Theo Daily Sabah, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vừa công bố phát hiện về 11 ngọn đồi nhân tạo bí ẩn cao khoảng 15 m, chu vi 300 m đã được tìm thấy quanh di tích Göbeklitepe cổ đại. Bên trong mỗi ngọn đồi là một cụm kiến trúc y hệt Göbeklitepe, tạo nên một chuỗi 12 khu di tích bí ẩn tọa lạc ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Mehmet Ersoy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, 11 ngọn đồi nhân tạo nằm rải rác trên một tuyến đường dài 100 km chạy quanh Göbeklitepe. "Cho đến bây giờ, khu vực này sẽ được gọi là di tích 12 ngọn đồi, thậm chí có thể được gọi là "các kim tự tháp" ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ" - Ersoy cho biết.
Di tích Göbeklitepe được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới năm 2018. Ngôi đền được phát hiện lần đầu vào năm 1963, khi các nhà nghiên cứu từ các trường đại học Istanbul và Chicago đến làm việc tại đây.
Göbeklitepe là cụm kiến trúc bao gồm một di tích cự thạch kỳ vĩ ẩn bên trong ngọn đồi nhân tạo, có niên đại cách đây khoảng 12.000 năm, sớm hơn khoảng 7.000 năm trước khi Kim tự tháp của Ai Cập xuất hiện. Kiến trúc gồm một vòng tròn xếp bằng nhiều trụ đá chữ nhật đá cao đến 6 m, nặng từ 7,7-11 tấn, ở giữa là hai trụ đá lớn nhất, có hình chữ T.
Trên các cột đá chạm khắc hình nhiều loài động vật như cáo, bọ cạp, kền kền và sư tử (những loài động vật định cư ở vùng thung lũng xanh vào thời điểm đó) và các chữ tượng hình bí ẩn.
Mục đích người xưa xây dựng nên Göbeklitepe và 11 "kim tự tháp" còn lại vẫn là bí ẩn. Giả thuyết được đồng thuận nhiều nhất đó là tạo ra một địa điểm hành hương, được những người thờ cúng cổ đại xem như nơi chốn để giao tiếp với các vị thần.