Kengo Kuma - kiến trúc sư người Nhật sở hữu niềm đam mê với những câu chuyện cổ tích Andersen luôn ấp ủ ước vọng hiện thực hóa thế giới nhiệm màu của tuổi thơ. Sau nhiều năm miệt mài làm việc, cuối cùng ông cũng thực hiện được ước mơ của mình: xây dựng nên Bảo tàng Hans Christians Andersen.
Tọa lạc tại thành phố Odense - quê nhà Andersen, bảo tàng rộng 5.000 m2 là nơi tái hiện cuộc sống của vị nhà văn lừng danh cũng như cách ông kể những câu chuyện nhiệm màu. Hai phần ba bảo tàng nằm dưới lòng đất, phía trên là khu vườn được xây dựng như trong các câu chuyện cổ.
Cùng với Kengo Kuma, có hơn 12 nghệ sĩ quốc tế tham gia thiết kế nội thất cho bảo tàng cổ tích. Tác giả Đan Mạch Kum Fupz Aakeson và đồng nghiệp người Mỹ Daniel Handler đã cùng sáng tạo nên những thanh âm độc đáo cho bảo tàng; nhà soạn nhạc Louise Alenius đã tìm cách sử dụng âm nhạc để truyền tải các câu chuyện Chim họa mi, Nữ hoàng tuyết, Chú vịt xấu xí, và Nàng tiên cá.
Nghệ sĩ sắp đặt Veronica Hodges mang đến một tác phẩm bằng giấy lấy cảm hứng từ con chim én trong tác phẩm Cô bé tí hon. Nghệ sĩ người Brazil Henrique Oliveira kết hợp với đạo diễn Timothy David Orme sáng tạo nên một tác phẩm hình cầu thang lấy hình tượng một thân gây lớn, mở đường cho khách du ngoạn vào thế giới cổ tích của Andersen.
Bảo tàng có khu vực dành riêng cho trẻ em, trong đó có một xưởng điêu khắc mang tên “Ville Vau”, nơi trẻ em có thể sáng tạo nên những tác phẩm cổ tích dựa trên sự hướng dẫn của các chuyên gia.
Andersen - người vẽ nên tuổi thơ cho trẻ em
Hans Christian Andersen (2/4/1805 – 4/8/1875) là nhà văn người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích cho thiếu nhi. Ông đã sáng tác khoảng 160 câu chuyện, được xuất bản thành 8 tập từ năm 1835 đến năm 1848, và được dịch ra 120 thứ tiếng.
Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến Cô bé bán diêm, Công chúa hạt đậu, Chú lính chì dũng cảm,...
Nhiều câu chuyện của ông đã được chuyển thể thành kịch, nhạc kịch, thậm chí thành phim hoạt hình như Nàng tiên cá. Những truyện kể thần tiên của Andersen ngày nay đã trở thành một phần của văn học thế giới.
Bên cạnh truyện cổ tích, Andersen còn sáng tác cả thơ, kịch, tiểu thuyết, dẫn chuyện tại các buổi biểu diễn nghệ thuật… tuy nhiên các tác phẩm này không quá nổi danh.
Một lý do các câu chuyện của Andersen được truyền bá rộng rãi là bởi nhà màn đã đến rất nhiều nơi. Đặc biệt, quốc gia ông dành nhiều thời gian để ghét thăm nhất là nước Đức. Chính vì vậy mà ông còn nổi tiếng ở Đức trước khi được vinh danh tại quê nhà Đan Mạch. Thời điểm Andersen qua đời, danh tiếng của ông đã vươn lên tầm quốc tế. Chỉ một thời gian ngắn sau khi ông tạ thế, ngôi nhà nơi ông chào đời đã trở thành điểm đến nổi tiếng đối với những người yêu câu chuyện ông kể.