây dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc trong sự nghiệp thời trang và kinh doanh bằng tài năng và cá tính đi trước thời đại.

Làn gió mới của thời trang đầu thế kỉ 20

Sinh năm 1874, tốt nghiệp trường Nghệ thuật Ứng dụng tại Áo, Emilie Flöge nhanh chóng nổi lên với tư cách một nhà thiết kế thời trang cấp tiến và một nữ doanh nhân thành đạt trong xã hội Vienna cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20.

emilie_2 (1)

Lúc bấy giờ, thị trường thời trang tại Áo chia làm hai nhóm: các cửa hàng bán lẻ phục vụ quần áo may sẵn cho đại chúng và các thợ may chuyên may đo quần áo thiết kế cho giới thượng lưu. Không muốn đi theo con đường sản xuất hàng loạt, Emilie cùng hai chị gái của mình - Helene và Pauline - mở một tiệm thời trang chuyên phục vụ tầng lớp giàu có tại Vienna, lấy tên là Schwestern Flöge.

Việc ba người phụ nữ tự vận hành và quản lý một doanh nghiệp không phải điều thường thấy trong xã hội lúc bấy giờ, bởi vậy, cửa hàng sớm nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, điều khiến Schwestern Flöge trở thành điểm đến yêu thích của giới tinh hoa trong xã hội lúc bấy giờ nằm ở những thiết kế vô cùng phá cách và tinh tế, thể hiện rõ tính thẩm mỹ khác biệt của Emilie.

Empty

Lấy cảm hứng từ phong trào nữ quyền thời kì đầu, Emilie hướng đến việc giải phóng phụ nữ khỏi những chiếc áo nịt bó sát và những bộ váy cồng kềnh đã quá quen thuộc trong xã hội lúc bấy giờ. Bà tập trung tạo ra những sản phẩm đề cao sự thoải mái mà vẫn sang trọng với phần ống tay rộng, dáng váy suông và các đường nét trang trí đầy cầu kì và phức tạp. Có thể nói, đây là một bước đi mang tính cách mạng và tiên phong của ngành thời trang vào thời điểm ấy. Đến nay, phong cách thiết kế và những họa tiết mà Emilie Flöge từng sử dụng vẫn trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều thương hiệu thời trang danh tiếng ngày nay, nổi bật là Valentino.

Khi nhắc đến cái tên có vai trò quan trọng trong việc cải cách thời trang, người ta sẽ nghĩ ngay đến Coco Chanel nhờ việc cách mạng hóa trang phục cho phụ nữ hiện đại, phổ biến quần tây, áo vest đến với phái nữ vốn quen thuộc với những thiết kế váy kiểu cũ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Emilie đã bắt đầu quá trình đổi mới thời trang từ bốn năm trước khi Chanel mở cửa hàng đầu tiên tại Paris.

Emilie mặc chiếc váy do chính mình thiết kế

Emilie mặc chiếc váy do chính mình thiết kế

Thiết kế trong Show diễn Thu Đông 2016 của Valentino

Thiết kế của Valentino năm 2016

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Với sự thông minh và nhạy bén, Emilie đảm nhiệm các công việc từ nghiên cứu để tạo ra xu hướng mới, quản lý quá trình sản xuất, làm việc với nhà cung cấp và khách hàng. Bà còn nhiều lần đến Paris để tìm nguồn vải và phụ kiện. Cửa hàng của Emilie ngày một mở rộng, đạt đến con số 80 thợ máy và liên tục nhận được những đơn đặt hàng từ tầng lớp thượng lưu trong xã hội.

Tuy nhiên, khi Phát xít Đức tràn vào nước Áo, rất nhiều khách hàng người Do Thái của Schwestern Flöge phải rời đất nước hoặc bị bắt đến các trại tập trung, cửa hàng bị buộc phải đóng cửa với nhiều tiếc nuối trong lòng những người yêu thời trang.

Mối tình với danh họa Gustav Klimt

Giữa Gustav Klimt và Emilie Flöge là một mối quan hệ đặc biệt, nhận được nhiều sự tò mò và quan tâm của công chúng. Họ gặp nhau vào khoảng năm 1890, khi Emilie 18 tuổi. Lúc đó, chị gái của Emilie kết hôn cùng anh trai của Gustav Klimt. Không lâu sau, người anh trai của Klimt qua đời, ông mới dành nhiều thời gian cho chị em nhà Floge hơn.

Klimt nhanh chóng trở nên thân thiết với Emilie. Họ bên nhau như hình với bóng, thường xuyên gặp gỡ, đi dạo, và đồng hành cùng nhau trên con đường phát triển sự nghiệp.

Tác phẩm Portrait of Emilie Flöge (1902) - hiện được trưng bày tại Bảo tàng Wien, Vienna, Áo

Tác phẩm Portrait of Emilie Flöge (1902) - hiện được trưng bày tại Bảo tàng Wien, Vienna, Áo

Tác phẩm đầu tiên của Klimt vẽ Emilie là Portrait of Emilie Flöge (1902), được vẽ khi bà 28 tuổi. Bức tranh miêu tả một người phụ nữ thanh lịch trong bộ váy dài với những hoa văn trang trí vuông, tròn, xoắn ốc cầu kì, lấp lánh, trên nền xanh lam lẫn tím bí ẩn. Đây cũng chính là bộ váy do Emilie tự thiết kế. Sau khi tác phẩm ra đời, rất nhiều phụ nữ thượng lưu đã tìm đến cửa hàng của bà vì ấn tượng với phong cách thời trang mới lạ này.

Bên cạnh đó, rất nhiều người cũng cho rằng Emilie còn xuất hiện trong bức tranh huyền thoại The Kiss. Tác phẩm miêu tả một cặp đôi đang quấn quít trao nhau nụ hôn trong một khung cảnh rực rỡ và lộng lẫy. Không khó để nhận ra sự tương đồng về hình thức của hai nhân vật này với cặp đôi Klimt và Emilie. Đặc biệt, các họa tiết trên trang phục còn gợi nhắc đến những thiết kế quen thuộc của bà.

Tác phẩm The Kiss (1908) - hiện trưng bày tại Austrian Gallery Belvedere, Áo

Tác phẩm The Kiss (1908) - hiện trưng bày tại Austrian Gallery Belvedere, Áo

Tuy nhiên, tin đồn này đến nay vẫn chẳng thể được kiểm chứng. Trên thực tế, rất nhiều tác phẩm khác của Klimt cũng có hình ảnh những hoa văn thiết kế theo phong cách thường thấy của Emilie. Một vài ví dụ trong số đó là Portrait of Adele Bloch-Bauer I hay The Maiden.

Portrait of Adele Bloch-Bauer I (1907)

Portrait of Adele Bloch-Bauer I (1907)

The Maiden (1913)

The Maiden (1913)

Klimt nhiệt tình ủng hộ phong cách thời trang cách tân mà Emilie theo đuổi. Cùng nhau, họ khám phá các màu sắc và hình khối. Đôi khi, ông còn tham gia vào quá trình thiết kế sản phẩm cho cửa hàng Schwestern Flöge. Nhãn quan hội họa của Klimt cùng với tinh thần tự do, phóng khoáng và phá cách của Emilie tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo giữa thời trang và nghệ thuật.

Về mối quan hệ giữa Klimt và nàng thơ, cả hai người đều không chia sẻ nhiều với công chúng. Có lẽ, sự gần gũi và gắn bó giữa họ trong suốt 27 năm khiến người ta hoài nghi về một tình cảm lãng mạn nảy sinh, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở sự phỏng đoán. Trong khi Gustav Klimt được cho là vô cùng đào hoa và có nhiều nhân tình, Emilie lại rất kín đáo về đời sống tình cảm của mình. Người ta chỉ biết một sự thật rằng cho đến cuối đời, họ đều chưa từng kết hôn.

Vai trò của Emilie trong cuộc sống và sự nghiệp của Gustav Klimt là không thể phủ nhận. Lời cuối cùng mà ông nói trước khi qua đời - "Hãy gọi cho Emilie" đã đủ chứng minh tầm quan trọng của nàng thơ trong cuộc đời người họa sĩ. Ông thậm chí còn để lại quyền thừa hưởng một nửa gia tài cho tri kỉ của mình.

Empty
Empty

____

Đọc kỳ trước tại đây

Hà Thu (Ảnh: Internet)
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES