Ở một vùng đất phèn mênh mông cỏ bàng xanh mướt, cuộc sống của người dân Long An (nay là Tây Ninh) gắn bó chặt chẽ với loài cỏ dại mà nơi đây họ trân quý như vàng. Từ lúc trời còn tờ mờ sáng, tiếng cười nói râm ran đã vang lên giữa ruộng đồng. Những đôi tay thoăn thoắt cắt cỏ, những bó cỏ bàng được buộc lại gọn ghẽ, gánh lững thững trở về khi mặt trời đã đứng bóng... tất cả tạo nên nét chấm phá về nhịp sống bền bỉ và đầy sức sống của miền quê Nam Bộ.

Cánh đồng cỏ bàng nhìn từ trên cao – một bức tranh lao động mộc mạc của vùng quê Long An
Từ góc nhìn trên cao qua ống kính của Nguyễn Hải Triều – nhiếp ảnh gia trẻ sinh năm 2000 đến từ Tây Ninh, mùa thu hoạch cỏ bàng hiện lên như một bức tranh sinh động. Màu xanh miên man của cỏ, điểm xuyết bóng người lao động cần mẫn, đã tạo nên hình ảnh đẹp đẽ mà dung dị.
Chia sẻ với Travellive, Hải Triều cho biết: "Dù là người lạ đến từ xa, nhưng khi cầm máy ghi lại khoảnh khắc này, tôi luôn cảm nhận được sự thân tình, gần gũi. Nơi những người cô, người chú dù vất vả giữa cái nắng trưa vẫn luôn nở nụ cười trên môi. Các cô hay hỏi: Cô làm vậy, con chụp có đẹp không? Những câu nói mộc mạc nhưng thực sự khiến tôi xúc động. Chính sự chân chất, lạc quan ấy đã tạo nên vẻ đẹp rất riêng cho vùng đất này và là điều tôi mong muốn lưu giữ lại qua từng bức ảnh".

Những bóng người giữa đồng xanh như nét chấm phá sinh động giữa thiên nhiên phèn mặn



Mùa nước nổi, cỏ bàng vươn mình xanh mướt, người dân lại rộn ràng bước vào vụ thu hoạch
Người dân nơi đây thường thu hoạch cỏ bàng vào mùa nước nổi, thời điểm cây phát triển mạnh nhất. Cỏ bàng hay còn gọi là cói bàng, có thân hình ống, mọc tự nhiên trên vùng đất nhiễm phèn, khi trưởng thành có thể cao gần 2 m. Tùy địa hình, người dân sẽ giũ cỏ ngay tại ruộng hoặc đưa lên bờ bằng xuồng để xử lý. Sau khi thu hoạch, cỏ được phân loại theo chiều cao và chất lượng, rồi bán cho thương lái vận chuyển về các làng nghề thủ công.
Cỏ bàng không chỉ là kế sinh nhai, mà còn như “sợi chỉ xanh” gắn kết con người với đất đai, mùa vụ và ký ức. Trên vùng đất phèn khó canh tác, loài cỏ này đã nuôi sống nhiều thế hệ. Dù tốc độ đô thị hóa lan rộng, những thảm cỏ xanh vẫn bền bỉ phủ lên các vùng đất trũng, như một phần không thể tách rời của miền quê Long An.



Cây cỏ bàng khi trưởng thành cao đến 2 mét, thân ống, hoa nâu – đặc sản của vùng đất phèn
Sau khi được ép dập và phơi khô, cỏ bàng trở thành nguyên liệu thô cho các làng nghề truyền thống chuyên sản xuất thủ công mỹ nghệ hay chiếu, đệm, túi xách, nón bàng... bên cạnh đó nhiều thương hiệu tận dụng để sản xuất ống hút sinh học, một hướng đi bền vững và thân thiện với môi trường. Từ những bó cỏ thô sơ giữa đồng, qua bàn tay người nông dân và nghệ nhân, giá trị mới được sinh ra vừa lưu giữ nghề truyền thống, vừa mở ra cánh cửa xuất khẩu đến thị trường trong nước và quốc tế.

Dù đất phèn chua, cỏ bàng vẫn xanh mướt như một phần hồn quê Long An

Vùng đất trũng tưởng như bạc màu lại là nơi cỏ bàng sinh sôi bền bỉ

Người dân giũ cỏ trên bờ để làm sạch trước khi phơi khô và ép dập

Sau khi giã dập và phơi khô, cỏ bàng trở thành nguyên liệu cho những sản phẩm thủ công xuất khẩu

Không chỉ là kế sinh nhai, cỏ bàng còn là nếp sống, là ký ức miền Tây

Những người nông dân giản dị, lặng lẽ vun trồng màu xanh trên đất phèn bạc màu


