Nhà máy Konouz (có nghĩa là "Kho báu" trong tiếng Ả Rập) của Chính phủ Ai Cập nằm ở Obour, phía đông Thủ đô Cairo. Khuôn viên nhà máy có diện tích rộng 10.000 m2. Tại đây, các nghệ nhân tập trung sản xuất hàng nghìn bản sao cổ vật từ nhiều loại nguyên liệu như thạch cao, gỗ, đá, gốm, vàng...
Thị trường đồ lưu niệm của Ai Cập nhiều năm bị áp đảo bởi hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Chính phủ quốc gia này đang tìm cách đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng tốt của khách du lịch.
Nhà máy Konouz sản xuất đồ nội thất, tượng và tranh vẽ về bốn thời kỳ chính của di sản Ai Cập: Pharaonic, Greco-Roman, Coptic và Islamic. Các bản sao được tạo theo tỉ lệ 1:1 hoặc dạng thu nhỏ, được lưu hành kèm theo chứng chỉ xác thực chính thức do Chính phủ cấp.
Nhà máy được điều hành bởi một vị tướng về hưu. Ông giám sát khoảng 150 công nhân, họa sĩ, thợ sản xuất tủ, nhà điêu khắc và nhà thiết kế.
Vào năm 2015, Bộ Công nghiệp Ai Cập cấm nhập khẩu hàng hóa và sản phẩm có tính chất nghệ thuật phổ biến, bao gồm cả các mô hình cổ vật nước này. Động thái này như một biện pháp bảo vệ ngành thủ công nội địa trước sự cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập giá rẻ.
Cũng trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Du lịch Khaled el-Enani đã hoan nghênh sự phục hồi về số lượng khách du lịch đến Ai Cập. Có khoảng 500.000 khách du lịch mỗi tháng kể từ đầu tháng Tư, cao hơn gấp đôi so với tháng Một và tăng lên đáng kể so với mức trung bình 200.000 khách du lịch mỗi tháng trong năm 2020.