Mỗi bận trăng lên, Lorraine Coyle lại bước lên năm tầng lầu dẫn tới phòng quan sát trên đỉnh ngọn hải đăng Borden Flats Lighthome - một ngọn hải đăng ngoài cửa sông Taunton và nằm cách bờ biển Massachusetts 457 m. Là một người dân New York và là khách ghé thăm thường xuyên của Borden Flats, khi nói về ngọn hải đăng, Coyle nhắc tới "lá cờ tung bay trong gió, những con mòng biển lượn ngang tầm mắt và âm thanh không thể nhầm lẫn của chiếc loa phát tín hiệu sương mù".
Được xây dựng vào năm 1881, Borden Flats từng chỉ đường dẫn lối cho những chiếc tàu hơi nước muốn tiến vào nhà máy dệt nhộn nhịp trên cảng Fall River. Ngày nay, công trình kiến trúc này đã trở thành một trong 40 khu nghỉ trọ hải đăng ở Hoa Kỳ, là điểm dừng chân đặc biệt cho những khách bộ hành đang kiếm tìm một kỳ nghỉ lạ kỳ, độc đáo và tách biệt, với khung cảnh lịch sử bao quanh.
"Khi phát hiện ra rằng mình hoàn toàn có thể ở trong một ngọn hải đăng, không gì ngăn cản chúng tôi được nữa" - Coyle nói. Cô đã có trải nghiệm nghỉ dưỡng tại bốn ngọn hải đăng, và tuyệt nhiên không phải là người duy nhất thể hiện niềm thích thú về việc đó. Sự phổ biến của loại hình lưu trú này, đặc biệt trong thời điểm giãn cách xã hội vì Covid-19, đã khẳng định một thực tế rằng những nơi như Borden Flats có lẽ đã chẳng còn phòng nào trống nữa.
Nhiều khách sạn hải đăng là thành quả lao động của những người có lòng yêu thích, họ có thể đã mua lại một vài ngọn hải đăng qua các cuộc đấu giá; hoặc là quà tặng miễn phí cho những hội nhóm tư nhân/cộng đồng. Đây là một cách để cứu lấy những ngọn hải đăng vốn bị bỏ bê, xói mòn, phải gánh chịu thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, hoặc trở nên lỗi thời khi những người lính thuỷ chuyển sang sử dụng các phương tiện điều hướng hiện đại hơn.
Nick Korstad, người đã mua lại năm ngọn hải đăng để cải tạo, bao gồm cả Borden Flats, cho biết, "Những buổi hoàng hôn, bình minh và địa thế đặc biệt của các ngọn hải đăng này đều đẹp tuyệt. Nhưng đối với tôi, nét lãng mạn thực sự nằm ở việc gìn giữ lịch sử về bao con người đã dành cả cuộc đời để trông giữ hải đăng, đảm bảo rằng những trang sử ấy sẽ không bao giờ bị lãng quên. Người ta yêu hải đăng, là yêu linh hồn của nó. Ấy là thứ mãi rực sáng trong màn đêm".
Theo cách riêng của mình, Korstard là một trong những người canh giữ hải đăng cuối cùng còn lại cho đến tận ngày nay.
Đèn chỉ dẫn vững vàng trong đêm
Những đường bờ biển luôn được hải đăng chiếu sáng đã từng là lời chào đón mừng du khách và thuỷ thủ đến với đất nước, là dấu hiệu của sự thịnh vượng trong thương mại và kinh doanh. Những người canh gác hải đăng cũng đã từng được lãng mạn hoá vì sự cô độc khổ hạnh của mình, và họ luôn được cho rằng đang đảm nhiệm một trọng trách anh hùng.
Ngọn hải đăng nổi tiếng nhất thế giới cổ đại được xây dựng vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên ở Alexandria, Ai Cập. Đến thế kỷ 19, kỹ sư xây dựng người Scotland Robert Stevenson, ông nội của tiểu thuyết gia Robert Louis Stevenson, đã lập nên những tiêu chuẩn về cấu tạo của hải đăng, bao gồm việc phát minh đèn chỉ dẫn bằng thấu kính hội tụ để tập trung và khuếch đại ánh sáng. Ông cũng là người xây dựng hải đăng Bell Rock vào năm 1810, hiện là ngọn hải đăng ngoài khơi lâu đời nhất trên thế giới. Trong hai thế kỷ tiếp sau đó, ông và gia đình đã xây dựng hơn 90 ngọn hải đăng, rất nhiều trong số chúng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Về những đổi mới kỹ thuật được người đời gọi là huyền thoại của gia tộc, Robert Louis Stevenson từng viết, "Tôi có thể miệt mài sáng tác đến tận năm 1900 mà vẫn không thể phục vụ nhân loại một cách vĩ đại như thế".
Với việc áp dụng thấu kính Fresnel để phóng đại chùm ánh sáng lên đến hàng dặm, hàng nghìn ngọn hải đăng đã mọc lên vào những năm 1800 như những bức tường thành kiên cố luôn rực sáng trong màn đêm, để cảnh báo nguy hiểm cho tàu thuyền và hướng dẫn chúng cập bến an toàn.
Bền bỉ hơn những con sóng thuỷ triều
Một trăm năm trước, ở Hoa Kỳ có tầm 1.000 ngọn hải đăng đang hoạt động. Bây giờ, tất cả chỉ còn lại khoảng 850 chiếc. Sau khi đèn tự động chạy bằng năng lượng mặt trời được phát minh vào giữa thế kỷ 20, các ngọn hải đăng không còn được coi là ưu tiên của đất nước này nữa. Cùng với sự ra đời của GPS, chúng dần trở nên đổ nát vì không còn được sử dụng. Nhà Sử học Hải đăng Jeremy D’Entremont chia sẻ, "Chúng ta sẽ mất một số ngọn hải đăng trong những thập kỷ tới, đặc biệt là những ngọn ở ngoài khơi xa và khách du lịch không thể tiếp cận được. Tầm quan trọng của chúng sẽ tiếp tục suy giảm do sự thay thế của GPS và những thiết bị điện tử khác".
Hiện nay, hầu hết các ngọn hải đăng chỉ được sử dụng như một hình ảnh trực quan phục vụ du khách đi thuyền, và những toà tháp tráng lệ này đang có nguy cơ biết mất mãi mãi.
"Nhiều ngọn hải đăng vẫn còn nguyên kiến trúc gỗ, mái hiên và hệ thống máng nước. Nếu thay thế chúng bằng các lớp nhựa vinyl hoặc PVC dày, chúng sẽ trông thật kệch cỡm và khó chịu, chẳng khác nào một ngón cái đau nhức chìa ra trên bàn tay", Korstad nói. Mỗi năm, anh chi khoảng 100.000 USD (tương đương hơn 2 tỷ VND) để duy trì hoạt động của căn nhà nghỉ Bed & Breakfast 7 phòng ngủ Big Bay Point Lighthouse - khách sạn hải đăng đầu tiên của nước Mỹ (Bed & Breakfast hay gọi tắt và B&B là một loại hình dịch vụ lưu trú chỉ cung cấp cho khách chỗ nghỉ qua đêm kèm theo bữa sáng, thường không bao gồm các bữa ăn khác). Nằm trên một bán đảo sa thạch dài 6,5 km, hải đăng Big Bay Point ngự trị ngay tại viền đất màu xanh lục bảo của hồ Superior, và là một trong số 124 ngọn hải đăng còn sót lại ở Michigan - tiểu bang có nhiều đèn biển nhất trên khắp nước Mỹ.
Nơi có số lượng hải đăng tập trung dày đặc nhất là khu vực dọc theo bờ biển đầy đá của New England, với khoảng 200 ngọn tất cả, trong đó bao gồm một ngọn hải đăng ngoài khơi khác là hải đăng Goose Rocks của tiểu bang Maine. Có khoảng 33 ngọn hải đăng chưa bị di chuyển, ngập nước hoặc bị thay thế bằng các cột đèn cố định nằm trên vịnh Chesapeake, nhưng hiện tại mực nước của nơi này cũng đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu.
Những ngọn hải đăng khác nằm rải rác ở khu vực Florida và bờ biển phía tây lởm chởm đá, ví dụ như nhà nghỉ B&B Heceta Head Lighthouse và hải đăng New Dungeness ở tiểu bang Oregon, nơi du khách có cơ hội nghỉ dưỡng trong Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia trên đỉnh mỏm cát dài nhất Bắc Mỹ. Luật Bảo tồn Hải đăng Lịch sử Quốc gia năm 2000 của Hoa Kỳ đã cho phép chuyển nhượng nhiều ngọn hải đăng vẫn đang hoạt động. Chúng được trao tặng miễn phí từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ đến các thành phố hoặc các tổ chức phi lợi nhuận tại địa phương, thông qua Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ. Nếu vẫn không có đơn vị phù hợp, chúng sẽ được bán đấu giá cho các cá nhân.
Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc bán đấu giá, Tuần duyên Hoa Kỳ có quyền tiếp tục vận hành tất cả các ngọn hải đăng còn đang hoạt động, nhưng lại được miễn trách nhiệm chăm sóc cho những ngọn hải đăng đã bị mục nát. Lực lượng này có thể thu hồi hải đăng đã được chuyển nhượng bất cứ lúc nào, và có một danh sách những yêu cầu bảo tồn mà các nhóm người sở hữu phải tuân thủ.
Bob Trapani, giám sát viên của Tổ chức Cứu trợ Hải đăng Hoa Kỳ (American Lighthouse Foundation), chia sẻ, "Với kinh phí hạn hẹp và hệ quả của nhiều thập kỷ bị lãng quên, cùng với những thay đổi về mực nước và cường độ của biển, nhiều ngọn hải đăng bị sóng vỗ và đứng cheo leo dọc miền duyên hải đã định sẵn là sẽ thất bại trong trận chiến của thời gian".
Nhiều hội nhóm đã hợp tác với nhau để khôi phục những công trình kiến trúc lịch sử này, họ không chỉ vận hành chúng như nhà nghỉ dịch vụ mà còn xây dựng kết hợp với bảo tàng để bù đắp chi phí. Họ đã di chuyển nhiều ngọn hải đăng từ sát mép nước vào bên trong đất liền, ví dụ như hải đăng Cape Hatteras của tiểu bang Bắc Carolina - hải đăng cao nhất nước Mỹ - và hải đăng Gay Head Light của vùng Massachusetts. "Chúng ta đã đi được một chặng đường dài, và cứ mỗi năm, việc bảo tồn hải đăng lại được xúc tiến nhiều hơn" - Jeff Gales, một thành viên của Hiệp hội Hải đăng Hoa Kỳ chia sẻ.
Nhưng đối với một số ngọn hải đăng, sự cứu giúp đã đến quá muộn. Hải đăng Kauhola Point cao 26 m ở Hawaii đã bị phá dỡ vào năm 2009 để ngăn nó bị sóng đánh lật khỏi vách đá và gây thương tích cho người dân. Hải đăng East Point của tiểu bang New Jersey và hải đăng Tillamook Rock của Oregon cũng hầu như không còn có thể bám trụ trên đất liền được nữa. Hàng chục toà đèn biển khác bị bỏ hoang hoặc phá hoại, đang chờ được cạo bỏ lớp sơn chì để chuyển đi nơi khác hoặc sửa chữa lại. Thành phố Chicago cũng đang có ý định trả lại ngọn hải đăng Chicago Harbor cho Chính phủ Liên bang, sau khi nó mục nát suốt 12 năm do kế hoạch biến cải tạo thành một khách sạn cao cấp bị thất bại.
"Thật tuyệt khi ai đó muốn đứng ra nhận lấy những ngọn hải đăng này, nhưng có rất nhiều trường hợp, các tổ chức phi lợi nhuận hoặc chính quyền thành phố nhìn thấy ngọn hải đăng - một món quà được trao tặng miễn phí - và nghĩ rằng đó là con gà đẻ trứng vàng. Sau khi tiến hành nghiên cứu, họ nhận ra đó chỉ là một khối kiến trúc già cỗi không kiếm nổi một đồng, và rồi nó vẫn chỉ nằm yên cô độc ở đó suốt tháng năm" - Korstad nói.
Mặc dù tương lai của những ngọn hải đăng này còn mờ mịt và vô định, nhưng có một điều rõ ràng, rõ như ánh sáng hải đăng trong đêm tối tĩnh mịch trên biển, rằng bạn nên dành ít nhất một hoặc hai đêm trong lòng những chứng nhân lịch sử này, khi vẫn còn có thể.
"Nó kết nối [những người ghé thăm] với quá khứ" - như lời Korstad, "Và đưa họ đến một nơi mà họ chưa từng được đến".