Cuộc đời các nàng thơ qua lăng kính điện ảnh

20/10/2021

Thế giới có không ít bộ phim tôn vinh phái đẹp, đặc biệt là những nữ nghệ sĩ, những người mà tên tuổi đã trở nên bất tử trong lịch sử hội họa. Hãy cùng xem các bộ phim tiểu sử về họ, những nàng thơ bước từ khung tranh lên màn bạc.

Camille Claudel (1988)

Camille Claudel là một bộ phim của đạo diễn Bruno Nuytten, kể về cuộc đời của nhà điêu khắc thế kỷ XIX Camille Claudel. Bộ phim dựa trên cuốn sách của Reine-Marie Paris, cháu gái của nhà thơ, nhà văn và nhà ngoại giao Paul Claudel (là em trai Camille). Vai Camille Claudel do một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất nước Pháp đương đại, Isabelle Adjani đảm nhận. Bộ phim đã xuất sắc đoạt 5 giải Cesar trong số 12 đề cử, đại diện cho nước Pháp tranh giải Oscar Phim ngoại ngữ hay nhất và thêm một đề cử Oscar cho Isabelle Adjani.

Empty

Sinh ra và lớn lên tại làng nhỏ Villeneuve-sur-Fère nước Pháp, cô bé Camille sớm phát hiện ra điều kỳ diệu của đất sét. Khi Camille 18 tuổi, nàng bắt đầu theo học một nhà điêu khắc tên tuổi ở Paris. Đó chính là Auguste Rodin. Rodin lúc đó 42 tuổi, đang sống với Rose Beuret và có một người con chỉ kém Camille 2 tuổi. Cuộc gặp gỡ đã cuốn hai nghệ sĩ tài năng vào cơn lốc của cuộc tình vụng trộm mãnh liệt. Bàn tay của Camille in dấu trên rất nhiều tác phẩm của ông trong giai đoạn này. Nàng là học trò tận tụy, là đồng nghiệp tài năng, là người mẫu xinh đẹp lý tưởng, và là người tình say đắm.

Empty
Empty

Dư luận miệt thị mối quan hệ không chính đáng, đàm tiếu về những tác phẩm của nàng, cho rằng đó là sáng tạo của người thầy. Bị mẹ và gia đình khinh rẻ và xa lánh, phải liên tiếp đối diện với người tình cũ của Rodin, mang thai rồi phá thai, Camille trở nên bất ổn. Năm 1893, sau khi quyết định chính thức chia tay người tình, nàng khép mình trong căn nhà cũng là xưởng điêu khắc, còn Rodin phất lên như diều gặp gió với những đơn đặt hàng tầm cỡ thế giới.

Empty

Vào thời gian này, nàng đã khẳng định mình bằng nhiều tác phẩm, được thực hiện với nhiều phiên bản bằng các chất liệu khác nhau: thạch cao, đá hoa, đồng, và nàng cũng không ngần ngại sử dụng chất liệu quý hiếm như cẩm thạch để tạo sự khác biệt với Rodin. Mỗi tác phẩm đều có tính hiện đại, đáng yêu, táo bạo, mạnh mẽ và chân thật, thể hiện một cách tinh tế vẻ đẹp con người, tuổi trẻ, niềm đam mê, sự dâng hiến, nỗi chịu đựng, cuộc đấu tranh và phản kháng vì tình yêu, hạnh phúc. Sự nhạy cảm tinh tế trong nghiên cứu chi tiết, phong cách thể hiện sự giằng xé nội tâm của nàng đã làm xôn xao giới phê bình.

Empty

Tuy xa cách nhưng Rodin vẫn luôn duy trì sự hỗ trợ thiết thực của mình với người tình. Ông kín đáo viết thư cho Bộ Công nghiệp đề nghị xuất vật liệu đá hoa giúp nàng, không ngừng giới thiệu về nàng với các nhà phê bình tên tuổi. Tuy nhiên, giới phê bình ngưỡng mộ các bức tượng bao nhiêu thì nghi ngại trước phong cách của nàng bấy nhiêu bởi ở họ cảm nhận ở đó một người phụ nữ mệt mỏi tới vô vọng muốn thả mình vào nghệ thuật, một phụ nữ lập dị và bất thường. Khi việc tài trợ cũng như các đơn đặt hàng ít dần rồi chấm dứt hẳn, Camille lại oán giận Rodin vì cho rằng ông là người đã gây nên mọi sự không may trong sự nghiệp của mình và cắt đứt mọi liên hệ với ông.

Empty

Những sáng tạo nghệ thuật không làm nàng quên được đau khổ trong tình yêu và bất mãn trong sự nghiệp, nàng đắm chìm trong tuyệt vọng, cô đơn, nghèo túng, bị những ám ảnh, mộng mị, hoang tưởng giày vò, và nàng đã dùng búa tự hủy vô số tác phẩm của mình cũng như tiêu hủy nhiều thư từ khác...

Mẹ của Camille luôn ghét bỏ nàng vì lối sống mà bà cho là phóng đãng và vô đạo đức, người em trai Paul thì ghen tị với thiên tài của chị, người em gái Louise thì muốn loại bỏ chị để chiếm đoạt tài sản thừa kế, họ quyết định đưa nàng vào bệnh viện tâm thần. Dù các bác sĩ cho rằng điều này là không cần thiết, nhưng Camille vẫn bị giam hãm ở đây suốt 30 năm cuối đời, không được ai đoái hoài, cho đến khi qua đời vào năm 1943.

Empty

Có thể nói, Camille là một thiên tài xuất chúng, nàng vốn giàu có, xinh đẹp, kiên định, với một tương lai rực rỡ, đầy hứa hẹn, Rodin đã yêu nàng và Debussy đã ngưỡng mộ nàng, cuộc đời nàng có thể đã xán lạn biết bao! Nhưng nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa, Camille đã sống và đã chết trong bi kịch, không được công nhận tài năng, bị cầm tù trong cô độc, vĩnh viễn không bao giờ thực hiện được khao khát mà nàng thổ lộ giữa cơn tỉnh cơn mê: hạnh phúc biết bao nếu như tôi được trở lại ngôi nhà thân thuộc thời thơ ấu tại Villeneuve!

Gần một thế kỷ trôi qua, đến tận năm 1988, chỉ khi bộ phim về cuộc đời Camille Claudel được phát hành, hơn 70 tác phẩm còn sót lại trong vô số những tác phẩm đã bị chính nàng hủy bỏ mới tìm được vị trí đúng đắn và xứng đáng trong lịch sử nghệ thuật thế giới. Musée Camille Claudel đã được mở cửa vào tháng 3/2017, là một bảo tàng quốc gia của Pháp, nằm ở thị trấn Nogent-sur-Seine, dành riêng cho các tác phẩm của Camille.

Frida (2002)

Năm 2002, bộ phim Frida lấy cảm hứng từ cuộc đời của nữ danh họa người Mexico Frida Kahlo (1907 - 1954) đã trở thành một sự kiện nghệ thuật khi được đề cử 6 giải Oscar và đã được trao 2 giải. Đây là lần đầu tiên gương mặt hội họa huyền thoại và bí ẩn này được thể hiện rất thành công trên màn bạc với diễn xuất tuyệt vời của Salma Hayek.

Empty

Gặp tai nạn xe bus vào năm 17 tuổi, Frida bị thương nặng, gần như gãy nát hết xương trong cơ thể, tưởng chừng không thể qua khỏi. Mặc dù sau đó đã bình phục và đi lại được, nhưng nàng vẫn phải chịu những cơn đau cùng cực cho đến hết đời, và phải trải qua 35 lần phẫu thuật, chủ yếu là mổ cột sống và chân. Trong khoảng thời gian nằm viện, cha nàng đã tạo ra những giá vẽ đặc biệt để giúp con gái có thể nằm vẽ trên giường bệnh.

Empty

Nàng thường vẽ chính mình. Frida Kahlo từng nói: "Tôi vẽ chính mình vì tôi cô đơn. Và vì con người tôi chính là thứ mà tôi thấu hiểu nhất." Cuộc sống của nàng được bao quanh bởi những chiếc gương: trước tủ quần áo, kế bên bàn trang điểm, thậm chí gương còn được treo ở trên tường của chòi nghỉ trong vườn. Đây chính là cách dễ nhất để Frida ngắm nhìn và tự vẽ chính mình.

Frida

Nhưng bộ phim không chỉ đơn giản kể về bản tính kiên cường mạnh mẽ và niềm đam mê hội họa cháy bỏng của Frida, mà còn tái hiện lại một phần tình yêu đầy sóng gió của nàng với người chồng - danh họa Mexico Diego Rivera, hay tình yêu nồng nàn nhưng ngắn ngủi dành cho nhà chính trị người Nga Leon Trotsky... và cả những mối quan hệ đồng giới của nàng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Năm 1929, bất chấp sự phản đối của gia đình, Frida kết hôn với Diego. Hôn nhân của họ sau đó thường xuyên trục trặc, bởi cả hai cùng thất thường, nóng tính, và không chung thủy. Họ ly hôn năm 1939 rồi lại tái hôn năm 1940. Lần kết hôn sau cũng vẫn trục trặc y như lần trước. Những bất hạnh trong hôn nhân, những lần sảy thai và niềm đau đớn vì bị phản bội là chủ đề chính trong các tác phẩm của Frida.

Empty

Frida Kahlo hiện lên trong phim tuyệt đẹp, không chỉ qua các tác phẩm và những mối tình mà còn vì lý tưởng sống của nàng cũng như cách nàng đề cao văn hóa bản địa qua những trang phục của người da đỏ Mexico nàng thường mặc và các đồ trang sức dân dã nàng thường đeo, đã tạo nên một nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế thời trang sau này.

Empty

Cả lối sống có gì đó rất phóng túng, bốc đồng và quyết liệt của nàng đã tỏa sáng rực rỡ từ khung tranh cho đến màn bạc. Frida Kahlo đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng nồng nhiệt và đam mê, trải qua nhiều đau khổ nhưng chưa bao giờ hết khao khát yêusống. Nàng giống như ngọn lửa, giống như pháo hoa, bùng nổ khiến người ta choáng ngợp, rồi lụi tàn, nhưng không hề hối hận.

Big Eyes (2014)

Phim tiểu sử Big Eyes là một dự án “lạ lùng” trong sự nghiệp làm phim của Tim Burton. Phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một trong những họa sĩ thành công nhất của thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Nhưng đó là ai?

Empty

Sau khi chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân tan vỡ, Margaret đã gặp Walter Keane vào khoảng năm 1950. Hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm nhờ có chung niềm đam mê hội họa. Họ dần dần trở nên nổi tiếng với những bức tranh vẽ các em bé với đôi mắt to ma mị, là hình ảnh phản chiếu chính nàng với những bất hạnh tuổi thơ. Tuy nhiên, tài năng của nàng chưa được mọi người chú ý và hầu như không có cơ hội phát triển trong xã hội trọng nam khinh nữ lúc bấy giờ.

Empty

Walter ban đầu thử đưa những bức tranh của vợ trong các chiến dịch quảng cáo phòng triển lãm mỹ thuật mà ông mở ra. Những bức vẽ tưởng như “tầm phào” của Margaret bất ngờ khiến ông chủ phòng tranh nhận được nhiều sự quan tâm và lời hỏi mua tranh.

Margaret luôn ký tên là Keane trên những bức tranh của mình nên Walter dễ dàng bán được tranh với danh nghĩa là tác giả duy nhất mà không hề để lộ cho vợ biết về cú lừa của mình. Walter cũng đã cố gắng học cách vẽ của Margaret nhưng không thể. Margaret bắt đầu phát hiện ra chân tướng sự thật sau 2 năm chung sống nhưng quyết định giữ im lặng vì bà nghĩ rằng, người ta sẽ trả giá cao hơn cho những bức tranh có tác giả là nam giới.

Empty

Đến thập niên 1960, những bức tranh nhái lại tác phẩm của Keane được sản xuất hàng loạt, bày bán khắp mọi nơi. Khi những bức tranh càng lúc càng bán chạy và Walter mở thêm nhiều phòng tranh, Margaret buộc phải miệt mài vẽ tới 16 tiếng một ngày để đáp ứng kịp nhu cầu, trong khi Walter ra ngoài ba hoa khoác lác và tận hưởng thành quả do vợ mình đem lại. Thời gian trôi đi, những đôi mắt trong tranh của Margaret buồn bã u uẩn hơn bởi chúng phản chiếu trạng thái tuyệt vọng của nàng. Dần nhận ra chính cuộc hôn nhân đã đẩy mình đến bờ vực trầm cảm, Margaret ly dị Walter năm 1965.

Empty

Sau đó, Margaret cố gắng giành lại quyền làm chủ những tác phẩm của mình. Đỉnh điểm của cuộc chiến giữa hai người là ở trong phòng xử án năm 1986. Margaret đã lập tức vẽ ngay một bức tranh trước mặt thẩm phán để chứng minh mình là tác giả đích thực đằng sau những bức tranh nổi tiếng. Walter từ chối vẽ, viện cớ rằng ông đang… đau vai. Kết quả, Margaret đã thắng kiện và giành được 4 triệu USD tiền bồi thường. Kể từ đó, Margaret đường hoàng ghi tên vào lịch sử hội họa, và nàng vẫn tiếp tục sáng tác tại San Francisco cho đến ngày nay. Còn Walter Keane không hề vẽ thêm một bức tranh nào nữa, cho đến tận lúc chết. Tên tuổi của ông chìm vào quên lãng, chỉ còn được nhớ tới như một kẻ lừa đảo trơ tráo bị vạch trần.

Empty

Bằng câu chuyện riêng của cuộc đời Margaret, bộ phim đã tái hiện lại những thước đo giá trị và nét văn hoá đặc trưng trong nghệ thuật, thẩm mỹ của những năm 1950. Sự chân thật sống động mà vẫn đậm chất giải trí của Big Eyes đến từ phong cách làm phim uyển chuyển mềm mại cùng phần lời thoại vô cùng thú vị. Các quan điểm riêng về nghệ thuật của nhà làm phim được gài gắm qua những câu thoại châm biếm đầy ý nhị cùng loạt tình tiết trào phúng nhiều ẩn ý. Nhờ vậy, không cần bi kịch hoá cốt truyện, bộ phim vẫn lột tả mạnh mẽ tư tưởng trọng nam khinh nữ, thói quen thưởng thức nghệ thuật theo trào lưu vốn gây nhức nhối những thập niên cũ.

Empty

Có ý kiến cho rằng, đây chính là tác phẩm chân thành và mang tính cá nhân nhất của Tim Burton. Big Eyes nói lên tiếng nói của những nghệ sĩ nữ nói riêng và giới nghệ sĩ nói chung về sự bất công trong lao động cũng như sự khó khăn trong việc bảo vệ thành quả lao động ấy.

Woman in Gold (2015)

Trong Woman in Gold, nữ diễn viên gạo cội người Anh Helen Mirren hóa thân thành Maria Altmann - người phụ nữ gốc Do Thái 87 tuổi còn sống sót sau Thế chiến II. Phim được đặt theo tên bức chân dung Adele Bloch-Bauer, người dì của Maria, do danh họa người Áo Gustav Klimt vẽ năm 1907. Bức tranh đã bị Đức quốc xã đánh cắp từ nhà Bloch-Bauer, chúng tìm cách xóa bỏ gốc gác Do Thái của người mẫu và đổi tên thành Woman in Gold - người phụ nữ dát vàng.

Empty

Đây là 1 trong 5 bức tranh của Gustav Klimt được chính phủ Áo trao trả lại cho bà Maria Altmann vào năm 2005, sau một cuộc chiến pháp lý dai dẳng. Thời điểm đó, bức tranh đang được trưng bày trong Bảo tàng Belvedere, được xem là “Mona Lisa của nước Áo” và là “báu vật quốc gia”...

Empty

Nhân vật chính trong phim, bà Maria, không phải là họa sĩ, cũng không phải là người mẫu, nhưng cuộc đời bà lại gắn bó với những biến động của thời đại và số phận chìm nổi của bức tranh. Cùng với chàng luật sư trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng thừa nhiệt huyết, bà đã chiến đấu để giành lại những bức tranh quý của gia đình. Đối với bà, đó không chỉ là tài sản trị giá hàng trăm triệu USD, mà còn là tình cảm với dì Adele, là những kỷ niệm về một thời yên ấm ở Vienna, là bằng chứng về những tội ác chiến tranh mà bà cũng như bao người Do Thái khác phải chịu đựng. Maria không muốn tất cả những điều ấy sẽ bị thời gian vùi lấp, tên tuổi của dì Adele bị xóa bỏ, chỉ còn là một "người phụ nữ dát vàng", và thế hệ trẻ dần quên đi nạn diệt chủng đã từng xảy ra tại thành phố hoa lệ này. Dù không trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tác bức chân dung Adele, nhưng vụ kiện của bà Maria đã khiến bà trở thành một "nàng thơ", đưa lịch sử đẫm máu phía sau bức tranh ra ánh sáng, và mãi mãi đi vào lịch sử hội họa như một phần ấm áp và đầy nhân bản bên những lá vàng lạnh lẽo.

Empty

Xen giữa những chi tiết hấp dẫn về cuộc chiến pháp lý với chính quyền nước Áo là những ký ức mà Maria muốn chôn vùi bỗng sống dậy về người dì yêu quý Adele, về những năm tháng tuổi thơ yên bình và hạnh phúc trong một gia đình giàu sang ở Vienna, về cuộc hôn nhân với một chàng nghệ sĩ trẻ...

Empty

Tất cả đều sụp đổ tan tành khi Đức quốc xã chiếm đóng nước Áo và cả gia đình của Maria, như hàng triệu người Do Thái khác, phải chịu chung một số phận bi thảm không lối thoát. Qua những thước phim Maria dẫn dắt khán giả đi ngược về quá khứ để chứng kiến lại những thời khắc của lịch sử.

Empty

Chỉ xuất hiện thoáng qua một vài cảnh, nhưng nhân vật Adele Bloch-Bauer cũng để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả với nét xinh đẹp, đài các và phong thái vương giả, cùng những suy nghĩ sâu sắc và dịu dàng của mình. Klimt đã vẽ nàng Adele với yêu thương và trân trọng, Maria đã nhìn bức chân dung Adele với bao hoài niệm buồn vui, và hậu thế sẽ mãi nhìn người phụ nữ dát vàng như một biểu tượng của nghệ thuật và lịch sử châu Âu thế kỷ XX.

The Dazzling Life of Hokusai's Daughter (2017)

Bộ phim phỏng theo cuộc đời nữ họa sĩ trường phái ukiyo-e, Katsushika Ōi. Nàng là con gái thứ 3 của họa sĩ nổi tiếng Katsushika Hokusai. Có lẽ không cần giới thiệu nhiều, ai cũng biết những tác phẩm của Hokusai, vốn được coi như biểu trưng của nghệ thuật và văn hóa Nhật Bản. Ōi thì không nổi tiếng như cha, nhưng ai đã bỏ công tìm hiểu về tranh của Ōi, hẳn đều sẽ không thể phủ nhận rằng nàng cũng rất tài năng.

Empty

Từ còn bé, nàng đã theo cha học vẽ và rất hứng thú với hội họa. Khi trưởng thành, nàng ly dị chồng vài năm sau khi kết hôn, rồi quay về nhà chăm sóc và giúp đỡ cha. Ōi đã hỗ trợ Hokusai trong việc hoàn thiện bộ tranh "36 cảnh núi Phú Sĩ".

Khi Hokusai đã già, không thể múa bút một cách tự do, Ōi trở thành "bút vẽ" của cha và vẽ tranh thay cha. Đó là khi nàng bắt đầu phát triển niềm đam mê mạnh mẽ với các màu sắc và cuối cùng đã tạo được phong cách vẽ tranh của riêng mình. Hokusai đã từng nói rằng, "Mỹ nhân họa mà tôi tự vẽ không thể sánh được với mỹ nhân họa của Ōi." Quả vậy, Ōi vẽ mỹ nhân họa cũng như viết thư pháp rất giỏi.

Empty

Ōi không chỉ thừa hưởng tài năng nghệ thuật của cha mà còn cả tinh thần tự do của ông. Cả hai đều không màng đến của cải vật chất, cũng chẳng bận tâm đến việc trong nhà. Hai cha con thường miệt mài vẽ cả ngày, không nấu ăn mà ra đi chợ gần đó mua thức ăn sẵn. Sau một thời gian, khi thấy nhà cửa bừa bãi, bẩn thỉu đến mức không sống nổi, họ sẽ khăn gói chuyển nhà.

Có lẽ ở thời hiện đại, lối sống của hai cha con Katsushika không bị coi là quá bê bối, mà chỉ đơn giản phong cách phóng túng của nghệ sĩ. Nhưng ở thế kỷ XIX, trong một xã hội phong kiến cổ hủ, trọng nam khinh nữ như Nhật Bản, thì cũng dễ tưởng tượng ra những lời đàm tiếu của thiên hạ về Katsushika Ōi. Nhưng nàng chẳng bận tâm, thế giới của nàng là thế giới của hội họa, dù tình yêu đã khiến nàng thất vọng, dù mọi người - kể cả mẹ nàng - đều không hiểu nàng, thì trong mắt nàng vẫn luôn có ánh dương rạng rỡ đã hướng nàng vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống.

Empty

Nhưng sau khi Hokusai qua đời, cuộc sống của Ōi đột ngột thay đổi. Như thế nào? Không ai biết. Mọi dấu vết của nàng dường như cũng biến mất khỏi thế giới kể từ đó. Nhưng có thể đoán được, với một phụ nữ đã bước vào tuổi trung niên mà chỉ biết cầm bút vẽ, một thân một mình không chỗ dựa trong xã hội phong kiến, thì mọi chuyện chẳng hề dễ dàng. Phim chỉ thuật lại rằng nàng đã chết trong cô độc, một vài năm sau đó. Nhưng có thể nói rằng, dù chỉ khiêm nhường ẩn sau bóng dáng người cha danh giá, Ōi vẫn lưu lại những dấu ấn đặc biệt trong nền hội họa Nhật Bản với tài năng và lối sống vượt khỏi quy chuẩn của thời đại, và tên tuổi nàng sẽ mãi mãi không bị lãng quên.

Hương Thảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES