Bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ
Cố Chủ tịch Samsung - Lee Kun Hee - được biết đến không chỉ như một “người khổng lồ” trong giới doanh nhân, mà còn là một nhà sưu tầm nghệ thuật với bộ sưu tập đồ sộ hơn 23.000 tác phẩm và cổ vật, trong đó nhiều tác phẩm được xem là bảo vật quốc gia theo quy định của Hàn Quốc.
Là người yêu thích nghệ thuật, cố Chủ tịch Lee từng sưu tầm nhiều kiệt tác của các danh họa thế giới như Pissarro, Claude Monet, Salvador Dalí… và nhiều tác phẩm hiện đại khác.
Sau khi ông qua đời vào cuối năm 2020, tại Hàn Quốc đã dấy lên nhiều câu hỏi về số phận của bộ sưu tập khổng lồ này. Con cháu ông Lee phải đóng khoản thuế thừa kế tài sản lên đến 12 tỷ USD, vì vậy nhiều giả thuyết đã được đưa ra như: gia đình này sẽ dùng bộ sưu tập để đóng thay tiền thuế hoặc mang bộ sưu tập đi bán đấu giá và dùng tiền đó để nộp thuế…
Vào cuối tháng 4/2021, những người thừa kế - thông qua công ty Samsung Electronics - chính thức thông báo quyên tặng toàn bộ hơn 23.000 tác phẩm và cổ vật trong bộ sưu tập của cố Chủ tịch Lee cho các bảo tàng tại Hàn Quốc. Theo thông tin từ người đại diện Samsung và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, bộ sưu tập nghệ thuật này được chia làm ba phần.
Phần thứ nhất gồm khoảng 21.600 tác phẩm được giao về Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Hầu hết số này là tác phẩm và cổ vật từ các bậc thầy cổ điển Hàn Quốc, gồm có 14 bảo vật quốc gia, nổi bật có bức Inwangjesaekdo của Jeong Seon; 64 bảo vật khác, trong đó có những bức tranh vô cùng hiếm như bức Bồ Tát đại từ đại bi ngàn tay (Painting of the Bodhisattva of Great Compassion with a Thousand Arms) đã tồn tại từ thời Goryeo (khoảng 918-1392).
Phần thứ hai của bộ sưu tập gồm khoảng 1.400 tác phẩm nghệ thuật hiện đại, được chuyển về Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Quốc gia (MMCA). Trong số này có tác phẩm của các họa sĩ nổi danh thế giới thế kỉ 19, 20 như Monet, Renoir, Pissarro, Dalí, Joan Miró... Số này cũng bao gồm tạo tác của các nghệ sĩ hiện đại nổi tiếng Hàn Quốc như Kim Whanki, Lee Jung-seob và Park Soo-keun.
Phần còn lại với khoảng 200 tác phẩm thuộc về nghệ thuật Hàn Quốc hiện đại, sẽ được giao về các bảo tàng địa phương, nơi có ít nhiều liên quan đến các tác giả như Bảo tàng Nghệ thuật Lee Jung Seob, Bảo tàng Nghệ thuật Daegu hay Bảo tàng Nghệ thuật Jeonnam.
Đây được đánh giá là sự kiện quyên góp lớn nhất từ trước tới nay tại Hàn Quốc, và rất nhiều người chờ đón ngày được chiêm ngưỡng các tác phẩm trong bộ sưu tập này.
Quyết định xây dựng bảo tàng riêng
Sau đó không lâu, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định xây riêng một bảo tàng mới, lấy tên là "Bảo tàng Nghệ thuật Lee Kun Hee" để vinh danh vị cố Chủ tịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và bảo tồn các tác phẩm.
Đầu tháng 7 vừa qua, ông Hwang Hee - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã thông báo về việc thành lập một ủy ban gồm các quan chức Chính phủ và các chuyên gia độc lập để chọn ra một trong hai địa điểm ở Seoul là khu đất ở quận Yongsan (thuộc Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc) và khu đất ở phường Songhyeon, quận Jongno (gần Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Quốc gia) để xây dựng Bảo tàng.
Thông báo này đã khiến nhiều địa phương phản đối, vì họ rất trông đợi vào việc được lựa chọn nơi làm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật này. Họ cho rằng đang có sự chênh lệch rất lớn về cơ sở vật chất, văn hóa giữa Seoul và nhiều thành phố lớn với các địa phương khác.
Nhiều người cũng bày tỏ nghi ngờ về việc liệu có thật sự cần thiết phải xây một bảo tàng mới để trưng bày bộ sưu tập của cố Chủ tịch Samsung, khi mà thân nhân của ông đã căn cứ vào thời gian và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm để bàn giao cho các bảo tàng. Việc trưng bày theo sự phân chia này sẽ tạo ra bối cảnh phù hợp cho các hiện vật hơn so với việc tập trung tất cả tại cùng một nơi, bất chấp tuyến thời gian và bối cảnh của tác phẩm.
Bà Kim Young-na, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật trong ủy ban mới thành lập, cho biết bộ sưu tập này cũng bao gồm hơn 10.000 cuốn sách và tài liệu cần được nghiên cứu, đòi hỏi sự hợp tác của đội ngũ chuyên gia từ nhiều đơn vị khác nhau. Nếu xét thêm về khả năng tiếp cận công chúng, thì việc giữ tất cả bộ sưu tập tại trung tâm thủ đô Seoul là phương án hợp lý nhất.
Theo Bộ trưởng Hwang Hee, Ủy ban đã dựa vào bốn nguyên tắc để xem xét và đưa ra quyết định: thứ nhất là những người quyên góp và nguyện vọng thực sự của họ với bộ sưu tập; thứ hai là cần có một cách tiếp cận sáng tạo để nghiên cứu và trưng bày các tác phẩm có nguồn gốc từ nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau; thứ ba là cần sự hợp tác ăn ý giữa các bảo tàng sẵn có để nghiên cứu và triển lãm các tác phẩm; và thứ tư là phải xét đến hiệu ứng văn hóa du lịch và tên tuổi quốc gia.
Với những lo ngại về việc không tạo ra được bối cảnh trưng bày phù hợp vì bộ sưu tập quá đa dạng, ông Youn Bummo, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Quốc gia, cho rằng việc trưng bày kết hợp sẽ cho thấy rõ triết lý vốn có của nhà sưu tập, đồng thời tạo ra một mô hình mới cho việc nghiên cứu và trưng bày song song các tác phẩm nghệ thuật cổ điển và hiện đại.
Giữa sự quan tâm của công chúng, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc và chi nhánh Seoul của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Quốc gia đã bắt đầu trưng bày các tác phẩm được quyên tặng từ ngày 21/7.
Bộ trưởng Hwang Hee cho biết sẽ cố gắng chốt địa điểm xây dựng cuối cùng trong năm nay. Ông cho biết thêm Bảo tàng dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2027 hoặc 2028 với chi phí khoảng 100 tỷ won (86,8 triệu USD).