Từ chiếc mũ quan 22 tỉ đồng đến nỗ lực gìn giữ cổ vật của Việt Nam

30/10/2021

Ngày 28/10, chiếc mũ quan triều Nguyễn được bán đấu giá gần 22 tỉ đồng tại Tây Ban Nha trở thành chủ đề tâm điểm của những người yêu lịch sử và văn hóa Việt. Nhưng đồng thời, sự kiện này cũng làm dấy lên một trăn trở: Còn bao nhiêu cổ vật của Việt Nam không thể trở về với quê nhà?

Chiếc mũ cổ đắt giá nhất của Việt Nam

Sự kiện một chiếc mũ quan văn triều Nguyễn còn nguyên vẹn nhất từ trước tới nay được nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha) mang ra đấu giá đã thu hút sự quan tâm, theo dõi đặc biệt của dư luận trong nước. Điều bất ngờ là chỉ sau hơn ba ngày kể từ khi thông tin được công bố (22-25/10), đã có người đặt 40.000 EUR, gấp 80 lần giá khởi điểm của chiếc mũ (500-600 EUR). Trong phiên đấu giá chính thức vào ngày 28/10, chiếc mũ quan triều Nguyễn đã lập kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" khi được chốt giá gấp một-nghìn-lần, tức 600.000 EUR (gần 16 tỉ đồng). Tính cả các khoản phí, thuế, tổng giá trị của chiếc mũ cổ là hơn 803.000 EUR, tương đương hơn 22 tỷ đồng. Với mức giá này, có thể đây là hiện vật quan phục nhà Nguyễn có mức "gõ búa" cao nhất trong lịch sử đấu giá thế giới.

Chiếc mũ quan triều Nguyễn được chốt giá 600.000 EUR (16 tỉ đồng) ngày 28/10.

Chiếc mũ quan triều Nguyễn được chốt giá 600.000 EUR (16 tỉ đồng) ngày 28/10.

Ảnh: Báo Lao động

Ảnh: Báo Lao động

Ảnh: Báo Lao động

Ảnh: Báo Lao động

Qua các hình ảnh, chiếc mũ quan triều Nguyễn hiện còn nguyên vẹn, đi cùng hộp đựng bằng gỗ được chế tác tinh xảo với kỹ thuật sơn mài và mạ vàng. Tại một số bảo tàng ở Việt Nam cũng từng trưng bày mũ quan triều Nguyễn nhưng gần như chỉ là hiện vật được phục chế. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận định có thể suy đoán rằng chiếc mũ đã được đưa ra nước ngoài từ lâu, hoặc do người Pháp mang đi, hoặc được các viên quan thời Tự Đức biếu tặng trong những chuyến công du.

Ngoài mũ quan triều Nguyễn, hai cổ vật khác của Việt Nam cũng được mang lên sàn đấu giá là một chiếc áo đại triều phục mãng bào tứ linh của nhà Nguyễn và một đôi đài thờ chất liệu gỗ sơn son thếp vàng. Hai cổ vật được chốt giá lần lượt là 35.000 EUR (khoảng 930 triệu đồng) và 1.750 EUR (hơn 46 triệu đồng).

Đứng nhìn những cổ vật không thể hồi hương

Khi theo dõi tin tức từ sự kiện đấu giá này, nhiều tài khoản Facebook cá nhân lẫn các trang về văn hóa-lịch sử Việt đều thể hiện niềm mong mỏi chiếc mũ có cơ hội được trở về Việt Nam, rồi sau đó là sự ngậm ngùi tiếc nuối khi kết quả phiên đấu giá được công bố. Cũng không ít người thắc mắc, tại sao những người làm công tác bảo tồn di tích, văn hóa ở Việt Nam, hay hẹp hơn là ở Huế, không có động thái nào, trong khi rõ ràng đó là cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam?

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm chỉ theo dõi việc này chứ không tham gia đấu giá vì giá... quá cao. Dễ hiểu, với mức đấu giá khủng như vậy, dù có mong muốn cổ vật về lại cố hương, các nhà đấu giá Việt cũng đành phải chấp nhận để cổ vật ở nơi đất khách quê người. Vậy còn Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn toàn đứng ngoài cuộc?

Quan đại thần Nguyễn Trọng Hợp (Hiệp) trong trang phục và chiếc mũ quan triều Nguyễn. Ông Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902) làm quan qua 7 đời vua từ Tự Đức đến Thành Thái. (Ảnh tư liệu)

Quan đại thần Nguyễn Trọng Hợp (Hiệp) trong trang phục và chiếc mũ quan triều Nguyễn. Ông Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902) làm quan qua 7 đời vua từ Tự Đức đến Thành Thái. (Ảnh tư liệu)

Quan đại thần Vi Văn Định khi đội chiếc mũ quan. Ông Vi Văn Định (1880-1975) là người dân tộc Tày, Tổng đốc tỉnh Lạng Sơn, thành viên Hội đồng Cơ Mật và Thuộc địa Bắc Kỳ. (Ảnh tư liệu)

Quan đại thần Vi Văn Định khi đội chiếc mũ quan. Ông Vi Văn Định (1880-1975) là người dân tộc Tày, Tổng đốc tỉnh Lạng Sơn, thành viên Hội đồng Cơ Mật và Thuộc địa Bắc Kỳ. (Ảnh tư liệu)

Trả lời câu hỏi này trong một cuộc phỏng vấn, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá & Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, nguyên là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: "Do luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này". Hiện tại, cơ quan nào phụ trách mảng nào thì theo dõi, phụ trách các vấn đề liên quan đến mảng đó. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là đơn vị được giao quản lý mảng di sản về thời Nguyễn nên mọi vấn đề liên quan đều do Trung tâm phụ trách.

Thêm vào đó, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Thông tin về cổ vật Việt Nam ở nước ngoài còn quá ít, kể cả cổ vật được rao bán trong các cuộc đấu giá. Đồng thời, Việt Nam cũng chưa có chính sách thích hợp để “hồi hương” cổ vật đang lưu lạc ở nước ngoài.

Trước đây, từng có tiền lệ về những bảo vật khác của Việt Nam phải chịu cảnh lưu lạc xứ người, trong đó có chiếc đồng hồ Rolex Reference 6062 từng thuộc sở hữu của vua Bảo Đại được đấu giá tại Thụy Sĩ vào năm 2017, hay bức tranh sơn dầu "Chiều tà" của vua Hàm Nghi được đấu giá ở Pháp cách đây 11 năm...

Bức tranh sơn dầu

Bức tranh sơn dầu "Chiều tà" của vua Hàm Nghi. (Ảnh: Internet)

"kết thúc có hậu" dành cho những di sản việt

Đến ngày 30/10, một thông tin đầy bất ngờ được công bố trên báo Thanh Niên: người đấu thắng chiếc mũ quan văn triều Nguyễn là một doanh nhân người Việt. Cụ thể, người đấu giá mang mã số 5496 “bí ẩn” này là một doanh nhân rất tâm huyết với Huế, nên đã quyết tâm đấu giá cho bằng được chiếc mũ quan giá trị này để mang cổ vật trở lại cho đất nước. “Người đấu giá thành công cổ vật chưa muốn thông tin vì những lý do riêng. Có thể thời gian tới, khi thời điểm thích hợp, chắc chắn họ sẽ công bố một cách trang trọng” - báo Thanh Niên dẫn lời.

Liệu chiếc mũ cổ vật này có thực sự được trở về Việt Nam hay không, chưa ai có thể chắc chắn. Điều rõ ràng nhất chúng ta thấy được ở hiện tại, đó là sự kiện đấu giá này đã tạo được hiệu ứng truyền thông và sự quan tâm của cộng đồng trước vấn đề bảo tồn cổ vật quốc gia. Dư luận dần tăng những câu hỏi, nhận thức và nói lên tiếng nói về vấn đề liên quan đến lịch sử-văn hóa, di sản của đất nước một cách sâu sắc hơn. Từ những quan tâm đó, những người làm công tác bảo tồn di sản, văn hóa càng có thêm lý do để suy nghĩ và hành động, một cách chủ động, vì tương lai của di sản-văn hóa Việt.

Theo thông tin từ TS. Phan Thanh Hải, trong lần sửa đổi tới, Luật Di sản Văn hóa sẽ bắt đầu đưa vấn đề này vào bàn bạc, nghiên cứu. Điều này tiếp tục mở ra hy vọng cho sự “hồi hương” của những cổ vật nước nhà trong tương lai - không phải phó thác vào những cá nhân mạnh thường quân với số tiền không tưởng mà họ bỏ ra, mà từ sự chung sức của cả tập thể, như cách Việt Nam từng nỗ lực mang chiếc xe kéo 108 năm tuổi của Thái hậu Từ Minh (thân mẫu vua Thành Thái) từ Pháp về Huế vào năm 2014.

Huyền Châu
RELATED ARTICLES