Mai Huế dân dã mà vương giả

25/02/2015

Tết đến xuân về, mai vàng nở rộ trong các nhà vườn phủ đệ, Kim Long hoặc trong vườn chùa. Mai giống như sức sống của đất trời và con người xứ Huế, và hơn thế, còn đi vào tâm thức linh thiêng của người dân đất thần kinh.

Bài và ảnh : Nguyễn Văn Tưởng

Mai không chỉ để trang trí sắc màu trong những ngày Tết cổ truyền mà còn biểu tượng phúc lộc trong năm. Năm cánh hoa mai là hình ảnh năm vị thần may mắn, của ngũ phúc. Mai cũng được xem như biểu tượng của sự trường thọ. Theo quan niệm dân gian, năm nào những cánh hoa mai nở đều đặn, sắc vàng tươi là năm đó gia chủ phúc lộc mỹ mãn. Ngược lại hoa héo, rụng, cánh hoa bé quăn thì gia chủ sẽ gặp khó khăn vất vả. 

Năm cánh hoa mai là hình ảnh năm vị thần may mắn, của ngũ phúc. Mai cũng được xem như biểu tượng của sự trường thọ.

 

Đi từ dân gian đến các loại hình nghệ thuật Huế xưa nay, hoa mai luôn là đề tài quen thuộc, được tôn vinh lên hàng vương giả. Với triều Nguyễn ở Huế, hoa mai biểu tượng mùa xuân, là hình ảnh buổi bình minh của triều đại, của dòng họ, của cảnh thái bình thịnh trị. Vì thế, hình ảnh hoa mai xuất hiện rất nhiều trên các đền đài, cung điện và cổ vật xứ Huế.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đứng về mặt tạo hình, những hình ảnh biểu tượng hoa mai xuất hiện trên nhiều chất liệu với nhiều thủ pháp khác nhau. Khác với Trung Hoa, ở Huế mai đứng đầu trong bộ tứ thời (mai - liên - cúc - trúc). Trong đó, mai biểu tượng cho mùa xuân; liên (sen) - mùa hạ; cúc - mùa thu và trúc - mùa đông. Mai cũng đứng đầu bộ tứ quý (mai - lan - cúc - trúc). Bên cạnh đó, hoa mai gắn liền với  các đồ án tạo hình: mai thọ (mai và chữ thọ), mai hạc (mai và chim hạc), mai điểu (mai và chim), mai thạch (mai và đá)… Chúng đều mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp như trường thọ, hạnh phúc, quân tử, thanh bạch. 

 

 

 

Ở điện Thái Hòa, hoa mai xuất hiện ở bờ quyết chính điện trong đồ án mai điểu đắp bằng vữa. Hoa mai hiện diện trên bờ nóc Thế Tổ Miếu trong đồ án tứ thời vẽ bằng bột màu và được thể hiện bằng sành sứ ghép mảnh đồ án liên chi hoa ở mặt ngoài phần móng tòa miếu thờ lớn nhất cố đô. Ở cung Diên Thọ, hoa mai có mặt trên bình phong phía trước chính điện với đồ án mai thạch và với đồ án tứ quý ở trên cổ diêm của cung Diên Thọ chính điện bằng thủ pháp đắp vữa kết hợp vẽ màu hay ở Long An điện (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế). Đây là một ngôi điện còn khá nguyên ven, được xây dựng thời vua Thiệu Trị và cũng là một cổ vật tuyệt tác, được đánh giá là một cung điện đẹp nhất của Kinh Thành Huế xưa. 

 

 

Ngoài ra, hoa mai có trong các ô hộc trang trí trên Hiển Nhân Môn và Trường An Môn bằng nghệ thuật khảm sành sứ và thủy tinh màu thông qua các đồ án mai thọ và mai điểu. 

Hiện Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế lưu giữ hàng ngàn cổ vật triều Nguyễn bằng nhiều chất liệu khác nhau với motif trang trí đa dạng và phong phú. Trong đó, các đồ án: mai hạc, mai thọ, mai - lan - cúc - trúc… xuất hiện phổ biến trên đồ pháp lam, đồ đồng, đồ sứ ký kiểu, đồ gỗ, đồ bạc. Đặc biệt, ở đây còn hiện diện bộ Kim chi ngọc diệp (Cành vàng lá ngọc), thân được làm bằng gỗ thếp vàng, hoa làm bằng thủy tinh đá trắng, lá bằng ngọc màu xanh nhạt, chưng trong chậu pháp lam. Xung quanh gốc mai có thêm các loại thảo mộc khác gồm lan, cúc và trúc tạo thành bộ tứ quý nhưng chủ thể thẩm mỹ của tổ hợp này vẫn là cây mai.

Đặc biệt, ở đây còn có đĩa trà làm bằng sứ men lam, có vẽ chim hạc đứng bên gốc mai già và hai câu thơ Nôm mà người ta cho rằng đó là vật ký kiểu của Nguyễn Du trong chuyến đi sứ sang Thanh triều: “Nghêu ngao vui thú yên hà / Mai là bạn cũ hạc, là người quen».

Không chỉ biểu tượng cho cốt cách thanh tao, mai còn được thể hiện đặc sắc trong nghệ thuật trang trí cung điện, lăng tẩm, đình, miếu và bảo vật… tạo nên một thế giới sắc màu rực rỡ đầy đủ thú vật, cỏ cây, hoa lá.

 

Không chỉ biểu tượng cho cốt cách thanh tao, mai còn được thể hiện đặc sắc trong nghệ thuật trang trí cung điện, lăng tẩm, đình, miếu và bảo vật… tạo nên một thế giới sắc màu rực rỡ đầy đủ thú vật, cỏ cây, hoa lá.

RELATED ARTICLES