New York của Martin Scorsese qua các bộ phim

26/09/2020

Martin Scorsese không chỉ tạo ra một bức tranh hoài cổ về thành phố quê hương của mình; ông đã sử dụng New York như một tấm gương phản chiếu cuộc đời từng nhân vật chính.

Rất nhiều nhà làm phim đã chọn New York làm bối cảnh cho câu chuyện hoặc địa điểm quay phim, nhưng có lẽ chỉ hai đạo diễn đã bắt trọn được trái tim và tinh thần độc đáo của thành phố này trong các tác phẩm của mình: Woody Allen và Martin Scorsese.

Martin Scorsese sinh ra ở khu Queens, New York. Ông đã đi học trường điện ảnh ở New York. Quá nửa số phim của ông diễn ra ở New York. Có thể nói rằng thành phố này đã nuôi dưỡng ông trở thành một nghệ sĩ, và trong gần 60 năm qua, vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng mãnh liệt xuyên suốt trong các tác phẩm của ông.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Khu SoHo về đêm hiện ra đầy ấn tượng trong After Hours (1985)

Khu SoHo về đêm hiện ra đầy ấn tượng trong After Hours (1985)

Goodfellas (1990)

Goodfellas (1990)

Raging Bull (1980)

Raging Bull (1980)

Nếu bạn đã từng xem một bộ phim của Scorsese, thì chắc chắn bạn không thể cưỡng lại những cảm xúc khác thường về một New York đa dạng và đầy biến động trên màn bạc. Thành phố này là bối cảnh trong phần lớn các bộ phim của ông, đến mức trở thành một "nhân vật" không thể thiếu trong mỗi cốt truyện, dù đó là những nghịch lý đầy hài hước trong After Hours, cuộc chiến băng đảng trong Goodfellas, hay xã hội thượng lưu đầy phù phiếm trong The Age of Innocence.

Empty
Empty
New York là bối cảnh phồn hoa của câu chuyện tình trong The Age of Innocence (1993)

New York là bối cảnh phồn hoa của câu chuyện tình trong The Age of Innocence (1993)

Nhưng có lẽ bộ phim đậm chất New York nhất, theo nhận xét của chính Scorsese là Gangs of New York: “Có thể nói, bộ phim này là nền tảng cho các bộ phim khác của tôi. Khi ấy nước Mỹ mới được sinh ra. Và nó được sinh ra ở thành phố New York.” Một New York của thế kỷ XIX, cũ kỹ và xập xệ qua con mắt của Bill Đồ Tể và đầy hoài bão qua con mắt của Amsterdam Vallon, hay một New York ngập tràn nỗi niềm hoài cổ của Martin Scorsese như đạo diễn lừng danh từng chia sẻ: “Nếu tôi tiếp tục làm phim về New York, có lẽ chúng sẽ lấy bối cảnh quá khứ. New York “mới” thì tôi không biết nhiều. Tôi không phản đối những bộ phim đương đại. Nhìn chung, tôi vẫn yêu New York "mới", nhưng tôi thấy màu sắc của thành phố, của Quảng trường Thời đại hiện nay quá choáng ngợp. Tôi cho rằng mình đã mắc kẹt trong một quá khứ xa xôi."

gangsofnewyork032
Empty
Gangs of New York (2002)

Gangs of New York (2002)

Đối với Scorsese, New York không bao giờ chỉ là phông nền. Đó là sân khấu cuộc đời, là bối cảnh và là động lực thúc đẩy nhân vật chính hành động. Đó là một cơ hội, nơi họ tận dụng những sơ hở vô biên của thành phố để đạt được mong muốn của mình. Mỗi mong muốn này dẫn đến những con đường khác nhau trong thành phố. Như trong Taxi Driver, khi Travis Bickle dần mất nhận thức với thực tại, anh ta phản chiếu chứng hoang tưởng của mình ra thế giới bên ngoài. New York trong con mắt đầy thù địch anh ta là một thành phố bẩn thỉu như cống rãnh, ngập tràn rác rưởi, ngập tràn tội lỗi trong bầu không khí u uất nhuốm màu kinh dị như trong ác mộng, là nơi con quỷ bên trong nhân vật chính được tháo cũi sổ lồng. Dưới ánh đèn neon nhập nhoạng, người xem dõi theo chiếc taxi màu vàng lạc lõng cô đơn của Travis Bickle lướt đi trên từng con phố, chứng kiến sự suy đồi của thành phố không bao giờ ngủ.

Empty
Empty
Taxi Driver (1976)

Taxi Driver (1976)

Ngược lại, New York trong Mean Streets sôi nổi và sống động với những khung cảnh ngập tràn ánh sáng và năng lượng. Với những khán giả không được tiếp xúc nhiều với thế giới tội phạm ở New York, Mean Streets mở ra một thế giới mất kiểm soát của các băng đảng xã hội đen với những sảnh hồ bơi, nhà hàng, quán bar và câu lạc bộ tỏa ánh sáng đầy mị hoặc, lôi kéo người ta trượt dài trong tội lỗi. New York như một chất lỏng mang hình dạng của bộ phim chứa nó, hiện lên như sự ám ảnh danh vọng của diễn viên hài Rupert Pumpkin trong The King of Comedy, như sự báo thù của gã hoang đàng Amsterdam Vallon trong Gangs of New York, như vòng xoáy bạo lực đầy man dại của Jake La Motta trong Raging Bull, hay lòng tham không đáy của tay môi giới chứng khoán Jordan Belfort trong The Wolf of Wall Street... New York là sợi dây xuyên suốt, kết nối từng nhân vật chính với câu chuyện cuộc đời họ. Qua mỗi bộ phim, người xem như thể được nhìn thành phố qua một khung cửa sổ khác nhau, hết thảy đều chân thực và sống động.

The King of Comedy (1982)

The King of Comedy (1982)

Mean Streets (1973)

Mean Streets (1973)

Những tòa nhà chọc trời ở New York là biểu tượng của tiền tài và danh vọng trong The Wolf of Wall Street (2013)

Những tòa nhà chọc trời ở New York là biểu tượng của tiền tài và danh vọng trong The Wolf of Wall Street (2013)

Martin Scorsese không chỉ đơn thuần tạo ra một bức tranh hoài cổ về thành phố quê hương của mình; ông đã sử dụng New York như một tấm gương phản chiếu cuộc đời từng nhân vật chính. Bởi vậy, đối với người dân New York hay những du khách đã đem lòng yêu thành phố này, những bộ phim của Scorsese như là những bức thư tình vượt thời gian, tràn ngập những cảm xúc và hoài niệm về một trong những thành phố lâu đời nhất nước Mỹ.

Hương Thảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES