9 ngọn núi được chạm khắc trên Cửu đỉnh triều Nguyễn (Phần 2)

29/09/2021

Sau khi lên ngôi và hoàn thiện việc xây dựng Kinh thành còn dang dở của vua cha Gia Long, vua Minh Mạng học theo người xưa, đúc Cửu đỉnh để thể hiện khát khao hùng mạnh của vương triều. Không chỉ mang giá trị kiến trúc hay tính uy quyền, trên mỗi đỉnh của Cửu đỉnh lại được chạm khắc hình ảnh một ngọn núi khác nhau, thể hiện sự trù phú và đa dạng của thiên nhiên nước Việt.

Cửu đỉnh triều Nguyễn được vua Minh Mạng sai chế tạo cuối năm 1835, khánh thành ngày 1/3/1837 và được đặt trước sân Thế Miếu trong Đại Nội của Kinh thành Huế. Mỗi đỉnh có 3 tầng; tầng giữa được coi là trọng tâm giao tiếp nên có hình trời, đất và người. Tổng cộng Cửu đỉnh có tất cả 18 hình được đúc chạm nổi. Trong số đó, còn có hình 9 ngọn núi của đất nước, mang ý nghĩa đặc biệt với vương triều nhà Nguyễn.

Cửu đỉnh đặt trước sân Thế Miếu, Kinh thành Huế

Cửu đỉnh đặt trước sân Thế Miếu, Kinh thành Huế

1. Núi Thiên Tôn (Thanh Hóa): chạm trên Cao đỉnh

Núi còn có tên gọi khác là núi Triệu Tường, nằm ở xã Hà Long, phía Tây Bắc huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Vùng đất này xưa mang tên là Gia Miêu ngoại trang, chính là nơi phát tích của vương triều Nguyễn.

Đây là ngọn núi thiêng liêng đối với vương triều Nguyễn, tương truyền mộ của Triệu tổ Nguyễn Kim được táng ở núi này, và năm 1803 vua Gia Long cho xây lăng Trường Nguyên thờ Triệu tổ Nguyễn Kim dưới chân núi.

Về tên Thiên Tôn, có tài liệu cho rằng năm 1821 (năm Minh Mạng thứ 2) vua Minh Mạng ban dụ “phong thần núi hiệu là Thiên Tôn”. Còn có truyền thuyết khác kể rằng, khi xưa Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất đầu độc chết, được vua Lê truy phong tước Chiêu huân Tĩnh công và được đưa về hậu táng ở núi Triệu Tường. Khi quan tài được đặt xuống huyệt mộ, trời nổi sấm sét mưa gió làm mọi người bỏ chạy xuống núi. Khi trời quang mây tạnh, huyệt mộ đã biến mất, chỉ thấy núi đá và cây cỏ tốt tươi. Từ đó núi được mang tên Thiên Tôn.

2. Núi Ngự Bình (Huế): chạm trên Nhân đỉnh

Ngự Bình sơn trên Nhân đỉnh

Ngự Bình sơn trên Nhân đỉnh

Núi Ngự Bình trước thuộc huyện Hương Thủy, nay thuộc phường An Cựu, thành phố Huế (ảnh: Internet)

Núi Ngự Bình trước thuộc huyện Hương Thủy, nay thuộc phường An Cựu, thành phố Huế (ảnh: Internet)

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Ở phía đông bắc Hương Thủy, nổi vọt lên ở quãng đất bằng như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước Kinh thành Huế, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông”.

Bởi hình dạng và vị trí đặc biệt như vậy, núi Ngự Bình có một vai trò hết sức quan trọng trong phong thủy đối với các vị chúa Nguyễn và vua Gia Long sau này. Ngay từ tháng 7/1687, khi Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Trăn dời phủ từ làng Kim Long sang làng Phú Xuân, đã lấy núi Bằng làm bình phong trước thủ phủ. Sau này vua Gia Long khi quy hoạch xây dựng Kinh thành Huế (1805) cũng dùng núi này làm án (bình phong) của Kinh thành.

Tương truyền, ngay từ thời vua Gia Long, mỗi vị quan đều phải trồng ở núi Ngự Bình một cây thông, bởi vậy sau nhiều đời vua, Ngự Bình đã trở thành một rừng thông xanh ngát. Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình đã tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình và trở thành biểu tượng thiên nhiên của Huế từ lâu đời.

3. Núi Thương (Huế): chạm trên Chương đỉnh

Thương sơn trên Chương đỉnh

Thương sơn trên Chương đỉnh

Núi nằm ở huyện Hương Trà, là ngọn núi cao nhất cố đô Huế, có hình dáng vuốt nhọn lên như một đụn lúa (“thương” có nghĩa là “kho thóc/lúa”), vì vậy núi còn có những tên gọi khác như, Đụn sơn, hòn Đốn. Ngoài ra, núi còn có tên Thiên Dữu hoặc Kim Phụng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thương sơn là một ngọn núi nổi tiếng, được nhiều nhà phong thủy xếp vào hạng núi chủ của cả hệ thống mạch núi xứ Huế. Từ trên đỉnh núi có thể quan sát toàn cảnh thành phố Huế với dòng Hương giang quanh co xanh mướt.

4. Núi Hồng (núi Hồng Lĩnh): chạm trên Anh đỉnh

Hồng sơn trên Anh đỉnh

Hồng sơn trên Anh đỉnh

Dãy núi Hồng Lĩnh nhìn từ xa (ảnh: Internet)

Dãy núi Hồng Lĩnh nhìn từ xa (ảnh: Internet)

Núi Hồng Lĩnh là dãy núi hùng vĩ, nổi tiếng nhất Hà Tĩnh. Cái tên núi Hồng xuất phát từ núi "Chim Hồng", do ngày trước có nhiều chim hồng ở trên đó. Dãy núi này có tới mấy chục ngọn núi từ thấp đến cao tới gần 700 mét. Trong núi cũng có nhiều hang động lớn, như động Đá Hang, động Hàm Rồng,…

Ngoài ra, trên núi còn có nhiều đền chùa, miếu nổi tiếng, trong đó phải kể đến chùa Hương Tích, nằm tại lưng chừng đỉnh Hương Tích, ở độ cao khoảng 650 mét - từng được xếp vào hàng Hoan Châu đệ nhất danh thắng.

5. Núi Tản Viên (Ba Vì): chạm trên Thuần đỉnh

Tản Viên sơn trên Thuần đỉnh

Tản Viên sơn trên Thuần đỉnh

Núi Tản Viên là ngọn núi nổi tiếng nhất của dãy núi Ba Vì - nằm giữa địa phận huyện Ba Vì (Hà Nội) và huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) ngày nay. Trong 3 đỉnh của dãy núi Ba Vì, đỉnh Tản Viên cao 1.227 mét, tuy không phải đỉnh cao nhất (đỉnh Vua cao 1.296 mét và đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131 mét) nhưng là đỉnh núi nổi tiếng nhất.

Tương truyền đây là nơi ngự của Đức Thánh Tản Viên, tức Sơn Tinh, vị thần Núi trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, đồng thời là vị đứng đầu trong bốn vị thánh “tứ bất tử” của dân gian Việt (Thánh Tản Viên, Thánh mẫu Liễu Hạnh, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử).

Tại núi Tản Viên có 3 ngôi đền rất thiêng, tọa lạc ở đỉnh, sườn và chân núi là đền Thượng, Trung, Hạ. Năm 1850, đời vua Tự Đức, Tản Viên được xếp vào hàng danh sơn, hàng năm được triều đình sắm lễ vật cúng tế thần Núi.

6. Núi Duệ (Huế): chạm trên Tuyên đỉnh

Duệ sơn trên Tuyên đỉnh

Duệ sơn trên Tuyên đỉnh

Sách Đại Nam nhất thống chí chép vắn tắt về núi: “Nằm ở phía Nam huyện Hương Trà, hình nhọn và đẹp, phía Đông Nam kề nguồn Tả Trạch. Năm Minh Mạng thứ 17 đúc Cửu đỉnh, khắc tượng vào Tuyên đỉnh. Năm thứ 20 cho đến tế thần núi”.

Núi Duệ cùng với Thương sơn, núi Ngự Bình sơn được xem là những ngọn chủ sơn tụ khí của linh mạch xứ Huế. Trong đó núi Duệ như vị thần canh giữ, đứng trấn trị phía đầu nguồn sông Hương, làm án che chở cho vùng đất tọa lạc Văn Miếu và Võ Miếu.

7. Núi Đại Lãnh: chạm trên Tuyên đỉnh

Đại Lãnh sơn trên Tuyên đỉnh

Đại Lãnh sơn trên Tuyên đỉnh

Hải đăng Đại Lãnh ngày nay (ảnh: Internet)

Hải đăng Đại Lãnh ngày nay (ảnh: Internet)

Núi Đại Lãnh nằm ở giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, là một nhánh từ dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển. Trên mũi đá nhô xa nhất ra biển, từ cuối thế kỷ XIX người Pháp đã xây dựng một ngọn hải đăng, ngoài ra, nơi đây còn là điểm A8 đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam.

Như vậy Tuyên đỉnh được chạm hai ngọn núi, còn Nghị đỉnh đã không được vua Minh Mạng cho chạm khắc ngọn núi nào.

8. Núi Hải Vân (Thừa Thiên-Huế): chạm trên Dụ đỉnh

Hải Vân quan trên Dụ đỉnh

Hải Vân quan trên Dụ đỉnh

Hải Vân Quan, hay còn được mệnh danh là Đệ nhất hùng quan (ảnh: Internet)

Hải Vân Quan, hay còn được mệnh danh là Đệ nhất hùng quan (ảnh: Internet)

Hải Vân Quan được chạm trên Dụ đỉnh mang hình ảnh của dãy núi Hải Vân ở về phía đông nam huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trên đỉnh đèo của núi dãy Hải Vân xây cửa có độ cao hơn 496 mét so với mặt nước biển. Ngạch phía trước đề “Hải Vân Quan”, ngạch phía sau đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (Cửa ải hùng vĩ nhất dưới gầm trời).

Cửa được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826), ban đầu đặt một viên phòng thủ úy, đến năm thứ 17 (1836) thì tăng lên hai viên Phòng thủ úy, mang nhiệm vụ theo dõi, quan sát tình hình ngoài biển xa. Nếu phát hiện thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Hải Vân là chỗ giáp giới giữa tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên. Trước kia, ranh giới ở xứ Thạch Bàn và phía Bắc đèo có khắc chữ vào mốc gỗ, đến khi xây cửa quan trên đèo thì chuẩn định từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về phía Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam”.

9. Núi Hoành: chạm trên Huyền đỉnh

Hoành sơn trên Huyền đỉnh

Hoành sơn trên Huyền đỉnh

Hoành sơn, tức núi Ngang - là dãy núi phân chia ranh giới hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, có con đèo Ngang nổi tiếng trong thi ca. Đây cũng là dãy núi đâm ngang từ phía Tây ra tới tận biển.

Hoành sơn đối với vương triều Nguyễn có một vị trí đặc biệt, bởi khi xưa Chúa Tiên Nguyễn Hoàng còn ở Thăng Long, muốn thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của Trịnh Kiểm, đã bí mật sai người đến hỏi kế Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình chỉ nói: “Hoành sơn nhất đới, vạn đại dung thân” (nghĩa là: một dải Hoành sơn có thể dung thân muôn đời). Nhờ đó, Nguyễn Hoàng mới tìm cách xin được vào trấn thủ Thuận Hóa, xây dựng nền móng vững chắc, mở mang đất nước về phía Nam, tạo ra tiền đề để mở ra vương triều Nguyễn.

Nam Hoa
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES